Những cung đường “phượt”, hiểm nguy rình rập

07:44 | 19/05/2016

2,793 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với nhiều người trẻ, du lịch không chỉ để trải nghiệm cảm giác ở những vùng đất mới hoặc thăm thú ngó nghiêng, chụp ảnh… mà còn là trò chơi mạo hiểm.

Từ những kiểu phượt “dị”…

“Phượt” (hay đúng hơn “lượt phượt”) vốn được hiểu là một trào lưu du lịch mạo hiểm, liều lĩnh của một số người trẻ có máu “hành xác”. Tuy nhiên, thời gian vừa qua phong trào phượt đã bùng nổ và khiến cho không ít phụ huynh thấp thỏm mỗi khi đứa con cưng của mình “lên xe là phóng”. Liên tiếp nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra đối với dân “phượt”.

Chứng kiến những chuyến đi của các “phượt thủ” (mà chủ yếu quy tụ trên các diễn đàn ttvnol.com và phuot.com), người ta có thể choáng trước những trò quái dị mà người có trí tưởng tượng phong phú cũng khó đến mấy nghĩ ra. Một trong những trò quái dị đó là… nấu ăn bằng bô xe máy.

Có thời gian, tôi tham gia vào các tour du lịch bụi cùng với nhóm Fanl…, tôi đã được thưởng thức trải nghiệm về những ngày “trên từng cây số” với nhóm bạn trẻ này, mỗi người một công việc song đều có chung sở thích phiêu lưu trên các cung đường. Trước khi đi, leader (trưởng nhóm) đã phân công cho một số thành viên mua đồ ăn, nước uống… mang theo. Để khi tới những nơi đẹp đẽ, nơi sơn thủy hữu tình chúng tôi sẽ mang đồ ăn xuống. Và cảm giác uống một ly cà phê nóng ở trên đỉnh núi cùng mây gió thực sự là những trải nghiệm khó quên. Hoặc vào một đêm trăng sáng, quây quần bên đống lửa cùng nhau chuyền tay xiên thịt nướng cũng khiến bao mệt mỏi tan biến.

nhung cung duong phuot hiem nguy rinh rap
Một bạn trẻ đi phượt hỏi đường người dân địa phương

Không dừng ở đó, thời gian gần đây trong các “phượt gia”, “phượt thủ” rộ lên phong trào “nấu cỗ” bằng ống bô xe máy. Có thể tưởng tượng đơn giản như thế này. Mỗi ngày trung bình một chiếc xe máy đi chừng 100-150km. Vậy là phượt thủ đã nảy ra ý định dùng sức nóng của ống bô xe để… làm chín thức ăn. Thịt bò (lợn, gà…) được thái nhỏ, rồi tẩm ướp gia vị, gói vào giấy bạc rồi buộc chặt vào ống bô. Sau khi vượt tầm 50-60km, sức nóng của ống bô sẽ làm chín thịt. Với mỗi nhóm đi khoảng 3-5 xe là có thể nướng thịt bò, cá… để khi dừng chân là có thể “xơi ngay cho giòn”.

Một “phượt gia” đã từng chén món thịt kiểu này mô tả với tôi, vẻ rất phấn khích: “Đây là cách nướng tận dụng nhiệt lượng tỏa ra khi xe máy chạy. Thịt trong giấy bạc sẽ hấp thu nhiệt và chín dần dần. Thời gian để thịt chín hẳn là sau khi đi được 45-60km (tùy tốc độ, địa hình đường chạy...). Có thể nướng nhiều loại thịt khác nhau để làm món này, nhưng thịt bò thăn và thịt ba chỉ là ngon nhất”.

Ngon với ai, chứ tôi chỉ thấy… ghê ghê khi được mời nếm thử món ăn kỳ dị này. Có vẻ như thịt đã chín và còn… dậy mùi thơm. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh chiếc xe chạy hàng trăm kilômét, băng qua những cung đường bụi bặm, bẩn thỉu; bô xe lại là chỗ gần như thấp nhất của xe là tôi không dám đụng đũa. Một “phượt gia” lão làng khuyên chớ có ăn. Anh này cho biết, ống xả của xe máy là nơi thải các khí độc hại như cácbonic, nitơ… Những khí thải độc hại đó sẽ ám vào món thịt nướng. Rồi việc bọc thêm bất cứ thứ gì vào bô xe cũng khiến cho việc đi lại mất an toàn.

nhung cung duong phuot hiem nguy rinh rap
Dân phượt thường xuyên phải đối mặt với thời tiết xấu và những con đường khổ ải

Có những “phượt thủ”, nhiều khả năng do đã chán chăn ấm nệm êm nên đã nghĩ ra những chuyến đi rất quái chiêu. Họ cũng đi bằng xe máy, nhưng thay vì ăn uống, nghỉ ngơi ở các nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn… thì lại rủ nhau ăn bờ ở bụi, đúng theo tiêu chí “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”.

Nhân dịp chuẩn bị ra trường, một nhóm sinh viên Trường đại học Kiến trúc đã rủ nhau phượt một chuyến để đời. Nguyên do là một “phượt gia” trong nhóm được người bạn đi du học kể lại chuyến đi của họ. Rằng họ dùng ôtô, chất lên đó lều bạt, thức ăn, nước uống và cả nồi niêu xoong chảo… để đi một chuyến xuyên rừng. Đến bữa thì hạ đồ xuống nấu nướng, tối đến thì tìm chỗ rộng rãi để hạ trại nghỉ ngơi…

Nghe kể thích quá, Thanh (leader của nhóm) cũng lên kế hoạch sẽ “xuyên rừng” theo kiểu ấy, nhưng bằng xe máy. Từ Hà Nội, họ lên Phú Thọ, qua Yên Bái, ngược Hà Giang rồi xuyên sang Lào Cai, xuống Sơn La… Hành trình kéo dài đến hai tuần.

Nhóm của Thanh quên rằng điều kiện môi trường, khí hậu của ta rất khắc nghiệt. Bên cạnh đó, những người tổ chức, tham gia các chuyến đi dạng này đều phải qua một khóa huấn luyện, dạng như hướng đạo sinh. Họ phải được trang bị một số kiến thức để có thể tồn tại ở môi trường thiếu thốn về nước sạch, về vệ sinh… Do không lường được hết được những khó khăn trước mắt, nên chuyến đi của Thanh cùng bạn bè đúng là đã trở thành kỷ niệm khó quên, nhưng là kỷ niệm… buồn.

nhung cung duong phuot hiem nguy rinh rap
Topic cảnh báo làng phượt cần hết sức cẩn trọng trước khi tham gia một cung đường

Thanh kể lại. Ngày đầu lên đường, cả nhóm rất hào hứng vừa đi vừa hát hò. Tối hôm đó, dừng chân tại ven một thị trấn hiu hắt của tỉnh Sơn La, mấy anh em dựng xong lều bạt thì trời sụp tối. Ý định vào chợ mua đồ, rồi xuống nhà dân xin nước nấu ăn bị phá sản. Cả nhóm chia nhau vài miếng lương khô. Tối hôm đó, sương xuống dày đặc. Nằm ôm nhau run cầm cập. Đến sáng hôm sau thì không ai bảo ai cùng đồng thanh: “Về thôi nhỉ”.

Một nhóm khác, tuy lộ trình có khác nhóm của Thanh một chút, song muốn dấn thân vào nơi rừng sâu núi thẳm, “nơi mà chưa từng có bước chân người”. Lý do mà họ đưa ra là muốn hòa cùng thiên nhiên và cũng để “khẳng định bản thân”. Khẳng định gì thì không biết, nhưng hậu quả nhãn tiền là tốn tiền, phí sức mà lại chẳng vui. Không muốn nói đó còn là kỷ niệm hãi hùng trong đời.

Tuấn (sinh viên Trường đại học Giao thông Vận tải) cùng 5 chiến hữu lên đường trên 3 con “Rim chiến”. Do đã có kinh nghiệm về những chuyến phượt đường rừng nên mấy ngày đầu tour, cả nhóm đi đúng lịch trình. Cứ đến bữa là hạ trại dựng lều, nấu cơm nước, rượu chè vui vẻ. Thậm chí, các “phượt sĩ” còn trổ tài đàn địch, hát ca vang cả núi rừng. Nhưng càng về cuối hành trình, sức khỏe càng xuống. Đặc biệt, do ham vui nên bữa cơm nào cũng chén chú chén anh. Tới hôm thứ năm của cuộc hành trình, một thành viên trong nhóm không làm chủ tốc độ đã… phi thẳng vào ta-luy đường. Người ngợm may không sao, nhưng xe thì… nát tươm. Vậy là cuộc hành trình buộc phải hủy. Xe được khênh ra quốc lộ, chờ có xe khách chạy qua thì tống lên nhờ chở thẳng về Hà Nội.

Có thể thấy, nhiều “phượt gia” hiện tại có niềm ham mê với những vùng đất mới và sự liều lĩnh cũng… có thừa. Chính điều này đã gây nên những hậu quả không chỉ với bản thân “phượt thủ”, mà gia đình của họ cũng phải chịu.

nhung cung duong phuot hiem nguy rinh rap

Cũng có niềm đam mê những cung đường và muốn khám phá những nơi sơn cùng thủy tận. Nhóm phượt mang tên Chinhphucpro đã rủ nhau ra một trong những đảo ở hồ Thác Bà (Yên Bái). Nơi đây không có điện lưới, sóng điện thoại cũng không. Họ dự định sẽ sống một tuần ngoài đảo và cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài. Họ (trong đó còn có một nữ phượt thủ) suy nghĩ một cách ngây thơ rằng, Robinson còn sống được nơi hoang đảo thì chả cớ gì mà mình lại không cả.

Thế rồi sau khi đã lên thuyền, nhờ một ngư dân đưa ra đảo thì họ mới thấy “chợn”. Tuy cũng chuẩn bị đầy đủ lều bạt, lương thực, thực phẩm song tất cả đều không ngờ được những chuyện có thể xảy ra nơi đây.

Tấm bạt không đủ bền để chống chọi với những cơn mưa như trút nước. Và ban đêm, khi sương núi xuống thì các phượt gia đều trằn trọc vì quá rét. Ngày thứ ba của chuyến đi, nước dự trữ đã hết họ phải dùng nước sông để sinh hoạt. Và hậu quả là cả đoàn đã bị “Tào Tháo đuổi”. Tình cảnh càng trở nên bi đát hơn khi thành viên nữ bị lạc trong rừng.

Kết cục là, khi ngư dân quay thuyền ra đón đoàn thì thấy một cảnh tượng đầy hài hước. Mấy người trông như thổ phỉ, ngồi túm lại một chỗ và đang… khóc vì sợ sẽ phải ở lại nơi đây cả đời. “Phượt thủ” nữ về đến nhà mới biết, gia đình bạn bè đang tìm loạn lên, tưởng cô bị lừa bán ra nước ngoài nên chuẩn bị đi báo công an!

…đến những bài học đau xót

Tháng 11-2015 vừa qua, làng phượt choáng váng khi biết thông tin H.T.T (sinh năm 1996, quê Ninh Bình) sinh viên năm thứ hai, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội tử nạn trên cung đường phượt Y Tý (Lào Cai) vì bị xe tải chèn ép. Nguyên nhân của vụ việc là do đường khá hẹp, xe tải chạy ẩu, chèn ép khiến xe của T bị trượt bánh, ngã nhào ra đường, bị kéo lê tầm 3m. Được bạn bè đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng T không qua khỏi. Bạn đồng hành cùng nam sinh trong chuyến đi chỉ bị xây xát nhẹ. Nhóm phượt của T gồm 25 thành viên chia thành 13 xe. Đây là lần đầu tiên 9X tham gia một chuyến du lịch bụi và điều không may đã xảy ra.

Trước đó, cuối năm 2013 làng phượt rúng động trước thông tin nữ sinh Đ.T.T.H (SN 1992, quê Phú Thọ, là sinh viên một trường đại học tại Hà Nội) tử vong trên đường đi Mộc Châu (Sơn La). Theo thông tin từ một diễn đàn phượt, Đ.T.T.H tham gia Group G.Đ.P trên mạng xã hội facebook khởi hành từ Hà Nội đi Sơn La vào 18 giờ ngày 6-12-2013. Đoàn có 60 thành viên với khoảng 30 xe máy. Khi đi đến địa phận gần khu vực đèo Thung Khe (Lạc Thủy, Hòa Bình) thì xảy ra tai nạn giao thông. T.H ngồi sau bị tử vong, còn “xế” là một nam sinh được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Vốn từ lâu trên bản đồ của dân phượt, thảo nguyên Mộc Châu xinh đẹp luôn là một địa chỉ rất hấp dẫn. Tuy nhiên, từ Hà Nội để đến được vùng đất này theo Quốc lộ 6, người đi sẽ phải trải qua nhiều đèo dốc. Ngay cả với nhiều tay lái giàu kinh nghiệm cũng đều phải rất cẩn trọng khi có ý định đi cung đường này. Chỉ sơ sểnh một chút là có thể lăn xuống vực sâu. Cũng rất nhanh trên diễn đàn phuot.vn, một phượt gia có nickname là pro123 lập tức lên tiếng cảnh báo sự thiếu an toàn khi tham gia phượt cùng với nhóm G.Đ.P.

Theo anh này, leader (trưởng nhóm) của nhóm là người trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm đã vội vã tổ chức một nhóm rồng rắn 30 xe máy trên cung đường nhiều đèo dốc quanh co. Đồng thời, kỷ luật của nhóm lại rất kém. Leader thường xuyên phóng tít mù, không thèm quan tâm đến đồng đội ở phía sau. Có người không bám được khiến đoàn chia hai, chia ba. Sau khi tai nạn xảy ra, cả đoàn lập tức hủy tour, kéo nhau về Hà Nội trong hoảng loạn.

 Với nhiều bạn cứ “lên xe là phóng”, không cần biết hiểm nguy đang chờ đón mình và người ngồi sau. Một phượt gia khác cũng cảnh báo, nhiều bạn trẻ cứ nghĩ đi phượt cũng như đi trên phố. Họ không mặc đồ bảo hộ đã đành, lại chỉ đội mũ bảo hiểm theo kiểu “đối phó”. Ngay cả leader cũng không biết đường, dẫn đường sai lung tung. Bình thường thì có thể không sao, nhưng khi sự cố xảy ra thì thường là rất thảm khốc.

Cách đây chừng 15 năm, Hà Nội bắt đầu nhen nhóm phong trào phượt. Phượt gia thời kỳ này có thể là một biker (dân chơi xe phân khối lớn) hoặc một kiến trúc sư, một phóng viên… mê sự xê dịch. Hầu hết số này đều có kỹ thuật lái xe điêu luyện. Họ cũng rất am hiểu về xe, có thể sửa chữa, tháo lắp thành thục “con xế” cưng của mình. Hình ảnh quen thuộc của phượt gia thời kỳ này ngoài chiếc balô kềnh càng còn là một túi đồ nghề sửa chữa, săm lốp “sơ cua” luôn được chằng buộc kỹ càng trên yên xe. Thậm chí có “xế” cẩn thận còn “găm” cả dăm ba lít xăng vì họ lường trước những khó khăn trước mắt, như chui vào một cung đường hẻo lánh mà hàng 50km không có một cây xăng hay điểm bán xăng lẻ.

Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào “nhà nhà đi phượt, người người đi phượt” bắt đầu bùng nổ. Bên cạnh nhiều nhóm hoạt động lâu năm, có nội quy, quy tắc rõ ràng cho các thành viên tham gia thì cũng có một số nhóm mới lập, do những leader còn khá trẻ và non kinh nghiệm. Họ mới chỉ đi một vài cung ngắn đã nghĩ mình đủ khả năng tổ chức một chuyến đi dài ngày cho mấy chục con người. Bên cạnh đó, cũng đã nhen nhóm xuất hiện một số leader lợi dụng sự ngây thơ, cả tin của các thành viên để trục lợi.

Nguyễn Cường - một phượt gia lâu năm cho chúng tôi biết, thời kỳ đầu anh lấy làm tự hào sau khi chinh phục các cung đường cực kỳ khó khăn, ngay đến dân bản địa cũng hiếm khi có mặt. Còn như hiện tại, hầu như các bản làng xa xôi đều có đường liên huyện liên xã, đường cấp phối… Các phượt gia trẻ không còn phải chinh phục nữa thì xoay sang phượt kiểu “ép cung”, nghĩa là với ngần này thời gian sẽ cắm cờ (có mặt) tại ngần này địa điểm. Và đã có một sự ganh đua ngầm với nhau rằng “có 500km mà mày đi hết bốn ngày cơ á? Tao chỉ đi hết hơn ba ngày thôi…”. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm đối với các tay phượt.

Phương Anh, sinh viên năm thứ ba Trường đại học Hà Nội kể lại một cung đường khổ ải mà cô thề sẽ “cạch đến già”. Số là được bạn bè rủ rê tham gia phượt cung Tây Bắc trong vòng sáu ngày. Leader quảng cáo với thời gian tối thiểu, các member (thành viên) tham gia sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những danh thắng nổi tiếng. Nào là Thung Nai (Hòa Bình), rồi Mộc Châu (Sơn La), qua Sapa (Lào Cai) với đèo Ô Quy Hồ nổi tiếng, vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ)… mới chỉ nghe thôi đã mê rồi.

Hẹn nhau 18 giờ xuất phát từ Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đoàn người rồng rắn 15 xe máy kéo nhau đi trong đêm. Do không có kinh nghiệm nên chỉ khoảng 50km đầu đã lạc nhau tán loạn. Điểm dừng đầu tiên của đoàn vào lúc… 2 giờ sáng. Chưa kịp nghỉ ngơi thì 5 giờ đã bị hò dậy… đi tiếp. Với kiểu đi ép cung như vậy, hầu như các thành viên chỉ được chiêm ngưỡng thắng cảnh nổi tiếng vào… đêm khuya. Nhiều xế non kinh nghiệm còn thi nhau “xòe”. “Sáu ngày mà chạy 1.500km, thời gian gần như là 80% trên yên xe. Chạy kiểu ấy chưa có ai bị thương nặng là còn may” - Phương Anh rùng mình nhớ lại.

Bên cạnh việc chạy “ép cung”, một số leader còn tổ chức phượt theo kiểu “sống chết mặc bay - tiền thầy bỏ túi”. Nắm được tâm lý của các phượt gia trẻ (sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai) vốn khá xuề xòa, đi vui là chính và cũng ít kinh nghiệm, leader thường kiêm thủ quỹ thu để ăn chênh tiền chi phí trong toàn bộ chuyến đi. Mỗi chuyến đi ba ngày với 15 thành viên leader có thể “ăn” được tầm dăm, bảy triệu.

Cũng theo những phượt gia giàu kinh nghiệm, đã đi phượt là phải chấp nhận rủi ro, nhất là đi bằng xe máy. Tuy nhiên, nếu ai cũng có ý thức, kỷ luật thì sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro.

Theo nickname anhchinh thì “Đi phượt thời nào cũng có tai nạn. Ngay sau một vụ việc chết người đầu tiên vào năm 2007, box Dulich đã phát động phong trào “Ý thức khi đi du lịch” và được cộng đồng hưởng ứng. Các leader đã nhất trí một số quy tắc khi tham gia phượt như tốc độ di chuyển tối đa trong đoàn là 60km/giờ; tối đa 6 xe/nhóm, hạn chế đi đêm…”.

“Chúng ta cần phải sòng phẳng với nhau, đã là phượt gia thì phải chấp nhận thử thách, thậm chí nguy hiểm. Song phải hạn chế thấp nhất những nguy cơ tai nạn (như đi ban ngày, kiểm soát tốc độ của đoàn, sử dụng các phương tiện bảo hộ…) để không bao giờ xảy ra thảm chuyến đi đầu tiên cũng là chuyến đi cuối cùng - đó mới là điều quan trọng nhất” - phượt gia Nguyễn Cường bày tỏ.

Yên Chi

Năng lượng Mới số 523