Những cái chết vì… thuốc lá

07:17 | 05/11/2015

1,330 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở Việt Nam, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất, chiếm khoảng 12,4% các bệnh ung thư. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong do ung thư phổi ước tính bằng cả 4 loại ung thư đại trực tràng, vú, tiền liệt tuyến và tụy cộng lại. 

Trong khi đó, những con số đưa ra từ các cuộc điều tra rất đáng lo ngại về tỷ lệ ung thư phổi ở nước ta thời gian gần đây: Mỗi năm, cả nước có hơn 20.000 bệnh nhân ung thư phổi mới được phát hiện và có tới 17.000 trường hợp tử vong. Trong số các trường hợp ung thư phổi nhập viện, 62,5% không còn khả năng phẫu thuật.

Một con số cũng đáng được lưu ý nữa là ung thư phổi phổ biến ở nam giới hơn nữ giới, mà một trong các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư phổi chính là thuốc lá. Thống kê tại Bệnh viện K cho thấy, có tới 98% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá, chỉ có 3,2% là không hút thuốc.

nhung cai chet vi thuoc la
Phẫu thuật phổi cho một bệnh nhân

Trên thế giới có khoảng 1,3 tỉ người hút thuốc lá. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ lên tới trên 1,6 tỉ người. Trên thế giới, có khoảng 6 triệu người chết do hút thuốc lá hằng năm và 600.000 người chết do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động. Riêng ở Việt Nam, theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là một trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, với tỷ lệ nam giới hút thuốc chiếm tới 47,4% (trung bình cứ 2 nam giới có 1 người hút thuốc).

Không chỉ số người trực tiếp hút thuốc bị ảnh hưởng, mà những người thân sống cùng họ cũng thường xuyên phải ngửi khói thuốc của họ và bị ảnh hưởng. Vì thế, cả nước có khoảng 15,3 triệu người hút thuốc, nhưng vẫn có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc trong nhà. 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà. Ước tính chi phí y tế và các thiệt hại do ốm đau và tử vong sớm lên tới trên 23 ngàn tỉ đồng mỗi năm, đủ thấy, chi phí cho gánh nặng từ hậu quả của thuốc lá lớn thế nào.

Cũng theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, cùng khoảng 1 tỉ USD thiệt hại do chi phí điều trị và mất năng suất lao động do thuốc lá gây ra. Bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam.

Thuốc lá là nguyên nhân của nhiều bệnh và thương tật, gây mất khả năng lao động và tử vong sớm và trở thành gánh nặng kinh tế của xã hội. Nguy cơ tử vong sớm so hút thuốc lá là rất cao. Một nửa những người thường xuyên hút thuốc bị chết sớm do sử dụng thuốc lá và một nửa trong số này chết ở độ tuổi trung niên, mất khoảng từ 15 năm đến 20 năm của cuộc sống.Tại các nước có thu nhập cao, tỷ lệ hút thuốc lá đang giảm đi, ngược lại sử dụng thuốc lá đang có xu hướng gia tăng tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong khu vực ASEAN, với trên 120 triệu người trưởng thành hút thuốc lá, các nước thành viên phải chi nguồn ngân sách đáng kể cho y tế liên quan đến hút thuốc lá, gấp nhiều lần so với lợi nhuận kinh tế do thuốc lá đem lại.

Chính vì những lý do trên, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung FCTC rất sớm cùng hàng loạt biện pháp nhằm giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá: Xây dựng lộ trình về thuế các sản phẩm thuốc lá theo hướng: Tăng thuế và giá của các sản phẩm thuốc lá; áp dụng mức thuế cao đối với các sản phẩm thuốc lá nhập khẩu; áp dụng các biện pháp về quy định giá tối thiểu các sản phẩm thuốc lá. Từ 1-1-2010 đã nghiêm cấm hút thuốc lá ở lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng. Tại nơi cấm hút thuốc lá phải treo biển có chữ hoặc biểu tượng “Cấm hút thuốc lá”. Tại các nơi công cộng trong nhà (nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che, trung tâm triển lãm, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng) và khu vui chơi, giải trí trong nhà, các nhà hàng, quán bar, karaoke, khách sạn, vũ trường chỉ được phép hút thuốc tại khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá; những nơi dành riêng cho người hút thuốc lá cần có thông khí riêng biệt. Từng bước tiến tới cấm hút thuốc lá tại tất cả những nơi công cộng trong nhà.

Hiện Việt Nam đã có chế tài xử phạt vi phạm đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, là các quy định chặt chẽ với việc sản xuất và bán thuốc lá: Các nhà sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm thuốc lá phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền thông tin về hàm lượng tar (hắc ín), ni-cô-tin có trong các sản phẩm thuốc lá và khói thuốc lá và công bố các thông tin về thành phần tar (hắc ín) và ni-cô-tin theo quy định của Bộ Y tế; quy định việc dán tem, đóng gói và ghi nhãn mác của các sản phẩm thuốc lá: Thực hiện in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe.

Ngoài ra, ngành y tế đã và đang tăng cường các chương trình giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, về lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá và lối sống không thuốc lá, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện chương trình giáo dục và ngăn ngừa thanh thiếu niên sử dụng các sản phẩm thuốc lá.

Những năm gần đây, nước ta cũng có nhiều biện pháp giảm cung cấp các sản phẩm thuốc lá: Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định cấm bán các sản phẩm thuốc lá tại cơ quan, nơi làm việc, tại trường học, bệnh viện, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại những nơi có quy định cấm hút thuốc lá theo quy định hiện hành. Từ 2010 đã hoàn thành việc cấp giấy phép cho các tổ chức, cá nhân buôn bán các sản phẩm thuốc lá, nhằm ngăn chặn việc buôn bán bất hợp pháp; hoàn thành việc xây dựng quy hoạch lại mạng lưới bán buôn và bán lẻ các sản phẩm thuốc lá trong toàn quốc, trước mắt tại các thành phố lớn.

Các ngành phối hợp tăng cường các biện pháp chống thuốc lá giả các loại, thuốc lá ngoại nhập lậu, cũng như tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu thuốc lá, buôn bán thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác và kinh doanh trái phép các sản phẩm thuốc lá. Thực hiện nghiêm quy định tiêu hủy (không cho tái xuất khẩu) các sản phẩm thuốc lá và phương tiện sản xuất thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác, thuốc lá nhập lậu và các sản phẩm thuốc lá bất hợp pháp khi bị tịch thu.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, vì thuốc lá là một sản phẩm gây nghiện, giá thuốc lá còn rẻ, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới còn rất cao, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc của người dân còn hạn chế. Vấn đề ý thức tự giác chưa cao của người dân là một nguyên nhân tác động xấu đến việc kiểm soát thuốc lá. Có bệnh viện tư lắp camera an ninh để ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá tại khuôn viên bệnh viện, bảo vệ sức khỏe cho chính bệnh nhân, thì người nhà bệnh nhân, thậm chí chính bệnh nhân, lại có tình chui vào nhà vệ sinh để hút thuốc, để không bi lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt. Tình trạng người nhà, hay bệnh nhân trốn vào nhà vệ sinh để hút thuốc khá phổ biến ở nhiều bệnh viện. Việt Nam đã thực hiện tăng thuế thuốc lá, nhưng so với mặt bằng chung thì giá thuốc lá vẫn rất rẻ nên vẫn chưa hạn chế được số người hút thuốc. Thuốc lá vẫn còn bán thoải mái ở nhiều nơi cấm và việc nhiều nơi chưa thực hiện môi trường không khói thuốc không hề hiếm.

Những lý do đó cho thấy, chỉ có cam kết thực hiện Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá và kiên quyết thực hiện cấm và phạt người hút thuốc lá ở nơi công cộng thật nghiêm mới có thể giảm số người mắc bệnh, số người tử vong cũng như những khoản chi rất lớn do thuốc lá gây ra.

 

Xuân Bách

Năng lượng Mới 471