Ô nhiễm trong nhà, chuyện không hề nhỏ

18:26 | 30/09/2017

1,833 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Cơ quan An toàn vệ sinh thực phẩm Pháp, mỗi năm Pháp có 20.000 người chết do liên quan tới 6 chất gây ô nhiễm trong nhà.

Nadia Herbelot, người đứng bộ phận chất lượng không khí thuộc Cơ quan Môi sinh Pháp (Ademe), cho biết: “Chất lượng không khí trong nhà đang là một vấn đề lớn đối với sức khỏe cộng đồng”. Chúng ta dành từ 80 đến 90% thời gian “ở trong không gian khép kín” như ở nhà hay công sở.

o nhiem trong nha chuyen khong he nho

Theo bà Herbelot, có rất nhiều nguồn gây ô nhiễm không khí trong phòng ở hay sở làm việc. Trong một báo cáo vào năm 2015, Đài quan sát Chất lượng trong nhà (OQAI) của Pháp cho biết, không khí và bụi trên mặt đất trong nhà chứa hàng chục chất hóa học có nguồn gốc từ các đồ vật như thảm, máy tính, dây cáp điện, đồ gỗ, hàng dệt may... hay như từ các sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm, thuốc trừ sâu hoặc thuốc lá, mùi hương các loại...

Chúng có thể gây kích ứng mắt và đường hô hấp. Một số chất, chẳng hạn như benzen và formaldehyde, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp loại là chất gây ung thư. Những chất này cũng bị nghi ngờ có ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và hoóc môn của con người.

Ngoài ra còn có các chất gây ô nhiễm khác, các hạt phân tử bụi siêu nhỏ và oxit nitơ, được phát ra từ các thiết bị nấu ăn và lò sưởi. Những chất này làm rối loạn hô hấp. Chưa kể trong nhà cũng có nhiều loại nấm mốc gây hại sức khỏe khác.

Trong một báo cáo năm 2014, Cơ quan An toàn vệ sinh thực phẩm Pháp (ANSES) cho biết, mỗi năm ở Pháp có gần 20.000 người chết do liên quan tới 6 chất gây ô nhiễm trong nhà (benzen, radon, trichloroethylene, carbon monoxide, khói thuốc lá và đặc biệt là loại hạt siêu nhỏ).

“Thật khó có thể nói được là tình hình ô nhiễm trong nhà hiện nay tại Pháp đã được cải thiện hơn so với trước đây. Các trường hợp không đồng nhất, chúng phụ thuộc vào hành vi của người sử dụng và chất lượng của hệ thống thông gió”, Gilles Aymoz, Trưởng bộ phận nhà ở của Ademe cho biết. Điểm cuối cùng này không hề kém quan trọng. “Do các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng ngày càng nghiêm ngặt, người ta càng phải tìm cách cách nhiệt tốt hơn, tức là làm cho căn phòng kín hơn, nhưng lại phải chú ý nhiều hơn đến sự thông thoáng của căn nhà”, Aymoz cho biết.

o nhiem trong nha chuyen khong he nho
Khói nhang có mùi thơm của hoa hồng, hoa quế, hoa nhài… lưu lại rất lâu đang được nhiều gia đình tin dùng

Từ năm 1982, Pháp đã ban hành một nghị định yêu cầu nhà ở phải có gắn thiết bị thông gió. “Nhưng quy định ấy không hề được các nhà thầu xây dựng tuân thủ. Chúng ta nên bắt đầu áp dụng nó một cách nghiêm túc”, chuyên gia Aymoz ghi nhận.

Về thông tin cho công chúng, cũng có nhiều việc cần làm. Theo một cuộc thăm dò của TNS-Sofres, khoảng 60% người dùng nước hoa xịt phòng và các loại nến (nhang) thơm xét thấy các sản phẩm này không ảnh hưởng hoặc thậm chí có lợi, trong khi những loại này lại là thủ phạm chính gây ô nhiễm mùi hương trong gia đình.

Vào giữa tháng 9-2017, một nghiên cứu mới cảnh báo nước hoa xịt phòng và nến thơm là hai sản phẩm gây phát tán các hạt siêu nhỏ. Theo bà Herbelot, những sản phẩm cần sự đốt cháy tạo ra nhiều chất gây ô nhiễm. “Nên biết rằng những gì phát ra mùi có thể phát ra chất gây ô nhiễm”, bà Herbelot lưu ý.

Làm sao để căn nhà thông thoáng không bị ô nhiễm? Thứ nhất, nên hạn chế nguồn gây ô nhiễm, không hít trực tiếp những loại như nước hoa xịt phòng, tinh dầu và nến thơm... và trên hết là phải thường xuyên làm mới lại không khí trong phòng bằng cách mở cửa sổ trong một thời gian.

Từ tháng 1-2019, các sản phẩm khử mùi đốt cháy (nến thơm, tinh dầu) ở Pháp phải ghi rõ các cảnh báo nguy hại trên bao bì.

o nhiem trong nha chuyen khong he nho
Mô phỏng các nguồn phát thải ô nhiễm trong nhà và cơ sở làm việc

Từ năm 2013, các vật liệu xây dựng và trang trí nội thất bắt buộc phải dán nhãn cho thấy mức độ phát thải các chất dễ bay hơi. Tuy nhiên, việc ghi nhãn đối với đồ gỗ vẫn chưa được đăng ký.

“Sự quan tâm của các chính quyền hiện nay đối với chất lượng không khí bên ngoài nhiều hơn bên trong nhà ở và sở làm. Ngay cả ở cấp Liên minh châu Âu, người ta cũng chưa có những quy định về chất lượng không khí trong phòng kín”, Souad Bouallala, kỹ sư của Ademe cho biết.

Ở Pháp chỉ từ năm 2001 người ta mới quan tâm tới vấn đề ô nhiễm trong nhà với việc thành lập Đài quan sát Chất lượng trong nhà. Mãi đến năm 2013, “kế hoạch hành động đầu tiên về chất lượng không khí trong nhà” mới được đưa ra.

Trên toàn thế giới, chỉ có một vài quốc gia quan tâm tới vấn đề trên, theo một nghiên cứu do bà Bouallala điều phối. Đặc biệt, Hàn Quốc yêu cầu tất cả các tòa nhà ở và dùng làm văn phòng khi xây mới phải có hệ thống thông gió.

“Nên biết rằng, những gì phát ra mùi có thể phát ra chất gây ô nhiễm”, Nadia Herbelot, người đứng bộ phận chất lượng không khí thuộc Cơ quan Môi sinh Pháp (Ademe) khuyến cáo.

S.Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc