Những sáng tác “còn mãi với thời gian” của nhạc sĩ Hoàng Vân

18:35 | 05/02/2018

819 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Bài ca xây dựng”, “Hò kéo pháo”, “Người chiến sĩ ấy”... là một số ca khúc tiêu biểu của nhạc sĩ Hoàng Vân - người vừa ra đi ở tuổi 88.  

Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh ngày 24/7/1930 trong một gia đình trí thức tại Hà Nội. Ông là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc cách mạng Việt Nam, người được coi là có nhiều sáng tác nhất về các ngành và các bài hát của ông đều trở thành bài truyền thống.

Năm 16 tuổi, ông gia nhập Đội Thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I, Hà Nội), rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Sau đó, ông tham gia Đội Tuyên truyền võ trang Lao Hà, làm báo chí và công tác địch vận của trung đoàn, sư đoàn và phụ trách văn nghệ ở Sư đoàn 312.

Sau 1954, hòa bình lập lại, ông được gửi đi tu nghiệp tại Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc. Khi về nước, ông chỉ huy dàn nhạc đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật, đồng thời tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội cho đến năm 1989. Từ năm 1963 đến năm 1989, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là trưởng ban sáng tác thanh nhạc và công tác tại Hội cho đến năm 1996. Năm 1975, ông đi thực tập một thời gian tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria.

nhung sang tac con mai voi thoi gian cua nhac si hoang van
Cố nhạc sĩ Hoàng Vân

Ông nổi tiếng với hàng loạt ca khúc như: “Tôi là người thợ lò”, “Nhớ” (thơ Nguyễn Đình Thi), “Bài thơ gửi Thái Nguyên”, “Hai chị em”, “Nổi trống lên rừng núi ơi”, “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”, “Người chiến sĩ ấy”, “Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng”, “Bài ca xây dựng”, “Quảng Bình quê ta ơi”, “Tình ca Tây Nguyên”... Ông còn có bút danh là Y - Na (tức "Yêu Ngọc Anh" - Ngọc Anh chính là người bạn đời của ông).

Bên cạnh sáng tác ca khúc ông còn viết nhiều tác phẩm khí nhạc như: Fugue cho piano, Tổ khúc cho hautboy và piano, Rhapsodie cho violon, độc tấu kèn basson, Hành khúc con voi, độc tấu flute Vui được mùa, Hoa thơm bướm lượn, âm nhạc cho vũ kịch “Chị Sứ”, Concerto cho piano và dàn nhạc, thơ giao hưởng số 1 Thành đồng Tổ quốc, concerto TS và tình yêu, Đại hợp xướng Điện Biên Phủ...

Nhạc sĩ Hoàng Vân có lẽ là một trong số các nhạc sĩ hiếm hoi thành công trên nhiều phương diện sáng tác, từ khí nhạc đến ca khúc cho người lớn, ca khúc thiếu nhi, ca khúc cho các ngành, ca khúc cho phim... Ông là tác giả của những ca khúc cho phim đã ghi dấu ấn trong nền điện ảnh như: "Nổi gió"; "Con chim vành khuyên"; "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm"; "Em bé Hà Nội"; "Mối tình đầu"... Hoặc những ca khúc cho các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam như: "Bảy sắc cầu vồng"; "Người xây tổ ấm"; "Ở nhà Chủ nhật".

Ông còn nổi tiếng với vai trò nhạc sĩ của thiếu nhi, trong đó có những tác phẩm có tên trong danh sách 50 ca khúc thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 như: “Mùa hoa phượng”, “Con chim vành khuyên”, “Em yêu trường em”...

Không chỉ sáng tác, ông còn tham gia công tác giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội và rất nhiều học trò của ông đã thành danh như nhạc sĩ An Thuyên, Trương Ngọc Ninh, Văn Thành Nho, Phú Quang… Nhạc sĩ Hoàng Vân cũng có sở thích viết thư pháp, chơi đồ cổ và đọc sách.

nhung sang tac con mai voi thoi gian cua nhac si hoang van
Cố nhạc sĩ Hoàng Vân và con trai - nhạc trưởng Lê Phi Phi

Với những đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Hoàng Vân được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000. Sau đó, năm 2012, ông được nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú.

Vợ nhạc sĩ Hoàng Vân là một bác sĩ. Hai ông bà có hai người con, đó là nhạc trưởng Lê Phi Phi và chị Lê Y Linh, tiến sĩ âm nhạc tại Pháp.

Nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời vào ngày 4/2, ở tuổi 88. Nhạc trưởng Lê Phi Phi, con trai nhạc sĩ Hoàng Vân chia sẻ, bố anh mất lúc ngủ. Vì đang làm việc tại Macedonia nên anh sẽ về nước chịu tang bố trong 2 ngày tới.

Cố nhạc sĩ từng chia sẻ, âm nhạc hay bất cứ bộ môn nghệ thuật nào cũng luôn có điểm tựa là kinh nghiệm và đời sống của chính bản thân tác giả. Ông mỗi khi viết đều đặt mình trong từng hoàn cảnh cụ thể nào đó, câu chuyện cụ thể nào đó thân thương nhất để có thể viết được những ca khúc gần gũi nhất cho người nghe.

Chẳng hạn như khi ông viết về thiếu nhi, những bài hát đã trở thành "kim chỉ nam" mà ngành giáo dục đã in vào bìa 4 của quyển vở học trò, kỳ thực là ông viết để động viên con trai mình - Lê Phi Phi - chăm chỉ đến trường.

Nhã Anh