Obama - Putin: Những pha đối đầu ngoạn mục

07:05 | 07/02/2016

530 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thế giới đang bị dẫn dắt bởi hai xu hướng toàn cầu giữa một bên do Mỹ kiểm soát nhằm duy trì quyền bá chủ thế giới mà họ đã giành được sau khi Liên Xô tan rã, với bên kia do Nga dẫn đầu nhằm thiết lập một trật tự thế giới đa cực.

Biểu hiện rõ nhất sự va chạm giữa hai xu hướng này được thể hiện trong cuộc khủng hoảng Ukraine và Syria. Vì thế, trong hai năm vừa qua đã diễn ra không ít những pha đối đầu ngoạn mục giữa Tổng thống Mỹ B.Obama và Tổng thống Nga V.Putin, trong đó ông chủ Nhà Trắng là bên chủ động nhưng rốt cuộc lại bị lâm vào thế khó trước chủ nhân Điện Kremlin.

Obama thất bại trong việc tẩy chay Olympic Mùa Đông Sochi

Nước Nga, đứng đầu là Tổng thống V.Putin, đã đầu tư hơn 50 tỷ USD cho Olympic Mùa Đông năm 2014 với hy vọng thông qua đại hội thể thao này chứng tỏ trước thế giới một nước Nga thân thiện, sẵn sàng hợp tác làm ăn với tất cả các nước trên thế giới. Thế nhưng, Tổng thống Mỹ B.Obama đã “rủ rê” các đồng minh phương Tây tẩy chay sự kiện này. Rốt cuộc, Olympic Mùa Đông năm 2014 ở Sochi được đánh giá là “một trong những kỳ đại hội thể thao thế giới thành công nhất”, trong đó hình ảnh nước Nga được quảng bá rộng rãi và vô cùng ấn tượng.

Thông qua đảo chính ở Ukraine nhằm đẩy Nga ra khỏi Crimea

Một trong những mục đích mà Tổng thống Mỹ B.Obama theo đuổi khi hậu thuẫn cho cuộc khủng hoảng Ukraine và lật đổ Tổng thống Yanukovych thân Nga là đẩy Hải quân Nga ra khỏi căn cứ hải quân trên bán đảo Crimea, bởi căn cứ này có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng đối với Nga. Mất căn cứ này, trước mắt Hải quân Nga mất khả năng kiểm soát Biển Đen, không còn khả năng can dự vào các sự kiện ở Địa Trung Hải, đặc biệt là ở Syria.

obama putin nhung pha doi dau ngoan muc

Thế nhưng, bằng một chiến thuật vô cùng độc đáo, Tổng thống V.Putin đã thu hồi Crimea về với nước Nga ngay trước mũi súng từ các tàu chiến của Mỹ đang hiện diện ở Biển Đen mà không cần bắn một viên đạn, khiến Lầu Năm Góc và Bộ chỉ huy NATO phải sững sờ đến kinh ngạc. 

Phá giá đồng Ruble để làm tan rã nền kinh tế Nga

Tổng thống Mỹ B.Obama đã chỉ đạo các chuyên gia kinh tế Mỹ và các nước đồng minh thực hiện chiến dịch hạ giá dầu và phá giá đồng Ruble, khiến đồng tiền Nga mất giá một cách đột biến, từ đó sẽ làm sụp đổ nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, do hoảng loạn trước đồng Ruble mất giá quá nhanh và kinh tế Nga có thể phá sản, các tập đoàn tài chính ở phương Tây từng sở hữu khối lượng cổ phần rất lớn của các công ty khai thác tài nguyên (dầu mỏ và khí đốt) của Nga đã vội vàng bán thốc bán tháo cổ phiếu của họ do lo ngại bị “trắng tay” một khi kinh tế Nga sụp đổ. Chính vào thời điểm đó, Tổng thống V.Putin ra lệnh cho các ngân hàng Nga bỏ tiền ra mua hết toàn bộ khối lượng cổ phần đó. Như vậy, chỉ cần một “nước cờ”, nhiều công ty năng lượng của Nga đã thu về toàn bộ tài sản của mình mà trước đó nằm trong tay các tập đoàn tài chính của phương Tây, cũng có nghĩa là giành lại quyền kiểm soát tài nguyên thiên thiên của nước Nga từ tay các công ty nước ngoài. Ông Obama đã phải chấp nhận thua cuộc và phải chứng kiến nụ cười “tươi như hoa” của Tổng thống V.Putin trước khi mở đầu cuộc họp báo lớn cuối năm 2015. 

Âm mưu lật đổ Tổng thống Nga V.Putin

Mục tiêu chiến lược hàng đầu mà siêu cường và phương Tây hướng tới khi ủng hộ làn sóng biểu tình trên Quảng trường Maidan để lật đổ Tổng thống Yanucovich là sau đó sẽ thực hiện “kịch bản Maidan” ở Moskva nhằm lật đổ Tổng thống Nga V.Putin. Để thực hiện kịch bản này, một mặt phương Tây vừa tiến hành cuộc chiến tranh thông tin ráo riết chưa từng có nhằm hạ uy tín của ông Putin trước thế giới cũng như trong xã hội Nga, đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội ở Nga, kích động người dân Nga “nổi loạn”, xuống đường biểu tình phản đối chính sách của chính phủ, tiến tới lật đổ Tổng thống V.Putin theo một kịch bản “cách mạng màu” quen thuộc. 

Tuy nhiên, hoàn toàn trái ngược với toan tính đó, uy tín của Tổng thống Nga V.Putin không những không sút giảm, mà lại tăng cao tới mức chưa từng có, trên 80%. Còn tạp chí uy tín nhất thế giới Forbes của Mỹ 3 năm liền bầu chọn chủ nhân Điện Kremlin là người dẫn đầu danh sách những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Ông Obama đành phải “ngậm ngùi” đứng sau ông Putin trong danh sách này. Trong chuyến thăm Nga chính thức ngày 24-12-2015, Thủ tướng Ấn Độ Modi nhận định: “Tổng thống Nga V.Putin có một trong những phẩm chất chủ yếu của nhà lãnh đạo là đức hy sinh vì lợi ích của bạn hữu, tuyệt nhiên không phải là người nghĩ một đằng nói một nẻo”.

Ngăn cản V.Putin tiến hành cuộc chiến chống IS ở Syria

Khi nắm được những dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ Nga sắp phát động chiến dịch chống Tổ chức khủng bố mang tên “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng ở Syria, người phát ngôn Nhà Trắng tuyên bố, hành động đó của Nga là “thách thức nghiêm trọng đối với liên minh chống IS” gồm 60 nước do Mỹ chỉ huy.

Sao lại là thách thức? Tổng thống Mỹ B.Obama đã từng tuyên bố thực hiện “chiến lược chống IS” từ tháng 9-2014 tới nay thì việc Nga chống IS là một tin tốt, cần hoan nghênh, nhưng cớ sao lại là “thách thức”? Nhìn vào kết quả chống IS từ tháng 9-2014 tới giữa năm 2015, IS đã kiểm soát gần 80% lãnh thổ Syria, người ta không khỏi hoài nghi về mục đích đích thực của liên minh này. Có lẽ vì thế, khi biết Nga sắp đánh IS, Washington mới coi đó là “thách thức nghiêm trọng đối với Mỹ”.

Tuy nhiên, ông V.Putin “bỏ ngoài tai” lo ngại của Mỹ và ngày 30-9-2015 đã phát động chiến dịch chống IS ở Syria. Chỉ sau 1 tháng không kích, hiệu quả chống IS của liên quân do Nga dẫn đầu vượt xa hiệu quả chống IS của Mỹ trong hơn năm qua. Thế là, từ chỗ đe dọa ngăn cản Nga, Mỹ chuyển sang “sẵn sàng hợp tác với Nga để chống IS”. Còn chiến dịch chống IS của Nga nhận được sự ủng hộ và hợp tác của Pháp - đồng minh quan trọng của Mỹ. Đồng thời, Chính phủ Iraq và Afghanistan đề nghị Nga tiến hành chiến dịch chống IS trên lãnh thổ của họ. Vai trò và ảnh hưởng của Nga được khẳng định ở Trung Đông.

Chủ trương loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad

Tại Diễn đàn của Đại hội đồng LHQ ngày 28-9-2015 diễn ra cuộc "đối đầu" ngoạn mục chưa từng có giữa Tổng thống Mỹ B.Obama và Tổng thống Nga V.Putin. Trong bài tham luận của mình tại sự kiện này, ông Obama tuyên bố rằng, điều kiện tiên quyết để chống IS thành công là phải loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Cả thế giới đặt câu hỏi: vì sao ông Bashar al-Assad đã từng đơn thương độc mã chiến đấu kiên cường chống IS trong hơn 4 năm qua lại không những không được Mỹ “mời” tham gia liên minh chống IS, mà còn bị họ coi là “yếu tố ngăn cản cuộc chiến chống khủng bố”? 

Phát biểu tại diễn đàn này tiếp theo ngay sau ông Obama, Tổng thống Nga V.Putin khẳng định rằng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu được, trong cuộc chiến chống IS, còn việc chấp nhận hay loại bỏ ông ta phải do người dân Syria quyết định, chứ không phải là tổng thống Mỹ.

Ngày 15-12-2015, trong chuyến thăm Nga, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga V.Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov về nhiều vấn đề thời sự quốc tế như cuộc khủng hoảng Ukraine và xung đột ở Syria. Sau cuộc hội đàm, ông John Kerry cho biết: “Mỹ chấp thuận quan điểm xuyên suốt của Nga về hóa giải cuộc khủng hoảng Syria, theo đó tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ do chính người dân nước này quyết định”.

Ngày 18-12-2015 Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết về lộ trình hòa bình quốc tế tại Syria, trong đó xác định người dân Syria sẽ quyết định quá trình chuyển giao quyền lực trong vòng 18 tháng và không đề cập tới việc Tổng thống Bashar al-Assad phải rời chính trường ngay lập tức.

Trong năm tới không loại trừ khả năng sẽ xảy ra các pha đối đầu Obama-Putin có thể không kém ngoạn mục, bởi ông chủ Nhà Trắng muốn để lại chút vốn liếng chính trị nào đó trước khi kết thúc hai nhiệm kỳ cầm quyền vào cuối năm 2016 cho cá nhân ông cũng như để ghi cho Đảng Dân chủ hiện đang chạy đua nước rút với Đảng Cộng hòa vào chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng trong năm 2016.

Tạp chí uy tín nhất thế giới Forbes của Mỹ 3 năm liền bầu chọn chủ nhân Điện Kremlin là người dẫn đầu danh sách những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Ông Obama đành phải “ngậm ngùi” đứng sau ông Putin trong danh sách này.

Theo CAND

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc