Những trạm BTS không phép

07:40 | 08/05/2017

6,073 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dịch vụ điện thoại di động càng phát triển thì các nhà mạng càng phải xây dựng thêm nhiều trạm phát sóng BTS.

Công nghệ thông tin phát triển từ 2G lên 3G rồi bây giờ là 4G thì các trạm BTS càng phải dày thêm. Mặc dù đã có quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc lắp đặt và quản lý bức xạ điện từ nhưng các nhà mạng vẫn vi phạm trong việc xây dựng những trạm phát sóng BTS mà không xin phép.

Rất nhiều trạm BTS được nhà mạng thuê sân thượng của các nhà dân để lắp đặt. Không ít trường hợp nhà mạng và địa phương phải bó tay bởi sự phản đối quyết liệt của cư dân địa phương, đặc biệt những hộ liền kề với gia đình cho thuê điểm dựng trạm BTS. Người dân lo sợ ảnh hưởng của sóng điện từ lâu dài tới sức khỏe con người nên kiên quyết ngăn cản nhà mạng lắp đặt cột phát sóng. Người cho thuê sân thượng bị mất một khoản tiền không nhỏ nên xảy ra mất đoàn kết, mất luôn tình nghĩa láng giềng.

nhung tram bts khong phep

Gần đây, các nhà mạng tăng cường đầu tư hạ tầng mạng thông tin di động để đáp ứng việc phát triển các dịch vụ trên nền 3G, 4G, dẫn đến các trạm BTS ngày càng dày đặc. Khoảng cách giữa các BTS trên cùng một mạng trước đây đối với 2G là 2km thì nay rút ngắn còn 800m.

Theo tính toán của các nhà khoa học đối với các trạm thông tin di động có công suất phát trung bình là 20W thì tầm ảnh hưởng là trong phạm vi bán kính 8m tính từ tâm anten. Những ngôi nhà trong thành phố hiện nay thường được bố trí sân thượng để phơi quần áo. Khi mọi người lên đó thì sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng từ anten BTS nhà kế bên.

Tổng số thuê bao điện thoại di động của Việt Nam tính đến hết tháng 8-2016 là hơn 128 triệu thuê bao, trong đó thuê bao mạng Viettel chiếm tới trên 49,5%, theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Mật độ điện thoại di động Việt Nam đang ở mức 1,5 thuê bao/người dân, tổng số thuê bao 3G của Việt Nam đạt xấp xỉ 20 triệu thuê bao. Đây là tỷ lệ điện thoại di động khá cao so với nhiều quốc gia có mức kinh tế như Việt Nam. Các doanh nghiệp đã triển khai trên phạm vi toàn quốc 97.013 trạm BTS và 44.100 trạm Node B 3G.

Tình trạng xây dựng trạm BTS trong các khu dân cư đã gây lo lắng, bức xúc và nhận sự phản đối của người dân ở nhiều tỉnh, thành. Nguyên nhân là cơ quan quản lý viễn thông, các nhà mạng và chính quyền địa phương chưa minh bạch thông tin, chưa có đánh giá, nghiên cứu về tác hại của các trạm BTS đối với sức khỏe người dân khi lắp đặt các trạm này trong khu dân cư. Một số địa phương buông lỏng quản lý, thả lỏng cho các nhà mạng thỏa thuận, ký kết hợp đồng với cá nhân, tổ chức và lén lút lắp đặt các trạm BTS trong khu dân cư mà không thông báo cho người dân, không có giấy phép xây dựng... Qua kiểm tra, rà soát của cơ quan chức năng thì hầu như địa phương nào cũng có tình trạng lắp đặt trạm BTS chưa được cấp phép. Riêng TP Huế có tới 149 trạm BTS xây dựng “chui” như thế.

Từ năm 2007, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT/BXD/BTTTT hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động ở các đô thị thì việc xây dựng các trạm thu, phát sóng thông tin di động trong khu vực đô thị, khu dân cư phải được cấp phép. Hồ sơ xin giấy phép được địa phương có thẩm quyền xét duyệt và cấp giấy phép xây dựng. Tuy vậy, doanh nghiệp viễn thông vẫn cố tình lờ đi các quy định của các cấp có thẩm quyền khi cho xây dựng hàng loạt trạm BTS và đưa vào hoạt động.

Trước thực trạng này, các cơ quan, đơn vị quản lý cần tìm ra nguyên nhân vì sao có rất nhiều trạm BTS đã đưa vào hoạt động mà vẫn chưa có giấy phép hoặc đã thực hiện cấp phép nhưng chưa đảm bảo hồ sơ thủ tục và thống nhất việc xử lý. Do đó, trước khi làm thủ tục xin phép, các cơ quan chức năng cần phải thông báo, lấy ý kiến người dân đối với việc lắp đặt các trạm BTS trong khu dân cư. Nếu nhà mạng cho rằng, các trạm BTS không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sinh sống ở xung quanh thì phải lập bản cam kết cụ thể về vấn đề này để người dân yên tâm. Như vậy, khi xảy ra sự cố, người dân có cơ sở để yêu cầu các trạm BTS dỡ bỏ, bồi thường trong trường hợp gây thiệt hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân...

Hiện tại, Việt Nam có 7 nhà mạng cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất. Với số lượng thuê bao lớn các nhà mạng phải xây dựng các trạm thu phát với mật độ cao để đảm bảo vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ. Ảnh hưởng rõ rệt hơn đến sức khỏe là bỏng RF, xảy ra khi tiếp xúc với chấn tử anten, hoặc bộ phận ghép nối có điện áp RF cao. Do có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe con người như vậy nên các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần phải thẩm định, kiểm tra, rà soát lại những trạm BTS đặt trong khu dân cư, đặc biệt là những trạm xây dựng không phép.

Linh Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc