Những ngày tết ấy chưa xa

07:10 | 13/02/2016

1,237 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không biết, cho đến hôm nay, đây là mùa xuân thứ bao nhiêu mà thế hệ chúng tôi dù bây giờ không còn ai phải “nhịn miệng” để chuẩn bị cho 3 ngày tết, nhưng hầu như ai cũng luôn nhớ đến những ngày chưa xa kia, để muốn nhắc nhở con cháu mình đừng bao giờ dửng dưng với quá khứ một thời.

Vẫn biết, mỗi giai đoạn lịch sử cùng mỗi thế hệ được sống và hòa mình trong nhịp đập của từng thời kỳ ấy, đều có những kỷ niệm riêng của mình; tôi vẫn muốn xin được kể ra đây câu chuyện “lo tết” của một thời, mà đôi khi lớp trẻ hôm nay, trong đó có cả con cháu tôi, vẫn coi là những “câu chuyện cổ tích”. Đấy là những năm 70, 80 của thế kỷ trước.

nhung ngay tet ay chua xa

Những ngày ấy, sau bản hòa ca thống nhất khi non sông quy về một mối, cái câu chuyện áo cơm cùng bao nhiêu chế độ tem phiếu tồn tại dai dẳng ở miền Bắc từ những năm 60, 70 vẫn tiếp tục được duy trì như một sự khẳng định cái quyền lực bất di bất dịch của cơ chế bao cấp đầy ưu việt trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những ngày ấy, nhà tôi không may mắn có được một căn hộ tập thể dù cha tôi dẫu cũng là một cán bộ của một cơ quan Tổng cục; nhưng cái liêm khiết của ông có thể khiến mẹ tôi và anh em chúng  tôi vừa đi học đại học vừa lăn ra mà bán hàng nước, giao quẩy, giao bánh mỳ, nuôi lợn, gà... để bữa ăn đỡ độn nhiều bo bo hơn, lại chưa bao giờ khiến mẹ tôi và chúng tôi phải buồn về ông, thậm chí coi rằng đó là điều “trái quy luật tự nhiên”. Và ngày ấy, cũng như bao gia đình cán bộ, công nhân viên chức khác, gia đình tôi cũng phải chuẩn bị lo cho cái tết Nguyên đán từ trước đấy cả tháng.

Sổ gạo tất nhiên phải được gìn giữ một cách vô cùng cẩn thận rồi. Còn tiêu chuẩn gạo thì đã được chia làm nhiều loại, mức cao nhất là bộ đội được 21kg/tháng, người lao động nặng nhọc được 17kg, như nhà tôi toàn cán bộ với sinh viên đại học, học sinh phổ thông, thì hầu như đều ở mức 13,5kg hoặc hơn một chút cả. Chỉ có điều, muốn mua được đủ tiêu chuẩn cả gạo nếp lẫn gạo tẻ, phải chịu khó mà “tăm tia” xem ngày nào gạo sẽ về, để cắt nhau đi xếp hàng thật sớm. Bởi gạo đâu phải lúc nào cũng đầy kho, nên mỗi ngày cửa hàng quy định chỉ bán cho một sổ bao nhiêu cân, thậm chí những sổ nào đã mua tới mức tối đa rồi thì nếu gạo chưa về kịp, đến ngày nào mới được mua tiếp, âu cũng là lẽ thường tình. Cũng may, nhà tôi đông anh em, cửa hàng gạo lại không quá xa, nên hầu như ngày nào chúng tôi cũng tự phân nhau mà ghé qua cửa hàng xem họ thông báo bán hàng thế nào, để biết rồi cử nhau đi xếp hàng thật sớm. Vì thế, ngày ấy khi nhà tôi có tới ba anh em cùng theo học đại học, nhiều nhà ở tổ dân phố coi đó là chuyện bất bình thường; bởi nếu con cái nhà ai đi làm ở cửa hàng gạo, đi bán hàng thực phẩm, oai nữa là đi bán bách hóa, gia đình ấy mới được coi là gia đình thành đạt.

nhung ngay tet ay chua xa
Chợ hoa đào tết thời bao cấp

Mua được ít gạo nếp, phần đầu tiên của nồi bánh chưng coi như đã cơ bản xong. Còn thịt, đỗ xanh, lá dong... nhà nước phân phối theo tem phiếu, theo bìa mua hàng cả, nên cứ chịu khó mà đi xếp hàng, thế nào cũng mua đủ tiêu chuẩn đã được quy định cho từng loại. Phiếu mua thực phẩm gồm thịt lợn, thịt gà, cá, đậu phụ, trứng, nước mắm... cũng được xếp theo nhiều loại.

Phiếu A dành cho các bác từ hàng Bộ trưởng trở lên. Phiếu B là các bác cỡ Thứ trưởng, Tổng cục trưởng. Phiếu C1, C, D dành cho các bác hàng cục, vụ, trưởng phòng; riêng cán bộ cỡ cán sự các loại hay nhân viên bình thường có phiếu Đ, E. Còn, người lao động có phiếu I, II, III, IV. Nói chung, tem phiếu được cấp phải tương đương với mức lương và cấp hàm của từng người, nên nhân dân cũng có tem phiếu của mình. Trừ tiêu chuẩn của bố tôi vào loại tàm tạm, còn lại mẹ tôi thì về nghỉ mất sức sớm, chúng tôi lại toàn đi học, nên mẹ tôi phải dành tiêu chuẩn tem phiếu vài tháng theo đúng quy định, để hy vọng có được một cái tết gọi là, làm sao vừa phải đủ thịt cho nồi bánh chưng tết nhưng lại không thiếu đĩa thịt nhỏ trong mâm cơm cúng tổ tiên.

Tem phiếu thực phẩm chuẩn bị cho cái tết không thiếu thịt là một chuyện, nhưng chuyện sẽ mua được thịt lợn loại gì lại là cả một vấn đề. Chúng tôi vốn đã quen cảnh đi xếp hàng mua thực phẩm rồi, nên tốt nhất là phải biết thân phận mình, vì thế cứ một điều “Thưa cô! Cô ạ...”, có như thế mới may ra mới kiếm được miếng thịt không đến nỗi toàn da và lông.

Sau thịt lại đến đỗ, lá dong, rồi hộp mứt, gói bánh quy, bao thuốc lá, lạng mì chính, chai nước mắm..., nói chung là tất tần tật đều nằm trong cái bìa mua hàng của gia đình. Trước khi đi mua, chị em chúng tôi được mẹ dặn kỹ rằng, ô nào được mua gì, như vậy bìa mua hàng sẽ còn lại những ô gì, không được để các cô mậu dịch viên “cắt nhầm”, tức là sẽ mất đi những thứ hàng chưa có hôm nay. Và, tất nhiên, đã đi mua cho đủ những thứ hàng ấy, việc phải xếp hàng cỡ nửa ngày cũng là chuyện bình thường.

Những ngày ấy, nhà tôi dẫu gì cũng có cái nhà riêng lợp lá cọ, dù ở gần khu Cao - Xà - Lá (khu các nhà máy Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội, Thuốc lá Thăng Long), rồi còn có cái bếp nhỏ mà đun củi, có mảnh sân rộng mà bắc nồi đun bánh chưng, nên mẹ tôi thường mua sẵn củi từ nhiều tháng trước, vì thế phiếu mua dầu hỏa cũng không mấy khi dùng hết. Với mấy anh em chúng tôi, xem ra như thế  còn đỡ hơn nhà mấy đứa bạn cùng học được “may mắn” ở trong các khu tập thể cao tầng, nên cứ tết đến là mang bánh chưng ra mà “gửi” các tổ “phục vụ bán nước sôi” luộc thuê.

Riêng với tôi, hình như chuyện được giúp mẹ tôi vo gạo, đãi đỗ, rửa lá, thậm chí còn được mẹ cho gói thử vài chiếc bánh, khiến tôi luôn có cảm giác tự tin rằng: Không có việc gì là quá khó và không thể không làm được khi có người chỉ bảo, hướng dẫn cụ thể. Nhưng, thú vị nhất vẫn là việc được thức đêm mà canh nồi bánh chưng. Những lúc ấy, anh em chúng tôi thường hay lôi sách ra mà đọc, mà học, phần vừa để được thức cùng mẹ cả đêm trông nồi bánh, phần cũng là lúc được làm những công việc mình luôn yêu thích. Tôi thì chúi mũi vào mà đọc truyện, trong khi chú em tôi lại loay hoay giải toán; còn hai cô em gái, đứa thì lôi bài tập ra làm, đứa lại tranh thủ khâu cái áo, thêu cái khăn.

Bây giờ, với thế hệ các gia đình 8x, 9x, hình như chuyện lo sắm sửa cho một cái Tết Nguyên đán đúng là quá đơn giản. Bởi, không phải chỉ với chúng, mà ngay cả với chúng tôi nữa, giờ thì thứ gì chẳng có sẵn khi mà các cửa hàng, siêu thị với hàng ngàn loại hàng hóa khác nhau luôn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của tất cả các tầng lớp khách hàng. Sự tiện lợi ấy, thực sự là đáng mừng lắm. Chỉ có điều, hình như với lớp trẻ được sinh ra và lớn lên ở các thành phố hôm nay, chắc chắn rằng cái cảm giác về những ngày Tết Nguyên đán trong chúng không thể tồn tại hình ảnh của một bếp lửa hồng với nồi bánh chưng lúc nào cũng lục bục sôi.

Nguyễn Hòa Bình

Số Xuân 2016

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc