Những trường ngoài công lập mở ngành Y đa khoa

17:21 | 21/04/2018

8,289 lượt xem
|
Ngoài những trường công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng cho phép một số trường ngoài công lập mở ngành Y đa khoa.  

Cụ thể, năm 2018, ĐH Phan Châu Trinh bắt đầu tuyển sinh ngành y đa khoa với 50 chỉ tiêu. Sau vài năm có đào tạo liên quan đến các ngành thuộc khối sức khỏe, từ mùa tuyển sinh 2018 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành bắt đầu tuyển sinh ngành y đa khoa, chỉ xét tuyển bằng phương thức từ kết quả thi THPT quốc gia.

Bộ GD&ĐT cũng cho phép Trường ĐH Nam Cần Thơ đào tạo ngành y đa khoa với 60 chỉ tiêu trong năm 2018. Trường ĐH VinUni sẽ bắt đầu đào tạo ngành y đa khoa từ năm 2020 qua việc hợp tác với Trường ĐH Pennsylvania (Mỹ).

nhung truong ngoai cong lap mo nganh y da khoa
Đào tạo sinh viên ngành Y

Như vậy đến nay có các trường ĐH ngoài công lập: Nam Cần Thơ, Phan Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành, Tân Tạo, Duy Tân, Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Võ Trường Toản được phép đào tạo ngành y đa khoa.

Theo thống kê, đến hết năm 2017, cả nước có gần 200 cơ sở đào tạo nhóm ngành sức khỏe, riêng ngành y đa khoa có 24 trường. Nhờ liên tục tăng số cơ sở và tăng chỉ tiêu đào tạo, đến hết năm 2017, Việt Nam đạt 8 bác sĩ/10 nghìn dân, dự kiến sẽ tăng lên 10 bác sĩ/10 nghìn dân vào năm 2020.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế vẫn cho rằng công tác đào tạo bác sĩ còn nhiều bất cập. Số lượng bác sĩ được đào tạo tăng cao phần nào bù đắp được sự thiếu hụt, điều chỉnh được sự phân bố, tuy nhiên chất lượng có phần bị ảnh hưởng.

Trước đó, năm 2015, dư luận xã hội đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành y đa khoa. Trước thực trạng này, Bộ Y tế có công văn gửi Bộ GD&ĐT và khẳng định, khi không có sự tham mưu về mặt chuyên môn của Bộ Y tế thì việc thẩm định mã ngành đào tạo nhân lực ngành y, dược sẽ không đảm bảo chất lượng…

Đồng thời, thời gian đào tạo chuyên ngành y khoa cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Tại Hội nghị hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược Việt Nam được tổ chức cuối năm 2017, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, đã trình bày đề xuất của Cục về khung giáo dục quốc dân trong lĩnh vực y tế. Theo đó, thời gian đào tạo ĐH (cấp bằng cử nhân) của các ngành điều dưỡng, y học cổ truyền, kỹ thuật y học và các ngành cử nhân khác là 4 năm.

Còn các ngành y khoa, răng hàm mặt, dược là 5 năm, tối thiểu 150 tín chỉ, tương đương trình độ bậc 7 trong khung trình độ quốc gia. Tuy nhiên, để được hành nghề thì người tốt nghiệp ĐH ngành y dược phải trải qua thời gian thực hành nghề nghiệp.

Riêng các chức danh bác sĩ/dược sĩ đòi hỏi phải qua thời gian thực hành 3 năm. Theo giải thích của ông Lợi, sở dĩ có con số 5 năm là phải theo khung trình độ quốc gia (trong đó thời gian đào tạo ĐH là từ 3 - 5 năm).

Hầu hết các hiệu trưởng phát biểu trong hội nghị đều bày tỏ ý kiến phản đối khung thời gian này. GS Nguyễn Đức Hinh – Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, vấn đề khung đào tạo ngành y đã được nêu ra trong các hội nghị hội đồng các lần trước và đã đạt được sự thống nhất thời gian đào tạo bác sĩ phải tối thiểu 6 năm.

GS nhấn mạnh: “Hiện nay trên thế giới có 3 mô hình. Mô hình 4 + 4, điển hình là Mỹ. Mô hình 5 năm, điển hình là Anh và vài nước nữa. Còn lại mô hình 6 năm là mô hình phổ biến nhất”.

Nhã Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank