Những đại võ sư nông dân

07:00 | 26/01/2017

3,794 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tra trên google những cái tên như Lý Xuân Hỷ, Lê Xuân Cảnh, Trương Văn Vịnh... sẽ cho ra những kết quả đi liền với những danh xưng trang trọng như đại võ sư, đại danh sư, kỳ nhân đất võ... Tên của họ tiêu biểu cho một thế hệ tinh hoa của võ học Bình Định. Nhưng khi tiếp xúc, tôi thấy họ thật hiền lành, chân chất, thật thà như nông dân.

Lão võ sư “vô chiêu”

Tôi gặp lão võ sư Lê Xuân Cảnh ở Nhà văn hóa thị xã An Nhơn, khi ông đang thị phạm động tác cho bài múa võ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở khu vực An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát. Lão võ sư tuổi đã cao nhưng tiếng nói vẫn sang sảng “tay trái cao hơn một chút”, “đứng tấn sâu xuống”... Khó khăn lắm chúng tôi mới mời được ông ra quán cà phê để trò chuyện. Vì ông bảo: “Viết nhiều rồi, viết gì nữa, giờ tui bận chỉnh cho lũ nhỏ, sắp đến ngày diễn rồi”.

nhung dai vo su nong dan
Lão võ sư Lê Xuân Cảnh

Nếu không được giới thiệu trước sẽ chẳng ai nghĩ ông là một võ sư nổi tiếng với việc sử dụng “hư chiêu” trong thi đấu. Lão võ sư đi đôi dép tông lào đã mòn vẹt đế, mặc chiếc quần cũ có những vết dặm chỉ rất khéo... Tuy đã rụng vài chiếc răng, nhưng giọng nói vẫn sang sảng và có phần vô tư “Chủ quán cho ly cà phê nhiều sữa, tính tui thích ngọt”.

Năm nay lão võ sư Cảnh 72 tuổi, nổi tiếng trong giới võ thuật Bình Định bởi việc sử dụng vô chiêu thắng hữu chiêu. Thoạt nghe, mọi người cứ nghĩ chiêu thức đó chỉ có trong truyện kiếm hiệp, nhưng đó là kết quả của việc rèn luyện không ngừng và sự tinh thông võ học từ nhiều môn phái. Theo lời ông Cảnh, bí kíp này ông học được ở người thầy thứ hai của mình. Ông Cảnh học võ từ năm 15 tuổi, học qua nhiều thầy. Ông bảo, ông đi tầm sư học võ là vì nhà nghèo, bị bạn đồng lứa nhà giàu thường xuyên bắt nạt, đánh đòn đau; học võ để tự bảo vệ bản thân và bảo vệ những người thân cô thế cô giống mình. Đầu tiên, ông tìm đến môn phái Lý gia với thầy là võ sư Lý Tường. Võ sư này là người giỏi về quyền đối kháng, tức là các đòn tấn công bằng tay.

Học thầy Tường được 3 năm, ông Cảnh cảm thấy các thế quyền đối kháng đã nắm được cơ bản, có thể tự tập luyện. Ông tiếp tục lên đường tầm sư học đạo. Lần này, ông tìm đến học thầy Phạm Thế Giáo, là đệ tử chân truyền của võ sư Hồ Ngạnh, nổi tiếng với đường roi nghịch Thuận Truyền. Võ sư Lê Xuân Cảnh kể, thời đó, ở xứ võ Bình Định có câu nói nổi tiếng “roi Thuận Truyền, quyền An Thái” là vì những tuyệt chiêu ảo diệu của đường roi nghịch làng Thuận Truyền, mà võ sư Hồ Ngạnh là người làm nó nổi danh với nhiều giai thoại. Trong đó, nổi tiếng nhất là giai thoại về cuộc giao đấu giữa Hồ Ngạnh và một võ sư gốc Trung Hoa là Diệp Trường Phát.

Võ sư Hồ Ngạnh ở làng Thuận Truyền, Diệp Trường Phát ở làng An Thái, cách nhau không xa. Đã biết danh nhau từ lâu, 2 người đánh tiếng giao đấu để kết bạn; với luật đặt ra là không được làm đối phương bị thương. Hiệp thứ nhất, thi đấu quyền, tay võ sư Hồ Ngạnh nhúng vào mực xanh, tay võ sư Diệp Trường Phát nhúng vào mực đỏ. Thời gian thi đấu là tàn một nén nhang. Kết thúc hiệp đấu, người ta đếm vết mực trên áo cả 2 người đều như nhau. Nhưng võ sư Hồ Ngạnh nhận thua trong hiệp này, ông lý giải là vết mực trên áo ông nhạt hơn, chứng tỏ võ sư Diệp Trường Phát khống chế được công lực khi ra đòn, không làm ảnh hưởng đến đối phương. Điều này chứng tỏ quyền thuật của võ sư Diệp Trường Phát đã đến mức thượng thừa.

Hiệp 2 đấu roi, roi của võ sư Hồ Ngạnh quấn bông 2 đầu và nhúng mực xanh, roi của võ sư Diệp Trường Phát quấn bông nhúng mực đỏ. Kết thúc hiệp đấu, người ta thấy các vết mực xanh trên áo võ sư Diệp Trường Phát tương ứng với vị trí các yếu huyệt trên người. Diệp Trường Phát lui người xin thua, chắp tay nói “Đoản côn Thuận Truyền duy hữu nhất” (nghĩa là Roi Thuận Truyền chỉ có một). Võ sư Hồ Ngạnh đáp lại rằng: “Thủ vũ An Thái ngã vô song” (nghĩa là Quyền An Thái cũng không có thứ hai). Câu nói nổi tiếng “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” bắt nguồn từ đây.

nhung dai vo su nong dan
Lão võ sư Lý Xuân Hỷ thị phạm động tác cho môn sinh

Học roi Thuận Truyền từ thầy Phạm Thế Giáo, ông Lê Xuân Cảnh đã tập luyện thuần thục các thế, các bài “đâm so đũa”, “phá vây”, “Thái Sơn côn”, “Bát quái côn”, “Tứ môn côn”... Ông Cảnh bảo, những người tập roi Thuận Truyền mà đạt đến trình độ cao, khi lâm trận mà ra chiêu, đối phương chỉ cần nghe tiếng roi vun vút trong gió đã đủ khiếp sợ. Sau khi học roi Thuận Truyền được một thời gian, ông lại tiếp tục tìm thầy học võ. Nghe danh có thầy Bửu Thắng tu tập ở chùa Quang Hoa (huyện Tuy Phước, Bình Định) có những đường roi kỳ lạ, uy lực nên ông khăn gói đến xin học. Ông kể lại, lúc đó trẻ người non dạ, lại cậy đã học võ 5 năm nên ông nói với thầy Bửu Thắng rằng, con chỉ học những thứ hay ở thầy, những thứ đã được học xin bỏ qua. Thầy Bửu Thắng hỏi đã học được những gì, ông Cảnh nói rằng đã học thành thục roi Thuận Truyền.

Để kiểm tra võ thuật của ông Cảnh, thầy Bửu Thắng nói ông vào trong lấy ra 2 cây roi và thi đấu thử. Ông Cảnh lấy roi, giở hết tất cả các tuyệt kỹ ra nhưng thầy Bửu Thắng chỉ ung dung tránh đòn rồi bất ngờ phản công bằng chính những đòn của ông Cảnh. Ông Cảnh bị thầy đánh rơi roi, bèn quỳ sụp xuống thưa rằng: “Nếu không được thầy nhận làm đệ tử, cuộc đời này con sẽ không bao giờ luyện võ nữa”. Sau đó, ông Cảnh được thầy Bửu Thắng hết tâm truyền dạy võ nghệ. Khi đã luyện võ với thầy Bửu Thắng một thời gian, ông Cảnh mới ngộ ra rằng, những chiêu thức thầy Thắng dùng để đánh bại mình năm xưa chính là vô chiêu. Thầy Thắng lý giải, đó là cách đối phương dùng chiêu gì để đánh mình thì mình dùng chính chiêu đó đánh trả.

Võ sư Cảnh ở chùa Quang Hoa luyện võ 11 năm, càng luyện ông càng ngộ ra những nét tinh túy này. Về sau, ông sáng tạo ra chiêu thức “Con ngựa xéo đá con ngựa xéo”, ông giải thích với tôi rằng, con ngựa xéo cái chân đi để né đòn của đối phương rồi dùng chính đòn đối phương vừa đánh để đánh trả. Nói thì dễ vậy, nhưng để sử dụng “vô chiêu” vào thực tế thì không dễ chút nào cả, vì khi đánh trả phải sử dụng nội công thâm hậu, ra đòn nhanh để đối phương không kịp trở tay. Và quan trọng nhất là phải am tường nhiều thế võ, môn võ để có thể vận dụng linh hoạt khi thi đấu. Sau này, khi dạy võ, rất nhiều đệ tử của võ sư Lê Xuân Cảnh muốn ông dạy cho chiêu thức này. Nhưng ông đều bảo mọi người học những thứ cơ bản của quyền, cước, roi... trước đi. Phải luyện những thứ kia đến mức thuần thục mới có thể bắt đầu luyện tập “vô chiêu”. Cái chiêu đó mơ hồ y như cái tên của nó vậy, ai ngộ ra được thì ngộ, ai có duyên thì lĩnh hội được, chứ chẳng thể truyền dạy cơ bản như những chiêu thức, thế võ khác.

Hùm xám và rồng bay

Nhà võ sư Lý Xuân Hỷ nép mình dưới bóng một cây me lớn, lúc lỉu trái, xung quanh trồng đầy cây cảnh và nuôi cả trăm con gà. Thấy cảnh tượng yên bình này, chẳng ai nghĩ đây là nhà của một võ sư từng được giới võ thuật gọi là “Hùm xám cao nguyên” với độc chiêu “Miêu tẩy diện” tức là “Mèo rửa mặt”. Võ sư Lý Xuân Hỷ là truyền nhân đời thứ 5 của võ tộc Lý gia nổi tiếng đất võ Bình Định. 8 tuổi ông đã theo cha luyện võ, nhưng đến năm 12 tuổi ông mới được cha mình là võ sư Lý Tường truyền dạy bài võ “Miêu tẩy diện” bí truyền của dòng họ. Ông Hỷ kể, cha ông bảo: “Con cứ luyện võ, đến khi nào ta ngồi yên trên bàn mà tay con chạm được vào da mặt ta, thì ta sẽ dạy “Miêu tẩy diện” cho con”. Sau 4 năm luyện tập, ông Hỷ cũng đã đạt được yêu cầu của cha. “Đó là ngày mang tính bước ngoặt đối với nghiệp võ của tôi”, ông nói.

Bài võ “Miêu tẩy diện” do ông Tổ của Lý gia là võ sư Lý Thế sáng tạo dựa theo những chuyển động linh hoạt của loài mèo. Điểm lợi hại của bài quyền này là những đòn chỏ rất nhanh, hiểm và linh hoạt khi cận chiến. Từ những tinh hoa của bài quyền “Miêu tẩy diện”, võ sư Lý Xuân Hỷ đã hàng trăm lần thượng đài, chỉ thua một lần duy nhất bởi cách tính ép điểm của trọng tài. Trước giải phóng, ông đoạt giải Vô địch tại cuộc thi võ Cao nguyên Trung phần nên được mệnh danh là “Hùm xám cao nguyên”. Biệt danh oai phong vậy, nhưng nghề chính của ông Hỷ vẫn là làm nông, tập võ chỉ vì đam mê và để rèn luyện sức khỏe.

Giới võ học phương Tây biết đến danh tiếng của ông là từ sau liên hoan võ thuật tại Nga năm 1990. Có một võ sinh người người Italia chỉ xem võ sư Hỷ thi đấu mà đem lòng cảm phục, đi làm thuê tích góp tiền để sang Việt Nam tìm học ông Hỷ. 17 năm sau liên hoan võ thuật ở Nga, võ sinh này tìm đến ông Hỷ sau hành trình đi từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rồi ngược ra Bình Định. Tại đây, võ sinh này xin đấu với ông Hỷ một hiệp, nhưng rồi chịu thua và xin ở lại nhà ông xin học võ một thời gian. Sau khi học, võ sinh này mới nói rằng bây giờ đã hiểu vì sao ông Hỷ nhỏ bé như vậy lại có thể thắng được các đối thủ có trọng lượng nặng hơn 20, 30kg. Ông Hỷ bảo, tinh túy của võ học Việt Nam là ở chỗ đó.

Nếu như võ sư Lý Xuân Hỷ nổi danh với biệt hiệu “Hùm xám cao nguyên” thì một võ sư lão nông khác là Trương Văn Vịnh (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) lại nổi tiếng với biệt danh Phi Long bởi thế võ như rồng bay của mình. Dù đã 81 tuổi, nhưng lão võ sư này sáng nào cũng thức giấc để luyện nội công. Thượng đài từ năm 18 tuổi, thân trải trăm trận nhưng chưa bao giờ ông Vịnh thua trận. Bởi theo triết lý của phái võ Phi Long Vịnh của ông, chưa chắc thắng thì không đánh. “Người luyện võ, ngoài việc khổ luyện thì cần phải có trí tuệ, phải biết nhìn nhận đối phương. Nếu nội công mình chưa thâm hậu thì phải tập luyện thêm, tìm cách đánh phù hợp. Trận nào cũng lao vào đánh càn, mất mạng như chơi”, võ sư Trương Văn Vịnh nói.Vẻ bề ngoài cũng nhỏ thó, sinh hoạt cũng đơn giản như những người nông dân, nhưng cách nói chuyện và lý giải của võ sư Vịnh là của một bậc võ giả uyên thâm.

Ông Tổ của dòng họ Trương là danh sư Trương Văn Hiến, là thầy dạy văn, võ cho 3 anh em nhà Quang Trung. Bí kíp gia truyền của dòng họ Trương nằm ở tuyệt kỹ “Ngọc trản thần công”. Tuyệt kỹ này khi biểu diễn mang dáng dấp rồng bay, nên mọi người gọi là Phi Long. Nguồn gốc của cái tên Phi Long bắt nguồn từ năm 1970, trong một liên hoan võ thuật có nhiều cao thủ trong nước và quốc tế. Khi ấy, võ sư Trương Văn Vịnh biểu diễn “Ngọc trản thần công” trên một chiếc chiếu, dáng dấp tựa rồng bay. Kết thúc bài biểu diễn, mọi người vỗ tay giòn giã và nói lớn “Phi long”, “Phi long” (nghĩa là rồng bay). Biệt danh này gắn liền với võ sư Vịnh từ đó.

Trong hàng trăm trận giao đấu của mình, Trương Văn Vịnh đều giành chiến thắng, nhưng ông chỉ sử dụng “Ngọc trản thần công” vào thực chiến trong những cuộc giao đấu với những đối thủ cực mạnh. Ông kể về 2 lần dùng “Ngọc trản thần công” hạ gục đối thủ là vào các năm 1962 và 1968. Đó là 2 đối thủ nước ngoài cực mạnh. Thạch Khen người Khơme (Campuchia) và một võ sư người Hàn Quốc đang dạy võ cho Sư đoàn Mãnh Hổ. Trong cả 2 trận đấu, võ sư đều sử dụng “Ngọc trản thần công” điểm vào các huyệt đạo, hạ gục đối thủ khi đang bị đối phương dồn ép nghẹt thở. “Khi đã dùng đến “Ngọc trản thần công” thì phải ra tay thật nhanh, mạnh mẽ, liên hoàn. Vì đây là loại đòn độc, nếu để đối phương kịp trả đòn thì sẽ tự giết mình”, võ sư Vịnh lý giải.

Đất võ Bình Định là quê hương của anh em Anh hùng áo vải Quang Trung. Một phần thành công của vị anh hùng này là nhờ tinh thần thượng võ, cái căn cốt võ học của mảnh đất Bình Định. Đến tận bây giờ, ở mảnh đất này vẫn có những người nông dân ban ngày ra đồng, buổi đêm luyện võ; vẫn có những đứa trẻ lên 8 lên 10 mà khi đứng tấn bát nước trên tay không sánh ra ngoài nửa giọt... Giữ gìn được truyền thống ấy, một phần là nhờ công sức rất lớn của những lão võ sư uyên thâm võ học mà lại thực thà như nông dân. Có lẽ, vẻ ngoài chân chất và ẩn chứa bên trong những tuyệt chiêu độc đáo, là một nét đặc trưng của những võ sư nơi đây.

nhung dai vo su nong dan
Đại danh sư Trương Văn Vịnh biểu diễn "Ngọc trản thần công"

Bình Định là mảnh đất võ nổi tiếng của Việt Nam. Võ Bình Định nằm trong tổng thể võ thuật Việt Nam, nhưng lại có những nét riêng rất độc đáo, được đánh giá là kết hợp được nhiều yếu tố, thể hiện rõ tính liên hoàn, tinh tế, uyên thâm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa cương và nhu, giữa công và thủ, giữa mạnh và yếu, giữa bên trong (tinh, khí, thần) với bên ngoài cơ thể (thủ, nhãn, chỉ và thân). Và đặc biệt, các bài tập của binh khí Côn (tiếng địa phương gọi là roi) và “Bài kiếm 12” tổng hợp lại 12 động tác đơn giản, hiệu quả nhất được chắt lọc cẩn thận.

Ngoài các nét độc đáo về võ học, võ thuật Bình Định còn có những nét giao thoa độc đáo khác với văn học, văn hóa và lễ hội. Võ thuật Bình Định đã có những nét giao thoa rất sâu với văn học qua nhiều ca dao, tục ngữ nổi tiếng như “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định múa roi đi quyền”, “Vè chàng Lía”... Võ thuật Bình Định cũng có những sự liên hệ mật thiết với âm nhạc, đó là hình thức hát bội Bình Định. Các động tác múa trong hát bội Bình Định như khai, khán, chỉ, khoát, giằng cương ngựa, lên ngựa, phi ngựa, lăn, ngã, đá, xóc, nhảy thành… được chắt lọc từ các tư thế, động tác võ thuật, từ các bài quyền. Múa có đạo cụ như cung, kiếm, thương, siêu, đao, khiên, búa, chùy… nhất thiết phải học qua các bài võ có binh khí thì mới có nền tảng để cách điệu, trau chuốt các động tác cho phù hợp, đảm bảo vừa đúng vừa đẹp, vừa khoa học vừa thẩm mỹ.

Hiện nay, tại Bình Định vẫn đang có hàng trăm lò võ được mở ở khắp các miền quê, thu hút rất nhiều môn sinh trong và ngoài tỉnh đến theo học. Trong đó, phong trào mạnh nhất tại các huyện Tây Sơn, Tuy Phước và thị xã An Nhơn.

Thanh Hiếu