Những tiếng thở dài trong mây

07:00 | 17/02/2017

949 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xã Ga Ri thuộc huyện vùng cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam nằm dưới đỉnh Trà Xiên quanh năm mịt mù mây phủ. Ở phía bên kia núi, chỉ vài nhịp đập cánh chim đã là nước bạn Lào. Người dân nơi này thiếu đủ thứ. Gói muối, chai mắm, cân đường... cũng là xa xỉ. Con sông Bung cuộn đỏ, len lỏi chảy dưới chân núi Trà Xiên. Nó mang theo tiếng thở dài của ngàn năm núi rừng âm u, của những phận người về một cuộc sống nghèo khó tối tăm, về những hủ tục chưa biết đến bao giờ mới dứt bỏ được.

Tài xế chiếc xe tải 2 cầu nhấn ga mạnh, chiếc xe hộc lên một chút rồi lại nằm gọn trong vũng lầy đất đỏ. Bánh xe quay tít, bắn tung những vệt đất đỏ nhão nhoét vào không trung đặc quánh mây mù. Xe chúng tôi tiếp tục bị sa lầy lần thứ 4, chỉ trong hành trình dài chưa đầy 100km...

Những ngày cuối năm cũ, chúng tôi cùng một đoàn từ thiện đi về hướng xã Ga Ri để trao quà giúp bà con đón tết. Xã Ga Ri là 1 trong 8 xã của huyện Tây Giang giáp với biên giới nước Lào. Từ trung tâm huyện Tây Giang, vào đến xã Ga Ri phải trải qua quãng đường dài khoảng 100km lầy lội đất đỏ. Hành trình 100km trong mây mù ấy, chúng tôi phải đi từ mờ sáng đến nửa đêm với 4 lần xe sa lầy, tưởng chừng phải bỏ chuyến đi. Ấy vậy mà bà con Ga Ri bấy lâu nay vẫn vượt con đường đấy để đi sinh con đẻ cái, để mua nhu yếu phẩm, để bán lợn, bán gà. Và cũng con đường ấy, đã có những chàng trai Cơ Tu đang vén mây đi tìm tình yêu đích thực, để xóa bỏ hủ tục bắt vợ của dân tộc mình.

nhung tieng tho dai trong may
Trung tâm xã Ga Ri chỉ có dăm ba nóc nhà

Muốn đi vào Ga Ri, chỉ có thể đi xe máy độ chế bằng cách quấn xích thừng (nghĩa là xe máy cuốn thừng và xích vào bánh xe để tăng độ bám); xe ôtô hai cầu, máy khỏe... hoặc đi bộ. Chứ tất cả các loại xe máy hay ôtô khác đều đối diện nguy cơ phải bỏ lại nơi con đường lầy lội đất đỏ, mịt mù mây nơi lưng chừng trời. Khi chúng tôi đang vật lộn với bùn đất vì xe sa lầy trong đất bùn thì từ phía sau đỉnh dốc, một đoàn người như vén mây đi xuống. Trên vai hai người thanh niên miền núi là một chiếc võng nặng nề. Bên trong có một người phụ nữ đang nằm thở khò khè. Hỏi chuyện ra mới biết là bà con nơi đây đưa một phụ nữ đi bệnh viện gần huyện để sinh con.

Ở xã vùng cao này, không xe cứu thương nào vào nổi. Phụ nữ khi sinh chỉ có đi võng. Gia đình nào có điều kiện thì xuống huyện một, hai tuần trước khi sinh để nằm bệnh viện. Còn những gia đình nào nghèo thì sát ngày sinh mới nhờ người thân khiêng võng xuống. Những người bệnh nặng đột xuất cũng vậy, khiêng xuống huyện, bất kể ngày đêm hay mưa gió. Và đã có không ít người nằm lại trên con đường trong mây này, vì bệnh nặng không đến viện kịp, vì đau đẻ giữa đường mà không có ai đỡ...

Bling A Ía, một thanh niên trong đoàn kể lại: “Năm em học lớp 11, chị Ría Thị Lem cùng làng bị bỏng phải gánh xuống huyện cấp cứu, nhưng không kịp. Rồi sau đó chị Jơ Râm Thị Míu bị ho ra máu, người làng cũng gánh đi, uống sữa không được, giữa đường thì chết”. Theo tục lệ của bà con vùng này, khi có người chết giữa đường, người nhà sẽ phải nhờ già làng làm lễ cúng ba ngày. Sau khi chôn, bắt một con chó chặt ra nhiều khúc; rồi mang đi chôn khắp các hướng vào làng. Người chết vì nghèo, phải làm lễ cúng ba ngày, rồi lại phải giết đi một con chó còn lại trong gia đình, vì thế nghèo lại tiếp tục nghèo thêm. Mọi mất mát cũng vì xa xôi, khó khăn, cách trở mà ra. Kể chuyện này, ai trong đoàn đưa người phụ nữ đi sinh cũng thở dài mệt mỏi.

Trung tâm xã Ga Ri là một bãi đất bằng trên một quả đồi, người ta san đều rồi xây trụ sở xã, trường học, nhà gươl... Tiếng là trung tâm xã, nhưng cũng chỉ có vài nóc nhà. Xã Ga Ri cũng không có chợ, toàn bộ lương thực, thực phẩm ở đây là tự cung, tự cấp. Còn mạng lưới của các “công ty hai sọt” phổ biến ở vùng cao Tây Giang, cũng không vào nổi Ga Ri này. “Công ty hai sọt” là một từ vui ở vùng cao này để chỉ những người buôn bán dạo các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm. Họ di chuyển bằng xe máy cuốn xích, sau yên xe cột sẵn 2 cái sọt, bỏ tất cả các hàng hóa vào đó rồi đi bán dạo cho người đồng bào. Vì đường sá ở vùng cao này rất khó khăn nên loại hình này khá phát triển. Đến “công ty hai sọt” cũng không vào được Ga Ri, nơi đây lại không có chợ nên ở đây thứ gì cũng đắt, một lít xăng những ba mươi mấy nghìn đồng.

Theo chính quyền xã Ga Ri, người dân nơi đây họ chẳng biết làm gì để ra cái ăn. Thời tiết ở miền cao, quanh năm mây phủ nên trồng cây gì cũng không được, đến cây lúa nước cũng chẳng thể trồng. Chỉ có 63 hộ ở thôn Glao sát sông Bung thì qua bên kia sông mượn đất của bản Ta Ta Lăng, tỉnh Sê Kông, Lào để trồng lúa nước. Còn người dân Ga Ri chủ yếu trồng cây đẳng sâm, là cây sâm dây. Cả xã có tầm 60ha. Đến mùa thu hoạch, bà con lại vượt đường đất đỏ lầy lội, ra huyện bán lấy tiền, hoặc đổi gạo, muối, nước mắm gùi về Ga Ri.

Con dốc vào trung tâm xã Ga Ri dốc thoai thoải. Từ sáng đến trưa, con dốc này ngập trong sương mù, hai người đi cách chục mét là không nhìn thấy nhau. Đầu giờ chiều, nắng xiên nhẹ qua những đụn mây làm ửng hồng đôi má những thiếu nữ Cơ Tu đang xếp hàng nhận quà tết. Nhận quà xong, từng bóng người phụ nữ Cơ Tu lại xiêu vẹo đi trên những đường mòn ven đồi, chiếc khăn thổ cẩm nhiều màu ẩn khuất trong sương, bay nhẹ theo gió. Tôi gặp lại Bling A Ía ở đây. Vẫn là chàng trai Cơ Tu da ngăm đen chắc nịch như cây mun trên đại ngàn, tóc bóng dày xoăn tít. Đúng những đặc điểm của người đồng bào Cơ Tu ở mạn biên giới Quảng Nam - một dân tộc thiện chiến với truyền thống văn hóa độc đáo.

Tôi hỏi A Ía về chuyện vợ con, vì tôi biết, người Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang này, đến 22 tuổi mà chưa lấy vợ, cũng là hiếm. A Ía thở dài bảo, em đang buồn chuyện này đây. Chuyện là A Ía đang bị mẹ ép lấy vợ, mà nói đúng hơn là bắt vợ như truyền thống ở đây. Nhưng A Ía không ưng cái bụng. Người Cơ Tu ở một số vùng đến nay vẫn có tục bắt vợ. Người mẹ sẽ là người chọn con dâu cho mình, rồi chuẩn bị sính lễ, ít nhất là hai con heo. Rồi người lớn sẽ nói chuyện với nhau, gọi là lễ ăn hỏi. Nếu cả hai bên đồng ý, sẽ thống nhất một buổi tối để bắt con dâu. Chàng trai sẽ đến nhà cô gái, bắt cô về làm vợ ngay trong đêm. Nghe đến chuyện này, tôi chợt nhớ gần 10 năm trước, tôi ở chung phòng kí túc xá với một bạn người Cơ Tu tên là A Lăng Leo. Năm đó Leo 19 tuổi, đi học theo diện cử tuyển, đang học năm hai Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Trước khi về nghỉ hè, Leo bảo anh em trong phòng là hè này sẽ về bắt vợ, mẹ nói thế. Tôi nghe chuyện rồi cứ nghĩ là đùa; vậy mà đến sau hè, không thấy Leo trở lại trường đi học nữa. Bạn bè bảo, Leo nó bắt vợ xong thì không đi học nữa, ở nhà đi rừng nuôi vợ rồi.

nhung tieng tho dai trong may
Xe sa lầy ở con đường lầy lội đất đỏ

Chuyện của A Ía lại hơi khác. A Ía không đồng ý với việc này. A Ía thở dài: “Con vợ mà mẹ muốn em đi bắt là con của anh họ mẹ. Nó tầm 15 tuổi. Chị của nó ngày trước mẹ em cũng bắt anh trai kế em đi bắt về làm vợ, bắt về xong rồi nó lại bỏ đi. Sau này anh trai em lấy người khác là chị dâu em thì bây giờ rất hạnh phúc”. A Ía là một chàng trai rất hiểu biết. A Ía bảo đây là hủ tục, lấy cận huyết thống, sinh con sẽ bệnh tật. “Lệ làng không còn bắt chuyện đó nữa. Nhưng cha mẹ em thì vẫn muốn vậy. Nhưng em không muốn. Không yêu nhau, làm vợ chồng sao được”, A Ía vừa đá những cục đất đỏ bám trên ủng vừa nói. Tôi hỏi A Ía: “Em có yêu cô ta không?”. -“Không. Em nói rồi, nhưng cha mẹ không chịu, nói phải bắt. Em chưa biết phải làm sao, nhưng sẽ nhất định không chịu”, A Ía quả quyết. Nhưng nghĩ về tương lai, A Ía lại thở dài vì “chưa biết phải làm sao”.

Ngày hôm sau, tôi gặp Phó chủ tịch xã là chị Bling Hon. Tôi hỏi về trường hợp của A Ía, chị Hon bảo cũng đã nghe chuyện này và ở xã chuyện này cũng đang ít dần đi. “A Ía nó không thích đâu. Chẳng qua mẹ A Ía tiếc tiền lễ đã nộp nên vậy. Thời bây giờ, không phải cha mẹ bắt làm gì cũng được, A Ía nó không thích thì mẹ nó cũng không làm gì được đâu”. Nghe đến đây, tôi chợt nhớ khi A Ía nói về chuyện sẽ đi tìm một người con gái mình yêu và sẽ lấy người đó làm vợ. Suy nghĩ đó sẽ là bình thường với một thanh niên dưới xuôi. Nhưng với một thanh niên người Cơ Tu đang sống ở một nơi mịt mù mây, từ nhỏ cho đến 22 tuổi, chưa một lần ra khỏi tỉnh nhà; thì đó thực sự là một suy nghĩ mới mẻ, vượt qua khỏi những đám mây mù trên đỉnh Trà Xiên.

Chúng tôi về xuôi, Ga Ri vẫn mịt mù trong mây, nắng không đủ hắt được xuống mặt đường, mà như lơ lửng đâu đó bên trên mây mù. Chứng kiến những chuyện dưới chân núi Trà Xiên, tôi lại nhớ đến những đứa trẻ người Cơ Tu sinh ra nhưng lại mang tên Hàn Quốc ở bên Dự án thủy điện Sông Tranh ở huyện Bắc Trà My, Quảng Nam. Những đứa trẻ ấy gắn liền với một cái tên xa lạ vì cha mẹ chúng hâm mộ nền văn hóa ở một nơi họ không thuộc về. Họ quên đi những truyền thống văn hóa ở vùng đất nơi mình sinh ra, lớn lên, gắn bó với từng con đường lên nương, từng gốc cây bờ suối. Câu chuyện ấy, ngược lại hoàn toàn với chuyện Bling A Ía phản đối bắt vợ cho bản thân để kiếm tìm một hạnh phúc đích thực. Đó là một nét sáng, là một tia nắng xuyên qua hết thảy mây mù trên đỉnh Trà Xiên.

Đêm tối trời, chiếc xe tải chở chúng tôi lùi lũi xuống đèo về xuôi. Chiếc xe chao đảo, chốc chốc lại quật những thân người vào một bên thành xe vì nghiêng lắc. Một người trong đoàn kể lại chuyện gặp một người phụ nữ tên A Lăng Thị Nhal ở Ga Ri có con học đại học tít tận Sài Gòn. Gia đình chị chỉ trồng được ít lúa và trồng thêm đẳng sâm. Một năm thu hoạch một lần, mỗi cân bán được 150 nghìn đồng, mua được gần 5 lít xăng. Vậy mà con trai chị một năm học ở Sài Gòn hết 9 triệu tiền học phí, nghĩa là hết 60 cân đẳng sâm; quy ra gạo thì là gần 600 cân. Mà một năm gia đình chị 5 người cũng chỉ ăn gần hết từng đó gạo thôi. Đó là chưa kể tiền sinh hoạt hằng tháng cho con. Đất Sài Gòn hoa lệ, con cá lá rau cũng phải đi mua, khác hẳn chốn Ga Ri quanh năm mây phủ này.

A Lăng Thị Nhal bảo: “Được vậy cũng là vui rồi, trên này có con đi học đại học đâu phải nhiều. Rồi thì cũng phải gắng thôi. Mấy đứa con nó bảo không học thì ở nhà không biết làm chi. Bao nhiêu trai bản ở đây, công việc cũng chẳng có, chẳng biết lấy chi ăn. Được cái mấy đứa cũng ngoan, lo học. Nó nói phải đi học để làm việc kiếm tiền, ở trên này chết đói”. Chẳng nói đâu xa, như Bling A Ía, gọi là thanh niên tiến bộ, có việc làm trong làng, nhưng cũng chỉ là đi làm ở xưởng gỗ duy nhất của xã. “Còn thanh niên làng đi ra rồi lại đi vào thôi. Ở đây chẳng có việc gì làm cả”, A Ía tâm sự rất thật thà.

nhung tieng tho dai trong may
Đường sá khó khăn, việc đưa người xuống trung tâm huyện chữa bệnh phải cáng bằng võng

Con đường đất núi vài chục cây số từ xã A Xan vào Ga Ri vẫn là nỗi ám ảnh xưa nay của người dân nơi đây. Những vất vả mà chúng tôi thấm mệt trong hai ngày ra vào không đủ để diễn tả hết mong muốn của họ. Nói như chị Hon Phó Chủ tịch xã, muốn có chợ búa cũng phải chờ có đường, muốn phát triển kinh tế cũng phải có đường, muốn người dân đi lại chữa bệnh nhanh cũng phải chờ đường tốt… Nói chung, cần một con đường như một mạch máu để kết nối Ga Ri ra bên ngoài.

Hôm chúng tôi xuống núi gặp anh Nhượng công an viên đi từ biên giới về. Đến chỗ chúng tôi thì chiếc xe máy của anh bị hỏng; vậy là anh vứt xe ngay bên vệ đường xin được quá giang về huyện khi trời đã về tối, sương giăng nặng trĩu trên các cành lá. Mấy cô ở xuôi lên, ngơ ngác hỏi anh Nhượng sao lại vứt tài sản của mình giữa rừng xanh núi đỏ như vậy. Ở xuôi, một chiếc xe vứt như vậy ai cũng sợ mất. Mấy người đàn ông đi cùng đoàn cười, nói tếu táo: “Mấy cô xem, ở đây đường thế này, tụi tui lội bộ còn mệt muốn chết. Thằng trộm nào mà dắt được cái xe đi vài đoạn dễ xanh cỏ vì đứt hơi luôn”. Cả đoàn lại cười. Anh Nhượng công an gật gù bởi nói đúng; như bao năm anh đã trèo xuôi ngược vùng núi này, chẳng bao giờ mất, dù chỉ là cái áo, cái quần.

“Cũng kiến nghị nhiều rồi nhưng đến giờ vẫn không có gì thay đổi. Cứ nói đến ước muốn của người dân ở đây thì trước mắt là có một con đường. Giờ không tính được bao nhiêu tiền, nhưng nghe đâu bác Bí thư huyện đã có nói đến năm 2020 sẽ cố gắng làm xong con đường vào xã Ga Ri; lúc đó mới mong có những thay đổi khác được. Lúc đó, muốn xóa đói, giảm nghèo, xóa hủ tục gì thì cũng mới làm được”, chị Hon Phó chủ tịch xã thật thà nói.

Hy vọng rằng, con đường mà chị Hon và bao bà con ao ước sẽ sớm vào bản trong nay mai. Mong những đứa con của chị Nhal sẽ sớm học hành thành tài báo đáp công ơn cha mẹ. Và cũng mong rằng tình yêu thật lòng sẽ sớm đến với Bling A Ía. Mong những tiếng thở dài về cuộc sống nghèo khó, về những hủ tục đeo đẳng không còn lay động mây sớm

Huyện Tây Giang là một trong những huyện vùng cao nghèo khó nhất của tỉnh Quảng Nam. Huyện cách TP Tam Kỳ (thủ phủ tỉnh Quảng Nam) 190km. Theo số liệu từ huyện Tây Giang, toàn huyện có 95% là người dân tộc Cơ Tu và trong đó hộ nghèo chiếm đến 85%. Huyện có 10 xã thì có đến 8 xã giáp biên giới Lào, trong đó có xã Ga Ri. Phó chủ tịch xã Ga Ri là chị Bling Hon thì toàn xã có 6 thôn với 333 hộ và 1.750 nhân khẩu. Trong đó có 302 hộ nghèo, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Thanh Hiếu