Những năm Thân đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam

14:30 | 08/02/2016

2,095 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Lịch sử nước ta đã trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong đó có những năm Thân với nhiều sự kiện như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn công bố áng hùng văn Hịch Tướng sĩ và mở cuộc tổng duyệt binh thủy bộ, chuẩn bị sẵn sàng chống 50 vạn quân Nguyên - Mông sắp sang xâm lược...

Năm Nhâm Thân (972) Vạn Thắng Vương sau khi lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Tiên Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ việt, đóng đô ở Hoa Lư. Để tránh cuộc đụng độ với nhà Tống, vua Đinh Tiên Hoàng đã sai con là Đinh Liễn mang đồ vật sang cống.

Vua nhà Tống sai sứ sang phong cho Đinh Tiên Hoàng là Giao Chỉ Quận Vương và phong cho Nam Việt Vương Đinh Liễn làm Tĩnh hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ.

Năm Bính Thân 1056, tháng 5, vua Lý hạ chiếu khuyến nông, mở đầu với quy mô lớn chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp.

Năm Giáp Thân 1224, tháng 10, Vua Lý Huệ Tông truyền ngôi cho Chiêu Thánh Công chúa (Lý Chiêu Hoàng) lúc mới 7 tuổi, trở thành nữ hoàng trẻ nhất và duy nhất trong lịch sử Việt Nam.

Ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu (1225) Lý Chiêu Hoàng có chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, chấm dứt 215 năm trị vì của nhà Lý, mở ra triều đại nhà Trần rực rỡ sau này.

nhung nam than dang nho trong lich su viet nam
Tượng Trần Hưng Đạo trên đảo Song Tử Tây - Trường Sa

Năm Nhâm Thân 1272, tháng 7, Lê Văn Hưu soạn xong bộ sách Đại Việt sử ký gồm 30 quyển chép từ cuối đời An Dương Vương đến hết triều Lý, là công trình sử học đồ sộ và toàn diện nhất thời kỳ cổ trung đại Việt Nam.

Năm Giáp Thân 1284, tháng 10, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn công bố áng hùng văn Hịch Tướng sĩ và mở cuộc tổng duyệt binh thủy bộ, chuẩn bị sẵn sàng chống 50 vạn quân Nguyên - Mông sắp sang xâm lược.

Năm Mậu Thân 1308: Vua Trần Nhân Tông qua đời tại am Ngọc Vân, núi Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh). Trần Nhân Tông là vị vua đã 2 lần lãnh đạo nhân dân Đại Việt đập tan 2 cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Nguyên vào các năm 1285, 1287. Trần Nhân Tông còn là thủy tổ phái Thiền trúc lâm Yên Tử để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng và văn hóa Việt Nam.

Năm Bính Thân 1416, tháng 3, Lê Lợi tổ chức Hội thề Lũng Nhai (Thọ Xuân, Thanh Hóa), cùng 18 người làm lễ tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em để đồng lòng đánh giặc.

Năm Mậu Thân 1428, tháng 1, khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng. Tháng 2, ban bố Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, được coi như một bản tuyên ngôn độc lập và thông báo chiến thắng. Ngày 29 tháng 4, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, mở đầu thời Lê (1428-1786) đặt lại quốc hiệu là Đại Việt, miễn giảm tô thuế cho dân, khen thưởng người có công và ban hành luật lệ, xây dựng bộ máy nhà nước trung ương tập quyền.

Năm Bính Thân 1776, khởi nghĩa Tây Sơn lan rộng và giành nhiều thắng lợi. Ngày 8 tháng 2, Nguyễn Lữ đem thủy binh đánh chiếm Sài Gòn khiến chúa Nguyễn đại bại, phải chạy về Đồng Nai. Tháng 4, Nguyễn Nhạc xưng Tây Sơn vương, đánh úp quân chúa Trịnh ở Quảng Nam.

Năm Mậu Thân 1788, ngày 22 tháng 12, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế (Quang Trung) rồi lập tức xuất binh ra Bắc đánh 29 vạn quân Thanh vừa kéo sang xâm lược.

Năm Nhâm Thân 1812, tháng 8, soạn xong Hoàng Việt luật lệ (còn gọi là Luật Gia Long) - bộ luật tổng hợp lớn nhất trong lịch sử phong kiến nước ta - gồm 22 quyển với 398 điều.

Năm Bính Thân 1836, tháng 2, triều Nguyễn xác định chủ quyền toàn vẹn trên quần đảo Hoàng Sa, cử Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đến đo đạc và cắm mốc. Tháng 7, cải cách giáo dục sâu rộng, định rõ kỳ sát hạch cho cả thầy lẫn trò và khuyến khích người Việt học ngoại ngữ.

Ngày 14 tháng 11 năm Mậu Thân 1888, Vua Hàm Nghi bị Pháp bắt đưa về Huế, lức bấy giờ nhà vua mới 17 tuổi. Không khuất phục được nhà vua, thực dân Pháp đày vua Hàm Nghi đi an trí tại Angiê (Thủ đô Angiêri nước thuộc địa Pháp ở Bắc Phi).

Năm Canh Thân 1920, ngày 25 tháng 12, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 của Đảng xã hội Pháp, bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế Cộng sản, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Năm Nhâm Thân 1932, ngày 10 tháng 3, mở đầu cuộc tranh luận sôi nổi và rộng rãi về vấn đề “thơ mới - thơ cũ”, dẫn đến chiến thắng của trào lưu thơ mới, tạo bước ngoặt quan trọng cho tiến trình phát triển nền thi ca nước nhà.

nhung nam than dang nho trong lich su viet nam
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22/12/1944.

Năm Giáp Thân 1944, ngày 7 tháng 5, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về chuẩn bị khởi nghĩa trên toàn quốc. Ngày 22 tháng 12, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm Bính Thân 1956, ngày 1 tháng 5, hơn 200.000 công nhân và nhân dân lao động Sài Gòn xuống đường đấu tranh chống Mỹ-Diệm. Ngày 11 tháng 5, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công hàm cho chính quyền Sài Gòn yêu cầu hiệp thương để bàn về vấn đề tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Ngày 8 tháng 6, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ cách mạng miền Nam.

Năm Mậu Thân 1968, ngày 29 tháng 1, mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân chống Mỹ - ngụy đồng loạt trên khắp các tỉnh thành miền Nam. Ngày 15 tháng 8, quân và dân Nghệ An bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 3100; Mỹ buộc phải chấm dứt vô điều kiện việc ném bom bắn phá miền Bắc kể từ ngày 1 tháng 11.

Năm Canh Thân 1980, ngày 23 tháng 7, anh hùng phi công Phạm Tuân tham gia chuyến du hành vũ trụ Xô-Việt, trở thành người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ. Ngày 18 tháng 12, Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Năm Nhâm Thân 1992, ngày 15 tháng 4, Quốc hội thông qua Hiến pháp mới 1992. Ngày 22 tháng 7, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (Hiệp ước Bali) và nâng quan hệ ngoại giao lên cấp đại sứ với nhiều nước trên thế giới. Ngày 16 tháng 10, tiến hành tổng điều tra dân số, thống kê được số dân nước ta lúc đó là 70.737.110 người.

Năm Giáp Thân 2004, nửa đầu năm, phong trào quan tâm đến chấn hưng và cải cách giáo dục trong toàn xã hội đạt tới đỉnh điểm. Tháng 10, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 5 (ASEM 5).

nhung nam than dang nho trong lich su viet nam

Năm Bính Thân 2016, cả nước bước vào xuân mới với những thành tựu to lớn, ổn định chính trị và chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ.

Cũng năm nay, chúng ta phấn khởi thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và tiến hành nhiều lễ kỷ niệm trọng đại: 30 năm công cuộc đổi mới toàn diện (1986-2016), 40 năm quốc hiệu Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976-2016), 70 năm bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta (1946-2016), sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp.

N.H