Nỗ lực để đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế

10:56 | 18/05/2017

1,180 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi nhu cầu điện ngày càng tăng cao, nguồn thủy điện đã khai thác đến “ngưỡng”, khó khăn về nguồn lực, vì vậy để đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ các doanh nghiệp trong ngành.
no luc de dap ung du dien cho nen kinh te
Phó Thủ tướng yêu cầu PV Power đánh giá toàn diện các vấn đề của đơn vị, tìm ra những điểm tồn tại để từ đó khắc phục nhanh nhất hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành sản xuất và đầu tư kinh doanh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh nội dung này khi dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power).

Theo báo cáo của PV Power, chỉ trong 10 năm, Tổng công ty đã vươn lên trở thành nhà cung cấp điện năng lớn thứ 2 của đất nước, chỉ sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tổng công suất nguồn điện của đơn vị đến nay đã đạt hơn 4.200 MW; hằng năm cung cấp trên 10% sản lượng điện cho toàn hệ thống điện quốc gia. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ tài chính được bảo đảm với tổng doanh thu đạt hơn 180.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 9.600 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 8.800 tỷ đồng.

Trong những năm gần đây, trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, PV Power đã tập trung đầu tư xây dựng, quản lý vận hành an toàn, có hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu về môi trường các nhà máy nhiệt điện khí, nhiệt điện than.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, biểu dương những kết quả mà tập thể cán bộ, công nhân viên chức và người lao động PV Power đạt được trong thời gian qua.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu PV Power tập trung đánh giá toàn diện các vấn đề của đơn vị, tìm ra những điểm tồn tại, rút ra những bài học để từ đó khắc phục nhanh nhất hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành sản xuất và đầu tư kinh doanh, tạo đà cho bước phát triển mới hiệu quả và bền vững hơn.

Trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành khai thác các dự án điện, Tổng công ty cần tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện đúng tiến độ các dự án nhiệt điện đang triển khai (Thái Bình 2, Long Phú 1 và Sông Hậu 1); khẩn trương hoàn thành các thủ tục để tổ chức triển khai thực hiện các dự án điện khí (miền Trung 1, miền Trung 2, Sơn Mỹ 2, Nhơn Trạch 3 và 4...) theo đúng tiến độ đã được Chính phủ giao, bảo đảm chất lượng và hiệu quả đầu tư, không để xảy ra thất thoát lãng phí.

Tổng công ty phải bảo đảm vận hành tuyệt đối an toàn, hiệu quả các nhà máy điện khí đã đầu tư (Cà Mau 1-2, Nhơn Trạch 1-2, nhiệt điện than Vũng Áng 1, thủy điện Hủa Na, Đắkđrinh). Bên cạnh đó, phải tiếp tục nghiên cứu các dự án mới cho giai đoạn tiếp theo.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu doanh nghiệp cần chủ động thực hiện tích cực và quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp; chú trọng hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao năng lực quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh; thường xuyên quan tâm đời sống và việc làm của người lao động, hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội trong đơn vị, công tác nhân đạo, từ thiện...

Nhiệt điện vẫn là nguồn chủ lực

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã dành thời gian phân tích sâu về các thách thức hiện nay để thực hiện mục tiêu bảo đảm điện cho nền kinh tế.

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, lĩnh vực sản xuất và cung ứng điện tiếp tục được khẳng định là một trong những lĩnh vực đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa then chốt, có tính chất quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhu cầu điện ngày càng tăng cao, dự báo nhu cầu năm 2020 có thể gấp rưỡi hiện nay, trong khi đó thủy điện đã đến “ngưỡng”, không thể tiếp tục phát triển. Trong cơ cấu nguồn điện hiện nay, thủy điện chiếm khoảng 40% nhưng tỉ lệ này sẽ ngày càng giảm. Do đó, bắt buộc phải phát triển các nguồn điện thay thế. Tuy nhiên, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo hiện chưa thể triển khai trên quy mô lớn do chi phí quá cao.

no luc de dap ung du dien cho nen kinh te
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện chạy than, chạy khí vẫn là nguồn điện chủ lực trong giai đoạn từ nay đến 2030 và có thể những năm sau đó”, Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, sức ép đối với ngành điện còn đến từ sự mất cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu sử dụng của từng vùng. Trong khi miền Nam sử dụng trên 50% tổng nhu cầu điện năng (miền Bắc gần 40%, miền Trung gần 10%) thì nguồn điện hiện nay lại tập trung chủ yếu ở miền Bắc (trên 50%), miền Nam chỉ có thể tự sản xuất dưới 40%. Do đó, tình trạng thiếu điện cục bộ hiện cũng đang là bài toán khó đối với ngành.

“Nguy cơ năm 2018 sẽ thiếu điện ở phía Nam nếu các nhà máy đang đầu tư không đáp ứng yêu cầu tiến độ. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề”, Phó Thủ tướng nói.

Phát triển nguồn điện còn gặp khó khăn do cần kinh phí rất lớn, trong khi đó năng lực của các nhà đầu tư còn hạn chế. Việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng, vốn nước ngoài cũng gặp rất nhiều khó khăn do trần nợ công đang ở mức cao.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, một thách thức đối với ngành điện là phải vừa phát triển nhiệt điện nhưng phải bảo đảm môi trường. Đây là việc rất khó, nhưng bắt buộc phải thực hiện. Đây là giai đoạn rất khó khăn, do đó đòi hỏi nỗ lực cao nhất từ các doanh nghiệp trong ngành điện với mục tiêu bảo đảm điện cho phát triển kinh tế.

baochinhphu.vn

  • el-2024