Nỗi lo "di sản hóa" văn hóa

07:00 | 14/12/2012

1,350 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 6/12 vừa qua, UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là một tín hiệu mừng cho nền văn hóa nước ta. Tuy nhiên, sau danh hiệu di sản văn hóa của thế giới thì vấn đề lo lắng nhất là vai trò của Nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể.

Theo giáo sư nhân học Oscar Salemink của trường Đại học Copenhagen (Đan Mạch) có nhiều năm nghiên cứu ở Việt Nam thì kể từ khi cố đô Huế ghi danh vào danh sách Di sản thế giới năm 1993, Việt Nam đã có những nỗ lực tuyệt vời để các di sản văn hóa (DSVH) của mình được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Tiếp sau các di tích là các DSVH phi vật thể như quan họ, ca trù, hát xoan và hội Gióng. Tuy nhiên, nhãn DSVH này đã có nhiều tác động tiêu cực tới các thực hành văn hóa vốn gắn với các cộng đồng cụ thể.

Mà trong một số trường hợp, sự khẳng định chính thức di sản của nhà nước còn dẫn đến đầu tư hoặc cải tiến mâu thuẫn với bảo tồn di sản. Cộng đồng ở địa phương bị tước quyền thực hành di sản đó như trước. Đặc quyền thực hành di sản sau đó được trao cho du lịch, kinh tế, chính trị. Ví như âm nhạc cồng chiêng đang ở trong tình thế khó xử khi đưa ra làm du lịch. Trong khi, nó là âm nhạc nghi lễ.

Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên đang ở trong tình thế khó xử khi đưa ra làm du lịch.

Còn GS Ngô Đức Thịnh thì cho rằng, cần phân biệt rõ hai khái niệm vai trò của nhà nước với lễ hội và vấn đề “nhà nước hóa” lễ hội. Những năm trước đây, nghi lễ Đền Hùng đã bị nghi lễ Nhà nước hóa khiến một tập tục tín ngưỡng dân gian bị thu hẹp, vai trò của người dân địa phương bị lu mờ trước vai trò “chủ lễ” của các cấp lãnh đạo nhà nước. Trong khi, người dân là chủ thể của lễ hội, là người tạo ra bản sắc của lễ hội vì chính họ đã sáng tạo và gìn giữ lễ hội từ ngàn xưa đến nay. Nếu có sự can thiệp quá sâu, vô tình sẽ đẩy người dân đứng ngoài, thành người chứng kiến, đứng xem lễ hội thì sẽ không thành lễ hội đúng nghĩa.

Đó cũng là nỗi lo của GS Oscar Salemink khi ông cho rằng, một khi thực hành văn hóa địa phương đã trở thành điểm can thiệp và thi hành chính sách từ bên ngoài thì cái nhãn di sản, theo đó thành con dao hai lưỡi. Nó có thể mang lại kết quả tốt về bảo quản, quản lý và chia sẻ lợi ích như ở phố cổ Hội An – Quảng Nam. Nhưng nó cũng có thể khiến người dân địa phương bị đẩy ra ngoài, mất độc quyền thực hành văn hóa của họ mà trường hợp hội Gióng cho thấy điều đó. Người dân thậm chí còn đòi tiền khi tham gia diễn hội Gióng, trong khi trước đây đó là một vinh dự.

Phố cổ Hội An là một trong những di sản mang lại kết quả tốt về bảo quản, quản lý và chia sẻ lợi ích

Thêm vào đó, việc UNESCO hóa di sản còn khiến các di sản nhận nhiều hơn tác động của toàn cầu hóa. Khi đó, môi trường của thực hành di sản thay đổi do công chúng bên ngoài đến xem và nghe, thực hành di sản kiểu của khách du lịch. Di sản sau đó bị biến dạng và đa dạng văn hóa cũng mất theo.

Nếu nhìn vào lịch sử trước đây, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương bắt đầu được coi là một quốc lễ từ thời nhà Nguyễn, cứ 5 năm tổ chức một lần. Khi cử lễ, ít khi vua có mặt, mà nơi đứng ra lo là bộ Lễ (tương tự bộ Văn hóa ngày nay) cùng các quan đầu tỉnh. Tài liệu để lại cho thấy triều Nguyễn đã có những quy định cụ thể như giao việc tổ chức giỗ, trông coi hương khói mộ Tổ hàng năm cho nhân dân các xã sở tại, các vị con trưởng. Vào năm hội lệ (không phải hội chính), triều đình gửi 3 đấu gạo thơm (khoảng 20 kg) về để dân làng nấu xôi cúng Tổ. Năm chẵn, triều đình chịu trách nhiệm cử hành các nghi thức.

Vì thế, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng giữ gìn bản sắc và tính thiêng liêng của lễ hội, đáp ứng được nhu cầu thay đổi cho phù hợp với tính lịch sử luôn cần có vai trò của Nhà nước, nhưng chỉ cần đến mức nào là đủ luôn là vấn đề đáng quan tâm nhất với lễ hội nói chung và lễ hội đền Hùng nói riêng mà trong đó, giá trị của “tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng” luôn là một bài toán cần có lời giải hợp lí.

Nguyệt Anh