Những đôi chân không mỏi

07:00 | 31/08/2016

130 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Phía thượng nguồn sông Mã, ẩn khuất sau những khối bê tông cao ngất, ngày nắng cũng như ngày mưa, có những đôi chân vẫn đều đặn bước đi. Lặng lẽ vượt khó khăn, thách thức của thời tiết, phá bỏ mọi rào cản về ngôn ngữ... họ đã làm thay đổi nhận thức, tư duy làm kinh tế, xóa bỏ những hủ tục, tập quán canh tác lạc hậu, giúp đồng bào các dân tộc ở xã Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa) vươn lên thoát nghèo bền vững. Họ là những cán bộ của Phòng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn (Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn).  

Một ngày đầu tháng 8, ngược Quốc lộ 6, vượt qua những ngút ngàn xanh ngắt của núi rừng Tây Bắc, dừng chân ở thị trấn Mai Châu trước khi rẽ vào “chảo lửa” Co Me - nơi Nhà máy Thủy điện Trung Sơn đang lừng lững mọc lên thi gan cùng đất trời vùng Tây Thanh Hóa. Có thể nói, với Dự án Thủy điện Trung Sơn, tôi có một chữ “duyên”. Bởi một chữ “duyên” mà cứ có dịp là tôi lại tìm lên Ban Quản lý dự án, vào công trình để gặp gỡ, trò chuyện với những người “lính thủy điện” ở Trung Sơn. Vậy nên, với Trung Sơn, tôi có gì đó rất gần gũi, gắn bó mà mỗi lần đặt chân đến đây, tôi có cảm giác như về nhà.

nhung doi chan khong moi
Chủ tịch UBND xã Trung Sơn Đinh Xuân Diện

Đường từ thị trấn Mai Châu đến Co Lương (Mai Châu, Sơn La) về Trung Sơn là đường độc đạo, dài chừng 40km và được rải nhựa. Năm 2004-2005, đây chỉ là con đường mòn, nằm ẩn dưới tán lá rừng, để đi đi về về trên quãng đường đó ra thị trấn Mai Châu, người dân Trung Sơn phải mất cả ngày đường. Đó là ngày nắng ráo, còn ngày mưa thì chịu, có muốn đi cũng không được do trơn, do lầy, bùn ngập cả mét. Chính vì thế, vào mùa mưa, có khi Trung Sơn bị cô lập cả tuần, cả tháng. Đến năm 2007, khi Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn vào tiến hành khảo sát, làm dự án thì con đường mới được mở rộng hơn đôi chút, nhưng vẫn là đường rải đá cấp phối, xe máy có thể đi lại dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vì là đường đất, lại hẹp, bám theo các sườn đồi, sườn núi nên khi trời mưa cũng chẳng ai dám liều mình chạy xe ra thị trấn Mai Châu cả. Chỉ đến năm 2011-2012, khi Dự án Thủy điện Trung Sơn chính thức được triển khai, con đường mới được mở rộng, rải nhựa, trước là phục vụ công tác thi công, xây dựng dự án, sau là tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho bà con.

Vì đã nhiều lần đến Trung Sơn, được gặp gỡ, trò chuyện với các cán bộ, công nhân viên của Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn nên phần nào tôi hiểu được những khó khăn, thách thức mà những người “lính thủy điện” ở đây đã phải vượt qua. Tôi được nghe anh em kể về những ngày nắng như thiêu như đốt, giữa những khối bê tông cốt thép bị “nung đỏ” và thung lũng Co Me chẳng khác cái “chảo lửa” khổng lồ trực chờ nung cháy tất thảy, thiêu rụi mọi sự sống. Là những đêm mưa dầm rả rích khiến cảm giác cô đơn, nhớ nhà, nhớ gia đình như cào xé tâm can… Lần này đến Trung Sơn cũng thế, tôi đã được nghe kể nhiều về cuộc sống, công việc của các anh. Trong bộn bề những câu chuyện đó, điều tôi ấn tượng nhất chính là cách các anh đã và đang làm để thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng đất Trung Sơn - một trong những vùng đất nghèo khó nhất nước này.

nhung doi chan khong moi
Lỷ Chung Sinh trong một buổi tham vấn sinh kế ở điểm tái định cư Co Pùng

Cũng phải nói thêm rằng, Dự án Thủy điện Trung Sơn là dự án thủy điện duy nhất tính đến thời điểm này được Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ vay vốn. Quá trình triển khai dự án cũng có nhiều nét đặc thù, phải tuân thủ theo những yêu cầu, tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt và bị giám sát chặt chẽ bởi các đơn vị tư vấn, các đoàn chuyên gia của WB. Công tác di dân tái định cư của dự án có thể xem là điển hình. Thay vì do các cấp chính quyền địa phương đứng ra tổ chức thực hiện, chủ đầu tư chỉ phải lo kinh phí thì ở Trung Sơn, toàn bộ quá trình này sẽ do chủ đầu tư thực hiện. Không chỉ lo cho bà con có chỗ ăn, chỗ ở đàng hoàng mà các anh còn đang nỗ lực trang bị cho bà con những kiến thức cơ bản nhất chuyển đổi mô hình kinh tế gia đình, tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật…

Anh Hoàng Ngọc Hiển - Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn khi nhắc đến câu chuyện này đã bảo rằng: Do tính chất đặc thù, việc di dân tái định cư phục vụ các dự án thủy điện luôn gây những xáo trộn rất lớn đến cuộc sống, tập quán canh tác, sinh hoạt của người dân, nên công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư luôn đặt ra những khó khăn, thách thức rất lớn. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu, một trong những yêu cầu được lãnh đạo công ty đặt ra cho những người làm công tác này là phải hiểu, nắm rõ thói quen sinh sống, cũng như canh tác của người dân vùng phải di dời, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ để tìm ra lời giải thỏa đáng nhất. Ở Trung Sơn, bất kể là lãnh đạo hay cán bộ, nhân viên, hễ được hỏi là có thể trả lời và nếu nhận được bất kỳ thắc mắc hay đề xuất gì, nếu không đủ thẩm quyền giải quyết thì phải báo cáo lãnh đạo, trả lời người dân một cách nhanh nhất, thỏa đáng nhất.

Đặc biệt, bên cạnh việc đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, chủ đầu tư còn giúp người dân trong việc phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình thông qua việc hỗ trợ vật nuôi, cây trồng... rồi cử cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn cho bà con nuôi trồng sao cho đúng cách, mang lại hiệu quả cao nhất... Công tác di dân tái định cư của Dự án Thủy điện Trung Sơn vì thế luôn bám sát tiến độ đề ra, đáp ứng các yêu cầu đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa để phục vụ công tác phát điện vào cuối năm 2016.

Công tác di dân tái định cư tại Dự án Thủy điện Trung Sơn đang được triển khai theo đúng tiến độ đề ra, đảm bảo việc đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa, sẵn sàng phát điện vào cuối năm 2016. Nhưng để đạt được kết quả đó là cả một quá trình nỗ lực rất lớn của những người “lính thủy điện” Trung Sơn. Theo Lỷ Chung Sinh - cán bộ Phòng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn, những khu vực thuộc phạm vi di dời của Thủy điện Trung Sơn đều rất khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, tập quán canh tác lạc hậu... Thậm chí, có nơi trước khi có dự án cuộc sống của người dân gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân thực hiện di dân, tái định cư. Trong quá trình tham vấn, nhiều khi vì không hiểu tiếng của đồng bào, các anh phải nhờ người phiên dịch, hiệu quả rất thấp. Sau này, các anh phải tiến hành thu bài tham vấn, giới thiệu về dự án vào băng cát-sét, rồi dịch ra tiếng của đồng bào phát cho các bản. Ai có thắc mắc gì hoặc chưa hiểu về dự án có thể đến nhà các già làng, trưởng bản mượn đài và băng nghe lại.

Trong quá trình triển khai các chương trình sinh kế - chương trình hỗ trợ người dân di dân tái định cư ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình của Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn - cũng gặp vô vàn khó khăn. Vì nhiều nơi gần như sống biệt lập với thế giới bên ngoài, cuộc sống tự cung tự cấp, thậm chí chẳng biết nuôi trồng mà chỉ phụ thuộc vào các sản vật từ rừng, người dân không có một chút hiểu biết gì về chăn nuôi, trồng trọt. Vậy nên, khi được cán bộ trong Ban Quản lý xuống tuyên truyền, giới thiệu về các mô hình sản xuất kinh tế mới, họ nhất định không chịu làm. Nhà nào chịu thì cũng chỉ được thời gian lại bỏ, lại đi rừng chặt cây luồng mang xuống chợ bán lấy tiền đổi cân gạo, cân muối. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, bằng tinh thần trách nhiệm, với sự quyết tâm, nỗ lực cao nhất, những khó khăn, thách thức đó dần được đẩy lùi. Dân chưa hiểu, còn thắc mắc thì các anh sẽ trả lời. Dân không chịu nuôi trồng thì ngày ngày các anh lại phân công nhau xuống các bản, vào từng nhà để vận động, hướng dẫn bà con nuôi trồng... Người dân từng bước hiểu được tấm chân tình của những người “lính thủy điện” và làm theo. Cuộc sống của người dân ở các khu vực thuộc diện tái định cư của dự án từng bước được cải thiện, nâng lên rõ rệt.

nhung doi chan khong moi
Điểm tái định cư Co Pùng

Chủ tịch xã Trung Sơn Đinh Xuân Diện khi nói về những đổi thay ở Trung Sơn đã thông tin: Trung Sơn là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của không chỉ Thanh Hóa mà của cả nước. Cả xã có 756 hộ với 2.997 nhân khẩu. Trước kia, khi chưa có Dự án Thủy điện Trung Sơn, đời sống người dân rất khó khăn, chủ yếu là kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã lên tới trên 58%. Tuy nhiên, từ khi Dự án Thủy điện Trung Sơn khởi công, cuộc sống của bà con đã thay đổi hẳn. Người dân Trung Sơn giờ không chỉ biết trồng luồng, trồng ngô, sắn trên nương mà còn biết đến chuyện thả dê, chăn bò, rồi cả nuôi cá lồng dưới sông… Tỷ lệ hộ nghèo trong xã vì thế cũng giảm mạnh, hiện còn khoảng 32%.

Nhưng quan trọng nhất, theo ông Diện thì kể từ khi có dự án thủy điện, con đường mòn lầy lội, trơn trượt mỗi lúc trời mưa từ thị trấn Co Lương vào Trung Sơn ngày nào giờ đã được trải nhựa, bê tông hóa. Từ khi có con đường này, bọn trẻ ở đây đã dễ dàng xuống các trường cấp I, cấp II của xã để học. Rồi các thương lái vào tận nơi để thu mua ngô, sắn, luồng... Hoạt động giao thương vì thế được đẩy mạnh, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho bà con. Ngoài ra, để tạo điều kiện tốt nhất cho bà con phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình, hệ thống lưới điện đã được Trung Sơn đầu tư, xây dựng về từng khu tái định cư, sẵn sàng cấp điện cho bà con. Bám dọc theo con đường đó, đoạn chạy qua khu tái định cư là san sát những ngôi nhà sàn, nhà cấp 4 kiên cố, mái ngói đỏ...

Đứng bên ngôi nhà mới kiên cố, còn thơm mùi vôi ve, bà Ngân Thị Sạch xúc động nói: Cuộc sống của người dân ở đây trước kia nghèo khổ lắm, chẳng mấy ai dám nghĩ đến chuyện xây nhà, rồi sắm cái tivi xem chương trình thời sự… Quanh năm đi nương, làm rẫy cũng chẳng đủ ăn vì đất đai cằn cỗi, năng suất rất thấp. Cây luồng trồng 5-7 năm mới cho thu hoạch nhưng đến khi thu hoạch thì phải vác xuống sông, đóng thành bè thả trôi về dưới Co Lương mới bán được. Mặc dù phải mất nhiều năm mới được thu hoạch như vậy nhưng giá mỗi cây luồng cũng rất thấp, cây cao, to thì giá cao nhất cũng chỉ 20.000 đồng/cây, còn với những cây nhỏ, sâu, giá chỉ 10.000-11.000 đồng/cây. Vì nghèo, vì khổ nên đám thanh niên, người có sức kéo nhau đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Con trai bà cũng vào mãi tận Tây Nguyên làm thuê… Tuy nhiên, từ khi có Dự án Thủy điện Trung Sơn, những điều không dám nghĩ đó và tưởng chừng chỉ có trong giấc mơ đã trở thành sự thực. Ngoài việc được dự án hỗ trợ xây nhà (nếu không xây nhà thì có thể nhận tiền để tự xây, dự án sẽ giao mặt bằng cho người dân - PV), người dân sẽ được hỗ trợ giống cây trồng, con giống, rồi được tham gia các lớp học về nuôi trồng sao cho khoa học, hiệu quả. Chuyện nuôi con gà, con dê, làm bè thả cá dưới sông, rồi trồng cây nhãn, cây bưởi… vì thế chẳng còn xa lạ.

“Thực sự là chưa bao giờ tôi dám nghĩ sẽ được ở trong một ngôi nhà mới kiên cố như thế này. Giờ có điện lưới rồi, tôi sẽ mua cái tivi để xem chương trình thời sự và xem bà con khắp nơi trồng trọt, chăn nuôi như thế nào” - bà Sạch nói.

Thủy điện Trung Sơn đang góp phần thay đổi cả “lượng” và “chất” bức tranh kinh tế - xã hội của vùng đất nơi thượng nguồn sông Mã này. Đó không chỉ là những con đường được rải nhựa, bê tông phẳng lì nối liền Trung Sơn với các địa bàn lân cận. Đó cũng chẳng phải là những ngôi nhà sàn khang trang, kiên cố với đầy đủ những tiện nghi. Cái quý nhất mà Thủy điện Trung Sơn mang đến cho người dân ở đây là tư duy mới, lối sống mới khoa học và hiện đại. Đây mới là vốn quý, là tài sản vô giá mà dự án đã trang bị cho người dân để tạo nền tảng thoát nghèo cũng như ấp ủ những khát vọng về một ngày mai Trung Sơn sẽ là điểm du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Khi đó, các hoạt động thương mại, nhà hàng, khách sạn… sẽ phát triển, tạo điều kiện để người dân không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu trên chính mảnh đất Trung Sơn đầy khắc nghiệt này!

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 553+554

  • el-2024