Những trận không chiến nổi tiếng của Không quân Việt Nam và Mỹ (Kỳ cuối)

07:00 | 04/05/2016

7,381 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Như vậy là kết thúc một trong những ngày không chiến “đen tối” của Không quân Mỹ, khi bị mất đến 5 chiếc máy bay, 5 phi công nhảy dù bị bắt, 1 bị chết, mà không bắt hạ được chiếc MiG nào. Đồng thời đây là ngày hiệp đồng chiến đấu thắng lợi, đạt hiệu quả cao nhất của hai Trung đoàn Không quân tiêm kích.
Những trận không chiến nổi tiếng của Không quân Việt Nam và Mỹ (Kỳ 4)

Ghi theo lời kể của phi công Phạm Phú Thái:

nhung tran khong chien noi tieng cua khong quan viet nam va my ky cuoi
Phi công Phạm Phú Thái

“Trận ngày 27/6/1972 là trận hiệp đồng chiến đấu của MiG-21 hai Trung đoàn 921 và 927, cất cánh từ hai sân bay khác nhau chặn đánh đội hình  tìm kiếm phi công Mỹ nhảy dù. Biên đội cất cánh từ sân bay Yên Bái, bay về Nghĩa Lộ - Vạn Yên.

Thời tiết ở khu chiến có mây nhưng tầm nhìn tốt. Khi đến gần khu chiến chúng tôi phát hiện các máy bay F-4 đang yểm trợ cho các máy bay tìm kiếm phi công. Khi thấy MiG xuất hiện, các máy bay F-4 tách đội cơ động đan chéo rất gấp, tôi quyết định bám theo 2 chiếc bay sau.

Khi xác định phía sau không có F-4 bám theo, tôi lệnh số 2 Liêm 1 phi công trẻ, chưa có nhiều cơ hội lập công, tăng tốc độ, chiếm vị trí để tiến hành đồng thời công kích. Sau đó khi tôi phóng tên lửa bắn rơi 1 chiếc F-4, số 2 cũng lao lên phóng tên lửa trúng chiếc F-4 bên trái…”.

Như vậy là kết thúc một trong những ngày không chiến “đen tối” của Không quân Mỹ, khi bị mất đến 5 chiếc máy bay, 5 phi công nhảy dù bị bắt, 1 bị chết, mà không bắt hạ được chiếc MiG nào. Đồng thời đây là ngày hiệp đồng chiến đấu thắng lợi, đạt hiệu quả cao nhất của hai Trung đoàn Không quân tiêm kích dùng máy bay MiG-21 bắn rơi 5 chiếc F-4E hiện đại mới được cải tiến của Không quân Mỹ.

Trận thắng này cũng chứng minh khả năng “đọc được” tình huống chiến dịch và điều hành chiến thuật của Bộ Tư lệnh Không quân, khi nhận định Không quân Mỹ bay vào tìm cứu phi công, sẽ không đề phòng đối phó với sự xuất hiện bất ngờ của 2 biên đội MiG-21, đây sẽ là thời cơ tốt để tiêu diệt đối phương.

Và thực tế đã chứng minh sự đúng đắn trong ý định tác chiến của Bộ Tư lệnh Không quân. 6 phi công MiG-21 trẻ tuổi (có tuổi đời bình quân chưa quá 24, người nhiều nhất chưa quá 26 tuổi), giờ bay bình quân trên MiG-21 chưa quá 250 giờ, đã chiến đấu dũng cảm, với kỹ năng không chiến và xạ kích tuyệt vời, bắn rơi 5 máy bay do 5 phi công lão luyện của Không quân Mỹ điều khiển, lập nên một trong những trận thắng đẹp nhất của MiG-21 trong chiến tranh Việt Nam.

Xin nói thêm, chỉ trong 3 trận không chiến trong ngày 23/5/1972, ngày 24 và 27/6/1972, biên đội Nguyễn Đức Soát và Ngô Duy Thư đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ (1 chiếc A-7 và 4 chiếc F-4), riêng phi công Ngô Duy Thư bắn rơi 2 chiếc F-4.

Một số thông tin về phi công tham gia trận không chiến

Thiếu tá, phi công Bùi Thanh Liêm sinh năm 1950 tại Hà Nội, nhập ngũ tháng 1/1966, là học viên đoàn học bay MiG-21 khóa 4 tại Liên Xô, tốt nghiệp về nước năm 1970. Trong trận không chiến ngày 27/6/1972, phi công Bùi Thanh Liêm bắn rơi chiếc F-4E đầu tiên. Trong chiến tranh Việt Nam, Thiếu tá Bùi Thanh Liêm bắn rơi 2 chiếc máy bay Mỹ.

Sau chiến tranh, Bùi Thanh Liêm đã tốt nghiệp Học viện Chỉ huy – Tham mưu Không quân Liên Xô mang tên nhà du hành vũ trụ Yury Gagarin năm 1978. Năm 1980, Bùi Thanh Liêm được chọn là phi công Vũ trụ số 2 của Việt Nam, anh cùng nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân dự khóa huấn luyện phi công vũ trụ tại thành phố Ngôi Sao, ngoại ô thủ đô Mát-xcơ-va. Thiếu tá Bùi Thanh Liêm là Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 921 khi hy sinh trong bay nhiệm vụ huấn luyện năm 1981.

Một số nhận xét về chiến thuật của hai bên trong Chiến dịch Linebacker I

1.Căn cứ các thông tin tình báo chiến lược và phân tích của Sở chỉ huy Quân chủng cũng như các Sở chỉ huy Không quân và các Trung đoàn, các cán bộ chỉ huy - dẫn đường và các phi công MiG nhận thấy, sau một thời gian ngừng bắn và đánh hạn chế khá dài (1968-1971), Không quân và Hải quân Mỹ đã có nhiều nghiên cứu, tăng cường huấn luyện phi công.

Về máy bay và vũ khí, giai đoạn này Không quân Mỹ rất ít dùng F-105 mà tất cả các hoạt động tiêm kích và cường kích bom đều do F-4 thực hiện.

nhung tran khong chien noi tieng cua khong quan viet nam va my ky cuoi
Hai biên đội MiG-21 sau chiến thắng trận ngày 27/6/1972.

2. Về chiến thuật, sau nhiều trận thất bại trước MiG, đội hình tấn công của Không quân và Hải quân Mỹ đã tăng số lượng tiêm kích bay nhiệm vụ yểm trợ.

Thủ đoạn mới là tiêm kích thường bay vào trước 7-15 phút, bay chờ trên đỉnh các sân bay hoặc tại khu chờ, đón trước tại những đường bay lên của MiG để khống chế, trước khi MiG tiếp cận tốp cường kích. Một thủ đoạn hay gặp là khi bị bắn trượt, các máy bay Mỹ lập tức, chúi xuống, giả như bị trúng đạn, rồi bay đi mất, làm cho MiG tưởng đã bị bắn rơi đối phương, không đuổi theo nữa.

3. Ngoài thủ đoạn cũ là phân tốp, bay đan chéo, bay về hai hướng ngược chiều nhau, các máy bay F-4 giai đoạn này còn có thủ đoạn lợi dụng tính năng vòng gấp trên mặt phẳng ngang tốt hơn để vòng gấp vào phía bụng MiG-21 khiến MiG không chiếm được vị trí tốt ở bán cầu sau để công kích.

4. Một số tác giả Mỹ công nhận từ 16/4 đến tháng 6/1972, Không quân và Hải quân Mỹ hoạt động không hiệu quả. Trong tháng 6/1972, tỷ số chiến công/tổn thất của Không quân Mỹ là 3-7 nghiêng về MiG. Riêng trong tuần cuối tháng 6, có 5 chiếc F-4 bị MiG bắn rơi mà không hạ được chiếc MiG nào.

Chính Tư lệnh Tập đoàn Không quân số 7 của Mỹ, Tướng J. Vogt đã phải thừa nhận, tính thiện chiến gia tăng của MiG, kết hợp với sự dẫn dắt của các đài chỉ huy mặt đất và đổi mới chiến thuật đã đưa tình hình quay trở lại như thời kỳ mà Chiến dịch Rolling Thunder kết thúc. Thậm chí, có phi công Mỹ, khi nói về tính cơ động và khả năng xuất hiện bất ngờ của MiG-21 đã phải thốt lên, nếu bạn (phi công Mỹ) bị mất dấu một chiếc MiG-21, thì chỉ trong 15 giây khi quay lại hướng 6 giờ phía sau, bạn đã thấy không phải là chiếc MiG, mà là làn khói của quả tên lửa không đối không đang bay với tốc độ M2 về phía bạn từ cự ly 1,5 dặm.

Trong khi đó, giai đoạn này các trận giao chiến giữa MiG và máy bay F-4 của Hải quân Mỹ rất ít diễn ra, có vẻ là các phi công MiG rất chủ động, chỉ giao chiến khi chắc thắng.

Những cải tiến của máy bay tiêm kích F-4E

Sau những nghiên cứu nhiều năm, qua kinh nghiệm thực tiễn chiến trường Việt Nam, các nhà sản xuất máy bay F-4 đã triển khai chương trình nghiên cứu với tên gọi “Rivet Haste”, mà mục đích là cải tiến các tính năng khí động học của F-4 để tăng tính không chiến với MiG. Một cải tiến rất quan trọng là lắp thêm cánh tà trước. Bộ cánh tà trước lắp thêm này không chỉ cho phép F-4 cơ động ngang, cắt bán kính tốt hơn, mà quan trọng là nó hầu như loại trừ được tình trạng dễ rơi vào xoáy ốc ngược (adverse yaw problem), khi cơ động đột ngột. Tuy cải tiến này làm cho động tác hạ cánh khó hơn một chút, nhưng nói chung cải tiến này là một bước tiến quan trọng nâng cao hiệu quả trong không chiến, đặc biệt là các trận không chiến đánh quần với MiG ở cự ly gần, trên độ cao trung bình.

nhung tran khong chien noi tieng cua khong quan viet nam va my ky cuoi
Các phi công - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân tham gia chiến đấu giai đoạn 1964-1973

Ngoài ra các cải tiến về khí động học, các máy bay F-4E thế hệ mới còn được cải tiến về trạng bị vũ khí. Xuất phát từ những đánh giá về hiệu quả không cao của tên lửa AIM-7. Với hy vọng tăng thêm tính hiệu quả trong sử dụng tên lửa, Không quân Mỹ đã đặt hàng cải tiến loại AIM-7E thành AIM-7E-2 (dogfight Sparrow). Loại lên lửa AIM-7E-2 có tầm bắn xa hơn, phạm vị sát thương lớn hơn, có thể phóng với gia tốc lớn (AIM-7E chỉ phóng gia tốc hạn chế G-2).

Tuy nhiên, theo kết quả thực tế, loại tên lửa AIM-7E-2 đưa vào sử dụng vẫn không tăng được tỷ lệ bắn rơi (chỉ đạt khoảng 13%). Không quân Mỹ tiếp tục triển khai cải tiến tên lửa AIM-9J. Mặc dù tên lửa này có nhiều tính năng tốt hơn, nhưng chương trình thử nghiệm không được tiếp tục vì có ý kiến cho rằng việc thử nghiệm, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên sau đó vẫn thấy loại tên lửa này xuất hiện trên chiến trường Việt Nam.

Ngoài ra, qua các thông tin tình báo và nghiên cứu của các kỹ sư Không quân cho thấy, giai đoạn này trên các máy bay F-4E thế hệ mới còn được lắp thêm hệ thống điện tử mới APX-80-Tree Combat cho phép thu và giải mã được tần số của hệ thống phân biệt địch ta (IFF-Identifies Foes-Friend) của MiG.

Các máy bay F-4E phiên bản mới được trang bị cho các biên đội làm nhiệm vụ MIGCAP của Không đoàn tiêm kích chiến thuật số 432, đóng tại Udorn, sau đó trang bị cho các Không đoàn khác đóng tại Thái Lan. Tuy nhiên thực tế chiến đấu cho thấy, sau giai đoạn chiến dịch có lúng túng, các phi công MiG đã nhanh chóng rút kinh nghiệm, tìm ra cách đối phó với các cải tiến mới về vũ khí và chiến thuật của Không quân Mỹ.

P.V