Thị trường ôtô điện toàn cầu

Những con số đáng quan tâm

08:00 | 06/06/2018

323 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Số lượng ôtô điện lưu hành trên thế giới đã tăng gần 4 lần trong khoảng thời gian từ cuối năm 2014 đến cuối năm 2017. Gần 3,1 triệu ôtô điện đã được đưa vào lưu hành trên thế giới tính đến cuối năm 2017, trong đó gần 2/3 là ôtô chạy điện 100%, theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố vào ngày 30-5-2018.

Gần 40% ôtô điện ở Trung Quốc

Số lượng ôtô “điện” (theo nghĩa rộng gồm ôtô chạy hoàn toàn bằng pin điện có thể sạc và ôtô vừa điện vừa nhiên liệu) được tiêu thụ đạt 1,1 triệu chiếc trên toàn thế giới trong năm 2017, tăng 54% so với năm 2016, theo Global Electric Vehicles Outlook của IEA, trong đó riêng Trung Quốc chiếm hơn một nửa (580.000 chiếc, tăng 72% so với năm 2016), vượt xa Hoa Kỳ, thị trường lớn thứ hai về ôtô điện (280.000 chiếc, tăng 75% so với năm 2016).

Xét về thị phần, các nước Bắc Âu vẫn đi đầu trong việc di chuyển bằng động cơ điện: Tại Na Uy, những chiếc xe điện chiếm thị phần 39,2% trong năm 2017, Iceland 11,7%, Thụy Điển 6,3%. Tại Pháp, gần 34.780 ôtô điện đã được bán vào năm 2017 (tăng 18% so với năm 2016), nâng tổng số lượng ôtô điện lưu hành lên 118.770 chiếc. Số lượng ôtô điện tại Pháp xếp thứ 4 tại châu Âu, đứng sau Na Uy (176.310 chiếc), Anh (133.670 chiếc) và Hà Lan (119.330 chiếc). Cần lưu ý rằng, doanh số bán ôtô điện tăng hơn gấp đôi ở Đức và Nhật Bản vào năm 2017 với hơn 54.000 chiếc tại mỗi nước.

nhung con so dang quan tam
Biểu đồ mô tả sự phát triển của hệ thống sạc pin cho xe ôtô điện

Vào cuối năm 2017, IEA báo cáo rằng, trong số 3.109.050 ôtô điện lưu hành thế giới, khoảng 40% là tại Trung Quốc. Bên cạnh ôtô điện còn có gần 250 triệu xe 2 bánh chạy bằng điện và khoảng 370.000 xe buýt điện, hầu như tất cả đều lưu thông trên đường Trung Quốc (chiếm 99%).

IEA ước tính, tất cả các loại ôtô điện tiêu thụ tổng cộng 54 TWh trên toàn thế giới trong năm 2017 (bao gồm cả xe buýt và xe 2 bánh), nhiều hơn một chút so với nhu cầu điện hằng năm của Hy Lạp. Ở Trung Quốc và Na Uy, các loại ôtô điện lần lượt chiếm 0,45% và 0,78% nhu cầu điện quốc gia vào năm 2017.

nhung con so dang quan tam
Biểu đồ mô tả sự phát triển của xe điện toàn cầu

Các yếu tố giúp phát triển ôtô điện

Cho đến nay, việc triển khai các loại ôtô điện chủ yếu là nhờ các chính sách của chính phủ, đặc biệt là ở Trung Quốc và Na Uy, theo IEA. Những chính sách bao gồm mua sắm công, hỗ trợ tài chính như giảm chi phí mua, giảm tiêu chuẩn khí thải xe cộ và hạn chế giao thông... Ví dụ, ở Na Uy, chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp (miễn thuế VAT) và các ưu đãi tài chính gián tiếp (miễn phí đường bộ và vé phà, cho phép sử dụng làn xe buýt...). Ở Na Uy, ôtô điện rẻ hơn rất nhiều so với xe chạy nhiên liệu hóa thạch tương đương.

Na Uy cũng đặt mục tiêu 100% doanh số bán ôtô điện mà không cần cấm bán xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, nhờ những chính sách ưu tiên trên để khuyến khích người tiêu dùng. Điều này hơi khác so với chính sách ở một số nước châu Âu khác. Gần đây 4 nước châu Âu đã công bố các mục tiêu ngừng bán ôtô mới chạy nhiên liệu hóa thạch trong trung hạn: Hà Lan vào năm 2030, Scotland năm 2032, Pháp và Anh năm 2040. Một số chuyên gia cảnh báo việc cắt hẳn hoặc giảm nhanh chóng trợ cấp của chính phủ có thể dẫn đến sự sụp đổ của doanh số bán ôtô điện.

nhung con so dang quan tam
Trên toàn thế giới hiện có trên 3 triệu xe ôtô điện

Những tiến bộ trong sản xuất pin lithium-ion, cả về chi phí và hiệu suất của chúng (thời gian phải sạc lại), cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ôtô điện. Theo IEA, giá pin dùng cho ôtô điện hiện vào khoảng 155-360USD/kWh. IEA hy vọng sẽ có những những cải tiến hơn nữa trong vấn đề này nhưng cũng tỏ ra lo lắng trước nguồn cung cấp lithium, niken và coban dùng để sản xuất pin. Nhu cầu về coban (60%, tập trung ở Congo) có thể tăng thêm 10-25% vào năm 2030. Theo Tổ chức France Stratégie, tính đến năm 2019, các loại pin mạnh (60-100kWh) có thể sẽ xuất hiện và cho phép đi được 300-400km mới phải sạc.

Lý do quan tâm nhất của người tiêu dùng là thời gian phải sạc lại pin của ôtô điện. Vấn đề này đang làm nảy sinh vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng sạc (công cộng và tư nhân). Vào cuối năm 2017, số lượng trạm sạc riêng (tại nhà hoặc tại nơi làm việc) đã được IEA ước tính gần 3 triệu. 430.000 điểm sạc công cộng hoạt động chỉ mang tính bổ sung (15.978 ở Pháp), chỉ có 1/4 trong số đó cung cấp sạc siêu nhanh (sạc được 80% chỉ trong 40-60 phút). Sự phát triển của việc sạc nhanh này đặc biệt quan trọng trong môi trường đô thị vì những hạn chế về không gian. Ngoài ra nó cũng giúp làm tăng sức hấp dẫn của ôtô điện với người tiêu dùng, theo IEA.

Năm 2030 có bao nhiêu ôtô điện?

Theo kịch bản “New Policies” của IEA dựa trên các chính sách hiện hành hoặc đã công bố, số lượng ôtô điện toàn cầu có thể đạt 125 triệu chiếc vào năm 2030 (lên tới 220 triệu chiếc trong kịch bản “EV30@30” nhằm tăng thị phần ôtô điện trên toàn thế giới lên 30%). IEA ước tính rằng số lượng trạm sạc tư nhân sẽ vượt quá 10% số lượng ôtô điện lưu hành vào năm 2030.

Sự gia tăng ôtô điện đi kèm với nhiều thách thức, bao gồm cả nguồn thu từ thuế nhà nước giảm. Theo IEA, trong năm 2017, Trung Quốc bị mất gần 2,6 tỉ USD các loại thuế liên quan đến tiêu thụ nhiên liệu do sự phát triển của hai bánh và ba bánh điện trong nước. Do đó, theo IEA, chính phủ các nước nên xem xét việc đưa vào các loại thuế mới, ví dụ dựa trên hoạt động của xe (khoảng cách đi lại) để bù đắp cho nguồn thu từ thuế bị giảm.

Cho đến nay, việc triển khai các loại ôtô điện chủ yếu là nhờ các chính sách của chính phủ, đặc biệt là ở Trung Quốc và Na Uy, theo IEA. Những chính sách bao gồm mua sắm công, hỗ trợ tài chính như giảm chi phí mua, giảm tiêu chuẩn khí thải xe cộ và hạn chế giao thông...

D.H

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc