Những ngành “sống khỏe” trong khủng hoảng

16:15 | 14/06/2012

473 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việt Nam đang chứng kiến một thực tế khá kỳ lạ: doanh nghiệp đang phá sản, "chết" hàng loạt, trong khi ngành ngân hàng, thực phẩm vẫn "sống khỏe". Điều này được thể hiện rõ trong mùa đại hội cổ đông năm nay khi dòng vốn đổ về cho ngân hàng cũng như sự lên ngôi trong dòng thực phẩm nội…

Vốn ngân hàng giữ – lãi ngân hàng thu

Trong một nền kinh tế "khỏe mạnh”, ngân hàng bơm vốn vào sản xuất, sản xuất sinh ra lợi nhuận lại đổ vốn về ngân hàng. Dòng tiền cứ thế xoay vòng và thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam đang chứng kiến một thực tế người bán áp đảo người mua, nguồn cung áp đảo cầu, nên theo qui luật thị trường, giá hạ. Sự tụt áp của lãi suất khiến người ta nhớ lại tốc độ lao dốc của thị trường chứng khoán tháng 11 năm ngoái, chỉ khác là khi đó chứng khoán lâm vào khủng hoảng, còn bây giờ dù lãi suất cận đáy, ngân hàng vẫn sống khỏe.

Với tình trạng này lãi suất 10% một năm họ cũng không vay vì làm gì ra từng ấy phần trăm lợi nhuận, sau khi trừ mọi chi phí khác, để trả lãi ngân hàng?

Các ngân hàng thương mại nói rằng họ buộc phải mua trái phiếu, tín phiếu và giao dịch liên ngân hàng vì vốn đọng nhiều quá. Đây là kênh an toàn, đảm bảo không có nợ quá hạn. Giao dịch liên ngân hàng hiện nay phần lớn phải có tài sản thế chấp bằng vàng, ngoại tệ hay giấy tờ có giá, không phải bất động sản hoặc nhà xưởng, máy móc, nguyên liệu vốn chứa đựng không ít rủi ro như cho doanh nghiệp vay.

Đang xuất hiện hai thái cực trong nền kinh tế: lãi suất trái phiếu, tín phiếu và liên ngân hàng xuống mức thấp cực điểm kể từ năm 2007; doanh nghiệp không thể hấp thụ vốn, tiếp tục vật lộn trong khi hàng tồn kho vẫn ứ đọng. Tiền không thể đến nơi cần vốn và đang quay trở lại ngân hàng.

Tổng giám đốc một ngân hàng giải thích: “Những lĩnh vực không ưu tiên cũng chỉ còn 17% một năm, cái chính là doanh nghiệp không hấp thụ được vốn. Họ vay để làm gì khi hàng sản xuất ra không bán được dù lãi suất chỉ 15% một năm? Một số khách hàng của chúng tôi phải hạ giá bán sản phẩm, cắt lỗ mà tiêu thụ vẫn chậm. Với tình trạng này lãi suất 10% một năm họ cũng không vay vì làm gì ra từng ấy phần trăm lợi nhuận, sau khi trừ mọi chi phí khác, để trả lãi ngân hàng?”.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất tiền đồng tụt dốc, nhưng lãi suất thương mại lại thuộc hàng cao nhất thế giới. Ngay cả so với lãi suất đầu ra đô la Mỹ tại Việt Nam hiện khoảng 7-8% một năm, lãi suất cho vay tiền đồng vẫn gấp đôi. Trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp đã khó lòng chịu được mức lãi suất đó, huống hồ trong bối cảnh sản xuất đình đốn hiện nay, với lãi suất ấy càng vay càng nhanh “chết”.

Thực phẩm nội lên ngôi và sống khỏe

Kinh tế khó khăn nhưng nhiều công ty thực phẩm lớn trong nước như Kinh Đô, Vissan, Vinamilk… vẫn tăng trưởng và mở rộng bởi sự đa dạng trong sản phẩm, chất lượng tốt, phù hợp với khẩu vị người Việt Nam.

Vinamilk hiện đang là đơn vị khá “khủng” khi đứng ở vị trí là một trong số hiếm doanh nghiệp niêm yết đạt doanh thu hơn 1 tỉ USD

Tạp chí INC của Mỹ đã chọn ra 18 ngành tốt nhất để khởi nghiệp hiện nay, trong đó có sản xuất bánh kẹo. Theo các chuyên gia, bánh kẹo là một trong những mặt hàng có khả năng “kháng” khủng hoảng cao nhất. Bối cảnh chung của nền kinh tế hiện nay là tổng cầu của thị trường giảm, người tiêu dùng cơ cấu lại chi tiêu, quan tâm nhiều hơn đến giá cả và nhạy cảm với các chương trình khuyến mại.

Để phát triển kinh doanh, Công ty Kinh Đô miền Bắc đã đề ra 5 nhóm giải pháp, tập trung khai thác thị trường ít được quan tâm trước đây thông qua việc tổ chức đội cổ động bán hàng, xâm nhập, mở thị trường, xác định tiềm năng đặc thù của thị trường bằng việc mở đại lý, lập tuyến bán hàng. 10 năm qua, tổng doanh thu của Kinh Đô Miền Bắc đạt trên 5.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 600 tỷ đồng. Riêng năm 2011, dù khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng doanh thu của công ty dự kiến đạt 1.300 tỉ và lợi nhuận 150 tỉ đồng, đóng góp vào tổng doanh thu dự kiến của Tập đoàn Kinh Đô là 4.200 tỉ đồng, tăng 31% so với năm 2010. Lợi nhuận dự kiến đạt 550 tỉ đồng.

Ngoài đứng vững tại thị trường nội địa, Công ty Kinh Đô miền Bắc đã mở rộng sang thị trường xuất khẩu, cụ thể đang xây dựng được hệ thống phân phối tại những nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, một số nước EU…

Các doanh nghiệp khác cùng ngành thực phẩm cũng "sống khỏe” trong năm khó khăn này. Đơn cử như Công ty TNHH một thành viên Kỹ nghệ Súc sản Việt Nam (Vissan), trong năm 2011 dự kiến đạt tổng doanh thu hơn 3.600 tỉ đồng, tăng 8%.

Công ty cổ phẩm Thực phẩm Sao Ta (FMC) đã đạt kế hoạch doanh thu 80 triệu USD, tính đến hết quý 3. Dự kiến, cả năm, công ty này đạt doanh thu khoảng 88 – 92 triệu USD, vượt kế hoạch 10 – 15%.

Công ty được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực thực phẩm, được khá nhiều người quan tâm và biết đến đó là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (mã ck: VNM). Năm qua, doanh thu mà đơn vị này mang lại khá ấn tượng.

Theo báo cáo thường niên của công ty, doanh thu năm 2011 của Vinamilk đã đạt 22.070 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4.218 tỉ đồng (tăng gần 40% về doanh thu và 30% về lợi nhuận so với năm trước đó). Điều này cho thấy, VNM hiện đang là đơn vị khá “khủng” khi đứng ở vị trí là một trong số hiếm doanh nghiệp niêm yết đạt doanh thu hơn 1 tỉ USD năm 2011.

Nói về khả năng chống chọi tốt trong khủng hoảng sẽ thật thiếu sót khi không nhắc đến Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn (mã ck: LSS). Bởi theo Báo cáo thường niên năm 2011, Công ty này đã có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục so với năm 2010. Trong đó, doanh thu tăng 33% và lợi nhuận cũng tăng 29%.

Cùng với những công ty trên, hàng loạt công ty khác như Đường Biên Hòa (BHS), Đường Kon Tum (KTS), Đường Ninh Hòa (NHS)… cũng đều là những đơn vị được ghi nhận có “đề kháng” tốt khi lợi nhuận và doanh thu đều vượt kế hoạch đề ra.

Các chuyên gia cũng dự báo ngành thực phẩm Việt Nam trong năm 2012 tiếp tục tăng nhưng không cao như những năm trước. Tuy nhiên, thực phẩm nội có thể lên ngôi hơn nữa do sự đa dạng trong sản phẩm, chất lượng tốt, phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam, giá thành phải chăng.

Linh Nguyễn

tổng hợp