Nỗi lo ở một vùng cuối Sông Hậu

07:10 | 08/07/2016

830 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi đi dọc con sông Mái Dầm (ấp Phú Xuân, xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) để chứng kiến cuộc sống người dân nơi đây khi Nhà máy Giấy Lee & Man sắp được vận hành.

Trái với nhận định ban đầu, một nhà máy to lớn, bề thế mọc lên giữa vùng quê nghèo hoạt động sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm, làng quê sẽ giàu có hơn nhưng chúng tôi đã thất vọng. Người dân ở vùng đất này đang sống trong một nỗi lo lắng tột độ. Mặc dù gần đây, người dân đã có phần nào yên tâm hơn khi được biết Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào thanh tra, kiểm tra việc xử lý chất thải và công tác bảo vệ môi trường của nhà máy.

noi lo o mot vung cuoi song hau
Nhà máy Giấy Lee & Man

Nước thải xử lý ra sao chưa ai biết, nhưng tiếng ồn ở nhà máy thì thật đáng sợ. Hơn một tháng qua, tiếng ồn liên tục phát ra từ nhà máy khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Người dân ở đây nhẩm tính, nhà máy giấy có 4 đến 5 máy phát điện cho từng khâu: Xay, chế biến… Nếu các máy phát điện đồng loạt hoạt động hết công suất thì tiếng ồn tăng gấp 4-5 lần so với hiện tại. Đêm đến, tiếng ồn càng trở nên dữ dội hơn.

Bà Tư Khâu, bán tạp hóa ở con đường dọc sông Mái Dầm than thở, vì bị tiếng ồn “tra tấn” suốt ngày.

Ngày 17-6, UBND tỉnh Hậu Giang đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về Dự án Nhà máy Giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường thì nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp không sử dụng NaOH; nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng có sử dụng NaOH với lượng khoảng 215 tấn/ngày và được thu hồi trong quy trình sản xuất bột giấy.

Ngoài ra, trong quy trình xử lý của hệ thống xử lý nước thải tập trung cho 2 nhà máy có sử dụng NaOH với lượng khoảng 22 tấn/ngày. Công ty cam kết trong công đoạn sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp không sử dụng xút (NaOH), nhưng có sử dụng xút (NaOH) cho xử lý nước thải với liều lượng cao nhất khoảng 1 tấn/ngày (dùng để trung hòa pH khi cần thiết).

Căn cứ Quy định tại Khoản 6 Điều 16 Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ thì Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm và nhà máy bột giấy tẩy trắng sản lượng 330.000 tấn/năm của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam thuộc diện phải báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường.

Từ tháng 4 năm ngoái đến hơn 1 tháng qua, bụi than bay vào nhà, bàn ghế ám đen chưa kịp lau chùi là nó đã đóng thành từng lớp. Sau khi hết phải hứng những cơn bụi từ nhà máy thì người dân lại tiếp tục bị tra tấn bởi tiếng ồn. Ban đêm, nhiều xe cơ giới luân phiên hoạt động, đóng cọc ven bờ sông phát ra những tiếng “ình, ình” đinh tai, nhức óc. Mặt đất như rung lên bởi những cú nện đóng cọc nhồi của xe cơ giới. Bà Tư cùng nhiều người dân trấn an nhau, xe cơ giới đóng xong cọc nhồi rồi cuộc sống người dân sẽ trở lại bình yên như xưa. Nhưng nỗi muộn phiền này chưa dứt thì “tai họa” khác lại ập đến.

Khoảng một tháng nay, tiếng ồn phát ra từ ống thông gió khiến cuộc sống của và người dân ấp Phú Xuân bị đảo lộn. Bà Tư nói: “Người dân chúng tôi mới chỉ chịu đựng trong giai đoạn nhà máy đang xây dựng và chạy thử 1 máy phát điện đã phát điên lên. Đên thời gian tới, nhà máy giấy đi vào hoạt động tiếng ồn như thế này liệu người dân chúng tôi sẽ sống ra làm sao?”.

Thế rồi chưa nói đến nước thải ra sông Mái Dầm có đảm bảo đủ điều kiện xả thải ra môi trường hay không? Người dân nơi đây sinh hoạt, ăn uống đều dựa vào nguồn nước của con sông này. Gia đình bà Tư Khâu có 6 người cùng sinh sống trên con sông. Chồng bà Tư đã ở tuổi thất tuần, ông mong sao cuối đời có một cuộc sống bình an... Hằng ngày, ông xem tivi để giải trí, nhưng phải mở hết âm lượng mới có thể nghe rõ. Muốn nghe điện thoại, bà Tư Khâu phải chạy ra phía sau nhà tắm để may ra bớt được tiếng ồn. Những đứa cháu của bà không thể tập trung tâm trí cho việc học từng con chữ, đọc từng con số. Tiếng trẻ bi bô đánh vần như bị lấn át bởi tiếng ồn phát ra từ nhà máy. Bà Tư đồng ý với chủ trương, chính sách của Nhà nước khi các cụm công nghiệp, nhà máy, công ty được đầu tư về địa phương sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân. Nhưng xem ra hoạt động của Nhà máy Giấy Lee & Man khiến người dân nơi đây chỉ thấy bất ổn.

Gia đình bà Lư Ngọc Vững và ông Trần Văn Long ở ấp Phú Xuân thuộc diện khá giả. Vợ chồng ông bà sống bằng nghề bán xăng dầu cho các ghe tàu đi ngang sông Mái Dầm. Từ ngày máy phát điện của nhà máy giấy hoạt động, bà phải cho người đến đo cắt kính bịt hết các lỗ thông gió trong phòng. Ông bà bảo, chấp nhận “chết ngạt” để thoát khỏi cảnh chịu đựng tiếng ồn mỗi ngày. Bà Vững nói như gào lên để lấn át tiếng máy phát điện đang hoạt động: “Dân không có quyền cấm nhà máy hoạt động, nhưng cũng phải tìm cách để giảm tiếng ồn. Chỉ mong giảm tiếng ồn đến mức còn 20% thì đỡ quá rồi”.

noi lo o mot vung cuoi song hau
Cận cảnh hệ thống xả thải và nhà máy phát điện

Bà Vững cùng hàng trăm hộ dân ven sông Mái Dầm sống ở vùng đất này từ lâu. Nhiều người bám vùng đất “chôn nhau cắt rốn” để lập nghiệp, tạo dựng cuộc sống với mảnh đất, vườn rau và có những người sống bằng nghề nuôi cá bè… Niềm vui chưa đến thì nỗi âu lo lại bắt đầu bằng tiếng ồn của máy phát điện. Rồi “phập phồng” lo sợ nguồn nước xả thải ra môi trường. Bà con chưa dám “kêu ca” do không biết tác hại đến môi trường như thế nào? Những khi sự việc xảy ra thì người dân hết tin vào những lời cam kết từ phía Nhà máy Giấy Lee & Man.

Gia đình ông Huỳnh Đình Thành và bà Trần Thị Dung đánh cược với nỗi lo cơm áo gạo tiền bằng chục bè cá trên sông Mái Dầm. Dọc mé sông phía đối diện nhà máy giấy, khoảng 20 hộ dân làm nghề cá bè mưu sinh. Ông Thành nhẩm tính, mỗi bè gần 10 tấn cá, mỗi tấn cá khoảng 30 triệu đồng nên trung bình mỗi bè cá khoảng 300 triệu đồng. Điều ông bà lo nhất là cá chết khi nguồn nước xả thải không được xử lý.

noi lo o mot vung cuoi song hau
Bà Tư Khâu

Cách đây không lâu, Hiệp hội Nghề cá đã lên tiếng về việc khả năng Nhà máy Giấy Lee & Man xả nước thải ra sông có thể đe dọa đến môi trường. Ông Thành nhận định: “Hậu Giang từng bước công nghiệp hóa nên nghề nông cũng bị ảnh hưởng. Người dân ở ấp Phú Xuân hiện nằm trong đất có dự án. Nếu nhà máy giấy đi vào hoạt động sản xuất, có thể tiếng ồn còn lớn hơn rất nhiều”.

Anh Đỗ Hữu Thiết (sinh sống tại TP HCM) thường xuyên về quê thăm mẹ già ở ấp Phú Xuân, xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Anh Thiết rời vùng quê nghèo khó lên thành phố lập nghiệp để có cuộc sống khá hơn. Anh còn mẹ già hơn 70 tuổi sinh sống cùng bà con, chú bác dọc ven bờ sông Mái Dầm. Rời quê hơn 24 năm, nhiều lần về quê, anh muốn đưa mẹ lên thành phố sum vầy với gia đình mình, nhưng mẹ anh bởi vì không chịu được tiếng ồn nên nhất định không chịu rời quê, mong muốn của mẹ anh sẽ ở lại quê hương đến ngày cuối đời. Đến bây giờ mẹ anh đã đồng ý lên thành phố.

Trò chuyện với người dân xa quê hàng chục năm, anh Thiết nêu loạt câu hỏi liên quan đến tính khả thi của Nhà máy Giấy Lee & Man đối với  kinh tế của tỉnh nhà. Những câu hỏi hợp logic của một người từng sinh ra, lớn lên và trăn trở với quê hương: “Nguyên liệu đầu vào để làm giấy được nhập từ nước ngoài về hay có sẵn ở trong nước? Nhà máy giấy mang nguồn lợi kinh tế gì cho Việt Nam? Đóng được bao nhiêu tiền thuế hay được miễn thuế trong thời gian 3-5 năm? Bao nhiêu người dân ở Việt Nam sẽ được làm việc trong nhà máy giấy hay lực lượng lao động từ nước ngoài sang?”.

noi lo o mot vung cuoi song hau
Ông Huỳnh Đình Thành và bà Trần Thị Dung

Trước thực trạng nêu trên, ngày 16-6, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn kiến nghị rà soát công nghệ xử lý nước thải và công tác giám sát môi trường Nhà máy sản xuất Giấy Lee & Man. Công văn gửi đến Quốc hội và Chính phủ nêu rõ, mới đây, người dân và các doanh nghiệp thủy sản hội viên VASEP tại Đồng bằng sông Cửu Long hoang mang trước thông tin Dự án xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam.

Nhà máy giấy nằm ở vị trí cặp bờ sông Hậu (hạ nguồn Mekong). Quy mô nhà máy giấy lớn nhất Việt Nam và thứ 5 trên thế giới. Công nghiệp giấy chủ yếu là xả thải xút (NaOH), đứng hàng thứ 2 sau cyanuya, thạch tín. Hiện khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn.

Dự án này chuyên sản xuất, gia công, mua bán các loại giấy, bao bì bột giấy và sản phẩm từ giấy, diện tích sử dụng 200ha, nay đã giảm xuống còn khoảng 82ha. Trong đó, khoảng 41ha hoạt động sản xuất giấy và còn lại dành cho sản xuất bột giấy. Tháng 3-2015, Dự án Nhà máy Giấy Lee & Man chính thức khởi công và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 8-2016. Khi đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là thải ra khoảng 28.500 tấn xút (NaOH)/năm xuống sông Hậu.

Từ năm 2007, sau khi biết thông tin Dự án xây dựng nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man đang xin cấp phép thành lập tại Cụm công nghiệp Nam Sông Hậu, VASEP đã gửi văn bản báo cáo tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị báo cáo với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đến việc này. Các doanh nghiệp thủy sản rất lo ngại vì dự án có thể hủy hoại nguồn lợi thủy sản vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Nhà máy được đặt tại vùng trũng nhất khu vực nên rất khó rửa trôi một khối lượng xút lớn. Để sản xuất 1 tấn giấy hoặc bột giấy cần 50kg xút làm chất tẩy. Nếu lượng xút được đổ ra sông Hậu và biển thì sẽ gây hại nguồn thủy sản ở sông và biển, ảnh hưởng tới việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Kiểm tra kỹ công nghệ xử lý nước thải

noi lo o mot vung cuoi song hau
Bè cá của người dân cận kề Nhà máy Giấy Lee & Man

Ngày 26-6, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phát đi Thông cáo báo chí liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã giao Tổng cục Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT Hậu Giang, Phòng Cảnh sát Môi trường tỉnh Hậu Giang và các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra, xem xét và đánh giá việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Giấy Lee & Man.

Ngày 22-6, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ngày 30-6, Đoàn công bố quyết định thanh, kiểm tra. Ngày 1-7, Đoàn bắt đầu thực hiện công việc.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu ngoài đại diện các cơ quan trong nước thì phải mời một số chuyên gia đầu ngành ở nước ngoài về công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý nước thải trong sản xuất giấy tham gia đoàn thanh, kiểm tra. Bộ trưởng đã chỉ đạo phải kiểm tra quy trình phê duyệt, nội dung đánh giá tác động môi trường Giấy phép xả thải nước thải, công nghệ và xử lý nước thải đặc biệt là công nghệ xử lý nước thải. Đoàn phải kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam trong việc thực hiện quy định tác động môi trường, Giấy phép xả thải, áp dụng quy chuẩn môi trường, việc thiết kế, thẩm định, xây dựng, kế hoạch vận hành thử nghiệm…

Bộ đề nghị kiểm tra phương án, công trình ứng phó sự cố môi trường, hồ chỉ thị sinh học, hệ thống giám sát tự động, trực tuyến kết nối với các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường địa phương, đảm bảo nước thải trước khi thải ra môi trường được kiểm soát đầy đủ các thông số về môi trường theo quy định. Hệ thống này phải dễ dàng tiếp cận và được sự giám sát của người dân.

Qua kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện các vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, kể cả đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đoàn phải đề xuất cho phép hay chưa cho phép nhà máy đi vào giai đoạn vận hành thử nghiệm sản xuất, các giải pháp yêu cầu nhà máy phải tiếp tục hoàn thiện, xử lý triệt để trước khi vận hành.

Đỗ Hưng

Năng lượng Mới 537