Những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Nga - phương Tây

19:00 | 12/08/2014

2,635 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc chiến tranh thương mại giữa Nga và phương Tây đang gây ra những ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế các nước tham gia. Sau Pháp, Ba Lan cũng đang gấp rút trình những kế hoạch của mình lên Liên minh châu Âu (EU) để có những sự trợ giúp thỏa đáng cho những thiệt hại của nền kinh tế nước này sau lệnh cấm vận của Nga. Trong khi đó, ở biên giới Nga - Trung Quốc, việc giao thương các mặt hàng nông sản đang diễn ra rất nhộn nhịp.

Lao đao vì lệnh cấm vận của Nga

Ba Lan là nước bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ các biện pháp trừng phạt trả đũa của Nga đối với Liên minh châu Âu (EU). Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế Ba Lan, GDP của Ba Lan sẽ sụt giảm khoảng 0,4% vì lệnh cấm nhập khẩu những nông sản của Ba Lan từ Nga.

Kể từ ngày 7-8, Nga thực thi lệnh cấm nhập khẩu 1 năm đối với hầu hết các sản phẩm rau hoa quả nhập từ Ba Lan như lê, anh đào, mận, bắp cải, súp lơ và lệnh cấm này đã giáng một đòn mạnh vào thị trường táo tươi của Ba Lan. Lệnh cấm này của Moskva cũng dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung thực phẩm tại chính quốc gia này.

Những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Nga - phương Tây

Bên cạnh lệnh cấm nhập khẩu nông sản có nguồn gốc từ Ba Lan, Nga cũng cấm nhập khẩu thịt lợn từ quốc gia này, sau khi virus sốt lợn châu Phi được phát hiện trong xác lợn rừng ở khu vực gần biên giới Ba Lan.

Các chuyên gia kinh tế ước tính tổng thiệt hại gây ra bởi các lệnh cấm này có thể lên tới 850 triệu euro (1,14 tỷ USD), tương đương 10% kim ngạch xuất khẩu của Ba Lan sang Nga.

Chính phủ Ba Lan đang triển khai một loạt giải pháp để hỗ trợ nông dân và các nhà vườn giảm bớt thiệt hại. Trong đó có đề xuất lên EU đòi bồi thường thiệt hại cho các nhà sản xuất táo của nước này.

Theo ông Rafal Benecki – chuyên gia kinh tế của Ba Lan, lệnh cấm vận của Nga không chỉ tác động bất lợi trực tiếp tới Ba Lan, mà còn ảnh hưởng tiêu cực lên các nền kinh tế khác trong EU, bởi vì hàng hóa của Ba Lan cũng không thể bán sang Nga thông qua bất kỳ nước nào.

Ngoài ra, giá thực phẩm trong nước cũng sẽ giảm mạnh vì nguồn cung sẽ vượt cầu. Trong khi đó, theo tính toán của Mychal Dybula, chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Pháp BNP Paribas, ảnh hưởng tiêu cực (từ lệnh cấm của Nga) sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Ba Lan giảm khoảng 0,4 % trong năm 2014.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin (phải)

Biên giới Nga – Trung nhộn nhịp giao thương

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, để đảm bảo an ninh lương thực của người dân Nga, một khu vực thương mại xuyên biên giới chuyên mua bán trái cây và rau quả sẽ được tạo lập ở tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) - nơi có đường biên giới với Nga.

Theo thông tin của truyền thông địa phương, thì trong quận Đông Ninh sẽ khai trương khu vực kiểm soát hải quan đặc biệt của hãng “Baozhun”. Và tại đây sẽ tổ chức xuất khẩu trực tiếp trái cây, rau quả sang Nga.

Khu vực giao thương này có diện tích rất rộng lớn, trang bị các kho lạnh và những thiết bị cần thiết khác để đảm bảo rau quả. Một kế hoạch tương tự cũng đang được công ty Trung Quốc khác là “Dili” tiến hành nhằm đảm bảo cung ứng những sản phẩm rau quả sang thị trường Nga.

Rõ ràng, cuộc chiến thương mại giữa Nga và Phương Tây có thể khiến cả hai bên thiệt hại. Nhưng Nga chắc chắn sẽ phải cần tới Trung Quốc để có thể mua thực phẩm cũng như hợp tác trong hoạt động tài chính.

Trong khi đó, ông Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga cho biết, Nga sẽ sử dụng mọi khả năng mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cung cấp để bảo vệ lợi ích của mình, trong đó có việc đối phó với biện pháp trừng phạt đến từ phương Tây.

Ông Peskov cũng nhận xét rằng, việc Mỹ đe dọa trừng phạt kinh tế Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng việc đó không thể cản trở được sự hợp tác giữa Nga với các nước còn lại không theo phương Tây.

 

Tú Cẩm (tổng hợp)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc