Những dự án tổn hại đa dạng sinh học tại Sơn Trà

22:00 | 13/04/2017

1,788 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bán đảo Sơn Trà đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người Đà Nẵng. Đó không chỉ là lá phổi xanh của thành phố, mà dường như nó là một bảo vật thiêng liêng trong đời sống của người Đà Nẵng. Hơn thế, nơi đây còn là nơi có vị trí chiến lược quân sự quan trọng. Việc quy hoạch Sơn Trà cho phép xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng đã vấp phải sự phản đối khá mạnh từ phía công luận và các nhà khoa học. Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia về vấn đề này.   

Thạc sĩ Sinh thái học Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học nước Việt Xanh: “Muốn bảo tồn thì không phải bạ cây nào chặt cây đó”

PV: Sơn Trà là một nơi có hệ động, thực vật phong phú. Công tác bảo tồn, kiểm đếm động, thực vật ở đây đang được diễn ra thế nào? Và ông đánh giá thế nào về công tác bảo tồn hiện nay ở bán đảo Sơn Trà?

nhung du an ton hai da dang sinh hoc tai son tra

Thạc sĩ Trần Hữu Vỹ: Sơn Trà đang sở hữu 985 loài thực vật, 287 loài có vú và 115 loài chim, chưa kể hệ sinh thái biển dưới nước. Có thể nói, vùng đất này có một quần thể sinh thái nhiệt đới đa dạng và độc đáo hàng đầu Việt Nam. Và nhắc đến Sơn Trà là nhắc đến loài voọc chà vá chân nâu. Hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp chúng tại một số khu vực của bán đảo Sơn Trà.

Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, là sự thuận lợi để phát triển du lịch theo hướng nghiên cứu và tham quan. Việc đàn voọc gần gũi với con người cũng chứng tỏ một điều là, việc bảo tồn đang được thực hiện tốt. Và áp lực săn bắn lên đàn voọc cũng không phải lớn. Vì nếu có áp lực săn bắn, chúng sẽ trốn vào rừng sâu.

Hiện giờ chưa có một nghiên cứu đầy đủ, chính xác về số lượng của loài này. Báo cáo của năm 2010 là 300 con, còn báo cáo năm 2007 là khoảng 200 con. Việc sau này phát hiện ra nhiều đàn hơn, nhiều cá thể hơn cũng là việc thường tình. Vì phương pháp điều tra ngày càng tiên tiến, đầy đủ hơn. Trong tháng 4 này, chúng tôi sẽ có những đoàn đi điều tra, khảo sát theo tuyến. Kết quả thu về sẽ là kết quả chính xác nhất từ trước đến giờ.

PV: Việc bảo tồn Sơn Trà nằm ngay cạnh một thành phố hơn 1 triệu dân có gặp nhiều khó khăn không, thưa ông?

Thạc sĩ Trần Hữu Vỹ: Nói chung ở Việt Nam, việc bảo tồn đa dạng sinh học gặp nhiều khó khăn, áp lực. Trong đó có một áp lực là cộng đồng sinh sống xung quanh các khu bảo tồn. Đặc thù ở những nơi khác, cộng đồng có trình độ nhận thức không tốt, cuộc sống, thu nhập phụ thuộc vào tài nguyên rừng nhiều. Đó là khai thác gỗ, củi, động vật, thực vật. Có thói quen từ xưa, thích vào rừng bắn con chim, bắt con thú.

Nhưng đối với Đà Nẵng thì thực tế là ở Sơn Trà áp lực với cộng đồng xung quanh không lớn. Thứ nhất là, đời sống người dân vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cũng khá cao so với các vùng khác. Cuộc sống lại chủ yếu dựa vào biển. Còn lại lên rừng chỉ là lấy lá, cây thuốc, mật ong; nhưng số lượng rất ít và hiện tại thì ngày càng giảm. Điều đó là một thuận lợi. Thứ hai là, nhận thức của người dân ở thành phố cũng cao so với các khu vực bảo tồn khác.

Áp lực của việc bảo tồn ở bán đảo Sơn Trà bây giờ lại chính là các dự án phát triển du lịch. Đặc thù của Sơn Trà là như vậy.

PV: Chính phủ đã thông qua quy hoạch phát triển bán đảo Sơn Trà, trong đó có nhiều địa điểm được quy hoạch thành khu nghỉ dưỡng du lịch. Trên góc độ nhà bảo tồn, ông có những tham vấn gì để có thể bảo tồn được sự đa dạng sinh học ở đây?

Thạc sĩ Trần Hữu Vỹ: Trong quy hoạch mới công bố, đã tác động nhiều đến đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà. Nếu là khu du lịch, nhưng cho khách tham quan mà không nghỉ lại, sự tác động sẽ ít hơn việc xây dựng các khu lưu trú. Sơn Trà quá gần thành phố. Ở TP Đà Nẵng có đầy đủ các khu nghỉ dưỡng đáp ứng được các yêu cầu khắt khe nhất về tiêu chuẩn. Tại sao cứ phải nghỉ lại tại Sơn Trà?

Phải nghĩ đến việc bảo tồn và phát triển bền vững. Bảo tồn không có nghĩa là cấm. Bảo tồn là khai thác, bảo vệ, khai thác một cách bền vững. Bán đảo Sơn Trà nên quy hoạch thành một khu du lịch theo hướng bền vững. Trước hết là mình phải xem việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hệ động, thực vật trên bán đảo Sơn Trà là ưu tiên hàng đầu. Sau đó là khai thác các giá trị của nó. Làm các tuyến du lịch đi tham quan, tìm hiểu thiên nhiên, khám phá hệ thực vật, quan sát động vật hoang dã. Và có thể làm các điểm quan sát, điểm học tập môi trường. Các tuyến thiết kế phải đảm bảo nguyên tắc không phải đụng cây nào chặt cây đó. Thậm chí cây dây leo cũng phải giữ. Một hệ sinh thái có sự liên kết với nhau, có nhiều tầng. Cây bụi, cây dây leo là một tầng trong rừng.

nhung du an ton hai da dang sinh hoc tai son tra
Voọc chà vá chân nâu, biểu tượng của Sơn Trà

PV: Việc xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng sẽ chia cắt sinh cảnh, không gian sống của đàn voọc. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Thạc sĩ Trần Hữu Vỹ: Giữa bảo tồn và phát triển kinh tế thường tồn tại mâu thuẫn. Tất cả các cơ sở kinh doanh muốn xây dựng và phát triển đều phải mở đường, kể cả đường vận chuyển vật liệu lẫn đường nội bộ. Dự án Intercon được đánh giá là gần gũi với thiên nhiên, nhưng hiện tại đã chia cắt bãi Bắc với phần còn lại của bán đảo Sơn Trà. Rất nhiều quần thể voọc ở phía bãi Bắc không thể di chuyển được vào phía trong, phía rừng lớn. Bây giờ đang có ý tưởng làm những cầu cây xanh để bắc qua vùng này để đàn voọc có thể di chuyển kết nối 2 khoảng rừng lại với nhau.

Hiện tại, đàn voọc ở hai nơi không liên lạc được với nhau. Bởi vùng này có sự tác động quá lớn của con người. Chúng muốn qua để liên lạc, giao phối với nhau thì phải chạy xuống đường. Đó là những tập tính hiếm của voọc và là những tập tính chúng tôi hoàn toàn không mong muốn. Những cá thể phía bãi Bắc chưa xuống đường và chưa có tập tính đó. Khi con voọc xuống đường thì đồng nghĩa với khá nhiều nguy hiểm từ giao thông, từ địa hình trống trải, tạo điều kiện cho việc săn bắt. Khi nó xuống đất nhiều thì sẽ tạo thành thói quen cho đàn voọc, điều đó đồng nghĩa với việc săn bắt dễ hơn. Cụ thể là năm 2015 có 3 con voọc bị bắn. Đó là phát hiện ra, còn chưa phát hiện ra thì không biết.

PV: Trên thực tế, việc quy hoạch các khu nghỉ dưỡng ở bán đảo Sơn Trà đa số nằm ở vị trí bờ biển. Điều này tạo một sự nhận định trong dư luận là ở dưới biển thì không ảnh hưởng nhiều đến đa dạng sinh học của các khu rừng ở phía trên. Liệu nhận định này có phải là sai lầm?

Thạc sĩ Trần Hữu Vỹ: Tôi khẳng định, đây là những nhận định sai lầm. Những dự án ở phía dưới ven biển là những “điểm chết” của hệ sinh thái Sơn Trà. Hệ sinh thái là một chuỗi vận động liên hoàn. Trong đó, vai trò của con ếch, con bọ cũng giống như con voọc, con thú. Không có nghĩa chúng nhỏ bé mà chúng không có vai trò gì. Chính những dự án ở phía bờ biển đã cắt đứt chuỗi vận động liên hoàn, làm mất tính liên tục từ dưới biển lên trên rừng của hệ sinh thái. Điều này làm hỏng khu vực chuyển tiếp và làm tổn thương cả hệ sinh thái.

Chúng ta cứ tưởng tượng, hệ sinh thái như một cơ thể sống. Tác động, làm tổn thương ít thì phục hồi sẽ nhanh. Còn bị tổn thương nặng thì sẽ mất thời gian phục hồi lâu hơn, hoặc có thể là không thể phục hồi. Chưa kể, vùng dưới cao độ 200m là vùng phân bố của voọc chà vá chân nâu. Theo đặc tính sống của loài này tại bán đảo Sơn Trà từ xưa, chúng rất thích ra các tảng đá ven bờ biển. Đó là một tập tính sống của voọc ở Sơn Trà. Nhưng giờ chính các dự án đã chia cắt chúng với bờ biển. Cạnh đó, việc xây dựng các dự án này cũng dẫn đến sự cạnh tranh và xung đột về nguồn nước, vì khi xây dựng các công trình phục vụ khu nghỉ dưỡng thường tiến hành trồng thay thế cây không phải là cây bản địa ở Sơn Trà. Các công trình xây dựng cũng gây ra sự ồn ào, nguồn điện chiếu sáng và tần suất con người xuất hiện cũng có khả năng gây stress, thay đổi tập tính sinh hoạt tự nhiên của loài, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và tuổi thọ của loài.

Voọc là loài linh trưởng, nghĩa là chúng có tâm tư, tình cảm và những thói quen khá giống con người. Khi bị thay đổi môi trường sống, thay đổi tập tính sẽ sinh ra nhiều hệ lụy, trong đó có hệ lụy về việc phát triển nòi giống. Điều này rất nguy hiểm cho công tác duy trì loài và bảo tồn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm - nguyên Phó chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị TP Đà Nẵng: Quy hoạch không được đụng đến Sơn Trà

PV: Ông là người có tiếng nói phản biện mạnh mẽ với dự án xây dựng trên bán đảo Sơn Trà thì hẳn ông có nhiều cảm xúc khi TP Đà Nẵng khẳng định sẽ xem xét lại quy hoạch trên bán đảo Sơn Trà và nếu cần thiết sẽ báo cáo Thủ tướng?

nhung du an ton hai da dang sinh hoc tai son tra

Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm: Tôi rất mừng. Báo cáo để Chính phủ xem xét lại là một điều tất yếu vì không có một quy hoạch nào mà vừa đưa ra đã có những phản ứng mạnh mẽ của giới khoa học, của các nhà bảo vệ môi trường, du lịch và nhân dân TP Đà Nẵng. Họ đã kêu gọi chính quyền địa phương, kêu gọi Chính phủ xem xét lại cái quy hoạch này. Việc dừng quy hoạch, đề nghị Chính phủ xem xét lại quy hoạch là một bước tôi cho rằng rất hợp lòng dân.

Ở đây cho thấy, quy hoạch đã được phê duyệt, nhưng khi công luận lên tiếng và các chuyên gia, học giả đóng góp ý kiến. TP Đà Nẵng cũng đã cầu thị, lắng nghe và sửa đổi. Điều đó chứng tỏ không phải quy hoạch nào, kể cả đã được cấp cao nhất thông qua cũng không phải là bất biến, mà có thể sửa đổi, bổ sung nếu thấy những tồn tại của nó. Điều đó thể hiện Chính phủ rất cầu thị, lắng nghe ý kiến từ các cơ quan tư vấn, các nhà phản biện. Thủ tướng Chính phủ đã nói “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, điều đó có thể áp dụng ngay vào Sơn Trà ở thời điểm này.

PV: Là chuyên gia quy hoạch, theo ông có thể quy hoạch phát triển Sơn Trà mà vừa phát triển được kinh tế và vừa giữ gìn thiên nhiên?

Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm: Điều này hoàn toàn có thể được. Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên, là rừng quốc gia quý hiếm mà ít nơi nào trên thế giới có được. Bởi chỉ với diện tích nhỏ nhưng Sơn Trà lại có gần 1.000 loại cây, trong đó có mấy trăm loại dược liệu quý hiếm đã và đang được nghiên cứu. Sơn Trà cũng có gần 200 loài động vật, trong đó có những loài đặc hữu như voọc chà vá chân nâu. Khó có nơi nào người dân có thể nhìn thấy voọc một cách dễ dàng và cũng cần hiểu, con người và thiên nhiên nơi đây đã sống hòa hợp bao nhiêu năm mới được như vậy. Đó chính là vốn quý mà cả thế giới đang quan tâm đến Sơn Trà, thế nhưng chính chúng ta lại không hiểu và không bảo vệ là điều vô lý. Đà Nẵng đánh giá đó là tiềm năng độc nhất vô nhị và phát triển theo hướng đó để thu hút các nhà khoa học đến nghiên cứu, tìm hiểu, càng nhiều người biết Sơn Trà.

Du khách đến với Đà Nẵng không phải là chỉ để ngắm những công trình lớn, vĩ đại, bởi trên thế giới đã đầy rẫy mà thậm chí còn đẹp và to lớn hơn. Chỉ có thiên nhiên, con voọc chà vá chân nâu và cả lịch sử Sơn Trà mới là điều thu hút du khách. Tiềm năng của Sơn Trà chính là phục vụ du lịch nghiên cứu, tìm hiểu, chứ không phải xây biệt thự, bán để kiếm tiền mà chúng ta hay gọi cho hay là du lịch nghỉ dưỡng như thời gian qua.

PV: Hiện Đà Nẵng đã tuyên bố sẽ điều chỉnh quy hoạch, vậy theo ông nên điều chỉnh theo hướng như thế nào để đảm bảo sự hài hòa phát triển và bảo tồn những sự đa dạng sinh học. Quan trọng hơn cả là đảm bảo an ninh quốc phòng, quốc gia?

Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm: Trước hết, phải bỏ ngay những quy hoạch nào đụng đến đất rừng Sơn Trà để trả lại cho Sơn Trà là một khu rừng nguyên sinh. Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng phải là nơi xây dựng quy hoạch, bởi chính Đà Nẵng phải hiểu rõ Sơn Trà là tài sản của thành phố chứ không thể ai nói gì làm nấy. Làm quy hoạch nào phải có mục đích của quy hoạch đó. Và phải đảm bảo được câu trả lời cho câu hỏi “quy hoạch đó làm cái gì?”, “quy hoạch đó có đúng quy định của Bộ Xây dựng không?”... Như vậy mới đúng được cái lợi ích.

Chúng tôi cũng kiến nghị là phải dỡ luôn cả 40 đế móng biệt thự và phải trồng cây trở lại. Một quy hoạch lấy hơn 1.000ha đất của bán đảo Sơn Trà, trong đó có rừng nguyên sinh đã được Thủ tướng Chính phủ ký công nhận là 1 trong 10 rừng quốc gia từ năm 1977. Khi sử dụng quy hoạch lấy 1.000ha, nghĩa là 1/4 mảnh đất đó để làm resort biệt thự là rất vô lý. Không thể hiểu tại sao người ta lại giao cho một công ty du lịch đi làm quy hoạch bán đảo Sơn Trà.

Mặc dù Luật Quy hoạch chưa được Quốc hội thông qua, nhưng Chính phủ chính là cơ quan Trung ương trình luật đó. Trong đó có quy định, khi muốn làm quy hoạch thì phải công bố cho cộng đồng, cho nhân dân địa phương biết quy hoạch đó. Vậy cái quy hoạch vừa rồi đã duyệt đó thì trước hết phải xin ý kiến của các nhà quy hoạch, khoa học của địa phương là TP Đà Nẵng. Đó là Liên hiệp Các Hội khoa học Kỹ thuật, Hội Lịch sử, Hội Lâm sinh, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, những nhà quân sự và nhân dân của TP Đà Nẵng. Bởi vì không có những người đó thì không ai có thể nói một cách đúng đắn về Sơn Trà cả.

Nói đến an ninh quốc phòng, bán đảo Sơn Trà là một căn cứ quân sự, hải quân, phòng không cực kỳ quan trọng. Trên Sơn Trà hiện nay có những đài quan sát, căn cứ quân sự của chúng ta quản lý từ xưa. Đài quan sát này có tầm hoạt động đến Hoàng Sa của Việt Nam. Trước đây, người Mỹ từng xây dựng căn cứ quân sự tại Sơn Trà. Chúng ta đã tiếp quản và nâng cao khu vực này trở thành một khu vực phòng thủ bất khả xâm phạm. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của Sơn Trà trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Quy hoạch gì thì cũng phải đảm bảo được yếu tố này.

PV: Ông vừa phân tích về những bất cập trong công tác lập quy hoạch hiện nay của Đà Nẵng. Trong đó có việc phải lấy ý kiến của nhân dân khi quy hoạch, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm: Trước hết quy hoạch phải cho nhân dân được biết. Anh làm cái gì không hợp lòng dân, không thực hiện đúng những gì anh đã đề ra. Đảng và Chính phủ đã giao cho anh nhiệm vụ làm quy hoạch, để phát triển đất nước và xã hội nhưng mà anh không để người dân tham gia, nghĩa là anh không đảm bảo được nguyên tắc “dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Muốn quy hoạch Sơn Trà để làm giàu cho Đà Nẵng. Nhưng cách làm giàu ấy là thiển cận, coi như chỉ “bán” được 1.000ha đất nhưng phá hủy cả một môi trường sinh thái, phá hủy cả một báu vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Nẵng cả ngàn năm nay. Ý kiến của người dân có ý nghĩa quan trọng về dung hòa lợi ích và tạo sự đồng thuận. Mặc dù người dân không có đủ kiến thức như những nhà khoa học nhưng họ là người sinh sống ở nơi đó, dành tình cảm cho Sơn Trà, khi họ thấy những xây dựng ở Sơn Trà không phục vụ lợi ích của họ mà còn tàn phá Sơn Trà thì họ cần lên tiếng như những ngày qua.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bán đảo Sơn Trà nằm cách trung tâm TP Ðà Nẵng chừng 10km về hướng Ðông Bắc, có diện tích 60km2. Trước kia, bán đảo Sơn Trà là một hòn đảo gần bờ gồm 3 ngọn núi. Qua thời gian dài, việc bồi đắp dần đã tạo thành bán đảo Sơn Trà. Sơn Trà đang sở hữu đến 985 loài thực vật, 287 loài có vú và 115 loài chim, chưa kể hệ sinh thái biển dưới nước. Đây là vùng đất có một quần thể sinh thái nhiệt đới đa dạng và độc đáo hàng đầu Việt Nam.

Thanh Hiếu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc