Nông nghiệp Nga "lột xác" sau cấm vận

11:03 | 21/08/2017

4,290 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
3 năm sau khi Nga cấm vận lương thực để trả đũa lệnh trừng phạt của một số nước phương Tây, nền nông nghiệp nói chung và ngành công nghiệp thực phẩm của Nga nói riêng đã “lột xác” để trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế.

Vào tháng 8-2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm nhập khẩu vào Nga một số loại nông sản, nguyên liệu và thực phẩm từ các nước áp đặt biện pháp trừng phạt chống Nga gồm Mỹ, EU, Canada, Australia và Na Uy. Danh sách cấm nhập khẩu bao gồm thịt, xúc xích, cá và hải sản, rau, trái cây và các sản phẩm sữa.

Các mặt hàng nằm trong lệnh cấm ở Nga tăng giá vùn vụt trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó đã dần hạ giá vì Nga một mặt tự sản xuất được hàng thay thế hoặc nhập từ các quốc gia khác. “Lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước phương Tây đã giúp nền nông nghiệp Nga tăng năng suất đáng kể”, Giám đốc điều hành Hiệp hội Các nhà sản xuất và cung cấp thực phẩm Nga, Dmitri Vostrikov, cho biết.

Theo ông, số lượng các sản phẩm do Nga sản xuất có mặt trong các cửa hàng hiện nay chiếm khoảng 77%, với một số sản phẩm, ví dụ như bánh mì, sữa, thịt hoặc trứng, tỷ lệ đạt 100%, có nghĩa là toàn hàng của Nga. Trước đây, thực phẩm nước ngoài chiếm 40% tổng số các mặt hàng bày bán trong các siêu thị ở Nga.

nong nghiep nga lot xac sau cam van
Một nhà kính trồng rau sạch ở Nga

“Như vậy, sau 3 năm cấm vận, nếu xét về an ninh lương thực và khả năng cung ứng các sản phẩm địa phương cho thị trường Nga, Moskva được nhiều hơn mất”, Evgeniy Koshelev, chuyên gia của Ngân hàng Rosbank nhận định.

Hơn nữa, lệnh cấm vận còn giúp nhiều nhà sản xuất địa phương tìm lại được những sản phẩm Nga từng vắng bóng trên các kệ hàng. Chẳng hạn, 3 năm sau cấm vận, người dân Nga giờ có thể dễ dàng tìm thấy những chiếc “mozzarella made in Russia”, vốn gần như mất hẳn trên các kệ hàng trước đây. “Trước lệnh cấm vận, người Nga nghĩ rằng, thực phẩm nước ngoài là tốt hơn. Bây giờ, chúng tôi tự hào với những gì chúng tôi đang có”, Vladimir Mukhin, đầu bếp chuyên sử dụng các sản phẩm địa phương trong nhà hàng White Rabbit tại Moskva, nói với kênh truyền hình Mỹ CNN.

Dmitri Vostrikov, Giám đốc điều hành Hiệp hội Các nhà sản xuất và cung cấp thực phẩm Nga: “Các nhà sản xuất Nga phải biết rằng, sớm hay muộn thị trường Nga sẽ mở cửa trở lại cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm nước ngoài. Đây là lý do tại sao họ nên chuẩn bị cho việc cạnh tranh sắp tới”.

Nhờ vào cấm vận, nhiều doanh nhân ở Nga đã đổ xô vào đầu tư các nhà kính trồng rau, củ sạch. Theo Sputnik, năm nay Nga có kế hoạch xây dựng và hiện đại hóa ít nhất 160ha nhà kính mùa đông. Hy vọng điều này sẽ làm tăng lượng sản xuất rau thêm 120 nghìn tấn và đạt mốc 930 nghìn tấn/năm. Năm 2016, con số này là 813.600 tấn, cao hơn 14,6% so với năm 2015. Trong 7 tháng đầu năm 2017, Nga đã thu hoạch 507,4 tấn rau nhà kính, tăng hơn 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nga đang hướng nền nông nghiệp trở thành ngành xuất khẩu mũi nhọn, vượt qua cả doanh thu của xuất khẩu vũ khí. “Nga có triển vọng tốt để trở thành một trong những cường quốc nông sản thực phẩm hàng đầu thế giới”, chuyên gia tại Viện Phát triển đương đại Nga, Nikita Maslennikov, nhận định.

Nhưng lệnh cấm nhập khẩu của Nga không chỉ đem lại cho ngành nông nghiệp nước này một mầu hồng. Theo ông Vostrikov, một số lĩnh vực của Nga cần phải mất vài năm nữa mới có thể thay thế hoàn toàn được hàng nhập khẩu.

Giám đốc Trung tâm Dự báo kinh tế Gazprombank, Daria Snytko, lại chỉ ra một khó khăn khác: lệnh cấm vận khiến đồng tiền Nga mất giá so với ngoại tệ khác. Điều này gây thiệt thòi cho lĩnh vực nhập khẩu hàng hóa của Nga.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn cho rằng, một số ngành của Nga có thể bị ảnh hưởng tới quy mô phát triển một khi Moskva dỡ bỏ lệnh cấm, đặc biệt là các sản phẩm sữa. Mới đây, Hội đồng châu Âu đã quyết định kéo dài các biện pháp trừng phạt Nga cho đến cuối tháng 1-2018. Từ năm 2014, Nga đáp trả bằng cách cấm nhập khẩu sang Nga các mặt hàng nông sản, nguyên liệu và thực phẩm. Lệnh cấm của Nga lúc đầu nhắm tới các sản phẩm nhập khẩu từ EU, Mỹ, Australia, Na Uy và Canada. Từ ngày 13-8-2015, nhà chức trách Nga đã thêm vào danh sách đen Albania, Montenegro, Iceland và Liechtenstein và cuối cùng là Ukraine vào ngày 1-1-2016.

“Khu vực châu Á là thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới và là nền tảng nhu cầu toàn cầu trong những thập niên tới, việc thúc đẩy các thị trường xuất khẩu thực phẩm của Nga sang châu Á là rất quan trọng”, ông Nikita Maslennikov cho biết.

Ban đầu áp dụng cho thời hạn 1 năm, những hạn chế của Nga đã được gia hạn nhiều lần và gần đây là cho đến cuối năm 2017. Từ nay đến cuối năm, Nga còn 4 tháng để củng cố cho ngành nông nghiệp của mình.

Mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Yevgeny Gromyko đã đề nghị chính phủ tiếp tục thực hiện cấm nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ và các nước phương Tây, bởi đó được xem như một biện pháp giúp thúc đẩy sản xuất hàng thực phẩm trong nước. Theo đó, những thành tích cao mà ngành nông nghiệp nước Nga đạt được trong thời cấm vận nên tiếp tục duy trì để nông dân và doanh nghiệp Nga có thể chuẩn bị đủ điều kiện để cạnh tranh với hàng nhập khẩu, một khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Giới chuyên gia nhận định, đề nghị từ Bộ Nông nghiệp Nga nhiều khả năng sẽ được chấp thuận.

Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã có tuyên bố muốn kéo dài lệnh cấm vận để các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh. Ông Putin kêu gọi các doanh nghiệp Nga, trong đó có ngành sản xuất nông sản hãy mạnh dạn thiết lập một môi trường kinh doanh lành mạnh, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thủ tướng Medvedev cũng cho rằng, lệnh cấm là cần thiết trong bối cảnh nước Nga đang cần phát triển ngành nông nghiệp và công nghiệp để cạnh tranh với phương Tây.

Giới phân tích nhận định, nỗ lực đưa một nền kinh tế nông nghiệp từ bước lạc hậu trở thành mũi nhọn đã giúp Chính phủ Nga đạt được mục tiêu chuyển các mối quan hệ kinh tế khỏi khu vực phương Tây và hướng tới những thị trường mới nổi. Việc duy trì lệnh cấm vận và giảm thị phần của thực phẩm nhập khẩu giúp nước Nga giữ lạm phát ở mức ổn định.

S.Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc