NSND Trung Kiên: Thành công của học trò là quan trọng nhất

07:14 | 28/09/2013

3,296 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhạc sĩ Trung Kiên chia sẻ, ông nghe giải thưởng của cậu bé quán quân "Giọng hát Việt nhí" mà buồn lòng. Bởi chỉ một cuộc thi nhỏ cho vui của trẻ em mà giải thưởng lên tới hơn 500 triệu, trong khi đó các học trò của ông ở nhạc viện ẵm giải lớn, giải nhỏ trong nước, quốc tế chẳng có ai quan tâm. NSND Trung Kiên cho rằng, giới truyền thông hiện quá thừa những lời khen khiến cho con người ta không còn biết giá trị thực.

Người đầu tiên bỏ cuộc

PV: Thời gian này nhiều người nhắc đến chuyện bỏ nhạc viện của Trọng Tấn? Điều đó có khiến ông thấy buồn lòng?

NSND Trung Kiên: Bây giờ là thời của thị trường, ở lại trường hay là ra xã hội hát tự do như anh Tấn cũng tốt, miễn là đừng làm gì bậy bạ. Thị trường âm nhạc bây giờ như thế, không có gì phải ngại cả.

Câu chuyện của Trọng Tấn cũng chỉ là một câu chuyện nhỏ trong làng âm nhạc hiện nay. Tôi thấy buồn cười là tại sao truyền thông lại cứ quan tâm đến việc đấy, mà không nghĩ rằng, nhạc viện còn có nhiều vấn đề cần được hỗ trợ, quan tâm hơn. Thực tế thì ở trường này có rất ít người ra đi, chẳng hạn trong khoa Thanh nhạc mới có anh Trọng Tấn là người đầu tiên.

NSND Trung Kiên

PV: Nhạc viện là môi trường đào tạo tốt nhất nhưng người được công chúng biết đến lại không nhiều. Ông có thấy điều đó quá nghịch lý không?

NSND Trung Kiên: Một số sinh viên đạt giải piano hay violon vẫn liên tục được giới thiệu đến công chúng nhưng giờ không mấy ai nghe “thứ” nhạc hàn lâm này nên mọi người không biết đấy thôi. Làm thế nào được, giờ là thời đại của truyền hình. Mà truyền hình phải có quảng cáo, quảng cáo lại cần những người có tiền, mà nhà giàu lại không thèm làm thứ âm nhạc bác học. Đi xin tài trợ không được vì nó không phải thứ giải trí, vui chơi giải trí họ tài trợ liền, xem cười hơ hớ đấy. Năm ngoái khoa Piano mới tổ chức được Concours piano nhờ có tài trợ nhưng năm nay thì thôi rồi vì họ làm ăn thua lỗ. Ai cũng chỉ muốn được tài trợ giống truyền hình thực tế gì đó. Còn như âm nhạc bác học thì có phải ai cũng biết nghe đâu. Nhà trường muốn tổ chức nhiều nhưng không có tiền. Một năm được bao nhiêu tiền đem đi đào tạo hết sạch. Vì vậy không phải cứ cố là được.

PV: Nghĩa là nhạc viện vô kế khả thi, thưa ông?

NSND Trung Kiên: Bây giờ nhà trường đang muốn làm festival để các sinh viên có nơi biểu diễn, thể hiện được khả năng của mình. Nhưng tiền ở đâu ra?

Tôi nghe giải thưởng của cậu bé đạt quán quân "Giọng hát Việt nhí" mà buồn lòng. Chỉ với một cuộc thi nhỏ cho vui mà cậu ấy được những hơn 500 triệu, trong lúc đó các em nhạc viện ẵm giải lớn giải nhỏ trong nước, quốc tế không được ai cho một xu ngoài nhà trường. Nhà báo phải đi sâu vào đời sống, khu vực đào tạo mới hiểu hết được. Khó khăn chồng chất khó khăn.

PV: Tài năng thực sự mà không được biết đến, ông thấy thế nào?

NSND Trung Kiên: Tôi khẳng định tài năng chính là năng khiếu cộng với lao động và lao động. 6, 7 tuổi mà bảo tài năng là sao? Tất cả mọi người bây giờ, đặc biệt là truyền thông quá thừa những lời khen khiến cho con người ta nhiều khi không còn biết giá trị thực. Thi hát em nào cũng tài năng, cũng là ngôi sao… nhưng mà cuối cùng thì có sao nào đâu, điểm đi điểm lại toàn là giọng cũ.

Cái gì cũng vậy, muốn thành công cũng phải khổ luyện, học hành. Tôi không phủ nhận thời đại này không hiếm những giá trị ảo được tung hô. Nhưng nhìn nhận một cách chân thực, thẳng thắn đó chỉ là số ít, còn phần đông vì chán, vì buồn mà họ im lặng và chờ… sự thay đổi.

Ai đời người làm nhạc mà lúc nào cũng chỉ chăm chăm cát-sê mấy chục triệu một show. Đặt nặng vấn đề tiền như vậy thì đừng mong sẽ làm được âm nhạc tử tế.

Tình thầy trò đầy nước mắt

PV: Trình độ thưởng thức âm nhạc của người Việt dậm chân tại chỗ đã lâu, theo ông vì sao?

NSND Trung Kiên: Báo chí cũng nói chỉ để biết vậy chứ giải quyết điều này không hề đơn giản. Để giải quyết tận gốc phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, từ định hướng đến giáo dục rồi chính sách… Mà từ chính sách đến thực hiện thì còn xa vời lắm. Lý do cũng từng được nói ra, nhưng cũng có làm được gì đâu. Kêu mãi cũng chán nên đành thôi.

Gần đây tôi có nghe nói danh hiệu NSND được thêm 2 triệu, nhưng quyết định đó đã ban hành 6 tháng nay, đã ai cầm được đồng nào? Nhưng nghệ sĩ không ai nhìn chằm chằm vào cái đó mà sống, họ chỉ cần cái lâu dài hơn để làm việc. Chúng tôi, nếu không yêu nghề sao dạy được học sinh. Tôi là giáo sư, dạy ở đây chỉ được 60 nghìn một giờ, tính toàn lỗ thôi. Tôi không giàu nhưng cũng không đến mức chết đói nên cả thầy và trò phải cùng hiệp sức với nhau. Chuyện lương bổng cũng khổ lắm nhưng nếu đi sâu vào sẽ phải rơi nước mắt cái tình nghĩa của thầy trò ở đây.

PV: Ông có thể chia sẻ về sự đặc biệt của “tình thầy trò” được không ạ?

NSND Trung Kiên: Không yêu nghề sao dạy dỗ học trò được? Ví như hôm nay đã là ngày học đâu nhưng học trò đến rồi, các thầy vẫn sẵn sàng dạy. Thầy và trò ở học viện này có mối quan hệ khác lắm, nếu không có sự gắn bó giữa thầy với trò thì không bao giờ thành công được. Nó không giống như một thầy lên giảng cho cả trăm trò như trên giảng đường mà là một thầy một trò thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, tình nghĩa khác lắm nên dù có khổ chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua.

Riêng với học sinh nghệ thuật, các thầy cô ngoài việc luôn chỉ bảo rất tận tụy còn là những người bạn của chính học trò. Hằng ngày gặp nhau, dạy bảo, giúp đỡ lẫn nhau, trò có thể chia sẻ với thầy về chuyện yêu đương. Lớp tôi dạy nhiều em mắc sai lầm về chuyện yêu đương, tôi cũng phải dạy bảo. Về sau các em kết luận rằng, ai lấy chồng mà không hỏi thầy Kiên đều “chết” cả. Nói vui vậy để thấy chúng tôi thương học trò như con cháu.

Vợ tôi cũng dạy mấy em đi thi nước ngoài suốt mà có được xu nào đâu. Nếu tính toán thế thì các em lấy tiền đâu trả. Cô ấy không bao giờ đòi tiền, chỉ yêu cầu các em phải học cho ra hồn. Giải thưởng ở nước ngoài có cho tiền đâu, họ thường quy ra thành học bổng.

Thực sự, với chúng tôi, thành công của trò mới là điều quan trọng nhất, chứ không phải chuyện tiền bạc. Được giải tập trung về mời thầy cô đi ăn, hoặc về quê mang cho thầy quả đu đủ, xách lên bao gạo, bó rau muống, thế là vui lắm rồi… Đó là những tình nghĩa mà tôi cho là những trường khác chưa chắc đã bằng được trường nghệ thuật như vậy.

Ngay cả Trọng Tấn, nếu không có cái tình của thầy cô ở đây làm sao em ấy có thể được như bây giờ. Cái tình đó không có nhiều ở các mái trường khác đâu.

PV: Xin cảm ơn nghệ sĩ!  

Nghệ sĩ Trung Kiên sinh năm 1939. Ngoài danh hiệu NSND (phong tặng năm 2001), ông còn sở hữu học vị giáo sư và có thời gian trên cương vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) từ năm 1992- 2001. Sau khi nghỉ hưu, ông tập trung và dành hết tâm huyết cho vai trò giảng viên thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội, là người thầy của nhiều ca sĩ nổi tiếng hiện nay như NSND Lê Dung, Phương Nga, Bích Thủy, Đăng Dương, Trọng Tấn.


Hằng Nga (thực hiện)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps