Nỗi niềm ethanol Dung Quất

07:45 | 02/03/2015

2,153 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nghe nhiều người bảo rằng, cất cồn ethanol khác chi nấu rượu, đơn giản như vậy cần gì khoa học kỹ thuật cao siêu. Và nghề cất cồn lãi to là cái chắc, lại càng lãi hơn khi cồn được sử dụng “pha” thành xăng…

Năng lượng Mới số 400

Tâm sự với người “cất cồn”

Kỹ sư Nguyễn Xuân Trình, là Trưởng ca sản xuất của Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất giúp tôi ngộ ra nhiều chuyện. Hóa ra, về nguyên lý thì cất cồn cũng na ná như nấu rượu, nhưng không thể hiểu một cách đơn giản như thế được. Nếu đơn giản như vậy cứ đắp cái lò thật to, hàn cái bồn thật lớn cứ áp dụng từng bước như nấu rượu thì ra cồn, chứ mắc mớ chi phải đầu tư xây dựng, phải nhập khẩu máy móc tốn USD của đất nước…

Những ý kiến trên là trật lấc. Việc sản xuất ra được 1 lít cồn khan (tức ethanol 99,8%) phải qua rất nhiều công đoạn, nhiều quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Kỹ sư Trình cho biết, công nghệ đang sản xuất ethanol của nhà máy thuộc bản quyền công nghệ Applied Process Technology International - APTI (Mỹ), với công nghệ chính là lên men gián đoạn, chưng cất đa áp suất. Hiểu một cách phổ thông của quy trình này theo từng bước như sau: Sắn lát mua về được nghiền thành bột; Đưa bột sắn vào một bồn chứa để tách cát bằng trọng lực, dùng hydrocyclone, sau khi tách sẽ cho ra tinh bột sạch riêng, cát và tạp chất riêng (bước này gọi là tách cát); Bước tiếp theo gọi là hồ hóa dịch bột sạch chuẩn bị nguyên liệu cho lên men, mục đích lên men tinh bột thành ethanol, khi đủ các điều kiện sẽ chuyển qua giai đoạn tiếp theo; Giai đoạn này gọi là vận hành chưng cất, mục đích của giai đoạn này là tách ethanol khỏi dịch sau lên men, nâng nồng độ ethanol lên 95%; Bước cuối là tách nước để nâng nồng độ ethanol lên 99,8% (gọi là cồn khan), đây mới là nguyên liệu chính để phối trộn với xăng  Ron 92 (theo tỷ lệ đã được quy định), mới cho ra xăng E5 Ron 92.

Một góc Nhà máy Sản xuất ethanol Dung Quất

Nói thì ngắn gọn như vậy, nhưng để ra được cồn khan là cả một quá trình, phải chấp hành nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, sơ sẩy để nồng độ ethanol không đạt tiêu chuẩn quy định, ca sản xuất ấy, nói dân dã là “lỗ chổng vó”.

Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, công suất thiết kế 100 triệu lít/năm hiện nay có 249 cán bộ, công nhân viên, trên 80% trong số này là người Quảng Ngãi.

“Hiếm” như củ mì

Hiện nay một ngày nhà máy sản xuất 330m3 cồn khan, tiêu tốn khoảng 780 tấn sắn khô (tính ra để sản xuất được 1 lít cồn phải tiêu thụ mất 2,281kg sắn liệu), vị chi 1 năm phải có 240.000 tấn sắn nguyên liệu.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) Đặng Vĩnh Nghi tâm sự, sẽ là lý tưởng nếu nguồn nguyên liệu này luôn ổn định. Nhà máy không phải lo tìm đầu vào, nông dân lại có việc làm và thu nhập ổn định. Kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến nay, nguồn nguyên liệu không ổn định, luôn trong tư thế “ăn đong”, nhà máy phải tổ chức thu mua ở các địa bàn xa hơn, chính vì vậy mà giá thành sản phẩm luôn bị đội lên. Sẽ có nhiều ý kiến hỏi rằng, sao nhà máy không ký hợp đồng dài hạn với nông dân, không bao tiêu sản phẩm cho nông dân, không đầu tư vùng nguyên liệu cho bài bản…? Tôi cũng đã nêu câu hỏi như vậy với lãnh đạo nhà máy, song qua nói chuyện với các anh mới vỡ ra nhiều điều. Vẫn theo anh Nghi, hợp đồng không thể ký với từng hộ nông dân, mà phải ký với một tổ chức đại diện như hợp tác xã (HTX) chẳng hạn, tuy đến nay nhà máy đã ký hợp đồng với 17 HTX và các tổ chức tương tự,  nhưng kết quả không như mong muốn. Lý do thì có nhiều, song có thể kể mấy nguyên nhân như sau:

Trước hết, người sản xuất (hộ nông dân) vì lý do nào đó, ví như gia đình có việc cần tiền để trang trải hoặc thương lái đến thu mua tại vườn, dù giá có thấp hơn chút ít so với giá thu mua của nhà máy, họ sẵn sàng bán ngay. Bán như vậy dù có thiệt nhưng họ có “tiền tươi”, còn thông qua HTX phải chờ nhà máy chuyển khoản qua HTX, chờ lấy được tiền thì lỡ công việc. Giám đốc Phạm Văn Vượng cho biết, nguyên tắc tài chính quy định Giám đốc công ty như anh chỉ được ký chi mỗi lần là 20 triệu, việc mua bán với số lượng tiền như trên trở lên phải qua chuyển khoản và người bán phải xuất hóa đơn đỏ… vì quy định này mà nhà máy “lỡ” nhiều chuyến hàng. Anh Vượng kể, có thời điểm có cả đoàn xe chở sắn đến nhập cho nhà máy, nhưng vì quy định trên, họ đành phải “bye bye” nhà máy đi bán cho thương lái, nói như anh “hộ nông dân làm gì có hóa đơn đỏ, làm gì có tài khoản”, hơn nữa tâm lý của họ là “tiền tươi, thóc thật”, là “cưa đứt, đục suốt”.

Lý do thứ hai là năng lực quản lý của “bên B”, tức các HTX, các tổ chức ký hợp đồng với công ty chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nút thắt chính là ở đấy, khó khăn cũng chính từ đấy. Những vướng mắc này không phải ngày một, ngày hai đã giải quyết được ngay.

Giải pháp căn cơ

Phải có chính sách đưa cây sắn, cây ngô thành cây chủ lực của ngành nông nghiệp (cũng là cây chủ lực cung cấp nguyên liệu cho sản xuất ethanol). Chỉ có như vậy mới có nguồn nguyên liệu ổn định cung ứng cho các nhà máy sản xuất ethanol trong cả nước.

Những gì qua trao đổi với lãnh đạo BSR-BF có thể hình dung các vùng nguyên liệu sắn hiện nay như một “tấm áo vá”, thiếu đồng bộ từ khâu quy hoạch đến đầu tư công nghệ sơ chế sau thu hoạch. Người nông dân trong vùng nguyên liệu chưa mặn mà với việc trồng sắn, hay nói cách khác họ chưa “sống chết” với loại cây trồng này.

Vì vậy dứt khoát phải quy hoạch mở mang được những vùng nguyên liệu đúng nghĩa. Vùng nguyên liệu ấy phải là những “cánh đồng mẫu lớn” có quy mô tập trung, chỉ có như vậy mới đưa khoa học kỹ thuật, mới đưa máy móc phương tiện vào phục vụ sản xuất, đưa giống mới có năng suất cao thay thế giống năng suất thấp hiện nay, như vậy mới cải thiện đời sống của người trồng sắn, mới tạo ra nguồn cung nguyên liệu ổn định. Cùng với đó là phải thay đổi những chính sách chưa phù hợp về tài chính…

Để có được những vùng nguyên liệu ổn định và đúng nghĩa, rất cần sự hợp tác đồng bộ của nhà máy sản xuất ethanol với địa phương. Trước mắt, việc cần làm ngay là phải xây dựng cho được một vài mô hình trình diễn (tất nhiên những mô hình này có quy mô nhỏ, vừa phải), tập trung đầu tư toàn diện để trở thành một mô hình mẫu (mẫu về canh tác, mẫu về năng suất, mẫu về sơ chế sau thu hoạch, mẫu về công tác quản lý…). Qua đó tạo ra sự lan tỏa tích cực, thúc đẩy hình thành các vùng nguyên liệu ổn định.

Xây dựng thành công các vùng nguyên liệu sắn sẽ mang lại lợi ích về nhiều mặt. Trước hết là cải thiện đời sống của người trồng sắn (đúng như sự kỳ vọng của lãnh đạo các địa phương), góp phần vào việc hạ giá thành sản xuất ethanol và hạ giá thành xăng sinh học E5… Và cái được lớn hơn cả, không thể cân đo, đong đếm, đấy là làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu bấy lâu nay của người sản xuất nông nghiệp lên một trình độ mới, một tầm cao mới.

Thành công của sản xuất xăng sinh học phụ thuộc rất nhiều vào điều này.

Đ.T

 

DMCA.com Protection Status