Nơi ấy, có người chờ em…

16:36 | 28/01/2013

792 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Có một người con đang ở Hà Nội đang mong mỏi đợi ngày trở về quê hương, nơi có người mẹ bệnh tật khắc khoải mong chờ, một người anh lam lũ đợi em. Đó là cô sinh viên Đại học Luật - Nguyễn Thị Tuyết.

Tháng ngày long đong

Cô gái có làn da trắng như cái tên, nhưng đôi mắt lúc nào cũng rủ xuống, đượm một nỗi buồn mênh mang. Phải chăng, những lo toan, những trắc trở trong cuộc sống đã đè nặng trên đôi vai em, làm đôi mắt em ánh sầu.

Khi được hỏi thăm về cuộc sống của mình, Nguyễn Thị Tuyết lại cúi xuống, cười nhỏ nhẹ. Ấn tượng đầu tiên trong lần nói chuyện với em, đó là một cô gái sống khép kín, ít nói và trầm tính.

Ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, người bố của em đã vĩnh viễn ra đi. Xót xa hơn, người con gái chưa được nhìn mặt cha một lần, chưa một lần được cha nâng niu, ẵm bế. Gia đình em mất đi một chỗ dựa, một trụ cột trong gia đình.

Người mẹ vẫn ngậm ngùi, tảo tần ở vậy nuôi 2 đứa con ăn học, gồng mình gánh vác vai trò của cả cha lẫn mẹ. Tưởng chừng cuộc sống vẫn tiếp tục lặng lẽ trôi qua như vậy. Nhưng một chứng bệnh khiến cho đôi chân của mẹ đau nhức, dần dần bị tê liệt.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ đến khi đôi chân mẹ em đã tê, gia đình mới đưa lên Hà Nội xét nghiệm. Thông tin mẹ bị bệnh u tủy bất ngờ rơi xuống gia đình em, nhất là khi gia đình còn long đong, chạy ăn từng bữa.

Em Nguyễn Thị Tuyết – Sinh viên Đại học Luật.

Sau khi chạy vạy vay mượn để chữa bệnh cho mẹ, kinh tế gia đình càng trở nên khó khăn hơn. Mẹ em dần được phục hồi nhưng chỉ có thể tự lo được sinh hoạt cho bản thân mình.

Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, người anh trai em quyết định không tiếp tục học lên, và đi làm công nhân gần nhà. Đây cũng là lựa chọn của anh, vừa mong muốn gần nhà, chăm sóc mẹ, vừa lo lắng nuôi em học hành.

Tuy nhiên, lương công nhân ở quê thấp, ba cọc ba đồng, 6 sào ruộng của gia đình cũng không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng lên; đặc biệt là khi Tuyết bước vào đại học.

Nhắc tới người anh trai của mình, em nghẹn ngào nói: “Anh em ít nói lắm. Anh toàn chịu vất vả một mình, không dám kêu than nửa lời. Em thương anh ấy nhiều lắm.”

Trăn trở khi chọn trường

Sự khó khăn của gia đình khiến Tuyết trở nên băn khoăn trước việc thi đại học. Tuy nhiên, nhận được sự ủng hộ của gia đình, em quyết tâm dành thời gian ôn luyện.

Tuyết chia sẻ, lúc đầu, em định thi Học viện An ninh, như vậy, vừa đỡ được gánh nặng kinh tế cho gia đình. Tuy nhiên, em đã không may mắn qua được vòng sơ tuyển.

“ Em định đi học ở Vinh. Vừa gần nhà, chi phí không đắt đỏ. Nhưng em lại thấy tiếc với lực học của mình.” – Tuyết nói. Đại học Luật chính là lựa chọn cuối cùng của em.

Thương mẹ bệnh tật không có tiền thuốc thang, xót anh vất vả làm lụng nuôi gia đình, quyết định đi học Hà Nội của em đôi lúc khiến em trăn trở. Em sợ mình trở thành gánh nặng lớn của gia đình.

Em cho biết, từ Hà Nội về Hà Tĩnh, cả tiền xe đi về lên tới 400.000 đồng. Vậy nên, em chỉ dám về vào Tết và hè. “ Em nhớ mẹ và anh lắm. Ngày nào, em cũng gọi về thăm mẹ. Em chỉ mong sao nhanh đến Tết để được về quê.”

Gia đình “Thắp sáng niềm tin”.

Hiện tại, trợ cấp cho việc học hành của em chủ yếu từ học bổng của Quỹ Thắp sáng niềm tin, và tiền vay vốn hỗ trợ sinh viên.

Với em, gia đình Thắp sắng niềm tin trở thành ngôi nhà thứ 2, nơi có những anh chị nhiệt tình, giúp đỡ. Nơi có những người bạn luôn yêu thương, chia sẻ.

“ Các anh chị ở đấy năng động lắm! Lại còn tổ chức nhiều trò chơi cho chúng em. Tham gia nhiều, em cảm thấy mình đỡ cố đơn, nhớ nhà hơn. Và em thấy mình hòa đồng hơn, không còn khép kín.”

Cô gái sống khép kín, kiệm lời đang dần dần từng bước hòa nhập vào cuộc sống mới. Ngôi nhà “Thắp sáng niềm tin” sẽ hỗ trợ em cả về vật chất và tinh thần. Nơi mà em có thể học tập, rèn luyện các kỹ năng mềm.

Chia tay với cô gái nhỏ Nguyễn Thị Tuyết trong cái giá lạnh mùa đông, trong không khí Tết len lỏi về, tôi nhớ mãi nụ cười hiền khô, ánh mắt sáng lên niềm vui khi nhắc tới những ngày Tết được về quê, sum họp cùng gia đình.

Tôi tin em sẽ vượt qua được những ngày tháng khó khăn hiện tại. Mười tám năm qua, em đã kiên cường sống, tự lập lo toan cuộc sống, để giờ đây trở thành cô sinh viên Đại học Luật. Chính nghị lực, lòng quyết tâm và tình yêu thương mà mẹ và anh trai em là động lực cho cô gái nhỏ bước đi.

N.M.L

 

DMCA.com Protection Status