Phim Việt dành cho thiếu nhi

Nỗi niềm... "bom xịt"!

08:00 | 22/06/2018

1,551 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mùa hè luôn là thời điểm các hãng phim lớn tung ra nhiều phim thiếu nhi “bom tấn”. Tuy nhiên, trong khi phim thiếu nhi ở các nước đang nóng lên, thì phim thiếu nhi Việt chỉ là… “bom xịt”, vắng bóng tại các rạp chiếu phim trong những ngày hè.

Ngoại nóng, nội lạnh

Để đón chào những ngày hè của các em nhỏ, điện ảnh nhiều nước chuẩn bị rục rịch ra lò nhiều phim hoạt hình, phim thiếu nhi dành cho mọi lứa tuổi, mở màn là phim hoạt hình “Leo Da Vinci: Truy tìm kho báu”. Bên cạnh những bộ phim “bom tấn” hoạt hình Mỹ, Nhật quen thuộc như: “Khách sạn huyền bí 3”, “Gia đình siêu nhân 2”, “Doraemon: Nobita và đảo giấu vàng”… khán giả nhí còn được tiếp cận những tác phẩm hoạt hình của nhiều nước khác như: “Giải cứu Tí Nị” (Trung Quốc), “Sadko và cuộc phiêu lưu dưới đáy biển”, “Kikoriki: Du hành vượt thời gian” (Nga), “Ong nhí phiêu lưu ký: Đại chiến cúp ong mật” (Đức), “Peter Pan: Truy tìm quyển sách ma thuật” (Ấn Độ)… Ngoài các phim hoạt hình đó, khán giả nhí còn có thể thưởng thức một số phim dành cho gia đình, như: “Biệt đội cún cưng”, “Thế giới khủng long: Vương quốc sụp đổ”, “Christopher Robin”.

noi niem bom xit
Các diễn viên nhí trong phim “Bảo mẫu siêu quậy”

Trong khi đó ở Việt Nam, mùa hè năm 2017 có hơn 10 phim dành cho trẻ em, trong đó có 2 phim đáng chú ý là: “Vú em tập sự” (đạo diễn Bùi Văn Hải) và “Anh em siêu quậy” (đạo diễn Lê Bảo Trung). Nhưng năm 2018, các nhà sản xuất chỉ cho ra mắt 2 bộ phim tình cảm, ngôn tình là: “Em gái mưa” (khởi chiếu đúng ngày 1-6) và “Nhắm mắt thấy mùa hè” (dời lịch chiếu sớm từ 25-5) và không có phim nào thực sự dành cho trẻ em.

Trong những năm gần đây, một trong những phim hè dành cho thiếu nhi gây được sự chú ý nhiều nhất phải kể đến các phim của đạo diễn Lê Bảo Trung như: “Bảo mẫu siêu quậy” 1 và 2, “Anh em siêu quậy”… Tuy nhiên, người ta ngạc nhiên khi năm nay đạo diễn Lê Bảo Trung không công bố sẽ ra mắt bộ phim trẻ em nào.

World Cup 2018 là một trong những lý do khiến các nhà làm phim trong nước ngại đưa phim Việt, nhất là phim thiếu nhi ra rạp. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chất lượng phim Việt chưa đủ sức thu hút được cả khán giả người lớn lẫn trẻ em.

Vẫn là bài toán… “tiền đâu”

Theo thống kê, năm 2016 có khoảng 40 phim Việt được sản xuất, chỉ có 1 phim cho trẻ em. Năm 2017 cũng vậy, có gần 60 phim Việt, chỉ có 1 phim thiếu nhi. Năm 2018, tình hình vẫn ảm đạm.

Trước đây, khi các đài truyền hình lớn có chủ trương đặt hàng làm các phim truyền hình cho trẻ em, phim cổ tích, phim danh nhân… nhưng hiện nay điều này khá khan hiếm. Các múi giờ dành cho gia đình ở các kênh giải trí chủ yếu là trò chơi truyền hình hoặc các phim dài tập “lừa tình, lừa tiền”, “âm mưu làm giàu”, “trả thù”…

Có một thực tế, để làm được một bộ phim thiếu nhi hấp dẫn, có tính giáo dục, tính nhân văn... đáp ứng nhu cầu của cha mẹ và khán giả nhí không hề đơn giản. Các phim dành cho thiếu nhi trong dịp hè thường là phim hoạt hình, mà tình hình phim hoạt hình Việt “lượng ít, chất kém” thì ai cũng hiểu và đã được nhắc đi nhắc lại khá nhiều trên các phương tiện truyền thông. Vấn đề đầu tiên luôn nằm ở “tiền đâu”. Làm một phim hoạt hình ngắn 30 phút đã khó, huống chi làm đến cả một phim điện ảnh 90 phút hoặc 120 phút chiếu ngoài rạp, chưa kể đến việc cạnh tranh với các phim hoạt hình “bom tấn” khác.

Nếu không làm được phim hoạt hình, các nhà làm phim có thể làm phim thiếu nhi người đóng. Tuy nhiên, làm phim điện ảnh, phim truyền hình quả thật không dễ, không chỉ riêng với điện ảnh Việt Nam mà còn với cả những nền điện ảnh lớn trên thế giới.

Theo thống kê, năm 2016 có khoảng 40 phim Việt được sản xuất, chỉ có 1 phim cho trẻ em. Năm 2017 cũng vậy, có gần 60 phim Việt, chỉ có 1 phim thiếu nhi. Năm 2018, tình hình vẫn ảm đạm.

Đối với phim điện ảnh, làm việc với các diễn viên nhỏ tuổi trong một bộ phim thiếu nhi là thử thách vô cùng lớn đối với bất cứ vị đạo diễn nào. Trẻ con có giờ sinh hoạt riêng, có suy nghĩ và cảm xúc rất khác với người lớn. Chúng ta không thể bắt trẻ quay phim từ sáng đến chiều và làm việc liên tục không ngơi nghỉ như người lớn được. Chưa kể các vấn đề khác như làm sao để các bé diễn xuất đúng kịch bản nếu các bé không biết đọc, biết viết, ứng biến trong những tình huống xấu, đúng ý đồ của đạo diễn...

Không những vậy, rào cản lớn nhất là dòng phim điện ảnh dành cho thiếu nhi chưa nhận được sự ủng hộ của các chủ rạp trong việc xếp lịch chiếu. Đạo diễn Lê Bảo Trung than thở: “Thời điểm thuận lợi nhất để cả nhà ra rạp xem phim là sau giờ làm việc của cha mẹ và những ngày cuối tuần, nên những suất chiếu buổi tối từ 19 giờ trở đi hoặc các suất ngày thứ Bảy, Chủ nhật nên tăng suất chiếu dành cho phim thiếu nhi. Nhưng hiện nay, các khung giờ đẹp lại thường dành chiếu phim “bom tấn” người lớn. Cũng khó trách chủ rạp, vì kinh doanh phải tính đến lợi nhuận. Giá như các rạp có chính sách hỗ trợ thì chúng tôi mới mạnh dạn làm phim con nít, vì chi phí một phim xem được cũng tầm 7-8 tỉ đồng, ra rạp phải thu 18-19 tỉ đồng mới hòa vốn”.

Không chỉ phim điện ảnh gặp khó, dòng phim truyền hình dành cho trẻ em cũng không khả quan hơn. Thậm chí, vì nhiều nguyên nhân, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Hãng Phim truyền hình Việt Nam (VFC) còn cho hay, sau thành công của “Đội đặc nhiệm nhà C21”, “12A và 4H”, “Những nẻo đường phù sa”, “Kính vạn hoa”… phim dành cho thanh, thiếu nhi sẽ tiếp tục thiếu vắng trong một thời gian rất dài nữa.

Có thể nói, phim Việt dành cho thiếu nhi có vẻ vẫn bế tắc. Và cứ mỗi dịp hè về, các bậc cha mẹ lại phải đau đầu lựa chọn những sản phẩm giải trí cho trẻ, trong khi phim Việt dành cho thiếu nhi vẫn vắng bóng.

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.