NSND Trà Giang: “Phải sống thật trong nhân vật mới có những vai diễn để đời”

07:00 | 17/03/2014

1,701 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 30 năm trong nghề, NSND Trà Giang đã đóng 20 bộ phim, nhưng rất nhiều vai diễn của bà đã in sâu trong lòng khán giả. Đó là hạnh phúc lớn nhất của người làm nghệ thuật. Trò chuyện với Năng lượng Mới, NSND Trà Giang cho rằng, nghệ sĩ phải sống chết với vai diễn mới có thể thành công.

Năng lượng Mới số 304

PV: Bà thuộc thế hệ vàng của điện ảnh cách mạng Việt Nam, dù xa màn ảnh hơn 20 năm nhưng tên NSND Trà Giang vẫn được nhiều thế hệ khán giả nhắc nhớ. Điện ảnh Việt Nam bây giờ, hằng năm có hàng trăm bộ phim ra lò và cũng có rất nhiều gương mặt diễn viên mới, tuy nhiên để có những bộ phim hay tên diễn viên được khán giả nhớ thì không nhiều. Theo bà thì vì sao?

NSND Trà Giang: Ngày nay có nhiều bạn trẻ gặp tôi vẫn nói, bây giờ em vẫn thích những phim thời chị hơn phim bây giờ. Tôi thấy có hai cái lý. Giờ ít có phim nghệ thuật, mà chủ yếu là phim truyền hình, trong khi phim truyền hình quay 2 ngày một tập thì khó hay được.

Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp tôi thấy rằng, thời đó diễn viên đã hòa nhập vào cuộc sống. Trong mỗi vai mình thể hiện, diễn viên sống được trong nhân vật chứ không phải diễn. Để làm được điều đó, diễn viên phải lăn lộn, đi đến nơi xảy ra câu chuyện và gặp nhân vật mẫu trong kịch bản. Ngoài việc đọc kịch bản, diễn viên phải tìm hiểu bối cảnh xã hội lúc đó như thế nào trên sách vở, trên con người thật… Tôi nghĩ, trong nghệ thuật yếu tố chân thật là quan trọng nhất. Trong 30 năm làm diễn viên, tôi chỉ đóng khoảng 20 phim. Còn nhiều diễn viên trẻ bây giờ, một năm đóng đến mấy phim thì thời gian để nghiên cứu vai diễn, dành cho nghệ thuật không nhiều. Nếu không dành hết tình yêu của mình cho vai diễn, cho kịch bản, cho phim thì diễn viên khó để lại những vai diễn ấn tượng trong lòng khán giả được.

NSND Trà Giang tại phòng tranh

PV: Tuy nhiên giờ đây vẫn có những diễn viên giỏi và có nhiều vai diễn được khán giả nhớ đến?

NSND Trà Giang: Đúng vậy. Nói như thế không có nghĩa giờ đây không có những diễn viên được khán giả nhớ lâu. Như thập niên 90 có Ngọc Hiệp, Việt Trinh có những vai diễn để khán giả nhớ. Bây giờ có Hồng Ánh, 2 năm liền đạt giải thưởng Bông Sen Vàng dành cho diễn viên xuất sắc thì không phải dễ. Còn bên kịch thì có nhiều diễn viên tâm huyết như Hồng Vân, Thành Lộc, Thanh Thủy, Ái Như… Nhiều gương mặt trẻ tôi thấy rất nể trọng.

Cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, thời tôi có nhiều vai để đời là vì được nhận vai diễn có giá trị lịch sử như “Chị Tư Hậu” thời chống Pháp hay chị Dịu trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” trong thời gian đấu tranh để thống nhất đất nước nên mang ý nghĩa xã hội rất lớn. Tác động mạnh vào lòng người. Cho đến sau này, lớp trẻ xem lại những phim này trên ti vi vẫn cảm nhận được. Tuy nhiên, với những kịch bản có giá trị lịch sử, có ý nghĩa xã hội mà không có những diễn viên tâm huyết và sống một cách chân thật trong nhân vật thì khó để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.

PV: Nhiều người nói rằng, phía sau sự thành công của NSND Trà Giang là một gia đình êm ấm, hạnh phúc mà không phải nghệ sĩ nào cũng có được. Phải chăng sự thành công của bà trong nghiệp diễn, có một phần công lao của Giáo sư - nghệ sĩ violon Bích Ngọc?

NSND Trà Giang: Dù anh Ngọc đã ra đi hơn 10 năm, nhưng hai mẹ con vẫn luôn nhắc đến anh. Những thành công của tôi cũng như của Bích Trà hôm nay đều có công rất lớn của anh. Rất tiếc là trong những lúc Trà biểu diễn thì không còn cha bên cạnh, chứ còn sống là anh sướng lắm. Anh cưng Bích Trà lắm vì chỉ có mỗi mình Trà mà Trà lại theo nghề của cha. Những nốt nhạc đầu tiên của Bích Trà là do cha dạy, 1 năm sau Trà mới đến học cô giáo. Ai nhìn vào cũng thấy rằng, ngoài sự nghiệp ra thì anh Ngọc dành hết tình yêu cho gia đình, cho vợ con. Đời sống gia đình bất ổn thì ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp nghệ thuật. Ngày xưa, tôi có những người bạn học cùng khóa, học rất giỏi, những phim đầu tay được giới điện ảnh và công chúng chấp nhận. Nhưng sau đó chuyện gia đình không êm thấm thì sự nghiệp của các bạn cũng tan sớm. Nên tôi luôn biết ơn anh Ngọc vì tất cả những gì anh đã dành cho vợ con. Ngay cả những việc nhỏ nhất, vào mỗi buổi sáng anh đều vắt cho tôi một ly nước cam...

PV: Sau khi nghệ sĩ Bích Ngọc mất thì bà vừa làm mẹ vừa làm cha. Có lẽ đây là giai đoạn rất chông chênh?

NSND Trà Giang: Sau khi anh mất, may là trong cuộc sống của tôi còn có Bích Trà, có ba mẹ, có anh chị em và có hội họa. Chính gia đình và hội họa đã cứu tâm hồn tôi bình an trở lại. Tuy nhiên, trong những ngày tháng đầu sau khi anh mất, mỗi lần mở nhạc violon là tôi không nghe nổi, phải tắt  ngay. Nghe thấy nhói vào tim vì nhớ anh quá.

Tôi cho rằng, trong cuộc đời mỗi người, gia đình cực kỳ quan trọng, sau này ba mẹ về sống chung với tôi. Một thời gian dài không chỉ ba mẹ tựa vào tôi mà tôi cũng tựa vào ba mẹ. Vì từ năm 12 tuổi tôi không ở với ba mẹ, đi học ở tập thể. Khi học điện ảnh cũng ở tập thể. Sau có gia đình cũng ở tập thể. Ngày đó, cái gì cũng tập thể. Tôi chỉ ở chung với ba mẹ vào dịp hè, khi trở thành diễn viên chỉ có Chủ nhật mới về thăm ba mẹ. Giờ ba mẹ đã khuất núi hết rồi, nghĩ lại thấy có lỗi với ba mẹ vì mình cứ mải mê vẽ và không ở nhà thường xuyên. Những ngày tháng đó, sáng ra thì tôi vẽ, chiều mà thấy còn sức khỏe thì tiếp tục vẽ.

PV: Ngày nay, quan niệm về gia đình và hôn nhân có “nhẹ” hơn với thời của bà. Làm thế nào để giữ hạnh phúc gia đình, nhất là phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, thưa bà?

NSND Trà Giang: Phụ nữ ngày nay có điều kiện học hành tốt hơn, được tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn, cởi mở hơn. Nếu ngày xưa quan niệm, nghệ sĩ là “xướng ca vô loài” thì ít ai dám cho con gái đi vào con đường nghệ thuật. Sau này, xã hội có nhiều thay đổi, phụ nữ đi vào con đường nghệ thuật có điều kiện phát triển nhưng cũng phải đối diện với nhiều thách thức. Bản thân tôi là người hạnh phúc gặp người chồng hiểu, thông cảm và luôn động viên khuyến khích vợ làm việc nhưng có những người chồng với một tình yêu ích kỷ thì không quan niệm như vậy. Đôi lúc họ ghen tuông và nhiều khi đưa ra những lời xúc phạm người thân yêu của mình nên dễ dẫn đến sự tan vỡ. Vì nghệ sĩ có tâm hồn mong manh, dễ vỡ nếu gặp hoàn cảnh tốt tươi thì phát triển tốt, còn nếu rơi vào bi kịch gia đình hay bi kịch xã hội thì phụ nữ làm nghệ thuật sẽ gặp nhiều trắc trở, kể cả nhiều tai tiếng…

PV: Trong khoảng 10 năm trở lại đây bà thường được nhắc đến là họa sĩ Trà Giang. Thưa bà, duyên cớ nào đưa diễn viên Trà Giang đến với hội họa?

NSND Trà Giang: Tình cờ một lần tôi đến thăm nhà Thượng tướng Trần Văn Trà thấy treo rất nhiều tranh, hỏi ra mới biết tranh của phu nhân tướng Trà (bà Lê Thị Thoa). Tôi thấy vui quá và muốn học vẽ. Những năm (khoảng 1999) mọi người đi học hội họa đông lắm. Cô Thoa bảo tôi học 3 tháng đầu thì vẽ được tĩnh vật, sau đó sẽ vẽ màu. Nhưng tôi học được hơn hai tháng thì anh Ngọc (chồng NSND Trà Giang) lâm bệnh nặng và chỉ 100 ngày sau thì anh ra đi. Sự ra đi của anh Ngọc là một nỗi đau quá lớn, cho nên tôi chỉ còn cách lao vào học vẽ và hằng ngày tôi vẫn tiếp tục đến nhà cô Thoa học, thành lập một nhóm vẽ và mời hai thầy đến dạy tại nhà. Chúng tôi học theo kiểu truyền nghề. Đầu tiên các thầy bày lọ hoa, quyển sách, cục gạch, cái rổ… học trò vẽ tĩnh vật. Sau đó các thầy góp ý và chữa bài cho chúng tôi. Giờ đây vẫn còn rất nhiều tranh bột màu trong phòng này. Những bức đẹp nhất tôi đã tặng bạn bè, người thân. Phải nói rằng, dù đến với hội họa một cách tình cờ nhưng chính hội họa đã giúp tôi vượt qua thời gian vắng lặng sau khi anh Ngọc ra đi.

PV: Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.

Thiên Thanh (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.