Nông dân còng lưng cõng phí

10:26 | 30/07/2012

1,452 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Một cuộc điều tra mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành ở 135 xã, 117 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở 46 tỉnh, thành đã phát hiện nông dân phải nộp từ 30 đến 50 khoản phí khác không nằm trong danh mục, chủ yếu do chính quyền địa phương tự đặt tự thu.

Một cuộc điều tra mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành ở 135 xã, 117 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở 46 tỉnh, thành đã phát hiện nông dân phải nộp từ 30 đến 50 khoản phí khác không nằm trong danh mục, chủ yếu do chính quyền địa phương tự đặt tự thu.

Về xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình hỏi về các loại phí mà nông dân phải đóng góp cho HTX, bà con cho biết gồm thủy lợi phí, tiền điện, tiền bơm nước, tiền công tổ thủy nông, công bảo vệ đồng, điều hành phòng chống bão lụt, nạo vét kênh mương, công điều hành của trưởng thôn, sửa chữa trạm bơm, cống đập, bảo vệ thực vật, đại hội xã viên, kiểm kê, quản lý, khoa học kỹ thuật, quỹ diệt chuột... Tính dồn các loại phí này lại thì mỗi sào lúa người nông dân phải nộp riêng cho HTX là 16kg thóc. Nhà nào cấy một mẫu đã mất đứt 1,6 tạ thóc rồi.

Tuy nhiên, theo bà con mức đóng này chưa phải là cao, bởi ở xã Chí Hòa (Hưng Hà) phải đóng tới 21,37kg thóc/sào phí thủy lợi. Cộng mười mấy khoản thu khác nữa thì người nông dân ở xã này phải đóng vài chục kg/sào.

Ông Bùi Kim Đĩnh, Phó chi cục HTX và Phát triển nông thôn Thái Bình xác nhận thông tin này là chính xác vì Chi cục cũng đã điều tra ở HTX nông nghiệp Chí Hòa.

Tuy nhiên còn rất nhiều các loại phí, quỹ không nằm trong danh mục do Nhà nước quy định, song chính quyền ở hầu khắp các địa phương vẫn thi nhau phụ thu của nông dân như: quỹ công ích, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ trẻ thơ, quỹ người cao tuổi, quỹ an ninh, quỹ xây dựng đường giao thông thôn xóm, quỹ xây dựng nhà văn hóa thôn xóm, quỹ xây dựng nghĩa trang, xây dựng cống rãnh thoát nước vệ sinh, quỹ công điền, quỹ người nghèo, quỹ thăm thầy cô giáo, quỹ hội phụ huynh học sinh, quỹ khuyến học, quỹ xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, quỹ xây dựng nhà trường...

Từ chuyện hạt thóc sang chuyện quả trứng. Theo các thông tin trên báo chí hiện nay, việc xuất trứng bán ra thị trường bà con phải đóng phí hành chính, phí sát trùng, vệ sinh thú y… Trả lời báo chí gần đây, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, một quả trứng từ trang trại đến tay người tiêu dùng đang phải gánh tới 5 lần phí kiểm dịch. Bán một quả trứng gà người dân cũng chỉ thu về được 1.500 đồng. Với 5 lần phí, tổng cộng phí kiểm dịch cho mỗi quả trứng đã trên 200 đồng. Ông Sơn còn cho hay, việc các doanh nghiệp chăn nuôi, các chủ trang trại phản ứng đối với việc thu phí sản phẩm gia cầm, trứng gia cầm nhiều loại, nhiều lần đã xuất hiện từ mấy năm trước.

Tuy nhiên, Cục Thú y lại phản bác thông tin này bằng văn bản: Qua rà soát trên các địa bàn, các chi cục thú y cho hay với mức thu phí theo quy định của Bộ Tài chính hiện hành: đối với trứng thương phẩm là 4,5đồng/quả và đối với trứng giống, trứng đã ấp là 5,5đồng/quả, thì không có việc thu phí kiểm dịch nhiều lần và mỗi lần 50 đồng/quả như thông tin đã đưa.

Thế nhưng các chủ trang trại, các hộ chăn nuôi lớn lại cho rằng, việc thu phí nhiều lần là có thực và việc thu phí này là quá cao, ngoài ra trong quá trình lưu thông họ phải “làm luật” nhiều lần. Chuyện vô lý là gà đẻ được nuôi theo hướng an toàn, đã được cơ quan thú y kiểm dịch, nhưng trứng của gà an toàn đẻ ra vẫn phải nộp phí kiểm dịch. Việc thu phí như hiện nay đã làm tăng giá thành sản phẩm và gây ảnh hưởng đến việc lưu thông, tiêu thụ sản phẩm trứng gia cầm.

Nếu có chuyện thu phí kiểm dịch tới 5 lần như thông tin trên báo chí thì rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Không nên để tình trạng “sư bảo sư phải, vãi nói vãi hay” mãi như thế này. Cùng một Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thu phí kiểm dịch quả trứng mà cục này nói có cục kia bảo không.

Ông Danh Út - Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã giật mình biết được một quả trứng của người nông dân khi đến tay người tiêu dùng phải đóng nhiều phí như thế. Chưa nói đến những thiệt hại về kinh tế nhưng việc phải liên tục đóng phí như thế sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực, xin - cho giữa người dân và cơ quan công quyền.

Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì cho rằng, chuyện một quả trứng phải 5 lần đóng phí kiểm dịch là không thể hiểu nổi, một điều bất bình thường của xã hội. 5 lần kiểm dịch là từng ấy lần đóng phí, ngoài việc gây phiền hà, bức xúc cho người nông dân, còn làm tăng chi phí của toàn xã hội. Cụ thể là người tiêu dùng phải bỏ thêm tiền, còn cơ quan Nhà nước thì phải tăng người đi kiểm tra, người thu phí...

Nông dân vốn đã quá khổ mà vẫn phải còng lưng cõng phí như trên thì bao giờ Nghị quyết Tam nông của Đảng về được với bà con? Không thể hô hào xuông, chém gió mãi! Các cơ quan chức năng còn chờ gì mà không vào cuộc để giải cứu người dân khỏi cảnh “thập diện mai phục” thu phí kinh hoàng này!

Thọ Vinh

(Năng lượng Mới số 141, ra thứ Sáu ngày 27/7/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc