Niềm tin của phụ nữ Việt dành cho đàn ông đã hết?

08:52 | 24/06/2011

630 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đây là một trong những câu hỏi mà hầu như chưa ai đề cập khi nói đến sự việc trong 10 năm qua có gần 300.000 cô dâu Việt lấy chồng ngoại. Chỉ khi chỉ số niềm tin của họ dành cho đối tượng không còn thì họ mới tránh xa đối tượng ấy, đó là lẽ đương nhiên.

Và điều này cũng một phần nào lý giải cho câu chuyện trước bao nhiêu cảnh tan vỡ, bị lạm dụng, bạo hành thậm chí mất mạng đã diễn ra vậy mà con số cô dâu Việt lấy chồng ngoại vẫn cứ tăng lên hằng ngày.

Tuần trước, hàng loạt báo chí trong nước đưa tin về một con số gây xốn xang dư luận là gần 300.000 cô dâu VN lấy chồng ngoại. Theo thống kê của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình cho biết từ năm 1998 đến ngày 31-12-2010, đã có gần 300.000 phụ nữ VN lấy chồng nước ngoài, phần lớn lấy chồng Hàn Quốc và Trung Quốc (35.000 người lấy chồng Hàn Quốc, 85.000 người lấy chồng Đài Loan, Trung Quốc…). 3/4 số cô dâu VN lấy chồng nước ngoài xuất thân từ những gia đình có 5 con trở lên, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, thậm chí có người chưa biết chữ. 100% cô dâu lấy chồng hơn mình từ 10 tuổi trở lên, 15% cô dâu lấy chồng hơn 20-30 tuổi. Trên 63% cô dâu Việt Nam lấy chồng Đài Loan do mai mối, chủ yếu là qua các đường dây “cò”. Từ những con số ấy chúng ta dễ dàng thấy có ba nguyên nhân chính dẫn đến việc hơn 10 năm qua đã có 30 vạn người phụ nữ lấy chồng ngoại quốc. Thứ nhất, nhận thức kém vì phần lớn đều có trình độ học vấn thấp, hoặc thất học; Thứ hai, vì nghèo nên họ lấy chồng ngoại để gia đình nhận được một khoản tiền sau khi cưới; Thứ ba, cũng là nguyên nhân xuất phát từ trình độ nhận thức kém là bị lừa gạt vì tới 63% thông qua “cò”.

 

Xếp hàng lấy chồng ngoại

Nguyên nhân trình độ học vấn thấp hoặc thất học dẫn đến nhận thức về hôn nhân và hạnh phúc kém nên dễ bị lừa gạt thì đã rõ rồi. Có một thực tế là trong nhiều năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có chỉ số phát triển về giáo dục, giao thông… những yếu tố hàng đầu tác động lớn nhất tới khả năng thay đổi nhận thức của xã hội. Vậy chính những cô gái nơi đây đã bị hoàn cảnh kinh tế xã hội cản trở, phần lớn những nhận thức mang tính hiện đại. Nhưng nguyên nhân vì nghèo nên họ lấy chồng ngoại để gia đình có số tiền thậm chí chỉ khoảng 500USD thôi thì có vẻ phi lý; xong phi lý nhưng là sự thật. Vậy thì vì lý do gì các cô gái trẻ, nhất là ở miền Tây lại có suy nghĩ như vậy? Nếu nói về nghèo, trình độ học vấn kém thì chắc chắn rằng tỉ lệ ấy ở Đồng bằng sông Cửu Long không thể cao hơn dân cư ở miền núi phía Bắc. Nhưng tại sao các cô gái trẻ miền núi phía Bắc lại không hề có ý nghĩ lấy chồng ngoại để thoát nghèo!?

Còn nhớ cách đây mấy năm khoảng 2007-2008, khi lần đầu tiên báo chí đăng hàng loạt vụ hơn gần cả trăm cô gái xếp hàng chờ một ông Hàn Quốc lần lượt tuyển vợ; rồi đến chuyện các cô dâu Việt Nam bị quảng cáo như một món hàng ở nước ngoài khiến dư luận phẫn nộ và lên án những cô gái lấy chồng ngoại. Nhiều người cho rằng, họ là những cô gái phù phiếm, lười lao động, trong đầu chỉ nghĩ đến việc lấy một ông chồng ngoại để không phải làm gì vẫn giàu sang, ăn sung mặc sướng… Nhưng cũng không ít người nhìn nhận ngược lại rằng, họ là những cô gái đáng kính phục, chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng của mình để cứu gia đình khỏi nghèo đói, để ba má bớt vất vả những ngày già… Đương nhiên sẽ có cả hai trường hợp trên trong suy nghĩ của 30 vạn người lấy chồng ngoại, không phải ai cũng phù phiếm, lười lao động mà thật sự trong số họ cũng có người hy sinh cho gia đình vì số tiền ít ỏi khoảng 500USD nhưng cũng là một gia tài đối với những người nghèo nơi miền quê xa xôi, tĩnh mịch.

Ai yêu và từng sống ở miền Tây sông nước đều rất quen thuộc với câu hò “phận gái mười hai bến nước, bến đục thì chụi bến trong thì nhờ”. Với quan niệm coi hôn nhân chỉ là duyên phận và sự cam phận của người phụ nữ đã in sâu vào tiềm thức của người phụ nữ nơi đây. Thật đắng lòng khi mà theo thống kê ở một số tỉnh có tới gần 80% phụ nữ miền Tây lấy chồng ngoại là do bị cha mẹ ép buộc. Điều này cũng xuất phát từ việc coi hôn nhân là duyên số, ông trời thương thì cho lấy được một người chồng chăm chỉ làm ăn, phận buồn thì cam chịu bất hạnh. Chính vì ý nghĩ ấy mà những ông bố, bà mẹ nơi đây đành gả như bán con cho một người lạ, ở một nơi xa chứ không hẳn vì họ sẽ được đồng tiền như đổi chác đứa con ấy. Một số tỉnh lại có số phụ nữ nhất là những phụ nữ trẻ hiện nay tự nguyện lựa chọn kết hôn với người nước ngoài, xuất phát từ ý muốn đổi đời, muốn có tiền nhiều để được hưởng cuộc sống giàu sang, sung sướng. Sự phù phiếm và lười lao động của một bộ phận phụ nữ trẻ miền Tây hiện nay cũng chính là nguyên nhân giải thích vì sao hầu hết các nữ tiếp viên phục vụ trong các quán nhậu, café, karaoke, mátxa “đen” đều là gái quê miền Tây.

Thêm một phi lý tồn tại trong câu chuyện các cô gái trẻ ồ ạt lấy chồng ngoại là “bóng dáng” các chàng trai quê nhà đang ở đâu trong suy nghĩ họ? Vì sao họ phải nhắm mắt đưa chân, đánh đổi hạnh phúc với một người đàn ông hơn mình hàng chục tuổi sau vài ngày giáp mặt trong khi tỉ lệ dân số nước ta là nam luôn cao hơn nữ, tức họ có nhiều lựa chọn hạnh phúc với “ao ta” hơn chứ? Phải chăng 30 vạn phụ nữ ấy đã chán ngán cảnh hằng ngày chứng kiến những đấng lang quân nát rượu, vũ phu. Phải chăng họ không còn niền tin nào để “ta về ta tắm ao ta” trước những thống kê gây giật mình rằng người Việt tiêu thụ bia rượu đứng hàng đầu thế giới. Rồi đời họ sẽ đi về đâu khi gặp phải những ông chồng suốt ngày bê bết rượu chè, khuôn mặt đờ đẩn trong các hàng quán như thế? Còn dẫu sao với ông chồng ngoại quốc, họ còn biết trước được một điều rằng: “Gia đình sẽ nhận được một khoản tiền, có thể chỉ là vài trăm USD thôi, nhưng đó cũng là cả một niềm mong ước”!

Để khắc phục vấn nạn phụ nữ Việt lấy chồng ngoại hiện nay có hai vấn đề cần nghiêm túc thực hiện. Thứ nhất chúng ta cần có những kế hoạch điều tra và xử lý thật nghiêm những trung tâm môi giới hôn nhân bất hợp pháp, những “cò” đã đẩy 60% trong tổng số gần 30 vạn cô gái nhẹ dạ cả tin nhắm mắt đưa chân vào thiên đường ảo chỉ vì đồng tiền vô nhân tính. Thứ hai là các Hội phụ nữ, các ngành, các cấp địa phương cần mở rộng các lớp dạy nghề cho phụ nữ có trình độ học vấn thấp, tạo công việc làm ổn định và nhất là thường xuyên tổ chức các lớp học, tuyên truyền tại nhà để nâng cáo nhận thức của người phụ nữ miền quê về giá trị cuộc sống, về giá trị đích thực của hạnh phúc hôn nhân.

Theo Năng lượng Mới