Những “lần đầu tiên” đáng nhớ của ngành y tế Việt Nam

10:16 | 11/01/2018

432 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2017 là một năm đáng nhớ với ngành y tế. Bởi nhiều kỹ thuật cao lần đầu tiên được thực hiện thành công để cứu sống người bệnh và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của y tế Việt Nam. 

Lần đầu tiên thực hiện ca ghép phổi từ người cho sống

Ca ghép phổi từ người cho sống tại Bệnh viện (BV) Quân y 103. Các bác sĩ BV Quân y 103, Học viện Quân y đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện ghép phổi cho bệnh nhi 7 tuổi. Người tặng phần phổi cho bé để ghép chính là bố bé (28 tuổi) và bác ruột (30 tuổi). Mỗi người tặng bé một phần phổi để tạo thành 2 lá phổi cho bé. Ca ghép diễn ra căng thẳng từ 7h30’ đến 17h30’ ngày 21-2. Ca ghép thành công, cháu bé hồi phục tốt. Thành công ca ghép phổi đầu tiên đã đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên tầm cao mới và mở ra hy vọng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý về phổi cần được ghép để kéo dài sự sống.

nhung lan dau tien dang nho cua nganh y te viet nam

Ca ghép phổi đầu tiên từ người cho sống ở BV Quân y 103

Lần đầu tiên thực hiện thành công ghép thận chéo

Tháng 2-2017, ca ghép thận đổi chéo từ người cho sống lần đầu tiên được thực hiện tại BV Chợ Rẫy, TP HCM. Theo các bác sĩ BV Chợ Rẫy, cặp thứ nhất có nguyện vọng được ghép thận gồm chị Lê Thị Ánh Hồng, 31 tuổi và người cho là ông T.N.X, 51 tuổi, ba dượng của chị H. Cặp thứ hai có nguyện vọng được ghép thận là chị Vũ Thị Huề, 32 tuổi và người cho thận là bà N.T.H, 58 tuổi, mẹ ruột của chị Huề. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm trước khi ghép thận cho thấy chị Hồng có một kháng thể chống lại kháng nguyên của người cho nên không thể tiến hành vì khi ghép có thể gây nguy hiểm cho người được ghép. Cặp thứ hai cũng gặp phải vấn đề tương tự. Do hai cặp cùng có nhóm máu B nên bác sĩ đã tư vấn để hai cặp ghép có thể đổi người cho thận để ghép chéo và đã được hai gia đình đồng ý.

Sau khi ghép xong, hai quả thận đều hoạt động tốt và chức năng trở về bình thường.

Việt Nam ứng dụng robot trong phẫu thuật thần kinh, thay khớp gối

Sáng 1-3, lần đầu tiên Việt Nam ứng dụng robot trong phẫu thuật thần kinh, thay khớp gối cho bệnh nhân, góp phần đẩy mạnh các kỹ thuật cao trong điều trị, giúp người dân không phải ra nước ngoài chữa bệnh. Đây là kỹ thuật cao được thực hiện tại BV Bạch Mai với tên gọi hệ thống robot phẫu thuật Mako và Rosa, được đánh giá hiện đại nhất tại Mỹ hiện nay. Hệ thống robot cho phép phẫu thuật với sự xâm lấn tối thiểu, hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng đến các mô lành xung quanh, mất máu ít, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau phục hồi.

Ghép tim trẻ em từ tim người lớn hiến tặng thành công

Giữa tháng 3-2017, BV Việt Đức thông báo đã tiến hành ca ghép tim cho một bệnh nhi 10 tuổi, nguồn tim được lấy từ một người cho chết não. Đây là lần đầu tiên các bác sĩ thực hiện ghép thành công quả tim từ người lớn hiến tặng cho một bệnh nhi, kịp thời cứu sống bé trong gang tấc bởi căn bệnh suy tim giai đoạn cuối.

“Chúng tôi phải thực hiện đồng thời 2 kíp, vừa mổ lấy tim từ người hiến, vừa phanh ngực người nhận. Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi mổ đã tạo nên kết quả bất ngờ ngoài sự tưởng tượng đó là quả tim rất vừa vặn trong lồng ngực và đập tốt sau ghép. Tổng thời gian chúng tôi thực hiện ca ghép này là 10 tiếng, nhiều gấp đôi so với những ca ghép tim trước đó”, PGS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực, BV Việt Đức cho hay.

Chữa vô sinh phương pháp mới mang hy vọng cho phụ nữ hiếm muộn

Đầu tháng 4-2017, lần đầu tiên BV Phụ sản Trung ương công bố nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp chữa vô sinh mới: “Nong vòi tử cung bằng catheter qua nội soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng”. Bệnh nhân đầu tiên là chị Nguyễn Thị Loan (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), vô sinh thứ phát 8 năm do tắc vòi tử cung. Các chuyên gia đánh giá, kỹ thuật mới này sẽ giúp cho nhiều phụ nữ hiếm muộn được làm mẹ với chi phí rất thấp. Đặc biệt, kỹ thuật có thể dễ dàng chuyển giao cho các cơ sở khám chữa bệnh khác để bệnh nhân bị bệnh tắc vòi trứng, nhất là ở đoạn kẽ, có cơ hội được phẫu thuật để mang thai tự nhiên.

Triển khai kỹ thuật nạo hạch chậu trong phẫu thuật điều trị ung thư trực tràng

Đầu tháng 8-2017, BV ĐH Y Dược TP HCM thông báo, Khoa Ngoại tiêu hóa của BV đã triển khai thành công kỹ thuật nạo hạch chậu trong phẫu thuật điều trị ung thư trực tràng. Đây là kỹ thuật tiên tiến lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, giúp giảm rõ rệt tỷ lệ tái phát tại chỗ, đem lại lợi ích thiết thực cho người bệnh. BS Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo, BV Đại học Y Dược TP HCM cho biết, Việt Nam chưa từng áp dụng kỹ thuật này trong điều trị ung thư trực tràng tính từ đầu năm 2017 trở về trước.

Ghép thành công tế bào gốc tạo máu không cùng huyết thống

Ngày 16-11, BV Truyền máu - Huyết học TP HCM công bố đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại Việt Nam. Ca ghép được thực hiện ngày 20-9 cho bệnh nhân là Q.D.A, được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy mono bào (JMML). Đây là một dấu mốc quan trọng, mở ra hy vọng chữa khỏi bệnh cho người mắc các bệnh lý ác tính không tìm được người cho tế bào gốc không cùng huyết thống phù hợp.

Phẫu thuật nội soi u hốc mắt qua đường mũi

Tại BV Việt Đức, tháng 11-2017, lần đầu tiên một nữ bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Thần kinh I thực hiện phẫu thuật nội soi u hốc mắt qua đường mũi. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được áp dụng thành công tại Việt Nam, giúp ca phẫu thuật nhẹ nhàng, không đau, không để lại sẹo, giảm nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng sau mổ, rút ngắn thời gian nằm viện, tiết kiệm chi phí điều trị.

Mổ tim bằng công nghệ 3D

Ngày 7-12-2017, lần đầu tiên ở Việt Nam, công nghệ 3D được ứng dụng trong mổ tim. Nơi thực hiện là Trung tâm Tim mạch, BV E Hà Nội. Bệnh nhân là bà Đ.T.T, 68 tuổi, ở Nam Định, mắc bệnh thông liên nhĩ, đã được mổ tim thành công nhờ công nghệ này. TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc BV E cho biết, công nghệ 3D làm cho phẫu thuật trở nên vô cùng “thật”: phẫu trường rõ nét (quả tim, mạch máu, phổi…) giúp phẫu thuật viên tiến hành thao tác thuận lợi, rút ngắn thời gian mổ và hạn chế các tình huống rủi ro.

Nguyễn Bách