Những quy định “xổi”

08:59 | 26/11/2012

925 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Có một điều rất lạ, mỗi khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời một văn bản liên quan đến những vấn đề “nóng”, có cảm giác văn bản đó chỉ để xoa dịu dư luận mà tính bền vững, thiết thực của nó không có. Bởi phương thức giải quyết vấn đề chỉ mang tính ứng phó, giải quyết “phần ngọn” mà không có cách nhìn toàn cục, không tính đến những nguyên nhân sâu xa đã làm cho vấn đề trở nên phức tạp. Cho nên vừa ra đời văn bản lập tức bị “phản biện” ngay và có khi trở thành quy định “sổi”.

Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm học thêm là một ví dụ. Ra đời ngày 16/5/2012, nhưng ngay khi thông báo và áp dụng, Thông tư đã phải “đối mặt” với dư luận trước những vấn đề mà Thông tư hoặc là không tính đến hoặc là giải quyết một cách cực đoan, thiếu tình, thiếu lý.

Mà cũng cần nói thêm, những vấn đề thiếu tình, thiếu lý ấy, quá đơn giản để nhận ra rồi từ đó trên cơ sở phân tích có thể xác định tính lâu bền, thiết thực của Thông tư.

Khi lên đến đỉnh điểm bằng hàng loạt những động thái rình rập, “ập” vào bắt quả tang giáo viên tại các cơ sở dạy thêm như... bắt tội phạm, bắt giáo viên ký biên bản trước mặt bao nhiêu học sinh...  trong việc thực hiện Thông tư, Thông tư càng vấp phải sự phản ứng nhiều hơn từ xã hội.

Người ta lên án cách hành xử của các nhà chức trách đối với những người đang thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm cao cả của một nhà giáo – nghề được đánh giá cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Người ta phản ứng về việc Thông tư đã không “nhìn xa trông rộng” khi đưa “độp” ra một quy định chỉ biết “phải thực hiện” mà không dựa trên những nguyên nhân gây nên tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan chính là thu nhập của giáo viên, chương trình quá tải để từ đó có thể “triệt” tận gốc tình trạng này v.v...

Nghe, nói là kỹ năng kém nhất của giáo viên

Và khi đã không dựa trên những nguyên nhân sâu xa như vậy thì chắc chắn Thông tư không thể đạt được mục tiêu nó đề ra. Không đạt được mục tiêu đề ra thì đương nhiên Thông tư chỉ sống “đắp đổi” qua ngày hoặc chỉ “hữu danh vô thực” mà thôi.

Khảo sát, kiểm tra năng lực giáo viên ngoại ngữ tại 30 tỉnh, thành cho thấy: 97% giáo viên THPT, 93% giáo viên tiểu học, THCS không đạt mức chuẩn của Đề án xây dựng. Trong đó, 17% giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học trên cả nước chỉ đạt trình độ A1, nghĩa là tương đương trình độ của người vừa nhập môn tiếng Anh. Nhiều giáo viên tiếng Anh không đạt chuẩn còn là Thạc sĩ, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh ở các trường “điểm”, tại các thành phố lớn.

Tương tự, Đề án: Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân từ 2010 đến năm 2020 quy định: Giáo viên dạy ngoại ngữ phải có năng lực ngôn ngữ giảng dạy cao hơn trình độ chung của cấp dạy hai bậc.

Nhưng bậc này được tính theo Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ Châu Âu, chứ không phải tính theo chuẩn của Việt Nam.

Và đây chính là “vấn đề” của Đề án, làm cho Đề án ra đời từ năm 2010 nhưng bị “xới” lên và trở thành vấn đề nóng của giáo dục hiện nay, nhất là sau khi kết quả khảo sát năng lực ngoại ngữ của giáo viên theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy phần lớn không đạt chuẩn.

Trước khi nói đến sự bất hợp lý và thiếu thực tế của Đề án này cần xác định rõ: chủ trương này của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đúng, phù hợp với phát triển theo xu thế toàn cầu hóa, giao lưu quốc tế về mọi mặt... của đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giáo dục như hiện nay, đặc biệt đối với hệ thống giảng dạy ngoại ngữ ở trong nước, việc áp dụng quy định là một bất hợp lý.

Bất hợp lý ở chỗ: từ trước tới nay, chúng ta đào tạo từ cao học, ĐH đến phổ thông... đều theo chuẩn Việt Nam, thi thố cũng theo chuẩn Việt Nam. Vậy, “đùng” một cái bắt buộc giáo viên dạy ngoại ngữ phải đạt khung Tham chiếu Châu Âu thì khác nào đánh đố giáo viên.

Tiếp đến, ngoại ngữ là môn thực hành, cần kỹ năng hơn là tư duy, trong khi chương trình giảng dạy ở lớp cho học sinh chủ yếu là đọc hiểu và ngữ pháp dẫn đến giáo viên không có môi trường để rèn luyện.

Cho nên, dù có được đào tạo theo “khung” nào, đến khi dạy trong môi trường phổ thông, chỉ thời gian ngắn là năng lực, trình độ chuyên môn của giáo viên “xuống” ngay, nhất là kỹ năng nghe và nói.

Nhiều giáo viên không đạt chuẩn

Đây cũng chính là điểm yếu nhất của giáo viên ngoại ngữ, làm cho họ không đạt chuẩn Châu Âu như Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân yêu cầu.

Bên cạnh đó, cũng không thể không nói đến phương pháp và nội dung chương trình giảng dạy ngoại ngữ hiện nay ở các trường cao đẳng, ĐH cho những người sẽ trở thành giáo viên dạy ngoại ngữ.

Như ông Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng bộ phận thường trực Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân nhận định là chính xác: “Giáo viên đang giảng dạy ở các trường phổ thông bằng cấp thì có nhưng trình độ thực tế thì phần lớn không bảo đảm chất lượng. Một số trường sư phạm cũng chưa bảo đảm chất lượng đào tạo đối với sinh viên hệ chính quy. Trước đây, tiếng Anh chỉ là môn tự chọn nên việc tuyển chọn giáo viên  chưa được quan tâm đúng mức, không đặt ra yêu cầu đo đếm kỹ năng nghe, nói, đọc, viết mà chủ yếu kiểm tra xem người dự tuyển có bằng đào tạo hay không...”.

Bởi vậy, trước khi thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải xác định “gốc rễ” là đào tạo trong nước từ trước tới nay theo tiêu chuẩn nào đồng thời kiểm tra khâu đầu tiên là chất lượng đào tạo những người đứng trên bục giảng ra sao rồi từ đó mới có thể xây dựng Đề án và đưa Đề án đi vào cuộc sống.

Chứ như Đề án này hiện nay, khó mà thực hiện ngay được. Và muôn đời sẽ không thực hiện được nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không bắt đầu từ chính nền tảng là chất lượng đào tạo giáo viên.  

Quy định về Dạy thêm, học thêm

1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

 

Xuân Bách