Nỗ lực của các nghệ sỹ chèo

08:22 | 24/05/2013

956 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cùng chung sức sống “èo uột” thường thấy ở nghệ thuật truyền thống, nghệ sỹ chèo luôn phải năng động để tìm cách kéo công chúng đến với sân khấu của mình.

Quy về những sân khấu nhỏ

Dự án khôi phục lại không gian diễn xướng chèo truyền thống được nghệ sỹ Thanh Ngoan – giám đốc nhà hát Chèo ấp ủ từ lâu. Cùng với thực tế, chèo cũng chung cảnh “đìu hiu” vắng khách như các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác nên những cố gắng xoay chuyển tình thế đã được các nghệ sỹ chèo áp dụng.

Nghệ sỹ chèo Thanh Ngoan đang thực hiện dự án phục dựng sân khấu chèo cổ 

Với tham vọng tạo một sân chơi và một điểm đến cho công chúng tại nhà hát Kim Mã, vừa qua các nghệ sỹ chèo đã cố gắng có những cải cách để sân khấu chèo đến gần được với khán giả bằng cách quy về những sân khấu nhỏ. Thực chất, ý tưởng này không phải là mới, trước đó các nghệ sỹ gạo cuội cũng đã thực hiện và muốn phục dựng chiếu chèo theo đúng với nghệ thuật truyền thống cổ xưa vốn có. Là bởi chèo bước ra từ không gian những sân khấu nhỏ nơi đình làng. Vì thế, phục dựng một cách gần nhất với nguyên gốc sẽ tạo được những không gian vừa gần gũi, vừa ghi dấu với khán giả yêu nghệ thuật truyền thống.

Theo nghệ sỹ Thanh Ngoan: Sân khấu nhỏ ở đây không phải sân khấu lớn thu nhỏ, mà các nghệ sỹ đã sáng tạo để biến sân khấu lớn trước đây trở thành không gian chiếu chèo. Trên cơ sở, thay vì ngăn cách khán giả và nghệ sỹ bằng không gian sân khấu thì nay danh giới này đã bị xóa nhòa. Chiếu chèo đem đến một không gian mở, đơn giản, mộc mạc để khán giả có cảm nhận đúng về không gian chiếu chèo – một hình thức cổ xưa, để thưởng thức chèo một cách thuần túy nhất có thể.

Trên cơ sở đó, tại sân khấu chèo Kim Mã (Hà Nội) ý tưởng về những chiếu chèo truyền thống được phục dựng. Với 5 chiếc chèo liên tiếp nhau từ trên xuống dưới, thay vì cách nhau cả một sân khấu như trước đây thì khán giả sẽ được ngồi gần diễn viên hơn và sân khấu không có cánh gà, đem đến một không gian mở. Không danh giới giữa nghệ sỹ, diễn viên... mở ra sân khấu quần tụ như sân khấu đình làng trước đây. Đến nay, cứ vào thứ 6 hàng tuần, rạp Kim Mã lại đỏ đèn, trên chiếu chèo nhỏ, cả nghệ sỹ và những làn điệu chèo cổ không còn quá xa lạ với công chúng.

Bên cạnh đó, mang tham vọng đem chiếu chèo truyền thống Việt Nam đến gần với khách du lịch, giám đốc nhà hát chèo Việt Nam cũng mong muốn rạp Kim Mã là một điểm đến quen thuộc của du khách yêu chèo. Đây được xem là cách tốt để quảng bá hình ảnh Việt Nam cũng như bộ môn nghệ thuật chèo đến với các nước khác.

Tham vọng, muốn xóa nhòa danh giới bởi sự bất đồng về ngôn ngữ, các nghệ sỹ chèo cho rằng, âm nhạc và văn hóa là không biên giới. Bởi vậy ngôn ngữ không là rào cản. Cái được các nghệ sỹ đề cao ở đây là lòng tâm huyết của người nghệ sỹ, giọng hát hay, cộng với tiếng đàn giỏi... để kéo công chúng về với nghệ thuật của mình.

Hướng đến lớp khán giả trẻ

Không chỉ đem đến một không gian gần gũi, các nghệ sỹ chèo còn có những ý tưởng sáng tạo bằng cách cách tân chèo, để chèo tiếp cận đến một đối tượng mới đó là lớp khán giả trẻ. Đến hẹn lại nên, 4 năm qua nhà hát chèo Hà Nội kỳ công dàn dựng các vở chèo trên nền truyện cổ tích để phục vụ các cháu thiếu nhi.

Tương tự, nhân dịp ngày quốc tế thiếu nhi tới đây những tác phẩm như “Ăn khế trả vàng”, “Khắc nhập khắc xuất” và “Cây đèn thần” sẽ được trình diễn phục vụ các em trong vòng một tháng. Đây là những câu chuyện cổ tích đã quá quen thuộc với người Việt, khi kết hợp với sân khấu sẽ mang một nét riêng.

Vở "Ăn khế trả vàng"

Thực tế cho thấy, khán giả đang dần xa rời sân khấu truyền thống, đặc biệt là những khán giả nhỏ tuổi. Việc “làm mới” những câu chuyện cổ tích được khán giả nhí yêu thích, để các em hào hứng đến với sân khấu chèo là một sáng tạo. Cái hay là ở chỗ, sẽ không có những câu chữ hàn lâm vốn có ở chèo, mà ngôn ngữ được sử dụng trong vở diễn có lồng những câu nói dí dỏm mà trẻ em hay sử dụng trong các trò chơi, để các em dễ hiểu và cũng không thấy sân khấu quá xa xôi với cuộc sống thường nhật.

Nói về vấn đề này, nghệ sỹ Thúy Mùi chia sẻ: “Chúng tôi đã cố gắng cải biên những tình tiết để phù hợp với các cháu thiếu nhi, đồng thời cũng lồng ghép những vấn đề xã hội một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu, những bài học đơn giản về những thói hư tật xấu xuất hiện gần gụi trong cuộc sống thường nhật để các cháu tiếp thu được dễ dàng”.

Xưa nay đã có rất nhiều những phương án được các nghệ sỹ vạch ra với mong muốn, để các sân khấu chèo được đỏ đèn, để công chúng không xa rời với nghệ thuật dân tộc... Vẫn biết, còn nhiều những khó khăn, nhưng việc “tìm khán giả” đã cho thấy những nỗ lực của các nghệ sỹ.

Không kỳ vọng thay đổi một sớm, một chiều vì đây là kế hoạch dài hơi. Nghệ sỹ Thanh Ngoan chia sẻ: “Tôi tin vào tương lai khởi sắc của nghệ thuật truyền thống nói chung và sân khấu chèo nói riêng. Nghệ thuật truyền thống vốn gần công chúng nên chăng nghệ sỹ phải biết cách mang sân khấu đến gần bên họ”. Hy vọng rằng, với những nỗ lực của các nghệ sỹ, trong tương lai không xa, sân khấu chèo sẽ được “phủ sóng” ở nhiều địa điểm khác. Ứơc mơ về những sân khấu chèo tại sân đình như trước đây cũng sẽ không còn là một giấc mơ xa xỉ.

Huy An