Nước Anh thay đổi chính sách chống khủng bố

16:20 | 06/06/2017

1,294 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dù đã dùng rất nhiều công sức để ngăn ngừa khủng bố nhưng kết quả nước Anh vẫn phải chịu nhiều vụ tấn công liên tiếp trong thời gian ngắn kỷ lục. Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố từ nay sẽ kiên quyết hơn và đưa ra một chương trình chống khủng bố mới.
nuoc anh thay doi chinh sach chong khung bo
Mặc dù đã dùng nhiều biện pháp an ninh nhưng nước Anh vẫn bị khủng bố liên tiếp

Liên quan tới vụ tấn công bằng xe và dao tại trung tâm thủ đô London khiến 10 người chết và hơn 50 người khác bị thương hôm 3/6, cảnh sát Anh ngày 4/6 bắt giữ khoảng 12 nghi can, trong đó có 4 phụ nữ.

Chiều 4/6, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) dùng hãng tin Amaq của bọn chúng để tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công.

Ngày 5/6, Giám đốc Cảnh sát London, bà Cressida Dick, nói với đài truyền hình Sky News rằng, các nhà điều tra tin là họ nhận dạng được ba nghi can lái chiếc xe van đâm vào khách bộ hành trên cầu London Bridge. Nhưng bà Dick nói chưa thể công bố tên tuổi của các nghi can đó vào thời điểm này.

“Chúng tôi đang cố tìm hiểu liệu có bất cứ kẻ nào tiếp tay cho các nghi can này, và chúng tôi muốn biết càng nhiều càng tốt về động cơ dẫn đến vụ tấn công này” - bà Dick nói.

Đây là cuộc tấn công lớn lần thứ ba ở Anh trong ba tháng qua, kể cả một vụ dùng xe và dao tương tự như vừa xảy ra, trên cầu Westminster Bridge hồi tháng 3/2017 khiến năm người chết. Gần đây nhất, một vụ nổ đã xảy ra tại nhà hát Manchester Arena ở thành phố Manchester, phía Tây nước Anh vào tối 23/5, làm ít nhất 19 người chết và 50 người khác bị thương. Sau vụ khủng bố tự sát tại Manchester, chính quyền Anh đã nâng mức báo động về tình trạng an ninh lên cấp "nguy hiểm" để rồi lại hạ xuống cấp "nghiêm trọng" vài giờ trước một thảm họa mới ở London.

Từ cuối tháng 5 đến nay, Chính phủ Anh đã điều quân đội vào trấn giữ các mục tiêu quan trọng như Quốc hội và Chính phủ, để có thêm cảnh sát vũ trang rảnh tay tuần tra bảo vệ các mục tiêu mềm và nhanh chóng triển khai như trong vụ việc hôm 3/6. Trước đó, cứ sau mỗi vụ khủng bố, London lại tiến hành các biện pháp tăng cường an ninh. Sau vụ khủng bố tại Pháp tháng 11/2015, 600 cảnh sát Anh đã được triển khai tới London, nâng lên tổng số 2.800. Nhưng điều đó cũng không giúp nước Anh ngừa được một vụ tấn công ở nhà ga tàu điện ngầm vào ngày 6/12/2015.

Một năm sau đó, tháng 9/2016, cơ quan tình báo Anh MI6 nâng quân số. Ngày 22/9/2016, tờ Times tiết lộ MI6 tuyển thêm 1.000 điệp viên để chống khủng bố. Theo kế hoạch từ nay đến 2020, MI6 sẽ tăng quân số lên 3.500 điệp viên. Hai tháng sau, lãnh đạo MI6, Alex Young, đã đặt cơ quan của mình trước mối đe dọa chưa từng có sau khi phá thành công 12 âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào nước Anh kể từ tháng 6/2013.

Cũng từ sau vụ tấn công nhắm vào Hạ viện Anh hôm 22/3/2017, ngành an ninh dồn dập thông báo đã phá vỡ các đường dây khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Bộ Nội Vụ cho biết đã ngăn chặn được ít nhất 5 âm mưu tấn công. Luật chống khủng bố được tăng cường bất chấp một số phản đối trong công luận cho rằng, các điều khoản khắt khe đó giới hạn một số các quyền tự do cá nhân. Trong lĩnh vực tình báo, London một mặt phối hợp chặt chẽ với các đối tác châu Âu trong lĩnh vực này, mặt khác mở rộng thêm các mối liên hệ với tình báo của Úc, Mỹ, Canada và kể cả New Zealand. Nhưng tất cả các biện pháp đó vẫn không tránh khỏi tai họa cho nước Anh.

Giới chuyên gia nhận định rằng, trong những vụ khủng bố gần đây trên thế giới thì kẻ tấn công chuyển sang sử dụng những phương tiện đơn giản hơn và nhắm vào mục tiêu mềm, như vụ đâm xe tải ở Đức, hay hôm 22/3 là dùng dao đâm cảnh sát ở Anh, và gây tai tạn cho du khách ngay tại khu trung tâm của London. Kịch bản tấn công tương tự vừa được bọn khủng bố tái hiện tại London hôm 3/6. Trong những trường hợp trên thì cách duy nhất để bảo vệ các mục tiêu mềm là theo dõi chặt chẽ danh sách những kẻ tình nghi có nguy cơ cao trong việc tổ chức tấn công khủng bố. Giới chuyên gia nhận định có khoảng 100 đối tượng như vậy ở Anh, nhưng diễn biến phức tạp khó lường, cùng khoảng 3.000 đối tượng khác cần theo dõi liên tục.

Phát biểu hôm 4/6, Thủ tướng May phải thốt lên rằng “Thật là quá đáng lắm rồi!”. Mặc dù bà không nói ra nhưng ai cũng hiểu rằng dù nước Anh đã tốn nhiều công sức nhưng vẫn không ngăn được khủng bố. Và bà yêu cầu xem xét lại chiến lược chống khủng bố khi nhấn mạnh tới một "kiểu đe dọa mới" mà nước Anh phải đối mặt. “Đất nước chúng ta đã quá dung thứ cho chủ nghĩa cực đoan. Chúng ta cần phải kiên quyết hơn, vạch mặt bọn chúng và tiêu diệt chủ nghĩa cực đoan trong xã hội của chúng ta. Chúng ta không còn chần chừ được nữa”- bà May nói.

Phát biểu sau cuộc họp an ninh với Ủy ban Cobra trước đó ít giờ, Thủ tướng May cho biết tình hình đã thay đổi khi những kẻ khủng bố không phải là một mạng lưới cụ thể mà chỉ là những người cùng đi theo một hệ phái tư tưởng lệch lạc của Hồi giáo cực đoan, đòi hỏi biện pháp toàn diện hơn bao gồm kiểm soát Internet và phối hợp toàn cầu, còn trong nước thì các cộng đồng khác biệt cần phải chung sống đoàn kết để bảo đảm an ninh, tăng mức hình phạt đối với hành động khủng bố.

Theo nữ Thủ tướng Anh, London cần có một "chiến lược an ninh mới" dựa trên bốn hướng chính: tăng cường kiểm soát với các tổ chức tuyên truyền tư tưởng Hồi giáo cực đoan; gia tăng kiểm duyệt các trang mạng có nội dung quảng bá cho những tư tưởng đó. Hướng thứ ba nhắm tới là cần xét lại mô hình hội nhập, mà theo bà Theresa May là quá dễ dãi đối với các cộng đồng người nước ngoài. Sau cùng, và đây chính là điểm mà chính phủ sắp tới của nước Anh cần đặc biệt quan tâm đó là "tăng cường chiến lược và phương tiện chống khủng bố trên lãnh thổ".

Th.Long

Sputnik, RT

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc