Nỗi khiếp sợ mang tên Zika

07:00 | 03/02/2016

1,254 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Mặc dù chưa ghi nhận ca nào mắc Zika, loại virus làm teo não đang lây lan khắp châu Mỹ và một số nước châu Âu như Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ… nhưng Việt Nam lại có nguy cơ rất cao mắc bệnh này do côn trùng truyền nhiễm bệnh chính là muỗi vằn, loại muỗi gây sốt xuất huyết ở nước ta. 

Thủ phạm: Muỗi Aedes lây truyền

Hiện nay, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 21 quốc gia ở Trung và Nam Mỹ đang bị virus này tấn công, chỉ tính riêng Columbia có tới 11.000 người mắc, Brazil hơn 4.000 người mắc và 49 người đã tử vong. Bệnh này theo TS Nguyễn Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nguy cơ gây tử vong không cao như sốt xuất huyết nhưng lại làm teo não, ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài của người nhiễm virus.

noi khiep so mang ten zika
Em bé nhiễm virus Zika bị teo não, đầu nhỏ

Khi mắc virus Zika, người bệnh thường sốt cao, đau mắt đỏ, đau đầu, đau khớp, viêm nhiễm, đôi khi buồn nôn và nôn… triệu chứng rất giống với sốt xuất huyết. WHO đã khẳng định, tác nhân truyền virus Zika chính là muỗi Aedes aegypti, loại mẫu truyền bệnh sốt xuất huyết. Do hình thức truyền virus như vậy nên bệnh lây lan rất nhanh như tháng 5 năm ngoái, bệnh phát hiện đầu tiên tại Brazil, thế mà đến ngày 23-1-2016 virus này đã lan truyền tới 21 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Mỹ cùng một số quốc gia châu Âu.

Theo nghiên cứu của WHO, có hai lý do để virus Zika lây truyền nhanh đó là: người dân chưa từng phơi nhiễm với virus Zika nên không có miễn dịch trong cộng đồng; loại muỗi Aedes truyền virus Zika phổ biến ở hầu hết các nước khu vực châu Mỹ trừ Canada và lục địa Chile. Các chuyên gia y tế khẳng định, virus Zika sẽ tiếp tục lan truyền tới hầu hết các nước và vùng lãnh thổ khu vực châu Mỹ, tại những nơi có lưu hành muỗi Aedes.

Vai trò của muỗi Aedes trong truyền virus Zika đã được khẳng định rõ ràng trong khi các đường lây truyền khác thì rất hạn chế. Tuy nhiên, trên thực tế virus Zika cũng đã được tìm thấy trong tinh dịch và cũng ghi nhận một trường hợp có khả năng lây truyền qua đường tình dục. Về nhận định này, theo TS Trần Đình Bắc cần có thêm những bằng chứng để khẳng định việc lây truyền virus Zika qua đường tình dục.

Bên cạnh truyền qua muỗi, các nhà khoa học cũng đã chứng minh virus Zika cũng có thể lây truyền qua đường máu nhưng không phải là phổ biến. Hay các bằng chứng về việc truyền bệnh từ mẹ sang con, lây qua sữa mẹ cũng rất hạn chế. Các nghiên cứu sau diễn biến phức tạp của dịch bệnh hy vọng sẽ cung cấp thêm bằng chứng về việc truyền từ mẹ sang con khi sinh cũng như hiểu biết thêm về virus ảnh hưởng như thế nào tới trẻ sơ sinh.

Để muỗi Aedes có thể truyền virus thành dịch bệnh không hề thua kém so với dịch Ebola đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng ở châu Phi vào năm ngoái, các chuyên gia y tế của WHO khẳng định, nguyên do chính là sự biến đổi khí hậu đã dẫn đến tình trạng này. Và không chỉ dịch bệnh do virus Zika sẽ còn nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp do tác động của biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Castro cho biết, gần 200.000 quân nhân đã được huy động để đến từng nhà tại các vùng có dịch làm công tác vệ sinh môi trường. Bộ Y tế Brazil đã cấm lễ hội ở 30 địa phương.

Các nhà chức trách thành phố Rio de Janeiro, nơi lễ hội Carnaval lớn nhất thế giới hằng năm sẽ khai mạc vào ngày 5-2 tới đang nỗ lực tiến hành các biện pháp phòng ngừa lây lan như phun thuốc muỗi tại những nơi tập trung đông người dọc bờ biển Copacabana và tại khu khán đài Sambódromo nổi tiếng, nơi có sức chứa khoảng 72.500 khán giả.

Chính phủ Brazil cũng đã phân phát thuốc chống côn trùng đốt cho 400.000 phụ nữ có thai thuộc các hộ gia đình nghèo để phòng muỗi Aedes aegypti và lây nhiễm virus Zika.

Khuyến cáo của WHO

Để phòng chống bệnh do virus Zika và những bệnh truyền nhiễm do muỗi lây truyền, WHO đã khuyến cáo rất cụ thể: Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách thu dọn những vật dụng đựng nước nơi muỗi có thể đẻ trứng như thùng, xô, chậu, lọ hoa, lốp xe và đậy nắp kín những nơi đựng nước sinh hoạt. Đồng thời, người dân sống trong khu vực có muỗi Aedes sinh sản cần phòng muỗi đốt bằng cách bôi hóa chất đuổi muỗi hoặc mặc quần áo dài để tránh bị muối đốt; đóng các cửa để muỗi không vào nhà hoặc dùng lưới chống côn trùng, nằm màn khi ngủ kể cả ban ngày (khi muỗi hoạt động).

Đối với phụ nữ mang thai, WHO cũng khuyên nên được chăm sóc cẩn thận để tránh bị muỗi đốt, gây bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh như đang diễn ra ở Brazil. Khi đi đến vùng lưu hành virus Zika, phụ nữ nên tư vấn cán bộ y tế trước và sau khi trở về có nên mang thai hay không; trong trường hợp đã có thai lại phơi nhiễm với virus Zika cần đến cơ sở y tế để theo dõi chặt chẽ suốt quá trình mang thai.

Ở Việt Nam, trước tình hình dịch do virus Zika diễn biến phức tạp, lây lan nhanh tại nhiều nước trên thế giới, Bộ Y tế đã thường xuyên liên hệ với WHO tại Việt Nam để nắm tình hình dịch bệnh và đồng thời đưa ra các biện pháp phòng chống, văn bản chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tiến hành giám sát và xét nghiệm xác định sự lưu hành của virus Zika tại Việt Nam.

Mặc dù, đến nay chưa có báo cáo ghi nhận sự lưu hành của virus này tại Việt Nam, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập virus Zika vào nước ta là hoàn toàn có thể, do Việt Nam lưu hành loại muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết, lại giao lưu thương mại, du lịch, lao động  với các nước trên thế giới, nhất là những quốc gia như Thái Lan, Đài Loan, nơi có nguy cơ virus Zika xâm nhập và lan truyền rất cao. 

Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân trong nước thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. Cùng với đó là đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Hằng tuần, vệ sinh môi trường loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch…

Virus được phân lập lần đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng Zika ở Uganda và kể từ đó vẫn chủ yếu diễn ra ở châu Phi và rải rác những ổ dịch ở châu Á. Năm 2007, đảo Yap, thuộc Micronesia, báo cáo một đại dịch, khi gần 75% dân số ở đây bị nhiễm bệnh. Trung tâm Phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ trong tuần qua đã xác nhận hơn một chục trường hợp nhiễm virus Zika trên du khách trở về Mỹ. Với một số trường hợp mới đây xác định trên lãnh thổ Puerto Rico thuộc Mỹ, số các ca bệnh từ nước ngoài vào Mỹ có thể gia tăng và CDC cũng dự đoán lây truyền từ người - muỗi - người sẽ sớm xảy ra ở Mỹ.

 

Xuân Bách

Năng lượng Mới 496