Những bức thư cất giữ nửa thế kỷ

07:27 | 24/12/2017

629 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bà Phan Thị Bé hiện trú tại phường Lê Mao (TP Vinh) người vừa đồng ý trao tặng những lá thư của chồng là Phan Huy Chương gửi về trước khi hy sinh lưu giữ hơn nửa thế kỷ qua cho bảo tàng với tâm niệm bây giờ không còn là chuyện riêng tư, chuyện gia đình mà đã thành chuyện của một thời, của đất nước. 

Ở độ tuổi 85, bà Bé vẫn còn minh mẫn vẫn nhớ gần như hết thảy những sự kiện lớn diễn ra trong cuộc đời. Bà có khuôn mặt phúc hậu, mái tóc dài in đậm dấu vết của thời gian. Và khi gặp, chúng tôi mới được biết không chỉ có bức thư đã tặng bảo tàng, mà bà Bé đang lưu giữ gần 30 bức thư khác của liệt sĩ Phan Huy Chương. Bà tâm sự: “Ông nhà tôi hy sinh năm 1967, nghĩa là đã tròn 50 năm, vậy mà có lúc ngỡ như ông còn sống và đang đi công tác, chiến đấu ở một nơi rất xa. Giữ những lá thư này, tôi luôn mong lưu giữ được hơi ấm của chồng để tiếp thêm sức mạnh, giúp vượt qua những nỗi gian nan và những điều ngang trái trong cuộc sống”.

nhung buc thu cat giu nua the ky

Bà Phan Thị Bé và con gái Phan Tố Lan xem lại những bức thư đang được gia đình lưu giữ (ảnh: Nguyên Khang)

Bà Phan Thị Bé kể rằng, bà và chồng sinh cùng năm 1933, quê bà ở xã Hưng Khánh (Hưng Nguyên), quê ông ở xã Đức Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Sinh ra ở hai vùng quê, sau khi kết hôn, vợ chồng bà chọn đất Vinh lập nghiệp, sinh được 3 cô con gái xinh đẹp, thông minh và ngoan hiền, đặt tên là Tố Lan, Thúy Anh và Bích Ngọc. Lớn lên trong cảnh chiến tranh loạn lạc, trước khi lấy chồng, chị Bé từng đi dân công hỏa tuyến ở Thượng Lào, thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho bộ đội ta đánh Pháp. Ông Phan Huy Chương, 14 tuổi đã được học lớp thiếu sinh quân, 17 tuổi có mặt trong quân ngũ, cuộc đời gắn liền với chiến trận, qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước, dân tộc. Năm 1959, người chiến sĩ trẻ ấy được cử đi học tại Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Vinh, trở thành thế hệ đầu tiên của ngôi trường này. Ra trường, ông được điều về làm công tác giảng dạy tại Trường Văn hóa Quân khu 4, chính thức trở thành một người thầy.

nhung buc thu cat giu nua the ky

Tập thư của người chồng liệt sĩ được bà Phan Thị Bé lưu giữ suốt nửa thế kỷ qua

Mỹ đẩy mạnh leo thang đánh phá miền Bắc, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của quân và dân ta, ông Chương viết đơn xin được vào miền Nam trực tiếp chiến đấu. Vào chiến trường, Phan Huy Chương được biên chế vào Đoàn 559 với nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường giao thông huyết mạch dọc đường biên giới Việt - Lào. Binh trạm 32 của ông Chương nằm ở km 18, phía bên kia bến phà Bạc, thuộc tỉnh Sê Kông (Lào). Ở nhà, bà Bé làm việc trong một cơ quan thương nghiệp của thị xã Vinh, một mình gánh vác việc nhà và chăm nuôi 3 con nhỏ.

nhung buc thu cat giu nua the ky

Liệt sĩ Phan Huy Chương (ảnh tư liệu)

Đúng như lời hứa trước lúc lên đường, mỗi khi có thì giờ rảnh rỗi, ông Chương lại biên thư về thăm vợ con. Những bức thư gửi về, ông thường không ghi rõ địa điểm, cũng không nói nhiều về hoàn cảnh sống và chiến đấu ở chiến trường, chủ yếu thăm hỏi và động viên người vợ trẻ ở hậu phương. Đây là những dòng mở đầu của bức thư đề ngày 31-3-1965: “Em yêu! Nghe tin anh bị thương những hai lần, anh biết thế nào em cũng lo lắng và bồn chồn, mong được gặp lại anh ngay. Đừng em ạ, anh biết em dũng cảm lắm, từ ngày lấy em đến nay anh đã thấy em khóc bao giờ đâu? Trừ ngày thầy em mất. Bây giờ cũng vậy thôi, lấy anh bộ đội, phải xác định rằng, mình phải đảm nhiệm tất cả cho chồng đi giết giặc...”. Và, trong bức thư viết ngày 27-9-1966, ông Chương dành gần như toàn bộ để chuyện trò và bộc bạch tình cảm với các con: “Nếu có ba ở nhà, các con sẽ được ba thương, ba sẽ bày vẽ cho các con được học đầy đủ tất cả, nhưng ba phải đi đánh thằng giặc Mỹ. Khi giành được độc lập, thống nhất, hòa bình, các con sẽ được ba về thăm thật lâu. Ba sẽ lại đưa các con về Vinh, sẽ lại ở nhà tầng và tung tăng đi học...”.

Là những bức thư tình, được viết trong hoàn cảnh chia xa, trong cảnh khói bom ác liệt nhưng không có một chút ủy mị, tất cả toát lên ý chí và niềm tin. Bức thư cuối cùng bà Bé nhận được viết vào ngày 6-3-1967, nội dung vẫn là những lời dặn dò, động viên vợ con vượt lên hoàn cảnh để lao động và học tập tốt.

Ông Phan Huy Chương hy sinh ngày 24-11-1967 ở mặt trận phía Tây, gần bến phà Bạc, thuộc tỉnh Sê Kông (nước bạn Lào). Được tin, người vợ trẻ như rụng rời tay chân, có lúc gần như không còn thiết sống. Nhưng 3 đứa con còn nhỏ dại, bố đã hy sinh, nay mất mẹ sẽ như đàn gà con ngơ ngác. Chỉ cần nghĩ thế, bà Bé liền gượng dậy và bắt đầu cảnh sống mới - cảnh mẹ góa, con côi. Một lần nữa, những bức thư năm nào chồng gửi về từ chiến trường lại trở thành nguồn sức mạnh, thành điểm tựa để người mẹ trẻ và các con vượt qua những mất mát, khổ đau, gian nan, thiếu thốn. Nửa thế kỷ qua, những lá thư vẫn nguyên nếp gấp và vẹn nguyên một tấm chân tình, được người vợ liệt sĩ luôn nâng niu, trân trọng.

nhung buc thu cat giu nua the ky
nhung buc thu cat giu nua the ky

Bức thư của liệt sĩ Phan Huy Chương viết ngày 31-3-1965

Sau thoáng trầm ngâm, bà Phan Thị Bé chia sẻ: “Giờ đây tôi thật sự thanh thản vì các con đều đã trưởng thành, mộ chồng đã được gia đình tìm và đưa về nghĩa trang thành phố. Những lá thư tôi lưu giữ đã được các con biên tập, in ấn thành tập truyện ký “Sống mãi với thời gian” để con cháu đời sau hiểu hơn về một gian đoạn lịch sử. Ở nơi chín suối, chắc ông ấy cũng đang ngậm cười...”.

Những bức thư năm nào chồng gửi về từ chiến trường đã trở thành nguồn sức mạnh, thành điểm tựa để người mẹ trẻ và các con vượt qua những mất mát, khổ đau, gian nan, thiếu thốn.

Trần Công Kiên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc