Nước Pháp sẽ trả thù bằng máu?

07:00 | 17/11/2015

3,005 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ trong một đêm, nước Pháp bị 8 vụ tấn công gây thương vong lớn và làm chấn động thế giới văn minh. Câu hỏi đặt ra là tại sao Pháp bị khủng bố và chính quyền Paris sẽ làm gì sau đây?

Chiến tranh giữa lòng Paris

Từ 21h20’ ngày 13/11, sân vận động Stade de France ở thủ đô Paris của Pháp đã hứng chịu vụ tấn công đầu tiên trong chuỗi 8 vụ khủng bố liên hoàn. Kế đó là các cuộc xả súng, đánh bom tự sát và bắt giữ con tin ở nhà hàng, rạp hát, đường phố... khiến 129 người bị chết, 352 người bị thương, trong đó có 99 trường hợp nguy kịch.

Theo tường thuật của các hãng truyền thông có phóng viên tại chỗ, quang cảnh Paris lúc bấy giờ như một bãi chiến trường và thủ đô nước Pháp giống như đang trong thời kỳ chiến tranh: người chết, tiếng súng đạn và cảnh hoảng loạn...

Kẻ nào đã tấn công nước Pháp?

Chỉ vài giờ sau các cuộc tấn công trên, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Hiện chưa có một điều tra chính thức nào từ phía Pháp khẳng định tuyên bố trên nhưng những gì các nhà điều tra đang làm cũng theo chiều hướng này.

nuoc phap se tra thu bang mau
Tổng thống Pháp Francois Hollande thề sẽ trả đũa IS về vụ tấn công khủng bố ở Paris

Ngày 13/11, công tố viên tại Pháp nói rằng, các vụ khủng bố trên do 7 tay súng thực hiện, tất cả đều đã chết ở Paris do tự kích nổ bom hoặc do lực lượng an ninh Pháp bắn chết trong lúc giải cứu con tin. Những kẻ này là ai? Công tố viên Paris Francois Molins nhận định, bọn khủng bố chia thành 3 nhóm được phối hợp chặt chẽ.

Trong bài phát biểu phát trên kênh truyền hình quốc gia Bỉ RTBF chiều 15/11, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve tuyên bố các cuộc tấn công ở Paris đã được chuẩn bị ở nước ngoài, đặc biệt là tại Bỉ. Theo thông cáo của Viện Công tố liên bang, 2 trong số những kẻ tấn công ở Paris đêm 13/11 đến từ Bỉ và sống tại quận Brussels và Molenbeek-Saint-Jean.

Đó là kết quả ban đầu từ việc xem xét xác chết những kẻ đánh bom tự sát. Omar Ismaïl Mostefai, một kẻ tham gia đánh vào Nhà hát Bataclan được xác định là công dân Pháp 29 tuổi, từng được an ninh xem là trở nên cực đoan. Mostefai bị nêu tên sau khi ngón tay của y được tìm thấy ở Nhà hát Bataclan và khớp với dấu vân tay trong hồ sơ cảnh sát. Mostefai xuất thân từ thị trấn Courcouronnes, cách Paris 25km.

Các nhà điều tra đang tìm hiểu có phải hắn ta đã đến Syria năm 2014. Cảnh sát Pháp đã tạm giam bố và anh của Mostefai, lục soát nhà của họ. Anh trai của Mostefai nói đã không liên lạc với em nhiều năm vì mâu thuẫn gia đình, nhưng tỏ ra ngạc nhiên khi nghe em trai đã trở nên cực đoan.

Các nhà điều tra còn tìm thấy một hộ chiếu Ai Cập trên mình một kẻ tấn công ở sân vận động Stade de France. Một hộ chiếu Syria, ghi là sinh năm 1990, cũng được phát hiện. Người cầm hộ chiếu Syria này đã vào EU qua đảo Leros của Hy Lạp hồi tháng 10/2015. Báo Le Parisien dẫn lời một khán giả nói một trong những kẻ tấn công ở sân vận động là phụ nữ.

Cuộc điều tra đang được mở rộng trên phạm vi châu Âu. Cảnh sát Bỉ ngày 14/11 bắt được ở thủ đô Brussels 3 nghi phạm có liên quan đến cuộc tấn công khủng bố tại Paris. Những người này được cho đã giúp vận chuyển những kẻ tiến hành tấn công ở Pháp. Trong số 3 người này, một người đã có mặt tại Pháp vào lúc các vụ tấn công xảy ra, AFP dẫn lời quan chức Bỉ.

Trước đó, nhân chứng nói rằng một ôtô mang biển số Bỉ đưa những kẻ khủng bố đến các địa điểm trong Paris. Trong khi đó giới chức Đức đang điều tra một gã đàn ông trước đó bị bắt giữ ở Bavaria vì có khả năng liên quan đến vụ thảm sát ở Paris.

Pháp biết trước mà không làm gì được

Trong những ngày qua, giới lãnh đạo và chuyên gia chống khủng bố đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về khả năng các phần tử Hồi giáo cực đoan đang chuẩn bị một vụ khủng bố chưa từng thấy nhắm vào nước Pháp, mà không ai có thể phát hiện để ngăn chặn.

Chỉ vài tiếng đồng hồ trước lúc nổ ra các vụ tấn công bố, Thủ tướng Pháp Manual Valls đã từng bày tỏ lo ngại trước nguy cơ khủng bố bất cứ lúc nào.  Mới đây, một viên chức chống khủng bố cao cấp đã khẳng định: “Nhiệt độ đang tăng mạnh. Hiện nay, mục tiêu của quân khủng bố là kéo dài thời gian cầm cự để các phương tiện truyền thông bám lấy sự kiện, trực tiếp tường thuật để quảng cáo tối đa cho họ”. Đối với viên chức này, cái đáng sợ nhất là các vụ tấn công kéo dài bằng súng AK 47.

Các lo ngại trên đã biến thành thực tế vào tối 13/11, với các vụ tấn công khủng bố cả bằng chất nổ lẫn súng tự động diễn ra đồng thời ở nhiều điểm khác nhau trong Paris, với nhiều tay khủng bố vũ trang bằng AK47 bắn xả vào đám đông rồi cầm giữ con tin trong một thời gian dài trước khi bị lực lượng an ninh tiêu diệt. Đấy chính là điều mà chính quyền Pháp lo ngại từ nhiều tháng qua.

Theo giới chức an ninh, từ đầu năm đến nay, nước Pháp đã tránh được một số thảm họa đẫm máu là nhờ cơ may và sự vụng về của thủ phạm các vụ tấn công, như trên chiếc xe lửa Thalys Amsterrdam - Paris hay ở nhà thờ Villejuif, vùng ngoại ô Paris.

Từ sau vụ tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo và một siêu thị của người Do Thái vào tháng 1/2015, các đơn vị chống khủng bố, tình báo, cảnh sát Pháp, giới cứu thương đã chuẩn bị cho nguy cơ bị tấn công đồng loạt. Họ đã chuẩn bị đáp án, cách huy động và hợp tác để đối phó. Thế nhưng những người đầu ngành đều cho là vào ngày hành động cụ thể, phương thức hành động của kẻ khủng bố có thể có những chi tiết không lường trước được và đó là điều không thể tránh khỏi.

Vì sao Pháp bị tấn công khủng bố?

Theo các chuyên gia, vì nước Pháp có nhiều cộng đồng da đen, mà nhóm Hồi giáo cực đoan từ lâu nay đã len lỏi vào để phát triển tư tưởng cực đoan. Vụ tấn công Paris đêm 13/11 là hành động thể hiện ra của tư tưởng cực đoan này. Nhìn lại vụ Charlie Hebdo, hai tay chủ mưu cũng là những người Hồi giáo cực đoan.

Shaun Gregory, chuyên viên về an ninh quốc tế thuộc Đại học Durham, nói rằng, Pháp là tuyến đầu của khủng bố Hồi giáo ở  châu Âu và đã là mục tiêu của khủng bố Hồi giáo cực đoan trong mấy thập niên.

Năm 1995, một quả bom nổ trên chuyến xe lửa ở Paris, giết chết 8 người và làm hơn 100 người bị thương. Đó là một trong những vụ tấn công mà người ta quy cho các phần tử cực đoan Algeri. Năm sau, một vụ nổ bom khác cũng trên tuyến đường xe lửa này, giết chết 4 người và làm gần 100 người bị thương. Giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, bạo động ở Pháp có phần giảm bớt. Theo ông Gregory, một phần là vì xu thế chính trị - Pháp từ đầu không nhập cuộc trong chiến tranh Iraq hồi năm 2003, thay vào đó tìm cách tạo khoảng cách giữa nước này và châu Âu cũng như các nước đồng minh trong khối NATO.

nuoc phap se tra thu bang mau
Nhiều người đã khóc trong lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công ở Paris

Nhưng trong mấy năm gần đây, mối đe dọa khủng bố lại gia tăng. Theo số liệu thống kê của Europol thì từ năm ngoái đã có trên 500 vụ khủng bố trên khắp châu Âu, gần một nửa là ở Pháp và 40% các vụ bắt giữ có liên hệ đến hoạt động khủng bố là ở Pháp.

Sự tái xuất hiện mối đe dọa khủng bố Hồi giáo ở Pháp phần nào được giải thích bằng sự chuyển đổi đường lối đối ngoại của nước này. Ông Gregory nói: “Pháp đã tham gia sứ mạng ổn định ở Afghanistan. Nước này đã bắt đầu gia tăng vai trò ở Bắc Phi và trong việc ổn định tình hình ở Libya và Marocco. Và đương nhiên phải kể các hoạt động ở Mali vào năm 2012, 2014 rồi đang cùng Mỹ tham gia chiến dịch tiêu diệt IS”.

Pháp có cộng đồng Hồi giáo đông đảo nhất Tây Âu, ước tính có đến khoảng 5 triệu. Theo Gregory, chính sách và thái độ nhận thức của Chính phủ Pháp đối với cộng đồng Hồi giáo đóng góp phần nào trong vấn đề này. Chẳng hạn, lệnh cấm đeo mạng che toàn gương mặt nơi công cộng và đội khăn trùm đầu trong các trường công. Cùng lúc sự nhận thức về sức ép gia tăng đối với cộng đồng Hồi giáo bên trong nước Pháp với việc Chính phủ Pháp tìm cách duy trì sự khẳng định về chủ nghĩa thế tục và ngăn chặn các biểu tượng tôn giáo nơi công cộng. Các sự việc này kết hợp lại đưa nước Pháp trở lại là tuyến đầu của chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu.

Theo AFP, gần 40 công dân Pháp đang chiến đấu cùng với các nhóm thành chiến ở Syria và Iraq, trong khi người ta cho rằng mấy trăm người nữa đang chuẩn bị ra đi. Khoảng 200 người đã trở về Pháp và đang chờ xét xử.

Giữa lúc nước Pháp đang đau đớn tột cùng, tờ Courrier International của Pháp hôm 15/11 dẫn lại một bài báo đăng trên tờ The Straits Times, phát hành tại Singapore, trong số ra ngày 26/10, cho rằng các chiến lược mà Paris tiến hành đều nhằm mục đích gây ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông và phát triển ngành công nghiệp vũ khí. Tác giả Jonathan Eyal nhận định khó có thể đoán trước được tương lai của khu vực Trung Đông, nơi các mối quan hệ đồng minh cũ đang bị cắt đứt để hình thành những mối quan hệ mới. Pháp là nước đang dày công đúc kết một chiến lược ổn định hơn để hưởng những mối lợi về kinh tế và chính trị tại khu vực này.

Giống như Anh, Pháp đã từng có nhiều thuộc địa trong khu vực. Phần lớn các thuộc địa cũ của Anh “ngồi” trên các mỏ dầu và khí đốt rộng lớn. Trong khi đó, các thuộc địa cũ của Pháp là Syria và Liban lại có những bãi biển đẹp và đồi núi hùng vĩ. Thế nhưng, theo phân tích của tác giả bài báo, Anh và Pháp lại có cách duy trì quan hệ với các thuộc địa cũ hoàn toàn khác nhau. Nếu như người Anh tìm cách điều hành các thuộc địa cũ thông qua hệ thống quốc vương và hoàng thân địa phương, thì người Pháp lại muốn điều hành từ Paris.

Song chiến lược hậu thuộc địa của Anh hoàn toàn hiệu quả hơn: Đa số các gia đình hoàng tộc sống tại Anh vẫn nắm quyền lực. Ngược lại, các nhà lãnh đạo mà Pháp “dựng lên” trước khi rời thuộc địa hoặc nhanh chóng bị ám sát hoặc bị lật đổ hay chiến bại. Thế nhưng, Pháp không hoàn toàn vắng bóng tại khu vực Trung Đông. Paris vẫn giữ được mối quan hệ chặt chẽ về văn hóa và kinh tế với Liban và Syria. Ngoài ra, Pháp là nước có cộng đồng người Do Thái đông nhất châu Âu nên vẫn duy trì được mối quan hệ ưu việt Israel. Trong thập niên 50 và đầu những năm 60, Pháp là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu và là “thầy dạy” công nghệ hạt nhân cho quốc gia Do Thái này.

Hiện nay, Pháp muốn đảo ngược tình thế với tham vọng để lại dấu ấn ngoại giao rõ nét hơn tại thế giới Arập, vượt qua cả Anh và thậm chí sánh ngang với Mỹ. Trong những năm gần đây, dấu ấn của Pháp tại khu vực Trung Đông và châu Phi ngày càng trở nên ấn tượng. Ngoài Libya, Pháp còn can thiệp quân sự tại Mali vào năm 2013 và hiện nay là tại khu vực sa mạc Sahel. Paris cũng đã tham gia không kích chống IS tại Iraq và Syria. Thế nhưng, không chỉ dừng lại ở việc can thiệp quân sự, Paris còn “tham chiến” trên mặt trận ngoại giao và kinh tế.

Tổng thống Hollande là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên tham dự Thượng đỉnh khối Hội đồng hợp tác vùng Vịnh. Chỉ trong vòng 6 tháng gần đây, Pháp đã ký hàng loạt hợp đồng có giá trị cao: 3 tỉ USD với Arập Xêút để giao vũ khí cho quân đội Liban, 7 tỉ USD với Qatar, 5 tỉ với Ai Cập để bán chiến đấu cơ Rafale và cuối cùng là nhiều hợp đồng với tổng trị giá 10 tỉ euro vừa được ký kết vào tháng 10 vừa qua với Arập Xêút.

Một số người cáo buộc các kế hoạch điều chỉnh chiến lược của Paris là vô trách nhiệm: Người Pháp chỉ tranh thủ cơ hội để bán vũ khí trong khi đó vẫn trông cậy vào người Mỹ để giải quyết các vấn đề mấu chốt trong khu vực. Một số khác thì lại khẳng định là Pháp chỉ lên giọng trong các bài diễn văn nhưng sức mạnh quân sự lại không xứng tầm với tham vọng của nước này. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là Paris đang tìm cách khẳng định vị thế trong bối cảnh cảnh quan chiến lược thế giới thay đổi.

Pháp đang cảm thấy tự tin hơn trước khả năng Mỹ sẽ “chán” việc đảm bảo quốc phòng của châu Âu và đã đến lúc người châu Âu phải gánh trọng trách này; ý nghĩ này đã được Tổng thống Obama “úp mở” ít nhiều. Các vụ khủng bố vừa xảy ra tại Paris cũng đã khẳng định mối liên hệ giữa các mối đe dọa trong và ngoài nước.

Nợ máu phải trả bằng máu?

Ngay sau cú sốc khủng bố đẫm máu ở Paris, báo chí Pháp đồng loạt lên tiếng đòi chính quyền trả đũa bằng máu. Tất cả các nhật báo dù bảo thủ hay thiên tả đều dành các bài bình luận ngày 15/11 để kêu gọi “ăn miếng trả miếng” với IS. Với tựa “Buồn thảm và căm hờn”, nhật báo cánh hữu Le Figaro phát hành số đặc biệt ngày Chủ nhật, 48 giờ sau loạt khủng bố tự sát của IS tại Paris. Ngay nhật báo có tiếng chừng mực của Pháp là Le Monde cũng nhận định: "Nước Pháp đang lâm chiến".

Nói chung, báo chí Pháp khẳng định “cuộc chiến mới bắt đầu và người dân Pháp từ nay phải sống với đe dọa khủng bố. Truyền thông Pháp gọi đây là cuộc chiến giữa “một nền Cộng hòa đối đầu với man rợ”.

Trong 3 ngày, kể từ 15/11, nước Pháp ban hành quốc tang tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công đẫm máu ở Paris. Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố sẽ trả đũa bọn khủng bố IS nhưng không cho biết sẽ thực hiện chiến dịch trả đũa như thế nào.

Trả lời Đài Truyền hình Pháp TF1 tối ngày 14/11, Thủ tướng Manuel Valls tuyên bố: “Nước Pháp tiếp tục can thiệp tại Syria với mục đích tiêu diệt quân IS”. Thủ tướng Valls nhấn mạnh: “Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh, chúng ta sẽ hành động và tấn công kẻ thù muốn tàn phá nước Pháp, tàn phá châu Âu, tàn phá Syria và Iraq (…) cuộc chiến đó đang diễn ra trên lãnh thổ quốc gia và trên trận địa Syria”.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian đánh giá Pháp cần phải tấn công một cách triệt để vào tất cả các trung tâm huấn luyện, vào các sào huyệt và nhất là các nguồn tài trợ của IS.

Christopher Chivvis, trợ lý giám đốc tại Trung tâm chính sách quốc phòng và an ninh thế giới của Tập đoàn RAND, nhận định Pháp có đủ sức mạnh để trả đũa IS nhờ tiềm lực quân sự, không quân được trang bị hiện đại, đội đặc nhiệm tinh nhuệ và lực lượng hải quân và bộ binh được xem như tài sản quốc gia.

Tuy nhiên Giáo sư David Schanzer thuộc Trung tâm Chống khủng bố và an ninh nội địa Triangle dự báo Pháp sẽ không đơn phương thực hiện các chiến dịch quân sự quy mô lớn chống IS ở Iraq và Syria. Thay vào đó, có thể Pháp sẽ chỉ tăng cường hoạt động trong liên quân chống IS. Ông Schanzer cho rằng, Mỹ và NATO vẫn e ngại không muốn triển khai bộ binh quy mô lớn ở Syria và Iraq để chống IS. Nguyên nhân bởi phương Tây lo ngại nguy cơ sa lầy, làm leo thang tâm lý chống phương Tây của người Hồi giáo ở Trung Đông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/11 đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Pháp trong việc điều tra và đối phó với IS. Nga cũng là mục tiêu đe dọa tấn công khủng bố của IS khi Moskva tuyên chiến chống khủng bố quốc tế và chủ nghĩa cực đoan toàn cầu và đã triển khai chiến dịch không kích chống IS ở Syria từ cuối tháng 9/2015.

Tuy nhiên, nhật báo Libération cảnh giác: Không nên rơi vào cái bẫy thâm độc của IS, xem tín đồ đạo Hồi là kẻ thù, đưa đến xung đột trong xã hội. Tờ báo cánh tả giải thích: Trong tầm nhìn của kẻ sát nhân, họ không phân biệt Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, ARập, phương Tây hay thế tục gì cả. Họ giết tất cả mọi người. Cơ sở này hướng dẫn chúng ta trả đũa. Nếu hủy bỏ các quyền tự do để chống khủng bố là thua kẻ thù. Chỉ có tình thương và quyền tự do mới cho chúng ta cuộc sống tự do.

Chuyên gia về khủng bố Bill Tupman thuộc Đại học Exeter nói rằng vụ tấn công ở Paris hôm 13/11 sẽ có một tác động rất lớn lên bối cảnh xã hội và chính trị ở Pháp. Theo chuyên gia này trước đây, sự ủng hộ chính trị cho phe cực hữu khá là thấp. Giờ đây, như phần còn lại của châu Âu, sự ủng hộ dành cho phe cực hữu, cho các hoạt động chống nhập cư, chống chủ nghĩa đa văn hóa, bản sắc dân tộc sẽ mạnh hơn bao giờ hết từ trước đến nay ở châu Âu. Và 8 vụ tấn công khủng bố ở Paris chắc chắn làm tăng thêm tình cảm bài Hồi giáo ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung.

H.Phan (tổng hợp)

Năng lượng Mới 475