Những con số đáng buồn

10:15 | 06/07/2017

618 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đất nước ta có vô số các loại hoa quả được trồng khắp các vùng miền. Năng suất và sản lượng hoa quả cũng rất lớn, khả năng trong nước không thể tiêu thụ hết, phải tìm đường xuất khẩu. Thỉnh thoảng lại có một đợt khủng hoảng thừa các loại rau, hoa, quả. Ấy thế mà hiện nay, nước ta chi hàng chục tỉ USD nhập khẩu hoa quả từ Thái. Đó là chuyện đáng buồn!

Sính hàng ngoại vốn là tâm lý phổ biến của người tiêu dùng trong nước. Điều đó khiến lượng tiêu thụ hoa quả nhập ngoại tăng nhanh. Song còn một nguyên nhân nữa là hoa quả trong nước hay bị phun các loại thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo quản khiến tồn dư độc chất cao nên người tiêu dùng từ chối. Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, phân tích: ngoài năng lực cạnh tranh, năng suất thấp do sản xuất manh mún, trái cây Việt đang đối diện nghịch cảnh “chính người Việt đang tự hại lẫn nhau” bằng việc người trồng phun thuốc trừ sâu vô tội vạ, ngâm tiêm thuốc kích thích quả chín sớm. Vì ế ẩm và chất lượng thấp nên hàng khủng hoảng thừa, được mùa rớt giá tiếp tục diễn ra. Đó cũng là chuyện đáng buồn.

nhung con so dang buon
Trái cây Thái Lan tràn ngập trên thị trường Việt Nam

Cơ chế thu mua, tiêu thụ hàng nông sản, trong đó có hoa quả cũng còn nhiều thủ tục nhiêu khê và thuế, phí bất hợp lý. Chính các siêu thị trong nước lại đòi hỏi mức chiết khấu quá cao, 15-20%, rồi phí tạo mã hàng cho một sản phẩm lên đến 20 triệu đồng, chi "hỗ trợ" sinh nhật siêu thị, chi cho đứng đầu kệ...

Hoa quả của Thái Lan dù đắt người mua vẫn thích hơn hoa quả Việt Nam cùng loại. Trái cây ở Thái Lan được đưa về tập trung tại chợ, muốn mua bao nhiêu cũng có, hàng tốt hay xấu được giới thiệu rõ ràng, không dễ bị nhầm.

Khoảng 2 năm trở lại đây, Thái Lan vượt qua Trung Quốc để vươn lên ngôi vị dẫn đầu về giá trị xuất khẩu trái cây vào Việt Nam. Giá trị nhập khẩu từ Thái Lan tăng gấp đôi so với cùng kỳ và chiếm đến 57,5% thị phần. Như vậy, Việt Nam đã chi hơn 376 triệu USD, tương đương khoảng 8.560 tỉ đồng để nhập khẩu trái cây từ Thái Lan trong nửa đầu năm nay. Bên cạnh đó, tất cả các thị trường nhập khẩu rau quả khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng duy trì mức tăng trưởng hơn 85%.

Chi đến hàng chục tỉ đồng để mua trái cây Thái Lan mỗi ngày nhưng với người tiêu dùng Việt Nam, thông tin về trái cây có xuất xứ từ Thái Lan lại khá mơ hồ, đa số đều cho rằng, đó là trái cây Việt giống của Thái.

Có khách hàng chọn mua xoài keo Thái Lan tại chợ Bến Thành tỏ ra băn khoăn: “Hình như xoài này giống Thái, trồng tại Việt Nam. Ăn xoài này giòn, ngọt, thích hơn giống xoài Việt Nam”. Nhưng người bán trái cây tại chợ lại khẳng định rằng, xoài này được nhập từ Thái Lan 100% chứ không phải giống Thái trồng tại Việt Nam.

Tại các siêu thị, cách rao bán hàng cũng khiến người tiêu dùng có sự nhầm lẫn. Gói 500gr me Thái với giá 65.000 đồng, ngoài bao bì ghi rõ là me ngọt Thái Lan nhưng bảng giá treo lại ghi hàng xuất xứ Việt Nam. Mà thực ra, sản phẩm này được đóng gói và phân phối từ một công ty thương mại trong nước.

Vấn đề cạnh tranh của hoa quả Việt quả là còn rất nan giải. Các chuyên gia cho rằng, việc tổ chức lại sản xuất là điều quan trọng cho trái cây Việt. Ngoài ra, sản phẩm phải được tổ chức bằng mô hình liên kết như một số nhà đầu tư nông nghiệp công nghệ cao với ngành rau đang làm là đầu tư và thu mua tại chỗ, tránh sản phẩm đi lòng vòng… Bên cạnh đó, phải giành lại mạng lưới phân phối, hỗ trợ nhà bán lẻ trong nước có đầu tư và thu mua trái cây Việt… Quan trọng hơn là kiểm soát chặt nguồn hàng nhập khẩu bằng các công cụ kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng pháp luật, không để cho hàng trái cây kém chất lượng tuồn vào.

Đã đến lúc nhà sản xuất và nhà phân phối trong nước phải nhắm đến thị trường hoa quả nội địa với 93 triệu dân để trái cây, rau quả Việt không bị lép vế tại sân nhà. Không thể để nghịch lý nêu trên diễn ra mãi trong khi tiềm năng sản xuất của nước ta rất dồi dào, phong phú. Có như vậy mới giảm nhanh những con số đáng buồn về nhập khẩu hoa quả.

Xuân Anh