Những vụ xả súng được báo trước

07:00 | 07/10/2015

402 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lúc 10 giờ 30 giờ sáng ngày 1-10, hung thủ Chris Harper Mercer, 26 tuổi, mang theo 6 khẩu súng vào trường và nã đạn, trước khi bị bắn chết trong cuộc chạm súng với cảnh sát. Nước Mỹ sẽ còn chứng kiến nhiều vụ xả súng thế này nếu Hội Súng toàn quốc (NRA) còn là thế lực vận động hành lang trong chính trường Mỹ.
xa sung duoc bao truoc Mỹ: Lại xảy ra vụ xả súng kinh hoàng

Xả súng như cơm bữa

Cũng giống như sau mọi cuộc thảm sát bằng súng trước đây ở Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama lại lên tiếng chia buồn với các gia đình nạn nhân và yêu cầu ra luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn.

“Mỹ là quốc gia tiên tiến duy nhất trên thế giới cứ ít tháng lại thấy có chuyện nổ súng bắn người hàng loạt”. Ðó là lời nhận định của ông Obama trong bản tuyên bố do Nhà Trắng đưa ra chiều 1-10, về vụ nổ súng tại Trường đại học cộng đồng Umpqua ở Roseburg, Oregon, làm 10 người chết, bao gồm hung thủ và 7 người bị thương.

xa sung duoc bao truoc
Sinh viên Hannah Miles (giữa) gặp chị gái và cha sau vụ nổ súng ở đại học cộng đồng Umpqua, Oregon, ngày 1/10/2015

Và cũng giống như sau mọi cuộc thảm sát bằng súng, số người Mỹ đi mua súng tăng vọt lên. Một phần vì họ lo sợ, muốn có súng tự vệ; một phần vì người ta lo chính phủ và Quốc hội sẽ làm luật mới hạn chế việc mua súng.

Giá cổ phiếu của các công ty sản xuất súng tụt xuống sau mỗi vụ xả súng. Nhưng điều lạ là sau đó mọi thứ lại trở lại bình thường và “lâu lâu lại có vụ xả súng giết người hàng loạt” ở Mỹ.

Còn nhớ sau cuộc thảm sát 20 trẻ em và 6 thầy, cô giáo ở Newtown tháng 12-2012, có nhiều hy vọng luật lệ về việc dùng súng ở Mỹ sẽ gắt gao thêm. Nhưng rồi lại chả thấy Quốc hội lẫn Hành pháp Mỹ đả động gì, thậm chí họ còn không nói đến chuyện gia hạn đạo luật Brady, theo tên tùy viên báo chí của cố Tổng thống Ronald Reagan.

Ông Brady bị trúng đạn và sau này bị liệt khi ông Reagan bị ám sát hụt. Ðạo luật do ông Brady và vợ vận động đặt quy tắc các nhà bán súng phải điều tra lý lịch những người mua súng, xem có tiền án và bị bệnh tâm thần hay không. Đạo luật Brady hết hiệu lực, từ đó việc mua bán súng được tự do hơn.

Tảng băng chìm

Tất cả đều do vận động của NRA. Sau vụ thảm sát 20 em bé ở Newtown, phong trào đòi kiểm soát súng chặt chẽ hơn có cơ hội bùng lên. Có gần 200.000 người đã ký kiến nghị yêu cầu Tổng thống Barack Obama phải đưa ra Quốc hội luật lệ mới kiểm soát súng.

Năm 1996, một cuộc thảm sát tương tự ở Dunblane, Anh, làm 16 trẻ em thiệt mạng. Năm sau, đạo luật mới ra đời cấm dân không được giữ súng tay. Cùng năm đó, sau vụ giết 35 người bằng súng ở Tasmania, Quốc hội Australia cũng làm luật cấm các loại súng bán tự động.

Liệu Quốc hội Mỹ sau vụ thảm sát ở Oregon hôm 1-10 có đủ phiếu để làm một đạo luật mới, hay hồi phục Luật Brady hay không, chưa biết được. Vì thế lực của các công ty sản xuất súng và của NRA rất mạnh. NRA, với 4 triệu hội viên, đứng đầu mạng lưới vận động giảm bớt hoặc xóa bỏ những điều kiện gắt gao kiểm soát việc mua súng. Họ có thế lực vận động hiệu quả trong việc gây ảnh hưởng trên lá phiếu của các đại biểu Quốc hội.

Mỗi lần Quốc hội bỏ phiếu một dự luật về súng, hàng trăm nghìn hội viên NRA có thể gọi điện thoại tới văn phòng các đại biểu để gây ảnh hưởng. Áp lực mạnh nhất của họ là “trừng phạt” các đại biểu Quốc hội đòi kiểm soát súng mạnh hơn. Nhưng đó không phải là yếu tố quan trọng. Thứ vũ khí mạnh nhất của họ là tạo dư luận trên các đài phát thanh, truyền hình, các tờ báo, trong những mục quảng cáo nhằm đánh bại các ứng cử viên không “đi đúng đường lối” của hội.

Năm 1994, sau khi Quốc hội bỏ phiếu Luật Brady, hội này đã “trừng phạt” 24 đại biểu Quốc hội hăng hái hạn chế súng nhất và 19 người đã bị thất cử.

Và họ có cả những tiếng nói bảo vệ của các nghị sĩ quốc hội. Sau vụ thảm sát ở Oregon, mối xúc động trên toàn nước Mỹ làm nhiều nhà chính trị phải lên tiếng về vấn đề kiểm soát súng. Nhưng nghị sĩ Marco Rubio (ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ), Florida, vẫn giữ vững lập trường “thân súng”, lên tiếng kêu gọi phải có biện pháp giữ súng không cho lọt vào tay những người bệnh tâm thần.

Giống như những lời kêu gọi kiểm soát nội dung các phim ảnh, truyền hình và trò chơi điện tử để giảm bớt bạo lực; Tiếng nói của ông Marco Rubio theo đúng đường lối của NRA, là đẩy vấn đề chính sang một đề tài khác để dư luận không còn chú ý đến tình trạng súng giết người nữa. Không có chính trị gia nào thân súng hơn đại biểu tiểu bang Texas, ông Kyle Kacal.

Mới đây ông tuyên bố: “Tôi nghe nói nhiều người đã bị chết vì bóng bàn. Bóng bàn còn nguy hiểm hơn cả súng! Màn ảnh tivi phẳng còn gây hại cho trẻ em hơn bất cứ thứ nào”.

Sau mỗi vụ thảm sát bằng súng, NRA luôn giữ im lặng trong một tuần lễ và lêng tiếng thì nói rằng các vụ thảm sát tập thể không phải chỉ diễn ra ở các trường học. Nhiều tên sát nhân đã xông vào các quán cà phê, quán ăn, siêu thị, nhà thờ… bắn súng tự động giết người hàng loạt.

Sau vụ xả súng làm chết 20 học sinh trong số 26 người hồi năm 2012, NRA cũng tuyên bố rằng: “Phương cách duy nhất để ngăn cản những người xấu mang súng là những người tốt phải mang súng”. Một khẩu hiệu của hội để bảo vệ súng là “súng không giết người, chỉ có người giết người”.

Trong nước Mỹ có hơn 300 triệu khẩu súng đủ loại lưu hành, nhiều hơn dân số. Mỗi năm, các công ty Mỹ sản xuất thêm 5 triệu khẩu súng không dùng cho quân đội, bán 90% ở thị trường trong nước. Năm 2013, ở Mỹ có 11.208 người bị giết bằng súng và 21.175 người tự sát bằng súng.

Thảm sát tại Oregon là vụ thứ 45 xảy ra trong nhà trường nước Mỹ kể từ đầu năm và là vụ thứ 142 kể từ thảm kịch Sandy Hook tại Connecticut năm 2012. Mỗi ngày trung bình có 88 người Mỹ chết vì súng.

Liệu cái chết của 10 người ở Oregon hôm 1-10 có thể đưa tới một thay đổi nào trong luật pháp kiểm soát súng ở Mỹ? Rồi ra, dư luận sẽ nguôi đi, cũng giống như những vụ thảm sát trước đó. 1/3 dân Mỹ có súng, nhiều người coi đó là một quyền thiêng liêng, được Hiến pháp bảo vệ.

Khi Tổng thống Obama đến thăm Đại học cộng đồng Umpqua hôm 2-10, đó là lần thứ n ông đi viếng các nạn nhân bị thảm sát. Trong vài năm trở lại đây, ông đã đến Aurora, tiểu bang Colorado; Tucson, Arizona; Charleston, South Carolina và nhiều thành phố khác để bày tỏ sự thương tiếc đối với các nạn nhân của bạo động vì súng.

Dù vụ thảm sát xảy ra, đa số cư dân tại Oregon vẫn ủng hộ việc sử dụng súng, cho rằng đây là một vùng rừng núi và súng không chỉ để tự vệ mà còn là một nét văn hóa của vùng này!

 

H.Phan

Năng lượng Mới 463

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc