Những tình huống thoát chết phi thường trong thảm họa động đất ở Nepal

07:03 | 03/05/2015

528 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một thiếu niên 15 tuổi được cứu thoát không một vết thương sau 5 ngày bị chôn vùi dưới đống đổ nát của một nhà khách vì động đất, một bé trai bốn tháng tuổi được cứu sống sau khi bị vùi lấp 22 giờ đồng hồ dưới đống gạch vụn của một tòa nhà, một người đàn ông sống sót sau 82 giờ dưới đống đổ nát nhờ uống nước tiểu của chính mình hay một hướng dẫn viên du lịch phải đào bức tường tuyết khổng lồ để tự cứu sống mình.

Đó là những điều kỳ diệu hiếm hoi xuất hiện trong thảm họa thiên tai tồi tệ nhất trong vòng hơn 8 thập kỷ trở lại đây tại quốc gia có nền kinh tế thuộc hạng yếu nhất thế giới này.

Theo BBC, thiếu niên tên Pemba Lama ở trong nhà khách Hilton cao 9 tầng ở ngoại ô Thủ đô Kathmandu khi thảm hoạ động đất xảy ra hôm 25/4. Khi đội cứu hộ đào xới tới nơi Lama bị chôn vùi, cậu bé nằm dưới một chiếc xe máy. Chính chiếc xe này đã cản đống đổ nát giúp cậu bé khỏi bị thương. Thanh tra địa phương – ông Lakshman Basnet cho biết, Lama không gặp vết thương nào lớn. Trong lúc giải cứu cậu bé (kéo dài khoảng 5h), Lama khóc xin nước vì quá khát. Hiện Lama đã được đưa vào viện để phục hồi sức khoẻ sau nhiều ngày liền không ăn uống.

Theo tờ Kathmandutoday, bé trai bốn tháng tuổi may mắn sống sót là Sonit Awal, con của ông Shyam Awal. Căn nhà của cha con Sonit tọa lạc ở Muldhoka, huyện Bhaktapur, thuộc khu Bagmati, vùng Trung Nepal, Nepal. Trận động đất ngày 25/4 đã đánh sập ngôi nhà và chôn vùi Sonit, bỏ lại người cha điên cuồng tìm kiếm con trai của mình trong đống đổ nát. Ông Shyam đã phải nhờ sự trợ giúp của đội cứu hộ thuộc Quân đội Nepal. Họ “đánh vật” với đống đổ nát cho tới quá nửa đêm ngày 25/4 nhưng không thu được kết quả gì. Lúc đó, ông Shyam đã mất hầu như toàn bộ hi vọng gặp lại con trai.

Trong cơn thất vọng, ông bất chợt nghe thấy tiếng khóc yếu ớt của Sonit, phát ra từ dưới đống đổ nát và đội cứu hộ được yêu cầu trở lại vào sáng ngày hôm sau (26/4) để tiếp tục các nỗ lực cứu sống Sonit. Và điều kì diệu đã xuất hiện. Sau 22h bị vùi lấp dưới đống gạch vụ, Sonit đã được đội cứu hộ cứu sống vào lúc 10h ngày 264. Kì diệu hơn, sau khi được đưa đến bệnh viện Bhaktapur, cậu bé được xác nhận là không bị bất cứ một chấn thương nào.

Bé Sonit Awal. Ảnh: kathmandutoday.com

Hôm thứ Bảy (25/4), Rishi Khanal vừa ăn trưa xong tại một khách sạn ở Kathmandu thì mọi thứ bắt đầu rung chuyển. Trận động đất lớn ập tới và nghiền nát chân của người đàn ông 27 tuổi này. Anh cùng ba nạn nhân khác bị kẹt cứng dưới đống đổ nát, xung quanh toàn xác người chết và mùi tử thi phân hủy.

Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với Rishi Khanal khi, sau 82h, anh được đội cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát vào tối ngày 28/4, sau khi khoan tới vị trí của Khanal trong vòng 5h và nghe thấy tiếng kêu cứu. Ngay sau đó, Khanal đã được đưa tới bệnh viện thuộc Đại học Tribhuwan. Sau khi được cấp cứu và hồi sức, từ giường bệnh hôm 29/4, Rishi kể lại, những ngày sau khi bị kẹt cứng, anh đã cố gắng đập vào đống đổ nát xung quanh, với hi vọng ai đó sẽ nghe thấy tiếng động.

Anh chia sẻ: “Tôi từng hi vọng nhưng quả thật, đến hôm qua (28/4 - PV), tôi đã từ bỏ nó”, và rằng: “Móng tay của tôi trắng bệch, còn môi thì nứt nẻ. Tôi từng nghĩ sẽ không có ai tới cứu mình. Và chắc chắn tôi sẽ chết. Tôi không ăn mấy ngày, cũng không có nước uống. Tôi đã phải uống nước tiểu của chính mình”.

Người anh rể Purna Ram Bhattarai, 32 tuổi chia sẻ: “Khanal nói rằng, trận động đất diễn ra quá nhanh. Các bức tường đổ sụp xuống và cậu ấy không thể chạy thoát”. Bhattarai cho biết, nguyên nhân Khanal bị chôn vùi đến tận 82 giờ đồng hồ cũng khá hy hữu khi Khanal quên mất tên và địa chỉ khách sạn anh ta ở lại: “Bạn sẽ không tin đâu nhưng chúng tôi có thể liên lạc được với Khanal qua điện thoại sau hai ngày. Khanal nói 'tôi bị kẹt ở đây', nhưng trong cơn hoảng loạn, cậu ấy quên mất tên khách sạn. Nếu Khanal nhớ ra, có thể chúng tôi đã tìm thấy cậu ấy sớm hơn”.

Cũng giống như Khanal, Jon Keisi và Tanka Maya Sitoula cũng đã may mắn thoát chết sau nhiều giờ bị kẹt cứng dưới những đống đổ nát. Jon Keisi đã bị mắc kẹt suốt 60h trong một tòa nhà bảy tầng bị sập tại Kathmandu. Các nhân viên cứu hộ đã phải đào một đường hầm để cứu Keisi ra khỏi khu vực gặp nạn. Sau 60h, Keisi được đưa ra ngoài. Anh bị đau, liên tục lắc đầu. Một khó khăn tại thời điểm cứu Keisi là anh ta bị mất nước. Keisi liên tục đòi nước mà không có. Mặc dù vậy, Keisi vẫn an toàn, mạnh khỏe.

Trong khi đó, Tanka Maya Sitoula, 40 tuổi, cũng bị mắc kẹt 36 giờ trong đống đổ nát của tòa nhà cao 5 tầng bị sập sau trận động đất ngày 25/4. Cô Sitoula được đội cứu hộ đến từ Ấn Độ cứu sống và may mắn nhất là không bị bất cứ thương tích nghiêm trọng nào. Người phụ nữ may mắn được cứu nhờ sự kiên trì và nỗ lực của chồng là ông Mahendra, một người bán thịt. Ông Mahendra tin rằng vợ mình bị mắc kẹt trong căn nhà bị sập và vẫn còn sống. Do đó, người đàn ông kiên trì kêu gọi giúp đỡ suốt nhiều giờ đồng hồ. “Tôi hoàn toàn tin rằng vợ mình đang ở dưới (đống đổ nát) đó. Tôi gọi liên tục, và nghe thấy tiếng vợ vọng lên từ bên dưới”.

Thêm một trường hợp được thần may mắn mỉm cười là Bhim Bahadur Khatri, 35 tuổi, một hướng dẫn viên du lịch người bản địa Himalaya, sống sót sau trận lở tuyết kinh hoàng trên dãy núi Everest do ảnh hưởng của trận động đất ngày 25/4. Bhim chia sẻ, thảm kịch xảy ra khi anh đang nấu cơm cho đội leo núi ở lều bếp.

Anh kể lại: “Chúng tôi lao ra cửa lều. Ngay lúc đó, một “bức tường tuyết” khổng lồ đổ ụp xuống người tôi. Tôi cố tìm cách thoát khỏi thứ có thể nhanh chóng trở thành mồ chôn mình. Tôi lắc người và dùng tay để bới tuyết. Khi ấy tôi vẫn không thể thở, nhưng biết rằng mình phải sống”. Khatri đào thêm vài chục cm tuyết nữa cho tới khi anh thoát khỏi bức tường tuyết khổng lồ chôn vùi mình. “Tôi nhìn quanh và thấy các lều trại bị xé toang, đổ sụp và rất nhiều người bị thương. Tôi sống sót, nhưng mất rất nhiều bạn bè”, hướng dẫn viên du lịch nhớ lại.

Mưa lớn gây khó khăn cho hoạt động cứu hộ ở Nepal

Ngày 30/4, các đội cứu hộ tại Nepal đang vật lộn với những trận mưa lớn ở thủ đô Kathmandu để tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát sau thảm họa động đất kinh hoàng hôm 25/4. Tuy nhiên, giới chức nước này cho biết cơ hội tìm thêm người sống sót không nhiều. Hiện số người thiệt mạng đã lên tới gần 5.500 người.

Giám đốc Trung tâm xử lý thiên tai thuộc Bộ Nội vụ Nepal, ông Rameshwor Dandal cho biết mưa lớn khiến máy bay không thể cất cánh tới các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất. Theo ông Dandal, các đội cứu hộ nước ngoài đã thông báo công tác cứu hộ sắp kết thúc và ít cơ hội tìm thêm người sống sót.

Trước đó, Thủ tướng Sushil Koirala cho biết số người thiệt mạng có thể lên tới 10.000 người, vượt qua con số 8.500 người trong trận động đất lịch sử năm 1934. Một quan chức Bộ Nội vụ Nepal xác nhận số thương vong của trận động đất tính đến sáng 30/4 là 5.489 người thiệt mạng, 11.000 người bị thương tại Nepal.

Trong khi đó, tại Ấn Độ và Tây Tạng (Trung Quốc) cũng có hơn 80 người thiệt mạng. Liên hợp quốc cho biết 600.000 ngôi nhà đã bị phá hủy hoặc hư hại, 8 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó ít nhất 2 triệu người đang cần gấp các nhu yếu phẩm như chăn màn, nước sạch, thức ăn và thuốc men trong vòng ba tháng tới.

Theo Công an nhân dân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc