Nước Nga và dầu mỏ

09:24 | 07/10/2015

3,750 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các công ty khai thác dầu khí Nga đề nghị Chính phủ Nga miễn thuế tài nguyên. Bộ Tài chính Nga phản đối đề nghị này với lý do sẽ có nhiều mỏ trước đó không hiệu quả kinh tế cũng được đưa vào khai thác và như vậy sẽ sử dụng tài nguyên một cách lãng phí. Thủ tướng Medvedev chưa có câu trả lời. Vấn đề này có khả năng sẽ đưa ra thảo luận ở Duma Quốc gia. Trong cuộc khủng hoảng giá dầu thì người dân Nga được hưởng lợi từ giá xăng tính theo ngoại tệ, giá vẫn giữ ở mức 32 rúp/lít, tức là khoảng 0,5USD/lít đối với xăng A92.  
nuo c nga va da u mo Tunisia: Bộ trưởng dầu mỏ Libya “đã rời bỏ đất nước”

Thềm lục địa biển Bắc: Ai được khai thác từ 2015?

Khủng hoảng kinh tế và sự trừng phạt của phương Tây gây nhiều trở ngại cho việc triển khai các dự án của Rosneft và Gazprom ở Biển Bắc. Quan điểm chỉ có các doanh nghiệp Nhà nước được độc quyền khai thác ở thềm lục địa này có khả năng thay đổi. Sau nhiều năm tranh đấu, giờ đây các công ty tư nhân có cơ hội tiếp cận nguồn tài nguyên lớn này.

Trong số các công ty tư nhân, đầu tiên phải kể đến là Lukoil. Công ty này vốn có kinh nghiệm khai thác dầu ở thềm lục địa. Thêm vào đó ý tưởng cho phép công ty tư nhân tham gia khai thác ở Biển Bắc được Văn phòng Tổng thống ủng hộ.

nuo c nga va da u mo
Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đang xây dựng dang dở

Đầu tháng 3-2015, trợ lý Tổng thống Andrey Belousov đệ trình lên tổng thống kiến nghị của Lukoil về việc cho phép các công ty tư nhân khai thác dầu khí tại thềm lục địa Biển Bắc Băng Dương. Về nguyên tắc, tổng thống đã đồng ý và giao cho Chính phủ nghiên cứu và báo cáo. Theo như thông báo của trợ lý Tổng thống, ý tưởng này đã nhận được sự đồng thuận của Phó thủ tướng Aleksandr Kholoponin, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Aleksandr Novak cũng như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Sergey Donsky. Người tích cực nhất trong cuộc vận động hành lang này phải kể đến Chủ tịch - Cổ đông chính của Lukoil là Vagit Alekperov. Ngay từ  đầu tháng 2-2015, ông này đã có cuộc gặp với tổng thống về vấn đề thềm lục địa Biển Bắc. Song chính phủ và Lukoil từ chối bình luận về kết quả cuộc gặp.

Thực tế tính đến 1-1-2015 chính phủ đã cấp 137 giấy phép khai thác tại Biển Bắc, trong đó có 49 giấy phép cho các công ty tư nhân. Các giấy phép này được cấp trước khi điều chỉnh Luật “Tài nguyên dưới lòng đất” vào năm 2008. Sau khi điều chỉnh luật thì chỉ có các doanh nghiệp nhà nước độc quyền khai thác ở thềm lục địa. Nhân vật chính vận động hành lang thay đổi luật lúc bấy giờ đang giữ cương vị phó thủ tướng và ngày nay là Chủ tịch Rosneft - Igor Sechin. Nhiều năm liên tiếp Lukoil phản đối thay đổi này. Còn lại Rosneft và Gazprom. Hiện nay Rosneft chiếm được 48 lô và Gazprom được 40 lô. Tổng cộng hai công ty này đang nắm giữ gần 80% diện tích có trữ lượng dầu khí.

Mặc dù có đặc quyền trong tay nhưng nhịp độ và khối lượng công tác thăm dò địa chất của các doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với lộ trình đã cam kết, vì vậy nếu tiến hành khai thác sẽ gặp khá nhiều rủi ro. Cụ thể là Rosneft và Gazprom chỉ mới nghiên cứu các lô ở mức 0,25km dài trên 1km2, trong khi đó theo tiêu chuẩn thế giới là 0,35-0,5km dài.

Các công ty dầu khí Nga xin ưu đãi thuế

Giá dầu giảm, các công ty dầu khí Nga đồng loạt xin ưu đãi mới về thuế. Lo ngại sự sụt giảm sản lượng khai thác trong tương lai gần, Chính phủ Nga sẵn sàng ủng hộ ưu đãi thuế mới tùy theo từng vùng. Bộ Năng lượng đã đề xuất các biện pháp ban đầu, cụ thể là đề nghị ra hạn ưu đãi thuế cho các mỏ ở Iakutia (vùng này Công ty Surgutneftegaz khai thác là chủ yếu) mỏ Iuri Kortrangin ở Caspien do Lukoil đang khai thác; đến lượt mình, Gazprom neft cũng xin gia hạn thêm ưu đãi cho mỏ Novoportov ở Iamalo.

 Chính phủ giao cho Bộ Năng lượng soạn thảo trình chính phủ các biện pháp mới nhằm thúc đẩy khai thác các mỏ dầu. Theo ý kiến của Bộ Năng lượng, cần thay đổi hệ thống thuế hiện hành bởi vì hệ thống này xây dựng theo kịch bản giá dầu 100USD/thùng và tỉ giá rúp là 38 rúp/1USD. Mục đích thay đổi sao cho tăng lợi nhuận cho các nhà máy lọc dầu và thúc đẩy quy trình hiện đại hóa các nhà máy này, đồng thời giảm gánh nặng thuế khóa cho ngành khai thác dầu. Với mức thuế tài nguyên hiện hành thì dự kiến ngân sách sẽ thu về 247 tỉ rúp trong năm 2016. Tỉnh Iakutia kiến nghị áp dụng thuế suất thuế tài nguyên bằng 0% cho đến năm 2021 hoặc sản lượng khai thác cộng dồn là 10 triệu tấn dầu nhưng tỉ lệ khai thác mỏ dưới 5% phải tính từ 2020 trở đi. Đối với thuế xuất khẩu thì bỏ tiêu chí tỉ lệ khai thác mỏ.

 Bộ Năng lượng đề xuất hỗ trợ cho Lukoil, cụ thể là đến năm 2015 hết hạn ưu đãi thuế tài nguyên của mỏ Iuri Kortrangin nằm ở thềm lục địa Caspien (trữ lượng mỏ này tính theo 3P là hơn 40 triệu tấn, kế hoạch khai thác năm 2015 là 1,66 triệu tấn. Ngoài ra Lukoil còn bị thiệt hại do đồng rúp mất giá, vì vậy Bộ Năng lượng đề nghị ra hạn miễn thuế tài nguyên đến năm 2021 hoặc đến khi sản lượng khai thác cộng dồn 15 triệu tấn.

Thêm một lưu ý nữa là ngày 26-3, Chính phủ bắt đầu thảo luận về việc cho phép các công ty tư nhân khác tham gia khai thác thềm lục địa. Một mỏ lớn của Gazprom neft là Novoportov với trữ lượng C1 + C2  là 250 triệu tấn dầu và 320 tỉ m3 khí ở Iamalo cũng được xem xét ưu đãi thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu.

 Trong tương lai gần, sản lượng khai thác dầu bắt đầu sụt giảm, theo sơ đồ chiến lược năng lượng của Liên bang Nga thì đến năm 2020 sản lượng dầu khai thác là 514 triệu tấn (năm 2014 là 525 triệu tấn). Theo đánh giá của các chuyên gia thì hầu hết các dự án bị thiệt hại chủ yếu do chính sách trừng phạt kinh tế chứ không phải do giá dầu. Để khuyến khích đầu tư vào các nơi có điều kiện khó khăn như vùng Đông Xiberi và vùng Iamalo, chính phủ đồng ý gia hạn ưu đãi thuế tài nguyên.

Nỗi thất vọng và niềm hy vọng của Lukoil

Lukoil là nhà khai thác lớn nhất trong vùng Nhenhetsky, hiện nay công ty đang phải trải qua một thời kỳ không mấy thuận lợi ở khu vực này. Lukoil là công ty đầu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng vận chuyển dầu ở đây. Ở phía bắc khu tự trị Nhenhetsky, Lukoil đã liên doanh với ConocoPhilips thành lập “Narianma neftegaz”, xây dựng kho chứa dầu Varandey công suất 12,5 triệu tấn và đường ống dẫn dầu từ mỏ Nam Khunchiusky dài 161,5km với công suất 8 triệu tấn/năm, cùng với nhà máy điện khí công suất 125 Mw. Hạ tầng cơ sở này được xây dựng theo tính toán phục vụ cho mỏ Nam Khunchiusky và trong tương lai là 2 mỏ của “Basneft” là mỏ Titov và mỏ Trebsa với trữ lượng 140 triệu tấn.

Liên doanh “Narianma neftegaz” bắt đầu khai thác thử năm 2007 và khai thác công nghiệp vào năm 2008. Sản lượng đạt đỉnh điểm 7 triệu tấn sau 2 năm khai thác. Dự kiến sản lượng này sẽ duy trì được 4 năm. Song không ai ngờ sản lượng sụt giảm rất nhanh, mỗi năm giảm một nửa. Đến năm 2012, khi sản lượng khai thác chỉ còn 1,3 triệu tấn thì đối tác Mỹ rút khỏi dự án. Năm ngoái mỏ này chỉ còn khai thác có 680 ngàn tấn. Như vậy niềm hy vọng vào mỏ Nam Khunchiusky đã không thành hiện thực, theo tính toán ban đầu thì trữ lượng minh chứng là 74 triệu tấn C1+C2  thực tế chỉ còn một nửa. Tuy vậy Luloil vẫn hy vọng kéo dài đời mỏ. Năm 2014 tổng sản lượng của Lukoil ở Khu tự trị này là 6 triệu tấn.

Rusvietpetro duy trì sản lượng

Liên doanh Rusvietpetro đang tăng sản lượng khai thác một cách ổn định. Liên doanh này đang sở hữu giấy phép khai thác 13 mỏ ở Khu tự trị Nhenesky thuộc đới nâng Trung tâm Khoreyve với trữ lượng C1+C2  hơn 100 triệu tấn. Xét về mặt trữ lượng, các mỏ này thuộc loại nhỏ và trung bình, nhưng xét về mặt địa chất thì các mỏ này có cấu tạo phức tạp. Hiện nay công ty này đang khai thác 3 mỏ lớn nhất trong số 13 mỏ, đó là Bắc Khosedayu, Visovoie và Tây Khosedayu với trữ lượng C1 khoảng 55 triệu tấn. Ở mỏ Bắc Khosedayu sản lượng khai thác  là 1,4 triệu tấn vào năm 2012. Năm nay 2015 mỏ Bắc Khosedayu dự kiến đạt mức 1,5 triệu tấn.

Dầu khai thác từ mỏ Khoreyveye trung tâm dẫn qua đường ống công suất 2 triệu tấn, chiều dài 100km nối với đường ống “Severnoie sianie”. Rusvietpetro thuê lại 60 km đường ống này. Vấn đề chưa giải quyết được là số dầu còn lại từ mỏ Trung tâm Khosedayu vận chuyển thế nào? Khi lập dự án công ty liên doanh dự kiến sẽ hợp tác với Lukoil và Basneft xây dựng đường ống dẫn tới kho chứa Varandey, xong các mỏ nhỏ này nằm gần đường ống của Liên doanh Nga - Mỹ mà sản lượng khai thác bị sụt giảm nhiều, nên công ty thuê lại đường ống của họ.

Rusvietpetro lên kế hoạch khai thác cho năm 2016 là 4 triệu tấn và mức cao nhất có thể đạt được là 5 triệu tấn/năm. Thực tế năm nay khai thác hơn 3 triệu tấn.

“Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” lại lỗi hẹn

Sau nửa năm đàm phán không thành công với Thổ Nhĩ Kỳ, thực tế Gazprom đã 2 lần dừng xây dựng đường ống dẫn khí Phương Nam cung cấp khí đốt cho châu Âu. Chỉ trước vài ngày xây dựng nhánh thứ nhất đường ống dẫn khí, Gazprom đã hủy hợp đồng đặt đường ống với Công ty Saipem của Italia, như vậy dự án sẽ lùi lại ít nhất đến năm sau (2016).

Gazprom sẽ chuyển hướng cung cấp khí cho châu Âu qua Biển Baltic, thực hiện phương án không qua lãnh thổ Ucraina.

Công ty thiết kế xây dựng đường ống dẫn khí “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” South Stream Transport B.V. thuộc Gazprom tuyên bố hủy Hợp đồng với Công ty Saipem về việc đặt đường ống qua Biển Đen. Lý do được đưa ra là dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” còn nhiều vấn đề về thương mại chưa thỏa thuận xong.

Giá trị hợp đồng đã ký trị giá 2,2 tỉ USD và phải được bắt đầu thực hiện từ tháng 10 năm 2014, song phía Bungari không cấp phép cho dự án “Dòng chảy Phương Nam” nên đến đường ống phải chuyển hướng qua Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó đến đầu tháng 6 năm nay, 2 con tàu rải ống của Saipem phải neo đậu tại cảng Varna của Bungari. Gazprom đã chi trả cho Saipem 270 triệu USD tiền bồi thường.

Công ty Saipem đã có trong tay giấy phép của Chính phủ Italia, nếu hủy hợp đồng thì Saipem khó có thể xin lại giấy phép trong điều kiện nước Nga đang bị trừng phạt kinh tế. Cuối cùng thì tàu rải ống Castoro Sei cũng rời Cảng Varna đến Anapa nơi có thể bắt đầu xây dựng đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” trong những ngày sắp tới. Xét trên cơ sở này thì việc hủy hợp đồng là hết sức bất ngờ. Mặc dù Gazprom vẫn khẳng định sẽ triển khai dự án này, song nếu không có nhà thầu thì việc xây dựng đường ống nhánh thứ nhất sẽ không thể sớm hơn năm 2016.

Gazprom đã ký hợp đồng rải đường ống với Công ty Allseas của Thụy Sỹ để xây dựng nhánh thứ 2, nhưng chưa có giấy phép của Chính phủ Thụy Sỹ. Hiện nay Gazprom đang xem xét phương án thuê công ty của Nga rải 220km đường ống dưới biển nước nông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, còn Công ty Saipem sẽ rải 660km ống ở vùng nước sâu, điều kiện phức tạp ở vùng biển của Nga.

Hiện nay công ty chế tạo ống của Nga đã đặt sản xuất 2 tàu rải ống ở Singapore, cái thứ nhất sẽ được bàn giao vào tháng 12 năm nay. Nhưng cả 2 tàu này chỉ hoạt động ở vùng nước nông. Mới 1 tháng trước, Gazprom còn tuyên bố nhánh thứ nhất của “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2016. Nhưng với việc hủy hợp đồng với Công ty Saipem thì mọi người đều hiểu là có sự thay đổi lớn về chiến lược cung cấp khí của Gazprom sang châu Âu không trung chuyển qua Ucraina.

 

Bùi Đức Hảo

Năng lượng Mới 462