Nỗi buồn… dịch giả!

07:41 | 03/05/2013

1,613 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Dịch ra những câu quá ngớ ngẩn hay tục tĩu, không đúng với nguyên tác…, nhiều độc giả đang hoang mang về trình độ chuyên môn cũng như phông văn hóa của một bộ phận dịch giả hiện nay!

>> Thảm họa dịch thuật trong “Những thứ họ mang”?

>> Những cuốn sách gây bức xúc của Nhã Nam

Cuối cùng thì câu văn “the dumb cooze never writes back” trong quyển “The thing they carried” của nhà văn Mỹ nổi tiếng Tim O’Brien được dịch giả Trần Tiễn Cao Đang dịch thành “Con mặt l.. ngu đ.. bao giờ trả lời” đã có câu trả lời gần như chính xác khi chính tác giả đã lên tiếng. Trả lời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Tim giải thích rằng: “Từ cooze nhằm chỉ một người đàn bà không phải là một quý bà, ít học và không ở tầng lớp cao. Khi gọi một người đàn bà là cooze thì nghĩa là người ấy là người không lịch lãm, dâm dục và lỗ mãng”.

Nguyên tác của "Những thứ họ mang" không tục như bản dịch.

Và tác giả còn cho biết từ cooze không có trong từ điển tiếng Anh mà đó chỉ là một từ lóng được một số lính Mỹ dùng trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam. Vì thế chính tác giả quyển “Những thứ họ mang” đề nghị dịch giả nên tìm một từ hoặc một cách dịch không hoàn toàn tục tĩu nhưng vẫn giữ được nghĩa của câu văn! 

Như vậy, theo cách giải thích của Tim thì dịch giả Cao Đăng đã không dịch chính xác, nếu xét về mặt ngữ nghĩa và về mặt văn hóa người đọc Việt thì dịch như vậy lại càng không thể chấp nhận. Đành rằng dịch giả phải tôn trọng nguyên tác, phải trung thành với sự thật mà tác giả chuyển tải trong phẩm của họ. Tuy nhiên có những thứ đáng trung thực 100% và cũng có những thứ cần xem xét mức độ trung thực bởi nó không là chi tiết đinh của tác phẩm chuyển tải, và quan trọng hơn nó không phù hợp với văn hóa người đọc. Câu tục gây tranh cãi trong “Những thứ họ mang” là một ví dụ.

Tuy nhiên, cái sai của “Những thứ họ mang” không hề xa lạ đối với văn học dịch ở xứ ta. Trước đó, độc giả không khỏi bàng hoàng với hàng loạt những cuốn sách đầy rẫy những lỗi, trong đó có nhiều lỗi đặc biệt ngớ ngẩn. Điển hình như “bố em chết vì… bị ung thư tử cung” của dịch giả Cao Việt Dũng trong tác phẩm “Hạt cơ bản”. Cũng trong năm 2012, cuốn “Bản đồ và vùng đất” của nhà văn Pháp nổi tiếng Michel Houellebecq do Cao Việt Dũng dịch gây xôn xao dư luận với hàng ngàn lỗi do dịch cẩu thả, nhầm lẫn; cuốn sách bị thu hồi ngay tại Hội sách 2012. Những cuốn sách trên phần lớn đều do dịch giả của công ty Nhã Nam thực hiện, Nhã Nam phát hành.

Trước đó, vào tháng 4/2012, cuốn "Vô tri", nguyên tác "L’Ignorance" của Milan Kundera cũng do dịch giả Cao Việt Dũng dịch và công ty Nhã Nam phát hành có hàng trăm lỗi dịch. Cuốn sách bị dư luận phản ứng và Nhã Nam đã phải thẩm định lại. Kết quả thẩm định của Nhã Nam cho biết: “Bản dịch "Vô tri" có tương đối nhiều lỗi, cụ thể 264 điểm có thể xác định được là lỗi và đều thuộc loại lỗi cần sửa, nên sửa…”

Câu hỏi đặt ra là vì sao những người có tiếng, thâm niên trong giới dịch giả lại dịch ra những bản dịch nhiều lỗi như vậy?

Để trả lời câu hỏi này, đầu tiên phải nhắc đến đó là sự tắc trách, cẩu thả?! Đương nhiên, việc cho ra đời những tác phẩm dịch tồi tệ như dư luận phản ánh thời gian qua chính là do thái độ làm việc của dịch giả. Và một số người trong giới dịch giả chuyên nghiệp cũng cho biết có những trường hợp rằng người dịch dịch bừa một câu mà bản thân dịch giả đó không hiểu rõ. Điều đó cho thấy họ không tôn trọng tác giả, bạn đọc và chính bản thân họ cũng cho thấy một lối làm việc vô trách nhiệm.

Một dịch giả có thể cho ra đời những câu dịch vô cùng ngớ ngẩn như “bố em chết vì… bị ung thư tử cung” hay tục tĩu, vô văn hóa kiểu: “Con mặt l.. ngu đ.. bao giờ trả lời.” thì nói lên điều gì? Sẽ là gay gắt nhưng để nói một cách thẳng thắn nhất thì đó chính là sự cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp và đặc biệt là thiếu văn hóa.

Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Quang Thiều từng khẳng định rằng: “Không phải cứ biết ngoại ngữ là có thể chuyển ngữ được. Không ít người giỏi ngoại ngữ, ham mê dịch nhưng bản dịch đến tay độc giả thì lại rất nhạt nhẽo”.

Như vậy để trở thành dịch giả thì ngoài việc biết ngoại ngữ, vốn là điều kiện cần thì họ cần có cái tài và cái tâm với nghề. Có tài để có thể cho ra những bản dịch chính xác với nguyên tác, câu văn hấp dẫn. Có tâm hay nói chính xác hơn là có văn hóa để suy nghĩ, trăn trở về những câu dịch nhạy cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của người đọc, như câu: “Con mặt l...” chẳng hạn!

Một dịch giả có thể cho ra đời những câu dịch vô cùng ngớ ngẩn như “bố em chết vì… bị ung thư tử cung” hay tục tĩu, vô văn hóa kiểu: “Con mặt l.. ngu đ.. bao giờ trả lời.” thì nói lên điều gì? Sẽ là gay gắt nhưng để nói một cách thẳng thắn nhất thì đó chính là sự cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp và đặc biệt là thiếu văn hóa.

Chỉ có thể là sự cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp nên một người dịch mới cho ra đời những câu dịch không những sai nguyên tác mà còn mắc lỗi ngớ ngẩn. Và vì có chữ nhưng thiếu văn hóa nên dịch giả mới có thể mạnh dạn đưa vào văn học những câu tục tĩu nặng nề, trái với thuần phong mỹ tục của người đọc Việt. Và văn hóa đọc của người Việt đang bị đầu độc bởi những cuốn sách dịch “thảm họa” như thế.

Hai cuốn sách có nhiều lỗi dịch ngớ ngẩn gây bức xúc.

Ngoài ra, như đã đề cập trong các bài viết trước, một “thảm họa dịch thuật” ra đời còn do sự tắc trách, cẩu thả trong khâu biên tập. Còn nhớ khi “Bản đồ và vùng đất” phải thu hồi vì quá nhiều lỗi, đại diện Nhã Nam cho biết: “Bản đồ và vùng đất” là cuốn sách dịch để lại nhiều lỗi, thuộc nhiều loại khác nhau: dịch sai nghĩa; dịch chệch nghĩa; dịch sót; diễn đạt tiếng Việt có nhiều bất ổn. Số lượng lỗi này cao hơn so với chuẩn biên tập và vượt quá số lỗi tối đa cho phép để sách có thể tiếp tục được lưu hành”.

Vậy đặt câu hỏi ngược lại rằng khâu biên tập quyển sách này đã bị Nhã Nam bỏ qua chăng?! Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của Nhã Nam đối với thị trường sách, đối với văn học đại chúng khi cho ra đời nhiều cuốn sách có giá trị trong quá trình hoạt động của mình từ 2005 cho đến nay. Thế nhưng, trong vài năm gần đây, Nhã Nam cho ra đời nhiều những quyển sách gây bức xúc trong dư luận. Tất cả những cuốn sách ấy đều liên quan đến lỗi dịch, dịch sai hoặc dịch không phù hợp với văn hóa người đọc.

Một tác phẩm dịch có thể hay dở tùy đánh giá của người đọc nếu chỉ do cách hiểu khác nhau trong việc chuyển ngữ. Nhưng khi nó trở thành “thảm họa dịch thuật” nếu để xảy ra những lỗi ngớ ngẩn thì đó việc thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu chuyên nghiệp trong công tác xuất bản của đơn vị làm sách.

Cũng cần nói thêm rằng ngày nay càng có nhiều sách dịch “thảm họa” ra đời còn là vì quan niệm làm sách sai lệch, đó là quan niệm tìm mọi cách để kiếm lợi nhuận của nhiều NXB, đơn vị làm sách. Xu hướng chung đó là NXB, đơn vị làm sách làm sao sách ra nhiều nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất và ít tốn chi phí nhất. Thế nên mới có chuyện ở một vài NXB rằng 1, 2 biên tập viên “đỡ đẻ” cho gần chục cuốn sách mỗi tháng, mỗi cuốn dày cả trăm trang.

Với thực tế như vậy, thì việc ngày càng có nhiều quyển với các lỗi dịch ngớ ngẩn như “Bản đồ và vùng đất”, “Hạt cơ bản”, “Những thứ họ mang”… ra đời cũng là chuyện dễ hiểu!

L.T