Những phóng viên bước ra từ… khói lửa

08:43 | 24/04/2015

986 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Như một người lính, phóng viên chiến trường lăn lộn trên khắp các mặt trận, chịu hiểm nguy, gian khổ. Đã vậy, họ lại luôn phải liều lĩnh, thậm chí đặt cược cả tính mạng để có… “những cái chớp mắt lịch sử”.

Sứ mệnh người đưa tin

Ấn tượng với lời chia sẻ của Nhiếp ảnh gia Hứa Kiểm (cựu Phóng viên chiến trường Thông tấn xã Việt Nam) kể về thời khắc lịch sử của dân tộc vào ngày 30/4/1975: Khoảng 4 giờ sáng ngày 30/4, tôi cùng đơn vị bộ binh đóng tại căn cứ Nước Trong (Biên Hòa) nhận được chỉ thị thần tốc tiến thẳng vào Sài Gòn theo đường xa lộ. Không giống những cuộc hành quân trước là đi bộ mà lần này tất cả chiến sĩ di chuyển bằng xe cơ giới. Trong cuộc đời cầm máy, chưa khi nào tôi thấy một khí thế tiến công mạnh mẽ đến vậy. Hình ảnh đồng bào ùa ra khắp các nẻo đường để đón quân giải phóng như đón những người thân trở về... trong tôi như có tiếng nấc nghẹn. Đó cũng là thời điểm để có bức ảnh “Giải phóng Sài Gòn 30/4/1975”.

Đó chỉ là một trong những khoảnh khắc lịch sử quan trọng mà người phóng viên chiến trường đã ghi lại được. Trong cuộc triển lãm ảnh “Phóng viên chiến trường” vừa qua, 40 bức ảnh được trưng bày là 40 xúc cảm như thế.

Nhiếp ảnh gia Hứa Kiểm (cựu phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam) bên bức ảnh “Giải phóng Sài Gòn 30/4/1975”

 

Trước nay, nhắc đến cuộc chiến ở Việt Nam, nhiều người, đặc biệt là người phương Tây mới chỉ biết đến cuộc chiến tranh này qua loạt ảnh mà phóng viên chiến trường ở phía họ chụp lại. Bằng những cái tên Larry Burrows, Griffiths, Chauvel, Don McCullin… cuộc chiến tranh tại Việt Nam được phản chiếu lại qua một lăng kính khác. Nay, khi xem những bức ảnh do phóng viên chiến trường của Việt Nam ghi lại, họ lại có một góc nhìn khác.

Chính người bước ra từ cuộc chiến, phóng viên chiến trường kỳ cựu Patrick Chauvel - người khởi xướng ra ý tưởng tổng hợp lại những bức ảnh của phóng viên chiến trường Việt Nam cũng nói: Tôi muốn công chúng có một cái nhìn tổng quan về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Vì thế mà trước đó, tôi đã đề nghị 4 phóng viên cùng hợp tác, để rồi 4 cái tên Chu Chí Thành, Mai Nam, Đoàn Công Tính và Hứa Kiểm đã xuất hiện trong Liên hoan quốc tế về báo ảnh Visa pour l’image (Giấy thông hành bằng hình ảnh) ở Perpignan, Pháp vào tháng 9/2014.

Đúng như Nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính (nguyên phóng viên chiến trường của Báo Quân đội Nhân dân) nói: "Nếu phóng viên phương Tây đi tìm những chi tiết gây sốc, cảnh tượng chết chóc, giật gân thì phóng viên Việt Nam lại có góc nhìn khác, chúng tôi muốn đi sâu vào khía cạnh nhân văn, chiến tranh là khốc liệt đó nhưng sau nó là những nụ cười…”. Từ đây, sau 40 năm công chúng được thưởng thức bộ ảnh gần như hoàn chỉnh về cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ “đôi mắt” của những người đã từng ở hai đầu chiến tuyến.

Ông Patrick Chauvel - người khởi xướng ra ý tưởng tổng hợp lại những bức ảnh của phóng viên chiến trường Việt Nam 

Những bức ảnh xuất thân từ khói lửa này, bức nào cũng đầy số phận. Và đương nhiên, người làm lên những sản phẩm ấy cũng phải trải qua nhiều gian khó, thậm chí luôn trong tình trạng “đánh cược” mạng sống. Một trong số đó phải kể đến phóng viên chiến trường kỳ cựu Đoàn Công Tính.

Trở thành một phóng viên chiến trường từ năm 25 tuổi, người phóng viên này luôn ý thức được sứ mệnh của mình. Ông nói: “Chúng tôi cũng như những người lính, nhưng thay vì đeo khẩu Kalashnikov thì vũ khí chính của chúng tôi là chiếc máy ảnh. Và nếu các chiến sĩ coi súng là vợ, đạn là con, thì với phóng viên chiến trường như chúng tôi là… máy ảnh”.

Xông vào nơi khói lửa, bám sát hiểm nguy để chụp ảnh và đã bốn lần bị bom vùi, khốc liệt là thế nhưng điều kỳ lạ là những bức ảnh của Đoàn Công Tính lại lấy “gam” lãng mạn là chủ đạo. Đó là những bức ảnh về nụ cười chiến thắng, về tinh thần lạc quan của những người lính khi bản thân họ biết được là mình đang đấu tranh cho chính nghĩa để bảo vệ Tổ quốc.

Ông kể: Ngày ấy, điều kiện tác nghiệp của chúng tôi còn nhiều khó khăn, máy ảnh không phải loại tối tân, thường là của viện trợ. Mỗi người chỉ được trang bị một máy, còn phim thì lại thuộc dạng hiếm, thành thử khi chụp phải rất đắn đo, có khi phải đếm từng khoảnh khắc, thấy vừa ý mới dám chụp.

Thêm nữa, phóng viên chiến trường nào cũng phải “đa ri năng” nên ngoài việc ghi lại kịp thời những khoảnh khắc đẹp thì phóng viên nào cũng phải biết tự tráng phim, rửa ảnh, phóng ảnh…

Nhiếp ảnh gia Mai Nam (cựu phóng viên chiến trường của báo Tiền Phong) tâm sự: Trong điều kiện chiến tranh, đi cùng các đơn vị thanh niên thì chúng tôi phải biết sống và chiến đấu như những người lính thực thụ. Chiến tranh khốc liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Nhưng ở nơi mà mình được tận mắt chứng kiến sự dũng cảm của những chiến sĩ, những dân quân tự vệ tôi đã không còn sợ nữa. Anh em chúng tôi đều tự động viên, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng để toàn tâm ghi lại những hình ảnh tốt nhất đem về tuyên truyền.

Những bức ảnh sống mãi với thời gian

Những tấm ảnh của phóng viên chiến trường dù ở góc nào đi chăng nữa cũng là những lát cắt đầy tính hiện thực của cuộc chiến. Việc mang trong mình sứ mệnh đi khắp các chiến trường theo dọc dài đất nước để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của lịch sử, mỗi phóng viên chiến trường đều có những “đứa con” tâm đắc.

"Nụ cười bên Thành cổ"

Với Đoàn Công Tính, bức ảnh để lại trong ông nhiều xúc cảm nhất là "Nụ cười bên Thành cổ", được chụp năm 1972. Đây cũng là một trong những bức ảnh chiến tranh ở Việt Nam gây xúc động mạnh cho nhiều thế hệ.

Nhiếp ảnh Đoàn Công Tính nhớ lại: "Thời điểm đó, chiến trường Thành cổ vô cùng khốc liệt, việc phóng viên vào tác nghiệp ở mặt trận này là sẵn sàng tâm thế có thể hi sinh. Khi đó, tôi ngồi ngoài cách xa Thành cổ 10km, nhìn về phía đó đêm ngày pháo sáng đùng đùng, rồi thấy cả bộ đội mình chết, bị thương rất nhiều. Tôi quyết định phải đi vào”.

Sau khi bơi qua sông Thạch Hãn, điều làm ông bất ngờ là gặp cảnh bộ đội Việt Nam vừa ngồi trong hầm kể chuyện đánh tan một đội lính đánh bộ hung hãn của Mỹ, vừa cười rất giòn giã. Ông nghĩ rằng cần phải lưu lại khoảnh khắc để đời ấy. Rất tiếc là trong hầm tối vì không đèn, ông đã nhờ các chiến sĩ lên hầm để lưu lại những nụ cười đó.

Ông chia sẻ: “Tuy là bức ảnh dựng nhưng tôi dựng  trên cơ sở có thật. Lúc đó nếu chiến đấu ác liệt, không thoải mái về tinh thần thì mình có bảo họ cười, họ cũng sẽ không cười nổi. Thế nên đó là nụ cười của rất nhiều nụ cười gộp lại".

"Thoát khỏi ngục tù" của phóng viên Chu Chí Thành

Cũng trên chiến trường Quảng Trị, với Nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành - Cựu phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam thì bức ảnh “Thoát khỏi ngục tù” mà ông chụp được trong bối cảnh tù chính trị được thả trong cuộc trao đổi tù binh lớn nhất trong lịch sử Việt Nam (năm 1973 ở Quảng Trị) là tâm đắc nhất: “Trong chớp mắt, tôi chộp được giữa dòng Thạch Hãn cảnh những anh em bờ Bắc lao vào đón tù cách mạng vừa được chính quyền miền Nam thả. Bên dòng Thạch Hãn, những tù binh - họ đã cởi bỏ hết đồ do chính quyền Cộng hòa phát, mạnh mẽ vẫy cờ cách mạng, rồi nhảy ào xuống sông, trở về với tự do… Lúc đó, tôi đã thực sự bị ngợp trước tình người, tình đồng đội đang trào dâng”. 

Với nhiếp ảnh gia Mai Nam thì bức hình cô dân quân Nguyễn Thị Hiền (Đội trưởng dân quân Yên Vực, huyện Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa) để lại nhiều xúc cảm nhất. Nó cũng là bức ảnh chiếm trọn cảm tình của người xem. Hình ảnh một cô dân quân đi đôi dép lê, đội nón lá, khoác súng đi hiên ngang trên đường hành quân với nụ cười tươi rói. Ít ai biết rằng cô gái nhỏ bé ấy đã từng trải qua 800 đợt rải bom và 4 lần bị B52 chôn sống. Bấy nhiêu thôi, cũng gợi lên được chân dung của người phụ nữ Việt Nam mà “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh".

Cô dân quân Nguyễn Thị Hiền qua ống kính phóng viên Mai Nam

Còn với nhiếp ảnh gia Hứa Kiểm thì việc có mặt trong thời khắc lịch sử của dân tộc là bức ảnh ông nhớ nhất nhưng điều khiến ông thương nhớ lại là: Có những “nhân vật” ra đi mãi… không về.

Ông kể: "Cho đến bây giờ vẫn chẳng thể nào quên được bức ảnh mà tôi đã chụp 14 nữ dân quân ở Vĩnh Linh, Quảng Trị. Vài ngày sau đó, tôi quay lại để tặng ảnh thì 4 người đã hi sinh. Lúc đó, một cảm giác hẫng hụt trong lòng, tôi đã nhờ những người còn lại tìm cách nào đó gửi tấm ảnh tập thể ấy về với gia đình những người đã mất. Vì đó là kỷ niệm cuối cùng của họ”.

Từ những ký ức ấy mới hiểu, khốc liệt chiến tranh chẳng thể ngăn bước chân của họ. Những phóng viên chiến trường dù từng phải cả tuần liền ăn lương khô, uống nước lã để kịp chạy về giao tác phẩm cho tòa soạn, từng phải “nhoi lên” tìm chỗ cao lý tưởng để đón cảnh máy bay địch bị lưới lửa phòng không của ta bắn rơi trong khi còi hú đi trú ẩn… thì họ vẫn vượt qua để giữ tròn sứ mệnh: Chuyển tải thông tin qua những lát cắt để phản ánh hiện thực của cuộc chiến.

Huyền Anh (Năng lượng Mới)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc