Những cây cầu nâng tầm thành phố

07:00 | 09/02/2017

900 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không quá lời khi nói như vậy về những cây cầu được xây dựng ở Đà Nẵng. Mỗi cây cầu, không chỉ đơn thuần làm chức năng giao thông, mà còn là một công trình kiến trúc độc đáo. Những cây cầu ấy đã góp phần làm nên thương hiệu của thành phố, như một động lực cho cả dải đất bờ đông sông Hàn chuyển mình vươn dậy.

1. Ngày ấy, quận Ba

Quận Ba (quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng ngày nay). Cái tên ngắn gọn và đơn giản. Đơn giản như chính con người nơi đây. Tuy mang danh công dân Đà Nẵng, nhưng người dân quận Ba lại yếm thế hơn dân quận Nhất, quận Nhì ở bờ tây dòng sông Hàn thơ mộng. Gặp nhau ở bến đò ngang, họ hỏi nhau: “Đi Đà Nẵng về đấy à, hoặc đi Đà Nẵng à!”.

Lạ chưa, cùng thành phố cả, thế mà người dân ở bờ đông sông Hàn tự coi mình như dân ngoại lai. Câu ca dao xứ Quảng đã thay người dân quận Ba nói lên vị thế của chính mình: “Đứng bên ni Hàn, ngó bên tê Hàn nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hàn, ngó bên ni Hàn phố xá thênh thang”.

nhung cay cau nang tam thanh pho
Hệ thống cầu bắc qua sông Hàn là những công trình kiến trúc độc đáo

Chẳng những thua thiệt về địa lý, về “nơi ăn chốn ở”. Con người quận Ba cũng thua thiệt rõ nhiều. Tươi mởn, thanh tân như thiếu nữ mà ở đất quận Ba, cũng bị người đời coi như “bà già quận Nhất”. Cái thua thiệt của đất và người quận Ba thời chưa xa, suy cho cùng là do giao thông cách trở. Con sông Hàn thơ mộng, chảy dọc xẻ thành phố làm hai. Cách nhau chỉ một con sông, mà bờ tây phố xá nghêng ngang, bờ đông là một vùng xa ngái. Tiêu biểu cho sự tụt hậu, thua thiệt là dãy nhà chồ tạm bợ, rách nát xiêu vẹo ven sông.

Khuôn mặt người nhầu nhĩ hiếm có nụ cười, quanh năm sớm tối lấy dòng sông làm kế mưu sinh. Nghèo đói, túng quẫn là vòng tròn định mệnh neo bao kiếp người sấp ngửa với miếng ăn, cái mặc. Không khá hơn cư dân xóm nhà chồ bao nhiêu là những những làng chài ven biển, nhà cửa lúp xúp như chòi vịt nằm kề chân sóng, nhưng được khoác trên mình cái tên rõ kêu “khu phố”. Những “khu phố”: Mân Quang, Mân Thái, An Hải Tây, An Hải Bắc, Phước Mỹ… đêm đêm leo lét đèn dầu, “đường phố” hun hút, ngoằn ngoèo, ổ gà, ổ trâu tối đen như mực. Tiếng là phố, nhưng nhà thì không có số, phố cũng chẳng có tên.

Thời mới giải phóng, rồi sau đó hàng chục năm, cả quận Ba nằm im lìm, không hề có sự dịch chuyển về xây dựng. Cả một dải đất ven biển chạy dài từ Sơn Trà đến Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn ngày nay) là những cồn, những nỗng cát mọc đầy dứa dại và muống biển. Trục đường nhựa duy nhất chạy dọc từ Cảng Tiên Sa xuôi về phía nam là đường Ngô Quyền. Hai bên đường, có đoạn dài cả “cây số” là bãi cát mênh mông, nhằng nhịt hàng rào bùng nhùng, hoang vu ớn lạnh. Hiếm hoi bóng dáng nhà xây.

Tiếng là phố xá, nhưng thi thoảng mới có một vài chiếc xe nhà binh lưu thông trên đường. Xe Lam cũ mèm, khói như luồng gió đen phủ kín cả đoạn đường mỗi khi nổ máy là phương tiện cơ giới chở khách phổ biến thời ấy, nếu lỡ một chuyến xe, phải chờ cả tiếng đồng hồ. Dân phố thị quận Ba, thời chưa xa ấy là như vậy.

2. Đổi thay từ những cây cầu

Quận Ba ngày nay có hai đơn vị hành chính là quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn. Cái tên quận Ba yếm thế ngày nào, còn chăng chỉ trong tâm tưởng của người lớn tuổi. Trong câu chuyện, người ta nhắc đến quận Ba là nhắc cho con cháu hiểu một thời khốn khó của cha ông.

Cuộc “lột xác” của quận Ba có thể tính từ khi chính quyền thành phố khánh thành cây cầu “biểu tượng” - cầu quay sông Hàn, được xây dựng bằng chính sức dân, bằng sự đồng thuận của lòng dân và được khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 25 năm Ngày Giải phóng Đà Nẵng.

Nhịp cầu mới qua sông, người quận Ba có thêm nhiều và rất nhiều niềm vui mới. Cả quận Ba là một công trường. Bộn bề của công việc bao nhiêu thì niềm vui và nụ cười của người dân càng rạng rỡ bấy nhiêu. Cầu mới nối đôi bờ, thêm phố mới, đường mới và nhà mới mọc lên. Nếu tôi nhớ không nhầm thì trước đây quận Ba (tính ở khu vực Sơn Trà) chỉ có 3 con đường có tên, đấy là Ngô Quyền, Nguyễn Quang Vinh và Trần Quang Khải. Trong 3 con đường ấy, chỉ có Ngô Quyền là con đường dài như đã nói ở phần trên. Đường Nguyễn Phan Vinh, nối từ ngã ba (đoạn nằm ngay trước cổng Đoàn Công binh 83 Hải quân bây giờ) chạy ra phía biển. Đường Trần Quang Khải, bám dưới chân núi men theo suối đá. Giờ thì, chỉ tính riêng ở quận Sơn Trà đã có hơn 500 con đường ngang dọc.

Như một hiệu ứng lan tỏa. Ngay sau khi cầu sông Hàn khánh thành thì sau đó không lâu, một hệ thống cầu mới như: cầu Tiên Sơn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Hữu Thọ ra đời. Mỗi một cây cầu như cánh tay nối dài về phía biển là làm đổi thay một vùng đất.

Hàng loạt khu đô thị mới mọc lên từ những vùng đất hoang hóa. Cả một khu vực nghèo khó ở phía nam và vùng ven biển ở phía đông lột xác trở thành những khu du lịch nổi tiếng, được kết nối với trung tâm thành phố và đô thị cổ Hội An bằng một hệ thống giao thông “năm sao”. Giờ thì tuyến đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc, trở thành tuyến đường du lịch đẹp và hiện đại bậc nhất miền Trung. Tạo ra động lực thúc đẩy du lịch phát triển.

Nếu những cây cầu được xây dựng trước và sau cầu Tiên Sơn, vừa làm nhiệm vụ giao thông, vừa là sự điểm tô cho dòng Hàn Giang thêm thơ mộng, thì cầu Tiên Sơn, cây cầu được ví là gánh trọng trách quốc gia và khu vực Đông Á, là “khớp nối” cuối cùng của hành lang kinh tế Đông - Tây. Tiên Sơn cũng là cây cầu vượt sông cuối cùng của con đường xuyên Á ra Biển Đông thông qua cảng Tiên Sa. Từ khi cây cầu này ra đời, đã tạo ra một cú hích cho Cảng Tiên Sa phát triển và mở rộng, trở thành cảng biển quốc tế quan trọng.

Cảng Tiên Sa một thời “đói hàng”, thì nay như một tấm áo chật chội. Tháng 7-2016, cảng này đã tổ chức khởi công Dự án mở rộng giai đoạn 2, với mục tiêu trở thành cảng container hiện đại, trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cùng các tỉnh Nam Lào và đông bắc Thái Lan. Năm 2016 cũng là năm cảng này “bội thu” trong việc ký kết hơn 150 hợp đồng cung cấp dịch vụ. Đã có thêm 4 hãng tàu mới là Huyndai, MSC, VOSCO và Tân Cảng Shipping chọn Tiên Sa làm hàng định kỳ. Hằng tuần có tới 25 chuyến tàu container cập cảng. Sản lượng hàng hóa qua cảng đã đạt xấp xỉ 7,3 triệu tấn, riêng sản lượng container đạt khoảng 320.000 Teus, tăng 24% so với cùng kỳ.

3. Hơn cả giấc mơ

Quận Ba một thời khốn khó giờ trở thành “thiên đường” nghỉ dưỡng lý tưởng. Những nỗng cát trải dài ven biển “chó chạy bỏng chân” đã trở thành “đất vàng, đất kim cương”. Hàng chục khu du lịch kéo dài từ ven núi Sơn Trà vào đến tận đô thị cổ Hội An, tạo ra một dải “ngân hà” với muôn ngàn sắc màu về đêm.

nhung cay cau nang tam thanh pho
Cầu quay sông Hàn khi tách nhịp để thông thuyền

Trên “bản đồ” nghỉ dưỡng của những khu du lịch nổi tiếng thế giới đã có tên Đà Nẵng không chỉ một địa chỉ và cũng không chỉ một lần. Năm 2014, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, do Sun Group làm chủ đầu tư, xây dựng ở bán đảo Sơn Trà. Được thiết kế bởi nhà “phù thủy” - Kiến trúc sư Bill Bensley, người nổi tiếng chuyên thiết kế các resort trên thế giới, đã được trao giải “Oscar” của ngành du lịch. Nói như vậy không hề quá lời, bởi sự công nhận và trao giải của World Travel Awards cho InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, là niềm mơ ước của ngành du lịch trên toàn thế giới. Giải thưởng danh giá này có tên “World’s Leading Luxury Resort 2014”. Nghĩa là: Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới. Trước đây chỉ những thiên đường nghỉ dưỡng như Maldives hay đảo ngọc Bali mới “có quyền” ao ước và được vinh danh.

Năm 2016, Đà Nẵng lọt vào “Top 10 điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á năm 2016” (Top 10 Holiday Destination in Asia 2016) do độc giả Tạp chí Smart Travel Asia bình chọn. Tổng biên tập Tạp chí Smart Travel Asia - ông Vijay Verghese đã phát biểu “Đà Nẵng đạt được danh hiệu này là nhờ vào cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, các sự kiện lễ hội hấp dẫn, những món ăn với hương vị tuyệt vời mang đậm dấu ấn địa phương và môi trường du lịch an toàn. Đà Nẵng là một điểm đến nghỉ dưỡng tuyệt vời, hiện đại, an toàn và được nhiều du khách trên toàn thế giới biết đến”. Khi ông đến Đà Nẵng để trao tặng danh hiệu Top 10 điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á

Sự đổi thay diệu kỳ không chỉ làm cho quận Ba xưa, quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn ngày nay trở thành địa danh nổi tiếng của Đà Nẵng. Du khách đến Đà Nẵng, chưa đi thăm thú các danh lam, thắng cảnh ở núi Sơn Trà, chưa đến Ngũ Hành Sơn, chưa dạo bước ở làng đá Non Nước, chưa có một đêm bên bờ biển đẹp nhất hành tinh, thì coi như chưa đến Đà Nẵng.

Lê Văn Thay và Võ Ry, hai cựu binh ở Đoàn 475, Cục Hậu cần, Quân khu 5, nhập ngũ lớp đầu tiên sau giải phóng. Nhà hai ông là hàng xóm của dãy nhà chồ. Sau mấy năm quân ngũ về lại quê hương, mưu sinh cuộc sống, ít có điều kiện gặp nhau. Rồi công cuộc “sắp đặt lại giang sơn” của thành phố. Mỗi nhà đi về một khu phố mới, bặt tin nhau từ ấy.

Ngày 22-12 mới đây hai ông gặp nhau nhờ sáng kiến của Ban Liên lạc Đoàn 475. Chuyện cũ chuyện mới cứ thế tuôn trào. Rời quân ngũ, Lê Văn Thay làm nghề sửa chữa điện tử. Khổ thay cái nghề “động” đến “điện đóm” mà cả xóm thắp đèn dầu, không thất nghiệp mới là lạ. Vậy là phải “khăn gói quả mướp” “sang” Đà Nẵng làm thuê. Giờ, nói như Lê Văn Thay “tuổi lớn rồi, mắt mũi lèm nhèm, làm “cố vấn” cho con ở tiệm sửa chữa điện tử tại nhà ở số 2 Nguyễn Văn Siêu”. Còn Võ Ry, sau vài chục năm đi “bạn” cho mấy chủ tàu làm nghề khai thác hải sản ở biển xa, tích lũy được lưng vốn giờ là lúc nghỉ ngơi dưỡng già tại đường Mỹ An 19. Chẳng cần hỏi cặn kẽ, chỉ nhìn chiếc xe máy, chiếc điện thoại hai ông đang dùng, cũng đủ biết mức sống của hai cựu binh này tương đối khá giả.

Cuộc “lột xác” của đất và người quận Ba cứ như một giấc mơ. Và giấc mơ ấy đang hiện hữu, còn hơn cả mơ ước của bao đời người dân quận Ba mong đợi.

4. Khúc vĩ thanh

Năm 2016 ngành du lịch Đà Nẵng đạt nhiều kết quả ấn tượng trên cả 3 lĩnh vực: văn hóa, thể thao và du lịch. Tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 5,51 triệu lượt, tăng 17,7% so với năm 2015.Tổng thu du lịch ước đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm ngoái. Ngành văn hóa chú trọng công tác trùng tu, bảo tồn di tích. Đáng chú ý, lễ hội cầu ngư Đà Nẵng, hô hát bài chòi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đà Nẵng cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thành công Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5)…

Quận Ba bây giờ là một phần thương hiệu của Đà Nẵng. Và không quá lời khi nói rằng, chính mảnh đất này là “bệ phóng” để Đà Nẵng tiếp tục lên. Thời của thế hệ lãnh đạo trước chưa xa khi hoạch định chính sách xây dựng những cây cầu bắc qua sông Hàn, khai thông sự tắc nghẽn để cho “chàng trai” quận Ba vươn mình như Phù Đổng. Để đất và người quận Ba rũ nghèo nàn, lạc hậu đĩnh đạc bước lên phía trước với sự tự tin sắt đá cất cánh bay lên…. Và ngày nay, vẫn những tên gọi bình dị và gần gũi, vẫn những con người sinh ra và lớn lên từ mảnh đất này, tiếp tục sự nghiệp của ông cha dựng xây những công trình mới, tao ra “bệ phóng” mới để quận Ba, để Đà Nẵng vươn tới.

Xin mượn 4 câu thơ của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh để làm lời kết cho bài viết này “Mắt nhìn thẳng và chân ta bước tiếp/ Xây thành phố này vươn tới tầng cao/ Qua năm tháng những gì ta có được/ Một bước tự hào Đà Nẵng của tôi ơi!”.

Năm 2016, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP tính theo phương pháp giá cơ bản) ước tính tăng 9,04% so với năm 2015. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước tăng 10,3% (năm 2015 tăng 9,1%). Giá trị sản xuất công nghiệp - Xây dựng ước tăng 10,4%, trong đó công nghiệp ước tăng 11,57% (năm 2015 tăng 6,1%). Giá trị sản xuất thủy sản nông lâm ước tăng 7,22% so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.246 triệu USD tăng 4,94%. Tổng thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 25.392 tỉ đồng, đạt 169,84% so với kế hoạch và tăng 19,59% so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 32.197 tỉ đồng, tăng 2,68%.

GDP bình quân đầu người tính theo giá hiện hành: Năm 2016 ước đạt 66,6 triệu đồng/người/năm (năm 2015 đạt 61,6 triệu đồng/người/năm); Tính theo giá hiện hành bằng tiền USD, năm 2016 đạt 2.980USD/người/năm, năm 2015 ước đạt 2.825USD/người/năm (tăng gần 5,5%). Trong năm 2016, thành phố có 6.070 hộ vươn lên thoát nghèo, đạt kế hoạch 132%;

Công tác y tế dự phòng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc ngăn chặn có hiệu quả các dịch bệnh mới như ebola, cúm A (N7H9), mers-CoV xâm nhập vào thành phố. Kịp thời khống chế, không để dịch sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, sởi… bùng phát, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và không có tử vong do dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Toàn thành phố có tổng cộng 28 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có 5 bệnh viện thuộc bộ, ngành, 7 bệnh viện tư nhân và 7 trung tâm y tế quận huyện, 9 bệnh viện thuộc tuyến thành phố. Có 13 đơn vị y tế dự phòng; 56 trạm y tế xã phường; 1.819 cơ sở hành nghế y tế tư nhân. Tổng số giường bệnh toàn thành phố là 7.099 giường bệnh, năm 2016 ước đạt 67,68 giường bệnh/10.000 dân.

Trình độ chuyên môn của cán bộ y tế ngày càng được nâng cao. Năm 2016, toàn ngành y tế (chưa tính các bệnh viện bộ, ngành) có gần 1.400 bác sĩ gồm 19 tiến sĩ, 273 thạc sĩ, 132 bác sĩ CKII, 442 bác sĩ CKI, 407 bác sĩ và 98 dược sĩ đại học và trên đại học. Bên cạnh đó, có gần 2 ngàn cộng tác viên dân số sức khỏe cộng đồng tại tất cả các thôn, tổ dân phố tham gia các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe và chăm sóc sức khỏe cho người dân tại tuyến y tế cơ sở.

Năm 2016, BHXH thành phố đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 39 đầu mối cơ sở như bệnh viện, phòng khám đa khoa, y tế cơ quan, trạm y tế xã, phường và các cơ sở y tế tư nhân. Số thu mà BHXH thành phố được giao chỉ tiêu là 3.818 tỉ đồng, tính đến 15/12 đã thu được gần 3.500 tỉ, đạt hơn 90% kế hoạch, phấn đấu hết năm BHXH thành phố năm nay sẽ đạt 102-105% kế hoạch.

Về thực hiện các chế độ chính sách, hiện BHXH thành phố quản lý chi trả cho khoảng 45.000 người hưởng lương hưu và chế độ BHXH hằng tháng như tử tuất, mất sức lao động… với tổng số chi trả khoảng 150 tỉ/tháng, ngoài ra hằng tháng chi trả cho khoảng 5.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đà Nẵng là một trong những tỉnh thành đứng đầu cả nước về tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% và đạt tỷ lệ 65,11 giường bệnh/10.000 dân; đạt tỷ lệ 15,12 bác sĩ/10.000 dân. Có 56/56 xã, phường (100%) đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành vượt chỉ tiêu trước 5 năm so với kế hoạch của Bộ Y tế.

Đặng Trung Hội