Những chuyện kỳ quái về 'Giáo sư - viện sĩ đuổi mưa' 1

07:19 | 24/10/2015

6,587 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có những người xuất hiện trên diễn đàn văn nghệ với chức danh khoa học rất đáng nể như “Giáo sư Cù Trọng Xoay” hoặc là “Bác sĩ Hoa Súng”… mặc dù họ chưa được cơ quan chức năng Nhà nước phong tặng “học hàm học vị” chính hiệu, nhưng vẫn được mọi người hoan hỉ “chấp nhận” bởi họ là những nghệ sĩ hài trên sân khấu. Nhưng nếu không phải là nghệ sĩ hài, mà chỉ là người có học vấn tầm thường, lại đăng đàn “diễn thuyết khoa học” với danh hiệu là “giáo sư viện sĩ” thì liệu có phải là “chuyện khôi hài” hay không? Vừa qua, có một vị tự xưng là “giáo sư viện sĩ” đã đăng đàn diễn thuyết về tài “đuổi mưa”. Vậy vị ấy là ai mà tài năng đến thế?  

Lập lờ đánh lận con đen

Chúng tôi đã nhờ một số cựu giáo chức từng công tác tại Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Hà Tây cũ thẩm tra giúp xem có trường cấp III nào đã dạy và cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh Lương Ngọc Huỳnh (sinh năm 1966, quê ở Quốc Oai - Hà Tây) hay không?

nhung chuyen ky di ve giao su vien si duoi mua

Tra danh sách tốt nghiệp phổ thông suốt 10 năm (từ năm 1980 đến năm 1990) mà vẫn chưa tìm được học sinh nào có tên là Lương Ngọc Huỳnh.

Nhưng có một thông tin đáng lưu ý là ở thôn Dương Cốc, xã Đồng Quan, Quốc Oai (Hà Tây cũ) có một người trùng tên là Huỳnh nhưng lại là họ Nguyễn chứ không phải họ Lương, cũng sinh năm 1966 và trình độ học vấn thì mới đang học cấp III. Điều khác biệt là bà nội anh Nguyễn Ngọc Huỳnh khi còn tại thế chỉ là nông dân thuần túy, chẳng giỏi y thuật và cũng chẳng giỏi võ thuật, trong khi đó thì ông “Lương Ngọc Huỳnh” lại tự bạch rằng, “được học y thuật và võ thuật từ… bà nội”!

Vậy vấn đề cần phải làm rõ là “ở thôn Dương Cốc, xã Đồng Quan, huyện Quốc Oai (Hà Tây) có tồn tại dòng họ Lương đã sinh ra và giáo dưỡng một vị “Giáo sư - Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh” hay không? Hay chính Nguyễn Ngọc Huỳnh đã được “cải danh” thành họ Lương để dễ bề “sáng tạo” ra cái “hành trang lý lịch kỳ bí” của mình?!

Nhưng đó mới chỉ là giả thiết mà chúng tôi đặt ra, còn sự thực ra sao thì chỉ có những người họ Nguyễn, thôn Dương Cốc, xã Đồng Quan, Quốc Oai là biết tường tận hơn cả. Đi tìm cái trường cấp III mà đã gặp phải sự kỳ bí rồi, huống chi đi tìm nơi phong cái danh hiệu “Giáo sư Viện sĩ” thì lại càng kỳ bí hơn, bởi giống như bị rơi vào “trận đồ bát quái”.

Theo các nguồn thông tin từ các cán bộ khoa học đang công tác tại Liên bang Nga gửi về cho biết, cách đây khoảng trên chục năm, ông Lương Ngọc Huỳnh được ông Nguyễn Hữu Khai cử sang Nga để quảng cáo, tiếp thị bán thuốc cho Tổng Công ty Đông Nam dược Bảo Long.

Khi ông Nguyễn Hữu Khai, Tổng giám đốc công ty vướng vào vòng pháp luật thì ông Lương Ngọc Huỳnh đã cao chạy xa bay khỏi mối quan hệ này vì sợ liên lụy trong việc làm ăn.

Trong quá trình tiếp thị bán thuốc tại Nga, ông Huỳnh có cộng tác với một tổ chức tư nhân có tên là “Học viện an ninh xã hội”, tiếng Nga là: "Общественная Академия национальной Безопасности", website:  http://www.oanb.ru. Viện này thực chất là của một nhóm tư nhân lập ra ở Nga vào năm 2009 để dạy… võ tự vệ. Bất cứ ai bỏ tiền ra là được kết nạp vào làm thành viên của học viện. Còn những học viên thì chỉ cần nộp tiền để học chương trình riêng của viện (như “võ tự vệ”…) chứ không phải là học chương trình đào tạo đại học theo tiêu chuẩn quốc gia.

Nếu đã không học đại học thì làm sao có thể làm được luận án tiến sĩ và làm sao có đủ điều kiện để được phong hàm giáo sư?

Sự hiểu lầm ở đây có lẽ là do sự ngộ nhận và lạm dụng từ ngữ trong cách dịch thuật. Các học viên của viện có thể gọi thầy dạy võ là "Профессор", có nghĩa là "thầy", nhưng người ta cũng có thể dịch theo nghĩa giống như chữ  “professor” (giáo sư) trong tiếng Anh. Cách gọi này chỉ để thuận miệng khi giao tiếp, khác với việc được một hội đồng khoa học của Nhà nước chính thức trao học hàm "giáo sư".

Như vậy, danh hiệu "giáo sư" của ông Lương Ngọc Huỳnh là không có thật. Tuy nhiên, ông Lương Ngọc Huỳnh luôn cố tình lập lờ, làm cho nhiều người nghĩ rằng đây là "Học viện An ninh" của Nga và đương nhiên ông cũng xứng đáng là “giáo sư”.

Danh hiệu "viện sĩ" là một danh hiệu rất cao quý ở Nga, được phong tặng cho những nhà khoa học đầu ngành và có nhiều công trình nghiên cứu đóng góp cho khoa học. Danh hiệu này được phong tặng bởi "Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô" và nay là "Viện Hàn lâm Khoa học Nga", tiếng Nga là "Акадкмия Наук" hay "Akademia Nauk".

Ở nước ta có Giáo sư - Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Hiệu và một số giáo sư tiến sĩ khoa học đầu ngành như Thiếu tướng - GSVS Trần Đại Nghĩa; GSVS Nguyễn Đình Tứ; GSVS Vũ Đình Cự; GSVS Vũ Tuyên Hoàng; GSVS Đặng Vũ Minh… mới được phong tặng danh hiệu cao quý của Viện Hàn lâm Khoa học này.

Như vậy danh hiệu "viện sĩ" của ông Lương Ngọc Huỳnh chỉ là “viện viên” được kết nạp và đóng lệ phí làm thành viên cái viện trên, mà chẳng cần có bằng đại học hay tiến sĩ gì cả. 

Đó cũng chỉ là cái “viện sĩ ma”!

Siêu “võ sư” bịa

Ông Lương Ngọc Huỳnh đã nhiều lần đăng đàn để giới thiệu về thành tích “thượng đài hạ knockout trên một nghìn võ sĩ quốc tế, mỗi hiệp đấu chưa đầy 1 phút”. Con số này quả là khủng khiếp, chắc chắn thành tựu của đấng “võ vương”!

Trong hồ sơ của Liên đoàn Võ thuật Hà Nội và Liên đoàn Võ thuật Việt Nam cũng chưa có thủ tục kết nạp ông Lương Ngọc Huỳnh thì ở đâu phong cho ông danh hiệu võ sư và tổ chức nào cử ông đi thi đấu võ quốc tế?

Nếu đã không có tên trong danh sách võ sĩ Việt Nam thi đấu quốc tế, thì ông “thượng đài” ở đâu mà nói rằng đã hạ “knockout” trên một nghìn võ sĩ trong các trận đấu quốc tế, mỗi trận đấu chưa đầy 1 phút?!

Kể cả trường hợp ông được Tổng cục Thể dục Thể thao phong chức võ sư và cử đi thi đấu quốc tế liên tục thì cũng phải mất vài trăm năm sau thì mới có đủ cơ số trên một ngàn lần thượng đài.

 

Vũ Kim Oanh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc