Ô nhiễm tiếng ồn - sát thủ vô hình của sinh vật biển

07:11 | 11/01/2018

14,880 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tốc độ phát triển của ngành công nghiệp hàng hải đem lại những nguồn lợi kinh tế khổng lồ suốt nhiều thế kỷ qua, nhưng ngược lại với đó thì hệ sinh thái biển đang phải trả một cái giá quá đắt. Ô nhiễm tiếng ồn được xem là mối hiểm họa không dễ dàng nhận thấy nhưng lại có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống của sinh vật biển.  

Nguồn ô nhiễm tiếng ồn ở đại dương xuất phát từ “ngàn lẻ một” lý do: từ tiếng ồn của tàu đến âm thanh tần số nhằm phát hiện tàu ngầm, hoạt động thăm dò dầu khí hoặc cả thương mại vận tải biển... Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những âm thanh này không có tác động quá lớn với đời sống con người, nhưng ở đại dương - thế giới tưởng chừng chỉ có tiếng của những sinh vật biển hoạt động trong nước, ô nhiễm tiếng ồn đang dần tàn phá mọi thứ. Bằng chứng là số lượng cá voi và cá heo giảm mạnh ở những vùng tàu biển hoạt động.

o nhiem tieng on sat thu vo hinh cua sinh vat bien
Tiếng ồn đang “giết chết” các loài sinh vật biển (ảnh đồ họa: Marine In Sight)

Theo thống kê, chỉ trong mùa hè năm 2017, số lượng cá voi ở vùng biển phía đông nước Mỹ giảm mạnh, một trong những lý do là ô nhiễm tiếng ồn. Nhóm quan sát chỉ thấy 8 con thay vì 12 con như thường lệ. Ước tính, 53 con cá voi lưng gù đã chết chỉ trong vòng 19 tháng qua, trong khi cá voi trơn bắc Đại Tây Dương cũng suy giảm khốc liệt, chỉ còn 450 con.

Giáo sư Malin Pinski, nhà hải dương học của Đại học Rutgers, Mỹ - tác giả của một công trình nghiên cứu về tiếng ồn gây tác hại như thế nào tới động vật biển cho biết, những tiếng ồn mà con người gây ra tác hại tới các sinh vật biển nhiều hơn chúng ta tưởng.

Trang Marine Insight cũng dẫn nghiên cứu của Đại học Exeter (Anh) cho thấy, âm thanh từ động cơ thuyền máy có thể ảnh hưởng tới các đàn cá sống ở những rạn san hô, khiến các loài cá bố mẹ không thể bảo vệ con mình, cá con bị hoảng loạn, không thể tìm được thức ăn hay đưa tín hiệu xin giúp đỡ. Chưa kể, tiếng ồn làm suy giảm khả năng tìm kiếm bạn tình của các loài sinh vật biển...

o nhiem tieng on sat thu vo hinh cua sinh vat bien
Hàng trăm con cá heo hay cá voi chết cùng lúc được quy do ảnh hưởng từ việc ô nhiễm tiếng ồn

Việc di chuyển của những con mực khổng lồ ở vùng ven biển Tây Ban Nha từ năm 2001 đến năm 2003 cũng là một minh chứng cho thấy ảnh hưởng nghiêm trọng của ô nhiễm tiếng ồn đối với hệ sinh thái biển. Âm thanh khiến những sinh vật biển hoảng loạn, sợ hãi, chúng buộc phải di chuyển để tìm nơi trú ngụ mới và thức ăn. Khác với trên mặt đất, âm thanh trong môi trường nước có thể truyền đi hàng nghìn kilômét. Ngày nay, trên các đại dương, hàng triệu con tàu siêu tải siêu trọng đi lại tấp nập, gây nhiễu loạn âm thanh rất nặng cho các loài cá lớn.

Khi bị những âm thanh được khuếch đại trong môi trường nước làm cho mất khả năng định vị, những sinh vật biển lớn sẽ dễ bị va vào chân vịt của các con tàu khổng lồ này, mang thương tật rồi chết vì các vết thương đó. Thậm chí có những sinh vật tìm đến được nơi ở mới thì lại chết do không thích nghi được với môi trường mới, chúng có thể bị xuất huyết, hư hại cơ quan nội tạng... Tóm lại, ảnh hưởng của ô nhiễm tiếng ồn dưới nước trở thành một nỗi đau đớn hơn bất cứ thứ gì khác đối với động vật, trang Marine In Sight khẳng định.

“Những tiếng ồn gây ra tác hại tới các sinh vật biển nhiều hơn chúng ta tưởng”, Giáo sư Malin Pinski, nhà Hải dương học người Mỹ nhấn mạnh.

Trong bài viết tựa đề: “Tiếng ồn - Sát thủ vô hình trong lòng đại dương” của BBC dẫn nghiên cứu của Michel Andre thuộc Đại học Kỹ thuật Catalonia, Barcelona, Tây Ban Nha, ông đã chăm chú quan sát xác một con cá nhà táng trên bờ biển thuộc quần đảo Canary, Tây Ban Nha, và tự hỏi lý do khiến con vật va vào tàu thủy. Ông và các cộng sự đã dành tới 20 năm để phát triển một hệ thống nhằm xác định nguyên nhân dẫn tới việc con vật bị tai nạn. Sau khi lấy mẫu mô từ tai những con cá voi mắc cạn, họ phát hiện bằng chứng về việc tiếng ồn tàu thủy khiến các sinh vật biển mất khả năng phát hiện. Những con cá voi trở nên tê liệt trước tiếng ồn của tàu thủy đang đến gần và thường chết do va vào tàu.

“Nếu có một số cấu trúc bị khuyết ở những tế bào, điều đó có nghĩa con vật không thể mã hóa âm thanh tương ứng với tế bào đó”, Andre giải thích.

Đến nay, giải pháp trước mắt do Cơ quan Hải dương Quốc tế của Liên Hiệp Quốc đề xuất là giảm âm thanh tàu thủy, chuyển hướng lộ trình tàu thủy đến nơi ít khả năng đụng độ với sinh vật biển, đặc biệt là các loài có vú. Ngoài ra, việc yêu cầu giảm tốc độ tàu xuống dưới 18km/h cũng hạn chế nguy hại cho các loài sinh vật.

Mai Lâm