Những hiểu lầm về năng lượng hạt nhân (Kỳ 1)

07:00 | 29/04/2018

1,861 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
LTS: Thật ra, lâu nay mọi người thường hay hiểu sai về năng lượng hạt nhân và cho rằng, đây là một nguồn năng lượng rất nguy hiểm. Do đó, các biên tập viên của Báo Thế giới năng lượng (Pháp) sẽ giúp chúng ta thay đổi cách nhìn về nguồn năng lượng này.

Kỳ I: Hạt nhân có phải nguồn năng lượng nguy hiểm không?

Mỗi năm, cứ đến ngày kỷ niệm thảm họa hạt nhân Fukushima và Tchernoby, các cuộc tranh luận về việc giảm tỷ lệ điện hạt nhân trong tổng sản lượng điện quốc gia lại diễn ra. Dù người dân Pháp có phản đối hay ủng hộ thì điều quan trọng là họ phải biết được các thông tin chính xác và những thách thức trong tương lai của ngành năng lượng này.

nhung hieu lam ve nang luong hat nhan ky i
Một nhà máy điện hạt nhân của Pháp

Năng lượng hạt nhân là không an toàn?

Vấn đề về độ an toàn (ngăn ngừa các rủi ro) và an ninh của 19 nhà máy hạt nhân này (việc bảo vệ người và môi trường trong trường hợp xảy ra sự tấn công từ bên ngoài) là điều được quy định bởi luật pháp cho ngành năng lượng hạt nhân, nên chúng ta không cần lo lắng và nhạy cảm quá mức về vấn đề này.

Trước hết, vấn đề năng lượng hạt nhân có an toàn hay không là thuộc về trách nhiệm của những người vận hành nhà máy. Kèm theo đó là các cơ quan nhà nước phải công bố các thông tin minh bạch, chính xác liên quan đến nguồn năng lượng này cho người dân biết. Trên thực tế, bên cạnh việc kiểm tra nội bộ hằng ngày do các nhân viên thực hiện, thì mỗi năm Cơ quan An toàn hạt nhân (ASN) cũng thực hiện gần 600 cuộc thanh tra tại các nhà máy hạt nhân. Ngoài ra, các nhà máy này có nghĩa vụ phải báo cáo tất cả các sự kiện xảy ra liên quan đến các lò phản ứng (năm 2015, 938 sự kiện đã được báo cáo), nhận sự điều tra từ phía Quốc hội (7 tài liệu được xuất bản năm 2012), chịu sự quản lý của Tòa án Kiểm toán (10 báo cáo từ năm 2012) và thường xuyên nhận các báo cáo đánh giá do các cơ quan nhà nước thực hiện. Hơn thế nữa, xã hội dân sự cũng sẽ nhận được sự đảm bảo từ phía Ủy ban về sự minh bạch và thông tin về an toàn nguyên tử (HCTISN) và Ủy ban thông tin địa phương (CLI), hai cơ quan chuyên thực hiện các báo cáo giám định độc lập hoặc thăm các lò phản ứng sau khi có sự cố xảy ra.

Nhà máy hạt nhân có rất nhiều rủi ro?

Tất cả mọi ngành công nghiệp đều luôn tồn tại rủi ro. Để tránh rủi ro, các mạch điện trong các nhà máy công nghiệp luôn được lắp đặt thêm với số lượng rất lớn và khi sự cố mất điện xảy ra, các mạch điện này sẽ tự vận hành một cách độc lập với nhau, không gây ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Tương tự như vậy, trong các nhà máy điện hạt nhân, người ta cũng thiết kế và vận hành các lò phản ứng độc lập với nhau, nên không thể xảy ra sự cố, làm đẩy nhanh quá trình phản ứng phân hạch, gây ra việc nổ lò phản ứng. Ngoài ra, trong bản thiết kế và vận hành lò phản ứng cũng đã tính đến các trường hợp xấu nhất có thể xảy ra và lên kế hoạch sẵn sàng tương ứng cho từng trường hợp: các vụ máy bay đâm vào nhà máy điện, các vụ tấn công khủng bố, các cuộc tấn công tin tặc vào hệ thống mạng của nhà máy, động đất, bão lũ... Trong giai đoạn từ năm 2015-2023, Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) đã lên kế hoạch đầu tư thêm 720 triệu euro nữa để trang bị thêm những công nghệ an ninh tiên tiến nhất cho các nhà máy hạt nhân.

Các lò phản ứng hạt nhân phát thải khí gây ô nhiễm?

Những đám mây trắng mà người ta hay nhìn thấy trên các tháp giải nhiệt của các nhà máy điện hạt nhân thật ra không phải là khí thải CO2 hay chất phóng xạ, mà đó là hơi nước. Trong quá trình vận hành các lò phản ứng, các tháp giải nhiệt cần phải được sử dụng để tản bớt lượng nhiệt sinh ra do quá trình ngưng tụ hơi nước dư thừa. Nước là thứ rất cần thiết để làm mát các lò phản ứng hạt nhân. Nhưng quá trình vận hành các nhà máy hạt nhân cũng tương tự như phần lớn các nhà máy công nghiệp khác đều tạo ra nước thải, do đó cần được giám sát liên tục.

Nhà máy điện hạt nhân có thể phát nổ?

Tất cả các nhà máy hạt nhân trên lãnh thổ quốc gia Pháp đều phải chịu sự kiểm soát thường xuyên và độc lập của ASN. Các nhà vận hành cũng phải cải tiến liên tục các thiết bị đảm bảo an toàn dành cho việc vận hành nhà máy. Do đó, nếu các chuyên gia về an toàn hạt nhân đã nói không có rủi ro, thì chắc chắn sẽ không có rủi ro xảy ra trong các nhà máy hạt nhân. Các lò phản ứng hạt nhân vẫn được đảm bảo an toàn theo như cam kết. Bên cạnh đó, EDF, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng vẫn luôn phối hợp chặt chẽ với nhau, cùng với Bộ Sinh thái và Đoàn kết phối hợp với Bộ Quốc phòng và An ninh cao cấp đảm bảo an toàn cho nhà máy mỗi ngày. Mọi biện pháp ngăn ngừa các thảm họa tồi tệ nhất luôn được chuẩn bị.

(Xem tiếp kỳ sau)

S.P

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps