Nỗi buồn cho văn hóa đọc

07:10 | 01/05/2017

2,318 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian gần đây, mặc dù thị trường sách có sôi động hơn nhưng nhiều ý kiến vẫn băn khoăn, lo ngại rằng, câu chuyện đọc sách của nước ta chỉ là “bề nổi”, như một trào lưu thời trang chứ chưa thực sự trở thành thói quen và nét văn hóa nổi bật.

Sách là “hàng xa xỉ”

Theo quan niệm của nhiều nhà nghiên cứu, văn hóa đọc là một khái niệm có hai nghĩa, một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý Nhà nước. Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, hay nói cách khác đó là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc của mỗi người đọc.

Ở Việt Nam hiện nay, việc đọc sách có lẽ chưa được coi là một nét văn hóa, bởi số lượng sách trên đầu người ít hơn nhiều so với các quốc gia trên thế giới và trong số 61 quốc gia có nhiều người đọc sách nhất thế giới không có tên Việt Nam. Nhìn ra thế giới, ở một số quốc gia như Pháp, Nhật Bản, Israel trung bình mỗi người dân đọc từ 20 cuốn/năm. Các nước trong khu vực như Singapore trung bình là 14 cuốn/năm, Malaysia là 10 cuốn/năm. Còn ở Việt Nam, trung bình 1 người chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn là sách khác.

noi buon cho van hoa doc
Chiến dịch “Đọc sách thật phong cách” cùng 40 nhân vật nổi tiếng như GS Ngô Bảo Châu, doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình, Hoa hậu Ngô Phương Lan...

Theo Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch), tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc 44%, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%, bạn đọc của thư viện chiếm khoảng 8-10% dân số. Đây là con số quá khiêm tốn đối với một quốc gia đông dân như Việt Nam, cho thấy tình hình đọc sách ở nước ta vẫn còn gặp nhiều trở ngại.

Để góp phần phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định lấy ngày 21-4 hằng năm là “Ngày sách Việt Nam”. Cho đến nay, chúng ta đã kỷ niệm “Ngày sách Việt Nam” lần thứ 4 với nhiều hoạt động liên quan đến sách và văn hóa đọc. Thế nhưng, có lẽ đọc sách chưa phải lựa chọn của đa số người dân và hoạt động đọc sách vẫn chỉ duy trì bề nổi, chứ chưa thực sự ngấm sâu vào ý thức của cộng đồng. Số lượng đầu sách người Việt Nam đọc vẫn chưa vượt quá con số 4 cuốn/năm/người, sách làm ra có nhiều sai phạm, thậm chí có những lỗi sai nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức của người đọc.

Mục tiêu phát triển văn hóa đọc quan trọng là vậy, nhưng số lượng thư viện ở Việt Nam không nhiều, chỉ mở cửa trong giờ hành chính và được giám sát quá kỹ càng. Triển lãm sách quý chỉ diễn ra ở vài quán cà phê sách nhỏ, còn thông tin về sách mới thì ít ỏi hoặc theo kiểu truyền miệng...

Bên cạnh đó, việc phát hành và tổ chức các hội sách mặc dù rất rầm rộ nhưng cũng chỉ tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM hoặc các tỉnh thành lớn như Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Phú Yên, Gia Lai… Còn các tỉnh, thành khác, việc tổ chức hội sách hay phổ biến sách vẫn ít ỏi, dẫn đến thực trạng sách trở thành món hàng “xa xỉ”, mặc dù đã có chương trình “sách hóa nông thôn” hay sách cho vùng sâu vùng xa.

Sách ngôn tình bán chạy nhất!

Theo thống kê ở một số hội sách gần đây, Hội sách Hà Nội năm 2016 diễn ra tại Hoàng Thành - Thăng Long đã thu về trên 7 tỉ đồng (tăng 17% so với doanh thu của hội sách năm 2015). Trong khi đó, Hội sách TP HCM năm 2016 thu hút hơn 1 triệu lượt người đến tham quan, mua sách, trong đó 70% là người trẻ, đã đạt doanh thu khoảng 50 tỉ đồng…

Thế nhưng, trong Top 5 cuốn bán chạy nhất hội sách thì có 2 cuốn dạng ngôn tình: “Thương mấy cũng là người dưng” (Anh Khang), “Trên đường băng” (Tony Buổi Sáng), 1 cuốn dành cho thiếu nhi: “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” (Nguyễn Nhật Ánh), 2 cuốn khác thuộc dạng sách nhân vật và khám phá: “Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực bà rồng” (Monique Brinson Demery), “Nhà giả kim” (Paulo Coelho).

Theo khảo sát của Vinabook, 5 cuốn sách bán chạy trong tuần giữa tháng 4 có 3 cuốn ngôn tình, thậm chí còn được tái bản: “Mình sinh ra đâu phải để buồn” (Iris Cao), “Thương được cứ thương” (tái bản 2017 - Hồng Hải), “Vẽ em bằng màu nỗi nhớ” (tái bản 2017 - Tâm Phạm).

Thực tế này cho thấy, lực lượng tác giả trẻ đã tạo nên sự thay đổi của thị trường xuất bản. Sách của các tác giả này bán rất chạy, đạt doanh thu cao, tuy nhiên, trong số sách bán chạy lại vắng bóng những cuốn sách văn học của các tác giả nổi tiếng hay mảng sách tri thức vốn rất cần thiết cho việc nâng cao vốn hiểu biết. Thậm chí, các tác phẩm văn học bất hủ hoặc mảng sách tri thức phải giảm giá rất thấp mà vẫn ít người quan tâm.

Một trường hợp khác, khi “Thế giới phẳng” của Thomas Friedman được xuất bản tại Việt Nam và trở thành biểu tượng của “nhà kinh tế”, cuốn sách lại tiếp tục được “lùng sục”, được tái bản liên tục và nếu ai đó mà chưa đọc cuốn này của Friedman thì sẽ bị xem là lạc hậu. Thế nhưng, thực chất số lượng người hiểu được Murakami và văn phong của ông hay những triết lý kinh doanh trong “Thế giới phẳng” lại không quá nhiều. Có rất nhiều bạn đọc đã thừa nhận trong các cuộc khảo sát về văn hóa đọc rằng họ không thích hay đúng hơn là không hiểu về những gì các nhà văn viết, nhưng họ vẫn mua sách vì nỗi lo lạc hậu so với mọi người xung quanh!

Có thể thấy, sách bán chạy ở nước ta thường là những cuốn sách mang tính chất giải trí thông thường, ít có giá trị tinh thần hoặc cung cấp cho người đọc kiến thức hoặc được mua theo trào lưu chứ không theo nhu cầu thực tế. Trong khi đó, các cuốn sách có giá trị, đạt giải thưởng quốc tế hoặc có chức năng bổ sung kiến thức lại bị “thờ ơ”. Chính vì vậy, khi nhìn nhận về văn hóa đọc trong nước hiện nay, những nhà phê bình, nghiên cứu đến nay thường có chung một cảm giác vừa vui, vừa buồn. Vui bởi nước ta hiện đang có một thị trường sách đa dạng và rất phát triển cả về hình thức lẫn nội dung, một hệ thống nền tảng xuất bản, phát hành ngày càng chuyên nghiệp và có lượng bạn đọc lớn, luôn có nhiệt tình mua sách, đọc sách… Nhưng buồn bởi hiện nay, kỹ năng đọc sách của người đọc không có sự phát triển tương xứng, sở thích đọc chưa hình thành cụ thể, tích cực, việc đọc theo trào lưu, theo dư luận vẫn phổ biến.

Thật ý nghĩa, vào năm 2016, nhà toán học Ngô Bảo Châu, nhà báo Tạ Bích Loan, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch và doanh nhân - nhà nghiên cứu Nguyễn Cảnh Bình đã cùng chung tay khởi xướng Dự án “Let’s Read”. Dự án kêu gọi mỗi người đọc một cuốn sách trong một tháng và sau khi đọc sẽ chia sẻ những giá trị mà họ thu thập được từ cuốn sách đến mọi người. Đến năm 2017, dự án đã phát động chiến dịch “Đọc sách thật phong cách” với việc công bố hình ảnh và thông điệp của nhiều nhân vật nổi tiếng khác.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của văn hóa đọc vẫn là việc mỗi người phải có ý thức về đọc sách và lựa chọn sách phù hợp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Đặc biệt là việc đầu tư phát triển hệ thống thư viện, nhà sách công cộng trên cả nước, đưa việc đọc sách vào các trường học. Nếu có thể thực hiện được những điều này, mục tiêu mỗi người đọc 4 cuốn sách/năm sẽ không còn xa nữa!

K.An