Nơi bình minh không yên tĩnh

07:00 | 25/09/2015

1,678 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước đây, bản Đửa, Noọng Ó, Mường Mừn vốn là những bản làng vô cùng bình yên. Ruộng đồng xanh tươi, đâu đâu cũng rộn ràng tiếng thoi phát ra từ  chiếc khung cửi.  Từ khi lực lượng chức năng đánh mạnh ở bản Minh Phương và Xốp Mạt, bọn tội phạm ma túy đã rút vào đây hoạt động và biến nơi đây thành “sào huyệt của ma túy”.  

noi binh minh khong yen tinh

Bắt hai đối tượng vận chuyển ma túy ở Sơn La

Ngày 20/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La cho biết, vừa bắt giữ hai đối tượng vận chuyển 2 bánh heroin và 2.000 viên ma túy tổng hợp.

Bản Đửa - “căn cứ” mới

Tương Dương đã bắt đầu bước vào mùa mưa, những cơn mưa rừng khiến cho đất đá sụt lở, nước suối dâng cao và cuồn cuộn như muốn nuốt chửng những chiếc xe vượt qua cầu tràn. Con đường vào trung tâm xã Lượng Minh thực sự là một thử thách, nhưng đường vào bản Đửa còn gian nan, vất vả hơn mấy chục lần. Không thể rút lui giữa chừng, vì ngay từ đầu chúng tôi đã quyết tâm vào bản Đửa, một “điểm nóng” về ma túy trên vùng “đất trắng” Lượng Minh. Nơi đây cách trung tâm xã gần 10km, phải vượt qua dòng Nậm Nơn rồi men theo con đường độc đạo chạy vắt qua các sườn núi, rồi mấy lần vượt qua khe Mạt.

Bản có 84 hộ dân tộc Thái cư trú tại một thung lũng nhỏ, xung quanh là những dãy núi cao. Phía trước là bản là đỉnh Pù Lôm, nơi có thể quan sát được khắp cả một vùng, dễ dàng nhận thấy hoạt động đi lại trên tuyến đường độc đạo và người ra vào bản Đửa. Thế nên, với địa hình này, đây được xem là điều kiện lý tưởng để những kẻ cầm đầu đường dây buôn bán từ khắp nơi, kể cả từ bên Lào tìm đến để hoạt động. Và không ít người dân bản Đửa vì cái lợi trước mắt đã tiếp tay cho những kẻ tội phạm ma túy lộng hành, khiến cuộc sống bản làng bị đảo lộn, nhiều gia đình rơi vào cảnh lao đao.

noi binh minh khong yen tinh
Bản Đửa, xã Lượng Minh (Tương Dương) bị tàn phá bởi tệ nạn ma túy, phía trước bản là đỉnh Pù Lôm - nơi các “đầu nậu” buôn bán ma túy thường ẩn nấp

Khi biết chúng tôi có ý định vào bản Đửa, những người bạn ở thị trấn Hòa Bình đều can ngăn. Bởi lẽ, đường sá đi lại khó khăn, hiểm trở đã đành, đây còn là “sào huyệt của ma túy”, có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi vô tình gặp phải người nghiện đang “đói” thuốc hay tội phạm manh động. Nhưng với máu nghề nghiệp, chúng tôi vẫn quyết vào để chứng kiến và lắng nghe những câu chuyện lâu nay thường được nghe qua lời đồn thổi.

Vào đến bản Đửa, người dân nơi đây từ già đến trẻ đều nhìn với ánh mắt dò xét, không hiểu họ đang đoán định chúng tôi là lực lượng chức năng hay những kẻ tìm đến vùng này để móc nối, thiết lập cơ sở để trao đổi “hàng trắng”. Có những người dáng hình tiều tụy, da bọc xương vừa gặp giữa đường, giữa bản, hoặc trong sân lập tức dạt ra bờ suối hoặc lên rừng, thoáng chốc bản trở nên vắng lặng.

Rất may, chúng tôi hỏi tìm được nhà Trưởng bản Lô Văn Du và được biết từ bao đời nay, người Thái ở bản Đửa chỉ quen với cây lúa trên rẫy, cây măng trên rừng, con cá dưới khe chứ không biết đến cái gọi là hêrôin. Vậy mà, “cơn lốc trắng” bất ngờ tràn về, nó từ Xốp Mạt, Minh Phương ngược lên theo khe Mạt; từ đỉnh Pù Căm, Pù Lôm tràn xuống, từ Bảo Thắng, Chiêu Lưu xuôi về. Cuộc sống bản làng bỗng dưng bị đảo lộn, nhiều người không còn chăm lo đến cây lúa trên rẫy, cây ngô ngoài nương mà leo lên Pù Lôm làm tay sai cho các “ông Mẹo” đến từ phía bên kia biên giới. “Con ma trắng” đi lang thang khắp bản, dụ dỗ không ít người, nhiều nhất vẫn là thanh niên và trung niên.

Khi những người lạ ẩn nấp trong rừng để bán hêrôin, tình hình an ninh trật tự của bản càng thêm phức tạp. Không ít người đã rơi vào trạng thái hoang mang, vì các thành viên trong gia đình, anh em, xóm giềng lần lượt phải tra tay vào còng hoặc bỗng dưng mất tích. Lâu dần cũng thành quen, việc công an bắt quả tang người trong bản đang vận chuyển, mua bán ma túy gần như trở thành chuyện bình thường. Vì số lượng người nghiện (có danh sách quản lý) hiện lên tới 20; 12 người đã ra tù và vài ba người đang thụ án.

Điều đáng nói hơn, ở nơi được mệnh danh là “sào huyệt ma túy” này, có những người từng là cán bộ, tham gia công tác xã hội cũng không thể thoát khỏi sự mê hoặc của “con ma trắng”. Đó là Vi Văn May, từng là Phó trưởng Công an xã nhưng vẫn đứng chân trong một đường dây buôn bán ma túy khá lớn, hiện đã bỏ trốn khỏi địa bàn và công an đang phát lệnh truy nã. Rồi Ngân Văn Khăm, từng là Bí thư Chi bộ bản; Lô Văn Đánh, từng là công an viên của bản cũng tham gia vận chuyển ma túy đã bị bắt và hiện đang thụ án.

Dạo một vòng quanh bản Đửa, chúng tôi nhận thấy hầu hết cư dân của bản là phụ nữ và trẻ em. Họ thường tập trung một chỗ để chuyện trò, than thở và hướng ánh nhìn về phía con đường và dãy núi xa xăm. Anh bạn dẫn đường lý giải: Đàn ông sa vào ma túy, bị chết vì bệnh tật hoặc đang phải thụ án tù, một số người đang bỏ trốn hoặc đi cai nghiện, có người quyết đi làm ăn xa để tránh “con ma trắng” nên bản Đửa còn lại phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Hiện tại, khoảng 70% số hộ gia đình ở bản Đửa vắng bóng đàn ông.

Trưởng bản Lô Văn Du giải thích: “Trước đây, bản Đửa khá bình yên. Từ khi lực lượng chức năng đánh mạnh ở bản Minh Phương và Xốp Mạt, bọn tội phạm ma túy đã rút vào đây hoạt động và biến nơi đây thành “sào huyệt”. So với 2 bản kia, địa hình bản Đửa hiểm trở hơn nhiều, đường sá đi lại gian nan nên việc đẩy đuổi gặp rất nhiều khó khăn”.

Rời bản Đửa, chúng tôi ngược ra trung tâm xã Lượng Minh và được anh Vi Văn Thủy - Trưởng Công an xã cung cấp thêm những thông tin và con số nếu ai nghe không tránh khỏi giật mình. Theo đó, hiện có 43 người từ các trại giam được tha về, đó là chưa kể những người chưa nộp giấy tờ trình báo. Và có 2 bản chưa kịp rà soát là Minh Thành và Chăm Puông, nếu rà soát đầy đủ con số này có thể ở mức trên dưới 70. Chiếm số lượng đông nhất là bản Lả, Xốp Mạt và Minh Phương. Trong đó, có những đối tượng thụ án 2- 3 lần như Vi Thị Chới, Minh Phương (3 lần), Lô Văn Thanh, bản Xốp Mạt (3 lần), Lương Văn Xán, bản Côi (2 lần), Lương Văn Phấn, bản Lả (2 lần)... Riêng đối tượng Lô Văn Thanh ở Xốp Mạt vừa được tha tù lần thứ 2, trở về chưa đầy 3 tháng đã tiếp tục tái phạm, ngựa quen đường cũ, không những không ăn năn, hối cải mà còn tiếp tục tàng trữ và mua bán chất ma túy. Khi công an tiến hành khám xét nhà đã thu được 0,3g hêrôin và 6 khẩu súng tự chế, trong đó 1 khẩu có thể dùng đạn AK và 4 con dao.

noi binh minh khong yen tinh
Công an huyện Quế Phong bắt giữ Sầm Văn Hoàng, trú tại bản Mường Mừn (Mường Nọc) vì tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy

Ở Lượng Minh, số lượng đối tượng từng làm cán bộ tham gia vào các đường dây buôn bán ma túy không phải là ít. Ngoài 2 đối tượng ở bản Đửa đã nêu trên, có thể kể thêm đối tượng Lô Văn May, từng là Bí thư Chi bộ kiêm cán bộ y tế bản. Cũng ở bản Minh Thành, Lương Văn Thủy từng là công an viên, với nhiệm vụ này đáng lẽ phải tìm cách ngăn chặn tệ nạn ma túy nhưng vì hám lợi, Thủy đã cố tình tiếp tay cho những kẻ bất lương, góp phần gieo rắc “cái chết trắng” cho bản làng mình.

Tiếp cận Noọng Ó

Từ Tương Dương, chúng tôi ngược lên huyện Kỳ Sơn, nơi có gần 200km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào, có cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, cũng là địa bàn có lượng ma túy thẩm lậu vào rất lớn. Sau những tháng mùa khô con nước hao gầy, dòng Nậm Mộ bắt đầu cuộn lên ngầu đục, dấu hiệu mùa mưa đã bắt đầu. Vượt qua cầu treo Xốp Nhị, chúng tôi sang xã Hữu Lập, nơi có dòng suối Nhị trong xanh hiền hòa, có bản Na, Xốp Thặp ruộng đồng xanh tươi và rộn ràng tiếng thoi phát ra từ những chiếc khung cửi. Nhịp sống nơi đây hiện lên những nét yên bình, cho dù cuộc sống vẫn chưa hết những gian nan, vất vả.

Người già ở Hữu Lập thường nhắc tới bản Noọng Ó như để răn dạy con cháu phải biết giữ gìn bản thân, giữ yên nền nếp gia đình và cuộc sống bản làng bằng cách tránh xa tệ nạn ma túy. Bởi lẽ, từ một bản thuộc diện khá của xã, không mấy khi phải thiếu cái ăn, bỗng dưng “cơn bão” ma túy tràn về, Noọng Ó trở nên tiêu điều, xơ xác, nạn trộm cắp hoành hành, tình hình an ninh trật tự ngày càng phức tạp.

Trước nguồn tin về Noọng Ó, chúng tôi quyết định tiếp cận để hiểu thêm về sức tàn phá của “cơn bão” ma túy. Nhưng ngặt nỗi, đây cũng được xem là một “điểm nóng”, lại nằm cách trung tâm xã hơn 10km đường rừng nên không thể lường trước được những nguy hiểm. Liên hệ với công an xã nhờ sự giúp đỡ, ông Lô Văn Tăng - Trưởng Công an xã bảo có việc bận nhưng sẽ liên lạc với công an thường trực ở Noọng Ó. Nghĩa là chúng tôi chủ động vào Noọng Ó, đến đó sẽ có công an thường trực tiếp đón và làm việc. “Con ngựa sắt” luôn cài số 1 và số 2, nhả khói đen sì mỗi khi leo dốc.

Gần 2 giờ “đánh vật” cùng “ngựa sắt” trên con đường cheo leo, gập ghềnh, bản Noọng Ó hiện ra trong làn sương mờ ảo với những mái nhà lợp phi-brô xi măng. Bản nằm lặng lẽ giữa một thung lũng, xunh quanh đồi núi bạt ngàn, xa xa là những lối mòn chạy ngoằn ngoèo theo vách núi. Khung cảnh gợi lên sự hoang sơ và bí ẩn, dễ mang lại cho những người khách đến từ nơi xa cảm giác rợn ngợp. Tuột hết con dốc, một thanh niên cao lớn, ăn mặc chỉnh tề đứng ngay đầu đường đưa tay lên vẫy: “Các anh có phải là nhà báo ở dưới xuôi lên không? Lúc sáng bác Tăng, Trưởng Công an xã gọi điện giao cho em ở nhà làm việc với các anh”. Thở phảo nhẹ nhõm vì những nỗi lo âu trên chặng đường dài đã được trút bỏ.

noi binh minh khong yen tinh

Phần lớn đàn ông đang thụ án hoặc đi làm ăn xa nên bản Đửa, xã Lượng Minh (Tương Dương) hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em

Người đón chúng tôi tận đầu bản là Lương Văn Mằn - Công an thường trực của xã. Mằn dẫn khách dạo một vòng quanh bản, những ngôi nhà sàn nhỏ bé được dựng khá đơn sơ và nằm sát vách nhau. Trước hiên, người già, trẻ nhỏ, và có cả trung niên, phụ nữ ngồi nhìn ra phía trước, mắt luôn dõi theo từng bước đi của những người khách lạ. Đúng như người vùng ngoài đã nói, dường như người  Noọng Ó luôn có sẵn tâm lý “cảnh giác” dè chừng khi có người lạ vào bản.

Lương Văn Mằn cho hay, Noọng Ó là nơi sinh sống của gần 100 hộ (trên 500 khẩu) dân tộc Thái. Đây là địa bàn giáp ranh giữa Hữu Lập với các xã Bảo Nam, Phà Đánh, Huồi Tụ và Mường Lống. Mằn từng nghe ông nội bảo rằng, trước đây Noọng Ó không bao giờ thiếu đói, mùa giáp hạt người các bản khác đều tìm đến đây mua hoặc đổi lúa, ngô về ăn. Vì đất đai, nương rẫy ở đây tươi tốt đã đành, người ở đây cũng siêng năng, chăm chỉ. Dù xa xôi nhất, nhưng một thời Noọng Ó từng là bản khá của xã. Vậy mà, chỉ trong một thời gian ngắn, từ khi có những kẻ lạ mặt kéo đến, rủ rê dân bản tiêm chích và vận chuyển ma túy, bản làng bắt đầu hoang tàn. Nương rẫy bỏ hóa ngày một nhiều, những mái nhà xơ xác không được sửa sang, cái đói hoành hành, đe dọa. Rồi có những người chết vì căn bệnh lạ, bị lở loét khắp người cứ như là HIV/AIDS.

Theo số liệu của Công an xã Hữu Lập, Noọng Ó hiện có 26 người nghiện, 2 người đang ở tù. Lợi dụng địa bàn giáp ranh và rừng núi hiểm trở, các đối tượng buôn bán ma túy vẫn thường xuyên lảng vảng ở những cánh rừng quanh bản nên Noọng Ó vẫn chưa thể có cuộc sống bình yên. Hay nói cách khác, người Thái ở Noọng Ó vẫn đang bị “cơn bão” ma túy đe dọa, bà con chưa thể yên tâm với việc lên rẫy trồng cây ngô, cây lúa hay chăn nuôi con trâu, con bò.

Chuyện ở Mường Mừn

Rời Kỳ Sơn, chúng tôi ngược Quốc lộ 48 lên huyện biên giới Quế Phong, nơi tình trạng buôn bán, vận chuyển và sử dụng chất ma túy cũng đang diễn ra nhức nhối. “Lang thang” ở vùng trung tâm huyện bằng xe gắn máy, vượt chiếc cầu treo bắc qua sông Nậm Giải để ghé qua bản Mường Mừn (xã Mường Nọc). Dọc đường, những tốp thanh niên đứng ngồi trò chuyện và luôn để ý quan sát những người ra vào bản, hầu như nhà nào cũng đóng cửa, không chốt phía trong thì cũng khóa phía ngoài.

Bỗng dưng, từ giữa bản có tiếng lao xao, ngôi nhà bên người đứng quây kín. Tò mò, chúng tôi chen vào sân, đúng lúc mấy người mặc thường phục dẫn một thanh niên bị còng tay bước ra. Người mẹ và em trai bước theo sau,  nước mắt sụt sùi nhưng người thanh niên kia dường như vẫn thản nhiên, không hề tỏ ra sợ hãi. Đúng như dự đoán, những người dẫn giải là các chiến sĩ Công an huyện Quế Phong vào Mường Mừn “đánh” án. Đối tượng bị tra tay vào còng là Sầm Văn Hoàng (SN1983), y bị bắt vì liên quan đến việc mua bán chất ma túy.

Tiếp cận cán bộ điều tra - Đại úy Nguyễn Duy Hải, chúng tôi được biết trước đó Công an huyện Quế Phong bắt được một đối tượng ở xã Châu Tiến (Quỳ Châu) sử dụng chất ma túy. Qua đấu tranh, đối tượng này khai nhận lượng ma túy này y mua của Sầm Văn Hoàng trú tại bản Mường Mừn. Cơ quan Điều tra Công an huyện đã tiến hành khám xét và ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Sầm Văn Hoàng. Vật chứng thu được tại nhà y gồm 1 bơm tiêm chứa dung dịch ma túy, 250.000 đồng tiền mua bán hêrôin cùng với rất nhiều bao ni-lông dùng để gói “hàng”. Điều đáng nói là đối tượng Sầm Văn Hoàng đã từng có 2 tiền án (40 tháng và 30 tháng) về tội buôn bán chất ma túy.

Mường Mừn là bản của người Thái nằm dọc theo dãy Pù Kẹt, phía trước là cánh đồng lớn, xa hơn nữa là dòng Nậm Giải uốn quanh. Địa bàn này tiếp giáp với xã Châu Kim, gần Thị trấn Kim Sơn và tuyến đường lên Châu Thôn, Tri Lễ. Vài ba năm trở lại đây, tình trạng buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy ở Mường Mừn diễn biến hết sức phức tạp. Số lượng người nghiện ở Mường Mừn luôn tăng theo cấp số nhân, đến nay vẫn chưa có con số thống kê chính xác. Việc tiếp cận và bắt giữ tội phạm ma túy ở Mường Mừn không dễ, vì vào bản chỉ có con đường độc đạo qua cầu treo rồi xuyên qua cánh cánh đồng phía trước. Từ những ngôi nhà ven sườn núi có thể dễ dàng quan sát mọi di biến trên trục đường này, nghĩa là ai ra vào đều không thể lọt qua tầm nhìn của người dân trong bản. Đó là chưa kể từng tốp người ngồi dọc đường làm nhiệm vụ “cảnh giới”, khi động lập tức phát “tín hiệu” để các đối tượng nhanh chân rút lên núi. Vì lẽ đó, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy của các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Lô Trung Hiếu - Đội tưởng đội Hình sự - Kinh tế - Ma túy Công an huyện Quế Phong cho biết: “Mường Mừn là “điểm nóng” về tình trạng mua bán, vận chuyển và sử dụng chất ma túy. Cả bản có tới 17 điểm bán lẻ, có 24 đối tượng đang thụ án vì tội buôn bán chất ma túy. Tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp, gây nhức nhối và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân trong vùng”.

Với địa hình phức tạp và hiểm trở, lại giáp đường biên với nước bạn Lào nên các đối tượng phạm tội ma túy thường miền Tây Nghệ An làm điểm hoạt động. Chúng reo rắc “cái chết trắng” cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, biến không ít bản làng thành vùng “đất trắng”.

Rời miền Tây Nghệ An, chúng tôi vẫn không nguôi day dứt, ám ảnh về những vùng đất “trắng”. Ở đó, không ít bản làng đang bị tàn phá, bao nhiêu gia đình đang vỡ tan hạnh phúc và hàng ngàn con người đang bị hủy hoại cả về thể chất lẫn tinh thần. Tất cả xuất phát từ một nguyên nhân: Ma túy!       

Trần Công Kiên

Năng lượng Mới số 457