Những tỷ phú sâm ở lưng chừng trời

06:45 | 20/02/2018

1,075 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đỉnh Ngọc Linh là đỉnh núi cao thứ hai Việt Nam (2.858m), ở đỉnh núi mây mù này có một loại sâm được tin là tốt nhất thế giới. Và ở nơi lưng chừng trời này, có những tỷ phú giàu có nhờ sâm Ngọc Linh, mỗi lần bán sâm, họ cõng từng gùi tiền xuyên rừng, xuyên mây để đi về nhà. 

“Cõng tiền lẻ lên núi mỏi vai lắm”

Lễ hội sâm được tổ chức tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Văn Bộ từ xã Trà Linh cõng một balô sâm xuống bán. Người nhễ nhại mồ hôi, vừa đặt balô xuống đất, ông đã lôi ra những củ sâm lâu năm và rất đông người đến xem. Nhiều người muốn mua nhưng ông Bộ nói, chỉ mua bán bằng tiền mặt và không nhận tiền mệnh giá dưới 500 nghìn đồng. Mọi người hỏi sao lại thế, ông Bộ bảo, cõng tiền lẻ lên núi mỏi vai lắm.

nhung ty phu sam o lung chung troi
Mua bán sâm Ngọc Linh tại phiên chợ sâm, được tổ chức từ ngày mùng 1 đến mùng 3 hằng tháng

Ở vùng sâm Ngọc Linh này, với những người trồng sâm Ngọc Linh, tiền không phải là vấn đề. Mà trồng sâm bán với giá khoảng 70 triệu đồng/kg, thì không tỷ phú mới là chuyện lạ. Xã Trà Linh, huyện Nam Trà My có 4 thôn thì tất cả đều trồng sâm. Và hầu như những người này đều là tỷ phú. Những ngày ăn nằm ở vùng sâm quý này, tôi được nghe nhiều chuyện về những tỷ phú sâm Ngọc Linh như Hồ Văn Hình, Hồ Văn Lượng, Hồ Văn Du...

Chuyện của tỷ phú Hồ Văn Hình thú vị hơn cả. Hồ Văn Hình là chủ sở hữu của hàng ngàn gốc sâm quý. Người Trà Linh vẫn kể có một buổi ở trên vườn sâm về nhà, Hồ Văn Hình thấy 5 đứa con khóc tranh nhau giành cái tivi xem phim, đứa thích phim hoạt hình, đứa thì thích phim chưởng, ầm ĩ, ồn ào cả nhà. Hôm sau, Hình lặng lẽ lên vườn nhổ một bụi sâm đem bán, rồi xuống TP Tam Kỳ cách đó chừng 70km mua một lúc 5 cái ti vi chở về nhà. Hình bảo để chúng nó khỏi tranh nhau, anh em cãi vã, chẳng hay ho gì.

Hồ Văn Hình là người đầu tiên trong những người trồng sâm có bằng lái ôtô. Hình bán sâm rồi xuống TP Tam Kỳ thuê nhà ở 3 tháng để học lái ôtô, tiếp tục đổi 20kg sâm lấy một chiếc ôtô để đi lại. Nhưng đường về Trà Linh chưa có, Hình phải gửi ô tô lại huyện, đi bộ ngược núi xuyên mây để về vườn sâm của mình. Hồ Văn Hình cũng là người đầu tiên bán đi chục cân sâm, đưa hết họ hàng hai bên nội ngoại xuống núi, mua vé máy bay đi ra Hà Nội chơi một tuần rồi về. Ở Trà Linh chưa có điện, nhưng nhà Hình lúc nào cũng sáng choang nhờ thủy điện cỡ nhỏ, trong nhà đầy đủ các tiện nghi hiện đại, không thiếu thứ gì. Dù cho giá cả vật liệu xây dựng, đồ gia dụng cõng đường núi lên được đến Trà Linh cũng đắt gấp 2, 3 lần ở dưới xuôi.

nhung ty phu sam o lung chung troi
Sâm Ngọc Linh, loại sâm tốt nhất thế giới

Ở vùng thủ phủ sâm này, câu chuyện về những người như Hồ Văn Hình, Hồ Văn Bộ không hiếm. Họ là những tỷ phú đích thực, những tỷ phú giàu lên nhờ cây sâm. Nhưng ngoài việc bán sâm rồi cõng tiền lên núi, họ chẳng biết làm gì với số tiền đó khi mà đường lên xã còn chưa làm được, điện lưới quốc gia cũng chưa về làng.

Đầu tư tiền tấn cho sâm

Đề án Phát triển cây sâm Ngọc Linh ra đời vào năm 2015 và được Chính phủ phê duyệt vào tháng 9 cùng năm. Đề án này chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2016-2020 là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng sâm; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, bảo tồn giống và phát triển vùng nguyên liệu sâm. Giai đoạn 2 từ năm 2020-2030 sẽ tổ chức di thực trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My với diện tích 30.000ha; phát triển ngành công nghiệp chế biến sâm và du lịch gắn với phát triển vùng sâm Ngọc Linh. Tổng mức đầu tư của 2 giai đoạn này trên 9.000 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách khoảng 1.500 tỉ đồng, còn lại huy động vốn xã hội hóa.

Dự án này khi đưa ra con số đầu tư hơn 9.000 tỉ đồng thì nhiều người nói đó là viển vông, vì chẳng doanh nghiệp nào đem cả nghìn tỉ lên đầu tư ở huyện nghèo nhất nước như này. Nhưng ông Bửu kể, chỉ sau 2 năm, đề án này giờ lỗi thời rồi. Lỗi thời là ở chỗ bây giờ số tiền các doanh nghiệp muốn đầu tư vào đây đã vượt xa con số 9.000 tỉ đồng. 3 tập đoàn lớn gồm Vingroup, Ánh Dương và TH True Milk đã làm thủ tục thuê đất để đăng ký đầu tư hơn 20.000ha, tổng số vốn đã là hơn 12.000 tỉ đồng. Chưa kể còn 3 doanh nghiệp khác cũng đã làm thủ tục xin đầu tư.

nhung ty phu sam o lung chung troi
Thi sâm tại phiên chợ sâm Ngọc Linh

Trong Đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh có đề cập đến việc tổ chức phiên chợ sâm hằng tháng, để những người có nhu cầu mua bán sâm có thể trao đổi với nhau. Phiên chợ độc đáo này được tổ chức từ mùng 1 đến mùng 3 hằng tháng, bắt đầu từ tháng 10-2017. Qua 3 lần tổ chức, giá trị giao dịch tại phiên chợ này đã đạt gần 10 tỉ đồng, đây là một con số rất đáng khích lệ đối với huyện nghèo nhất nước này.

Sâm Ngọc Linh là báu vật đất trời ban tặng cho Việt Nam và cho đỉnh Ngọc Linh. Nam Trà My là huyện duy nhất của tỉnh Quảng Nam có được loại dược liệu quý giá này. Vì vậy, phát triển được cây sâm thì dân vùng này sẽ thoát được nghèo và đủ đầy hơn nhờ cây quý này. Tuyến đường dài 35km trị giá hơn 400 tỉ đồng lên thủ phủ sâm cũng đang được hoàn thành nhanh nhất có thể. Và theo tuyến đường này là điện cũng sẽ được kéo về vùng sâm.

Có thể, trong thời gian ngắn nữa thôi, Hồ Văn Bộ không phải gùi tiền xuyên mây để về nhà nữa. Ôtô của Hồ Văn Hình cũng sẽ được lăn bánh trên thủ phủ sâm, Hình không phải gửi ôtô ở huyện và đi bộ về nhà nữa. Và sẽ còn nhiều, nhiều người nữa đổi đời nhờ cây sâm - báu vật trời ban cho đỉnh Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh là loại sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới, chỉ mọc ở nơi có độ cao từ 1.200m trở lên, được phát hiện vào năm 1973 trên núi Ngọc Linh. Thân và rễ của sâm Ngọc Linh có tới 52 saponin, đây là thành phần chính của nhân sâm, càng nhiều saponin càng tốt. Trong số này, có 26 saponin thường thấy ở nhân sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật Bản và 26 saponin mới phát hiện. Trong lá và cọng đã phân lập được 19 saponin damma-ran, trong đó có 8 saponin có cấu trúc mới.

Thanh Hiếu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc