Nỗi buồn Venezuela

07:00 | 29/05/2016

7,691 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tình hình Venezuela đang cực kỳ tồi tệ, khủng hoảng nghiêm trọng toàn diện từ kinh tế, chính trị, xã hội… Viết về thảm cảnh hiện tại của quốc gia Mỹ Latinh này, tờ Washington Post phải thốt lên: Chưa từng có quốc gia nào đáng phải giàu (vì được trời phú cho nhiều nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên dầu mỏ) lại đi tới một kết cục đói nghèo như vậy. Venezuela đã trở thành một quốc gia thất bại và dường như có thể sụp đổ trong chớp mắt.  

Thiếu thốn mọi thứ ở mọi nơi

Venezuela đang tê liệt bởi sự thiếu hụt và tình hình đang càng ngày càng trở nên tồi tệ, tồi tệ hơn cả cái chết, khi người ta phải sống trong cảnh thiếu từ những thứ thiết yếu nhất như nước, lương thực, thuốc men…

Nước cũng đang bị Chính phủ kiểm soát và một số người dân đã bị cảnh báo chỉ được cấp nước 21 ngày một lần, do các hồ dự trữ đang khô cạn. Người Venezuela bắt đầu trộm nước từ các hồ bơi và xe chở nước để sống qua ngày.

noi buon venezuela
Một người biểu tình mang khẩu hiệu “SOS” ở thủ đô Caracas, Venezuela

Điện cũng bị hạn chế. Tổng thống Venezuela Maduro đã đề nghị các văn phòng chỉ mở cửa làm việc 2 ngày một tuần để tiết kiệm năng lượng. Ngoài việc cắt giảm 4 giờ phát điện trên toàn quốc thì việc cắt điện luân phiên hằng ngày đã trở thành một phần của cuộc sống thường ngày ở đất nước Nam Mỹ này. Các loại thuốc cơ bản như aspirin cũng không nơi nào có và còn để bán. Kệ trong siêu thị cũng trống trơn.

Hồi tháng 4, Empresas Polar - công ty tư nhân lớn nhất, đồng thời là nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống lớn nhất của Venezuela đã không thể tiếp tục sản xuất bia do thiếu lúa mạch. Công ty này sản xuất tới 80% lượng bia tiêu thụ tại Venezuela. Ngày 20-5 vừa qua, Công ty Coca-Cola FEMSA - công ty nhượng quyền đóng chai của hãng nước giải khát Coca-Cola cũng cho biết họ đã phải ngừng sản xuất tại Venezuela do thiếu đường.

Kinh tế kiệt quệ vì giá dầu

Venezuela đã bị phá sản từ từ và sau đó mất kiểm soát. Từ nhiều năm nay, nước này đã quá phụ thuộc vào dự trữ dầu mỏ khổng lồ, chiếm tới 96% doanh thu xuất khẩu và gần nửa ngân sách quốc gia. Nhưng mọi thứ vẫn tốt khi giá dầu hơn 100USD/thùng, còn hiện tại giá dầu sau gần 2 năm giảm liên tục giờ mới nhúc nhích lên được gần 50USD/thùng. Tiếc rằng, nguồn lợi về dầu mỏ trong một thời gian dài không được dành cho việc đầu tư phát triển. Để mua lòng dân nghèo, chính phủ cứ lấy tiền để dành ra mà chi cho các chương trình phúc lợi. Miệng ăn núi lở, chi tiêu nhiều theo kiểu như vậy thì lấy đâu cho đủ?

Venezuela hiện cần giá dầu lên tới 121USD để cân bằng ngân sách, trong khi hiện tại, giá chỉ gần 50USD/thùng. Hạn hán lại càng khiến kinh tế nước này kiệt quệ. Khoảng 65% điện của Venezuela được tạo ra chỉ bằng một con đập thủy điện có tên Guri Dam ở đông Bolivar và nó hiện cũng khó mà hoạt động vì thiếu nước.

Các vấn đề dài hạn

Trong nhiều thập kỷ, tham nhũng đã diễn ra liên tục trong nền chính trị của Venezuela. Đây là quốc gia tham nhũng nhất châu Mỹ và đứng thứ 9 thế giới, theo số liệu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI).

Tỷ lệ phạm tội giết người tại đây cũng cao thứ nhì thế giới. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi người dân nước này luôn bất mãn và giận dữ. Tính trung bình, Venezuela có 17 cuộc biểu tình mỗi ngày, theo Cơ quan Quan sát Xung đột Xã hội Venezuela.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp hiện là 17%, dự báo lên gần 21% vào năm tới. Tỷ lệ lạm phát cũng được dự báo sẽ chạm 481% vào cuối năm nay và có thể lên hơn 1.600% trong năm tới.

GDP nước này đã giảm 5,7% năm ngoái và có khả năng mất 8% năm nay. Và trên thị trường chợ đen, đồng bolivar của nước này cũng có giá chẳng bằng 1 cent Mỹ. Để chứng minh lập luận này, Tạp chí Time (Mỹ) đưa ra ví dụ, trong tháng 2-2016, một suất Happy Meal của cửa hàng McDonald tại thủ đô Caracas của Venezuela có giá 146USD theo tỷ giá hối đoái chính thức 6,3 bolivar ăn 1 đôla Mỹ.

Cái đói và sự túng quẫn càng khiến con người ta trở nên mất kiểm soát bản thân. Câu chuyện một người đàn ông 42 tuổi bị thiêu sống ngay trên đường phố ở Caracas mới đây vì bị tình nghi ăn cắp một chi phiếu 50 bolivar (khoảng 5USD) đã khắc họa phần nào tình cảnh bi thảm của người dân Venezuela, về sự giận dữ và điên loạn của họ khi phải mệt mỏi sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn về vật chất và bất an trước tình trạng tội phạm gia tăng, trong khi chính quyền và cảnh sát thì quản lý lỏng lẻo, yếu kém.

Tương lai bất định

Cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 12 năm ngoái đã trao quyền kiểm soát quốc hội Venezuela cho Liên minh Dân chủ Thống nhất - một nhóm chính trị gia các đảng phái trung tả và trung hữu. Đây là bước xoay chuyển quyền lực đầu tiên trong cơ quan lập pháp Venezuela kể từ khi cố Tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền năm 1999. Tỷ lệ ủng hộ ông Maduro hồi tháng 12 là 22% và giờ chỉ còn 15%. Khoảng 70% người Venezuela hiện muốn ông từ chức.

Đảng đối lập đã thu thập đủ chữ ký để kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về ông Maduro. Các nhà hoạt động cần có 1% chữ ký của cử tri cả nước - tức là 200.000 chữ ký. Nhưng họ đã thu về tới 1,85 triệu. 2 tuần trước, họ đã nộp danh sách này lên Ủy ban Bầu cử Quốc gia để được chấp thuận. Tuy nhiên, những người kiểm duyệt lại thân cận với Chính phủ và đang kéo lùi quá trình này lại.

Nguyên nhân là thời điểm trưng cầu dân ý rất quan trọng. Theo Hiến pháp Venezuela, nếu Tổng thống bị cách chức trong vòng 2 năm cuối nhiệm kỳ, chức vụ này sẽ được chuyển giao cho Phó tổng thống. Mà trong trường hợp này là Aristobulo Isturiz - một người cũng theo đường lối của cố Tổng thống Hugo Chavez. Nếu việc này bị kéo dài qua ngày 10-1-2017, đảng đối lập sợ rằng những người ủng hộ ông Chavez sẽ “hy sinh” Maduro để bảo vệ chính quyền.

Giới phân tích đang dự đoán, ông Maduro có lẽ sẽ phải sớm từ chức, bởi ông hầu như không còn khả năng nào lật ngược thế cờ. Chính phủ của ông dường như không có biện pháp nào để vực dậy nền kinh tế đất nước và cứu vãn uy tín, ngoài việc quanh đi quẩn lại đổ lỗi cho “sự can thiệp của ngoại bang” và biểu dương lực lượng quân đội thề trung thành và bảo vệ Tổng thống. Khi giá dầu ở mức 100USD/thùng mà còn không tranh thủ cơ hội để kiến thiết đất nước thì nay còn mơ mộng gì nữa?

Có lẽ sai lầm của ông Maduro là không nghe lời khuyến cáo của Bộ trưởng Dầu lửa Rafael Ramirez, vào mùa xuân năm 2014, khi ông kế nhiệm chức Tổng thống của ông Hugo Chavez. Đó là giảm các món trợ cấp, giảm chi tiêu công, thống nhất các hối suất và tập trung dự trữ ngoại hối… Nhưng ông Maduro nhanh chóng từ bỏ dự án “giai đoạn kinh tế mới” này, kiên quyết đi theo chính sách dân túy.

Có lẽ, câu hỏi duy nhất bây giờ là phe ủng hộ Chavez có ra đi cùng ông Maduro hay không mà thôi. Khi mà phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh đang đuối dần: Tổng thống Bolivia thì không được tái cử do dân chúng bác bỏ việc sửa hiến pháp. Tổng thống Brazil thì đang bị treo chức. Argentina thì nay có Tổng thống mới theo hướng thân Mỹ trở lại, liệu bức tường thành cuối cùng của chủ nghĩa xã hội dân túy ở khu vực này còn có thể trụ vững?

Còn với phe đối lập Venezuela, nếu họ thắng thì cũng chẳng phải vì họ có cao kiến gì, mà đơn giản là thắng vì công chúng quá thất vọng với chế độ hiện tại. Thế nên, dù ông Maduro có ra đi, và một nhân vật đối lập nào đó lên nắm quyền, thì Venezuela cũng không dễ thoát khỏi tình trạng này.

Linh Phương

Năng lượng Mới 525

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc