Những người không chịu rũ bỏ ký ức

07:04 | 08/04/2014

2,339 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Họ - một đàn ông và một phụ nữ ở hai vùng quê khác nhau, từng vào sinh ra tử ở các chiến trường để góp phần làm nên chiến thắng. Đã qua tuổi 60 nhưng họ vẫn sống “không gia đình”, phải cậy nhờ vào sự đùm bọc của những người ruột thịt. Điều đáng nói hơn là đã bước ra khỏi cuộc chiến trên dưới 40 năm nhưng họ không chịu rũ bỏ ký ức...

Năng lượng Mới số 311

Người đàn ông đội mũ kê-pi

Hằng ngày, người dân các xã vùng trung tâm huyện Diễn Châu (Nghệ An) thường thấy một người đàn ông độ tuổi 60, miệng lẩm bẩm một mình, đầu đội mũ kê-pi, đi lang thang trên các nẻo đường. Mặc cho những người xung quanh tất bật trong cuộc mưu sinh, ông vẫn đi và sống trong thế giới riêng của mình. Người đàn ông ấy có tên là Thái Mai Toản, một người lính chiến trở về từ ngục tù Phú Quốc đã gần 40 năm nhưng vẫn không chịu rũ bỏ ký ức.

Chúng tôi tìm về xóm 4, xã Diễn Thành (Diễn Châu) để tìm gặp ông. Ngôi nhà nhỏ bé, xập xệ nằm ở cuối xóm, phía trong chỉ có độc một chiếc giường đơn sơ và mấy bộ quân phục cũ kỹ. Thấy người lạ bước vào, ông ngồi co rúm lại, rồi bất chợt rút một khẩu súng ngắn bằng nhựa chĩa thẳng vào chúng tôi và hô “Pằng! Pằng! Pằng”. Rất may, đúng lúc ấy ông Thái Mai Tư, em trai ông Toản đến trấn tĩnh người anh của mình rằng: “Họ là khách của nhà ta”.

Nhìn người khách lạ, ông Toản chợt nở một nụ cười rồi nắm tay thật chặt. Trên khuôn mặt của người đàn ông gần như mất hết trí nhớ ấy vẫn còn đọng lại vẻ đẹp trai và thông minh qua ánh mắt sáng, vầng trán cao và sống mũi dọc dừa. Lúc này, ông lại ngồi nói một mình, chúng tôi chỉ nghe được mấy câu: “Biên Hòa”, “Đồng Nai”, “Gian-xơn-xi-ti”, “Đường 9 Nam Lào”... Hỏi về bản thân mình, ông Toản cũng chỉ tuôn ra một loạt những câu, từ vô nghĩa, có lẽ ông cũng không còn nhớ ngay cả chính bản thân mình.

Ông Thái Mai Toản trước căn nhà nhỏ bé của mình

Nhìn người anh trai một cách xót xa, ông Thái Mai Tư kể lại: “Anh Toản sinh năm 1951, trước tôi 2 năm. Ngày anh lên đường nhập ngũ tôi vẫn còn đi học. Rồi tôi cũng vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam và không có tin tức gì của anh. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi trở về quê thì anh vẫn chưa về, gia đình cũng không có tin tức gì của anh. Ai cũng nghĩ là anh đã hy sinh ở chiến trường”.

Rồi một ngày cuối năm 1976, người dân xã Diễn Thành bỗng thấy một người mặc bộ quân phục cũ sờn, vai mang balô, chân đi dép cao su, miệng vừa cười vừa nói lảm nhảm hỏi tìm nhà bà Trương Thị Kiểm (mẹ đẻ của anh em ông Tư). Cả gia đình mừng rỡ, lúc đầu không tin nổi là ông Toản có thể trở về, sau khoảng thời gian 5 năm bặt vô âm tín. Nhưng rồi “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, các thành viên trong gia đình òa khóc khi nhận ra người thân của mình trí nhớ không còn vẹn nguyên, cứ quên quên nhớ nhớ và chỉ nói những lời ngây ngô không ai hiểu nổi.

Người lính ấy trở về quê hương khi các anh chị em trong gia đình đã yên bề gia thất, bố mẹ lúc ấy đã già. Trong căn nhà nhỏ bé nép mình bên mé sông, hằng ngày vợ chồng ông Thái Bá Viên và bà Trương Thị Kiểm dù đã già yếu nhưng vẫn tất bật, tảo tần làm lụng để nuôi người con trai chỉ sống trong ký ức. Bố mẹ lần lượt qua đời, ông Thái Mai Tư quyết định đưa người anh trai về nhà để tiện chăm sóc nhưng lúc đầu ông Toản nhất quyết không chịu rời khỏi nhà. Vợ chồng ông Tư hết sức đau lòng khi tự tay xô đổ nơi đi về của người anh trai.

Sau một ngày lang thang khắp nơi mọi chốn, trở về thấy cảnh nhà cửa tan hoang, đổ sập, ông Toản chợt thét lên: “Nhà tôi đâu rồi? Bố mẹ ơi nhà đổ mất rồi!”. Đêm đó, trời mưa gió, ông Toản mới chịu vào tá túc trong căn nhà nhỏ được anh em dựng tạm ở gần nhà người em trai của mình.

Tưởng rằng, khi về với gia đình, quê hương, gặp lại người thân, trí nhớ của ông Thái Mai Toản sẽ từng bước được phục hồi. Nhưng ngược lại, bệnh tình của ông ngày càng nặng thêm. Có lúc, đang đi trên đường, mấy đứa trẻ gặp ông liền đưa mấy khẩu súng đồ chơi ra dọa khiến ông khiếp hãi nép vào tường rào. Được thể, lũ trẻ khoái chí hò reo. Lúc ấy, phần nào hiểu ra sự tình, ông liền chạy theo đuổi đánh lũ trẻ.

Ông không bao giờ mặc quần áo mới, chỉ thích mặc những bộ quân phục đã cũ sờn và thích đi dép cao su. Trong bữa ăn, ông Toản thường ăn nhanh, xong trước cả nhà và tự mình cầm bát ra giếng để rửa rồi úp ngay ngắn lên giàn. Chỉ trừ khi ngủ, còn lại trên đầu ông lúc nào cũng đội chiếc mũ kê-pi, phía trong giấu một khẩu súng lục bằng nhựa. Bốn bức tường quanh nhà bị ông Toản đục thành những lỗ nhỏ để làm lỗ châu mai, rồi dùng chiếc điếu cày làm súng chĩa ra ngoài, miệng hô: “Pằng! Pằng!”.

Còn việc cơm nước, tắm giặt và thuốc thang khi trái gió trở trời do các thành viên của gia đình ông Tư lo liệu. Bà Cao Thị Liên cho biết: “Bình thường thì không nói làm gì, những ngày trở trời, vết thương của anh tái phát, anh la hét, vật vã trông tội nghiệp lắm!”. Có lúc, ông Toản đi lang thang 2-3 ngày không về khiến cả nhà chia nhau đi tìm khắp các hướng.

Ông Thái Mai Toản (đội mũ) ăn cơm cùng gia đình người em trai

Sau chiến tranh, cả đất nước dồn hết sức lực và trí tuệ để “hàn gắn vết thương”, xây dựng cuộc sống mới. Những người thân của ông Thái Mai Toản cũng miệt mài bươn chải để mưu sinh, để có cái ăn và để nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Vì thế, họ không có nhiều thì giờ để tìm hiểu ngọn nguồn cơ sự của người thân và mặc nhiên chấp nhận cưu mang một người dở điên dở dại do hậu quả của chiến tranh. Khi việc đời bắt đầu có chút rảnh rang, ông Thái Mai Tư mới nghĩ đến cuộc đời quân ngũ của người anh trai.

Bởi lẽ, cuối năm 1976, ông Toản trở về nhưng trong chiếc balô chỉ có bộ quân phục cũ, tuyệt nhiên không hề có một thứ giấy tờ nào. Có thể nói, công việc của ông Tư lúc này như người đi tìm “bóng chim, tăm cá”. Bằng cách chắp nối, xâu chuỗi thông tin từ những người họ hàng, bạn bè và đồng đội, ông Tư biết được anh trai mình sinh năm 1951. Thời trẻ, ông Toản nổi tiếng thông minh, viết chữ đẹp và học giỏi nhất làng, lại đẹp trai nên có rất nhiều cô gái đem lòng yêu mến. Năm 1970, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, cũng như bao thanh niên thời bấy giờ, Thái Mai Toản quyết định tạm gác sách bút để tình nguyện lên đường đánh giặc.

Đơn vị ông thẳng tiến vào miền Nam và nghe đâu có mặt ở chiến trường khu 9. Thông tin ban đầu thu thập được chỉ có chừng ấy, vậy từ khi nhập ngũ đến cuối 1976 ông Toản làm gì và ở đâu? May mắn đã đến với ông Tư khi được ông Cao Khải Hoàn (xã Diễn Ngọc) xác nhận anh trai mình từng bị địch bắt và giam cầm, tra tấn tại nhà tù Phú Quốc. Trên cơ sở xác nhận của ông Hoàn, ông Thái Mai Toản đã được hưởng chế độ bệnh binh 3/3.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Cao Khải Hoàn, cựu chiến binh từng bị địch bắt và tù đày để hỏi chuyện về ông Thái Mai Toản. Hai người vốn ở cùng làng, ông Hoàn lớn hơn ông Toản 5 tuổi và tham gia quân ngũ từ năm 1965. Năm 1969, khi cùng đơn vị chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ, ông Hoàn không may rơi vào tay giặc và bị giam giữ hết nhà tù này đến nhà tù khác. Cuối cùng, ông bị đày ra đảo Phú Quốc cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Tại đây, tình cờ ông được gặp người đồng hương là ông Thái Mai Toản. Hai người ở 2 phòng giam gần nhau, hằng ngày đi xuống nhà ăn hay ra sân thể dục vẫn thường gặp nhau. Tuy vậy, lúc đó ông Toản đã tỏ ra không còn bình thường, quên quên nhớ nhớ. Theo suy đoán của ông Hoàn, có khả năng ông Toản bị thương ở đầu trước khi bị giặc bắt, vào tù lại bị tra tấn, đánh đập dã man nên mất hết trí nhớ. Hay tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh em tù nhân ở đảo Phú Quốc đứng dậy phá bỏ xiềng xích, rồi được tàu ra đón về đất liền.

Cũng từ ngày đó, ông Hoàn không còn gặp lại người bạn đồng hương nữa. Sau khi xuất ngũ trở về hơn 10 năm, một ngày ông Hoàn tình cờ gặp lại người đồng hương từng bị tù đày ở Phú Quốc đang ngồi thẫn thờ trên bãi biển. Ông Hoàn ôm chầm lấy người bạn và hỏi có nhận ra ai nữa không, nhưng ông Toản đã không còn nhận ra người bạn tù năm xưa nữa. Khi biết tin ông Thái Mai Tư đang làm thủ tục để anh trai mình được hưởng chế độ, ông Cao Khải Hoàn đã tìm đến để cung cấp những thông tin cần thiết và xác nhận việc ông Toản từng bị địch bắt, tù đày tại đảo Phú Quốc.

Ngôi nhà nhỏ xập xệ của bà Liên

Chúng tôi nhớ mãi bữa cơm trưa ăn cùng với gia đình ông Thái Mai Tư. Cả nhà đang chuyện trò rôm rả, bỗng tiếng một chiếc máy bay dân dụng đi qua, ông Toản vội buông bát đũa, vẻ mặt thất thần rồi chui nấp xuống dưới chiếc giường bên cạnh. Chờ lúc im ắng, vợ chồng ông Tư mới dỗ người anh trai của mình dậy để tiếp tục bữa ăn còn dang dở.

Trong bữa ăn, ông Tư nghẹn ngào: “Tội lắm! Chiến tranh đã qua gần 40 năm nhưng anh ấy vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh về bom đạn, về tiếng gầm rú của động cơ máy bay. Giờ đây gia đình tôi chỉ có một nguyện vọng là được các cấp, các ngành liên quan tạo điều kiện để anh trai tôi được giám định lại tỷ lệ thương tật, để anh được hưởng sự đãi ngộ xứng đáng với những gì đã cống hiến và hy sinh. Vì trên thực tế, anh Toản không còn làm chủ được bản thân, không còn khả năng lao động và không lo được cho bản thân”.

Người phụ nữ dưới chân núi Thiên Nhẫn

Trên đoạn đường men theo dãy Thiên Nhẫn đoạn từ xã Nam Lộc (Nam Đàn) sang xã Thanh Lâm (Thanh Chương, Nghệ An) có một ngôi nhà nhỏ xập xệ nép mình dưới chân núi và tán rừng. Chủ nhân của ngôi nhà là Nguyễn Thị Liên (sinh 1952) - người phụ nữ từng đóng góp công sức cho cuộc chiến tranh chống Mỹ, nay đang mắc chứng bệnh dở điên dở dại. Hằng ngày, hành khách qua đây thường thấy bà Liên cầm chiếc gậy đứng giữa đường để phân luồng, chỉ hướng cho các loại phương tiện. Nếu không cầm gậy, người đi đường sẽ bắt gặp bà đi lang thang, tay ôm một bó hoa dại vừa đi vừa cười nói một mình.

Vào những ngày trái gió trở trời, người ta lại thấy bà chạy hớt ha hớt hải dọc đường và hô to: “Anh em chuẩn bị sẵn sàng!”. Đã thế, năm trước, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình xây cho bà căn nhà mới nhưng bà chỉ ở đúng một ngày. Sau đó, bà lại dọn trở lại căn nhà cũ nát. Lý do bà không muốn ở nhà mới là “Ngôi nhà ấy yếu lắm, sắp bị đổ rồi. Tôi ở sợ không an toàn”.

Hội Nạn nhân chất độc da cam hỗ trợ làm nhà mới nhưng bà Liên không chịu vào ở

Nghe kể chuyện về bà Liên, chúng tôi quyết định tìm về xã Nam Lộc để tìm gặp. Ngôi nhà bà đang ở nằm giữa một cánh rừng hoang vu, cách xa các gia đình khác. Phía trên cao là ngôi nhà tình nghĩa vừa mới được xây dựng nhưng cửa đóng then cài kín mít. Chúng tôi đẩy tấm cửa gỗ đã mục nát của ngôi nhà cũ nằm ven đường. Nhà cửa tối om, đồ đạc trong nhà chỉ có một chiếc chõng tre và chất đầy cành củi khô cùng vỏ cây các loại.

Chủ nhà đi vắng, những người hàng xóm cho biết có thể bà Liên đang đi lang thang đâu đó hoặc đang ở nhà người em trai là ông Nguyễn Văn Minh (sinh 1958) ở xóm 10, xã Nam Lộc. Chúng tôi tìm đường ngược ra phía ngoài làng và tìm đến nhà ông Minh. Thật may, đến đây gặp lúc bà Liên đang ăn bữa cơm trưa với gia đình người em trai. Hôm ấy đẹp trời, bà Liên không lên cơn và có thể trò chuyện được với khách. Nhưng những lời trò chuyện của bà có sự đan xen giữa thực tại và ký ức, giữa mê và tỉnh, giữa chiến tranh và hòa bình. Bà có nhắc tới cảnh máy bay địch quần thảo, những cánh rừng trụi lá, những cột khói trắng làm mắt mũi cay xè, lửa cháy ngùn ngụt...

Chuyện được một lúc, bà Liên bảo đau đầu, phải đi ngủ một lát. Lúc này, ông Minh mới có dịp kể về cuộc đời, số phận đáng thương của người chị gái. Vào thời điểm máy bay Mỹ ném bom ồ ạt xuống bến đò Vạn Rú-Rú Trét (nay thuộc xã Khánh Sơn, Nam Đàn) để chặn đường tiếp viện cho chiến trường miền Nam, bà Liên xung phong vào Trung đội “thép”. Đây là trung đội dân quân có nhiệm vụ chèo thuyền đưa bộ đội qua sông trong bất cứ tình huống nào. Bên cạnh đó, trung đội còn có nhiệm vụ rà phá bom nổ chậm, đảm bảo cho các phương tiện trên sông lưu thông được an toàn.

Năm 1971, bà Liên cùng một số thanh niên trong xã đăng ký tình nguyện đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường Quảng Trị và Nam Lào. Lần ấy, trong xóm có 7 người đi, chỉ có 2 người trở về nguyên vẹn, còn 3 người hy sinh, 2 người bị thương vì sức ép bom đạn (trong đó có bà Liên). Thời gian này, ông Minh cũng đang tham gia quân ngũ và chiến đấu ở miền Nam nên không nắm được cụ thể tình hình quê nhà.

Lúc ông xuất ngũ về quê thì bố mẹ đều đã mất và người chị gái đã sống trong tình trạng dở điên, dở dại. Người thân cho ông biết, sau khi tham gia dân công hỏa tuyến, bà Liên trở về sống với bố mẹ chừng 1 năm thì phát bệnh tâm thần. Bố mẹ lần lượt qua đời, bà Liên sống một mình trong căn nhà cũ của gia đình và hằng ngày thường đi lang thang khắp làng trên, xóm dưới. Sau khi lập gia đình riêng, ông Minh thuyết phục chị gái về ở nhà mình nhưng chỉ được mấy ngày bà Liên lại mang đồ về ở căn nhà cũ. Có lẽ, ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Thiên Nhẫn đã gắn bó với tuổi thơ cùng biết bao kỷ niệm vui buồn nên bà không nỡ rời xa.

Đến nay, bà Liên vẫn giữ thói quen của thời trẻ, luôn đi dép 4 quai, thích hát những ca khúc về Trường Sơn và những bài ca chiến đấu.

Bà Liên và người em trai (ông Nguyễn Văn Minh)

Hằng ngày, vợ chồng ông Minh thay nhau lo cơm nước cho người chị gái. Được sự cưu mang, chăm sóc tận tình, chu đáo của vợ chồng em trai, bà Nguyễn Thị Liên vẫn giữ được sức khỏe, không mấy khi ốm yếu. Nhưng có điều căn bệnh tâm thần có vẻ ngày càng nặng thêm. Ngay cả việc vệ sinh cá nhân, hầu như không mấy khi bà chủ động, mọi việc đều phải do ông Minh lo liệu. Vào những ngày trái gió trở trời, bà Liên lại la hét, tự cấu xé quần áo của mình đến rách bươm và hô vang những câu khẩu hiệu thời chiến đấu.

Rồi có lúc bà đi lang thang khắp các tuyến đường và không nhớ đường về. Cách đây không lâu, sau khi em trai đưa cơm và thức ăn vào, bà chất lên gánh cùng một số đồ đạc, quần áo rồi gánh đi vào phía nam theo Quốc lộ 15A. Đến tối vào không thấy chị gái, ông Minh tá hỏa đi tìm suốt đêm ngày nhưng chẳng thấy chị đâu. Trước tình cảnh ấy, ông Minh phải nhờ Hội Cựu chiến binh và Cựu Thanh niên xung phong xã Nam Lộc huy động hội viên chia thành nhiều tốp để tìm kiếm. Mãi 6 ngày sau mới tìm thấy bà đang nấp dưới một chiếc hố nhỏ giữa một rẫy sắn trên địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

Khi ấy, thức ăn đã hết, sức đã kiệt nhưng bà Liên vẫn hô to: “Nấp bắn!”. Lúc đầu, bà nhất quyết không chịu về với mọi người vì lý do: “Bộ đội đã hết gạo, họ đang đói nên tôi phải gánh vào để họ nấu ăn, đủ sức đánh giặc!”. Giờ đây, để đề phòng việc chị gái bỏ đi xa, ông Minh phải nhờ những gia đình hàng xóm của bà Liên giám sát. Hễ bà Liên bước chân ra đường, đi theo hướng nào sẽ có người gọi điện báo cho ngay cho tôi.

Kể về số phận người chị gái, ông Minh chợt rưng rưng: “Tội nghiệp chị ấy lắm, bạn bè cùng tuổi với chị giờ đã con cháu đuề huề, gia đình hạnh phúc. Vậy mà chị suốt ngày vẫn lang thang, nửa mê nửa tỉnh, gần như không mấy quan tâm đến cuộc sống quanh mình. Những đêm mưa gió, nghĩ cảnh chị ở một mình nơi bìa rừng, tôi không thể nào chợp mắt”. Chúng tôi cũng không tránh khỏi nỗi xót xa khi chứng kiến cuộc sống của bà Nguyễn Thị Liên - người phụ nữ trở về từ những “cánh rừng chết”.

Có thể nói cuộc sống của ông Thái Mai Toản và bà Nguyễn Thị Liên là điển hình cho số phận đáng thương của những người lính và Thanh niên xung phong trở về từ chiến trường, tù ngục. So với những đồng đội vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường, họ có cái may mắn là đã mất trí nhớ được trở về với làng xóm, quê hương. Nhưng điều đáng buồn là họ không thể rũ bỏ được ký ức chiến tranh, cuộc sống thực tại trở nên vô nghĩa, một mình sống với thế giới của riêng mình.

Phóng sự của Trần Công Kiên

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps